Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008

TS Lê Đăng Doanh

Nguồn Đài RFA
2008.04.15

Nhận định của TS Lê Đăng Doanh

về thư ngỏ của cựu TT Võ Văn Kiệt



Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thư ngỏ mới nhất được các báo đăng tải, đã đặt vấn đề về sự chệch đường trong thực hiện chính sách công nghiệp hóa, khiến nông dân và người nghèo không được hưởng lợi. Thông điệp của nhân vật từng lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới đầu thập niên 1990 mang những ý nghĩa gì? Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này qua cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhiều uy tín ở Việt Nam, ông hiện sống và làm việc ở Hà Nội trong lãnh vực nghiên cứu ngoài chính phủ.

Chệch đường trong thực hiện chính sách

Nam Nguyên: Thưa tiến sĩ, phải chăng ở Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, người nông dân vừa ly nông vừa ly hương và làm việc với đồng lương ít ỏi. vậy là ngược với chủ trương ly nông bất ly hương? Thực tế này như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Bài của thủ tướng Võ Văn Kiệt có đề cập tới một vấn đề rất quan trọng mà lâu nay ít được nghiên cứu ở Việt Nam: đó là những người di dân, có tình trạng phức tạp là chúng ta hiện nay chưa biết và chưa có công trình nghiên cứu nào về qui mô mức độ di dân, bởi vì người dân di dân ra thành phố không được đăng ký hộ khẩu, không được hưởng chế độ phúc lợi cũng không được hưởng các chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ và thành phố nơi người ta kiếm sống thì không công nhận đấy là công dân của họ, không đăng ký hộ khẩu ngân sách địa phương không chịu trách nhiệm không bảo đảm, con cái sinh ra không được đi học. Muốn đi học phải chạy tới chạy lui rất khó khăn.

Chính vì vậy quốc hội vừa rồi đã yêu cầu là phải sửa qui chế này. Quay trở lại vấn đề này, chúng ta thấy hiện ra lỗ hổng là nơi địa phương có nhân dân đi biết là họ đi nhưng cũng không chịu trách nhiệm. Địa phương, thành phố nơi họ đến sống và họat động như ở Hà Nội, TPHCM, họ sống thế nào, bao nhiêu người, cũng không nằm trong trách nhiệm của chính quyền nơi đó.

Theo tôi đây là vấn đề trước hết cần có sự điều tra, sửa đổi các chính sách và có những chính sách di dân công khai minh bạch có điều kiện rõ ràng và khắc phục tình trạng di dân bất hợp pháp này. Đây là tôi chưa nói tới tình trạng đồng bào dân tộc từ miền Bắc, từ Thanh Hóa di dân vào Tây Nguyên cũng ở trong tình trạng như vậy.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng không giàu có gì, nhưng cứ lâu lâu phải cưu mang vài ba trăm, vài ngàn đồng bào từ miền Bắc vào, lại phải xây lán trại, xây trạm y tế, xây dựng trường học. Những khỏan tiền đó họ xin không được phải lấy từ ngân sách địa phương, nhưng theo tính tóan của bộ tài chánh những người này không phải là công dân của địa phương và không được chuẩn chi. Cho nên quá trình này đúng là một vấn đề phức tạp.

Nam Nguyên: Thưa TS, quốc sách là câu chuyện lớn, một cựu thủ tướng, kiến trúc sư thời kỳ đổi mới phê phán mạnh như vậy. Theo ông có phải là Việt Nam sẽ phải đổi mới một lần nữa trong chính sách phát triển.

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi quá trình công nghiệp hóa cho tới nay đã đạt một số thành tựu nhất định. Tuy vậy vấn đề là chỗ chúng ta đã bỏ quá nhiều vốn vào các công trình lớn mà ít tạo ra được công ăn việc làm. Hiện nay kinh tế quốc doanh chiếm 38% GDP , nhưng sử dụng tới 50% số vốn đầu tư của ngân sách và 70% tín dụng, nhưng chỉ tạo ra được độ 8 tới 9% công ăn việc làm mà thôi.

Gần đây hầu như không tạo ra được công ăn việc làm mới, trong khi đó kinh tế tư nhân được rất ít tín dụng, rất ít trợ giúp từ ngân sách Nhà nước nhưng tạo ra được phần lớn công ăn việc làm. Vấn đề là như vậy cho nên cần bỏ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư vào các doanh nghiệp ở vùng nông thôn. Đầu tư vào những mô hình cụm công nghiệp ở vùng nông thôn và đấy là những ý kiến của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt mà tôi hòan tòan ủng hộ.


Phúc lợi của người nghèo?

Nam Nguyên: Như thế có nghĩa là ly nông bất ly hương?

TS Lê Đăng Doanh: Vâng, phải tạo ra mô hình ly nông bất ly hương. Nếu không sẽ lập lại thảm họa ở các thành phố khác như ở châu Mỹ La Tinh ở Mexico hay Bangkok, vấn đề di dân bất hợp pháp tạo ra những vấn đề hết sức phức tạp như ở Bắc Kinh, Thượng Hải ở Trung Quốc. Đấy là những vấn đề tội phạm, trật tự xã hội v.v...

Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này, nhìn nhận thực trạng và phải có nghiên cứu động lực, qui mô và phải có giải pháp rốt ráo với tình trạng di dân bất hợp pháp này. Không thể nhắm mắt là nơi có dân đi không chịu trách nhiệm gì, mà nơi nhận dân đến cũng không có chính sách để đối xử với người ta như một công dân. Tinh thần thay đổi về sổ hộ khẩu mà quốc hội quyết định là bước khởi đầu đúng hướng nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để khắc phục tình trạng này

Nam Nguyên: Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận là, phúc lợi của người nghèo ở một số nước tư bản cao đến mức mà các nhà lý luận của Việt Nam nên tham khảo. Thưa, ông nhận định gì về điều này.

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi tình trạng phúc lợi ở Việt Nam đang có ba vấn đề. Một là chúng ta chưa có chế độ công khai về kiểm sóat thu chi một cách nghiêm ngặt, vì vậy cho nên rất nhiều nguôn thu ngân sách không thu thuế được.

Thí dụ nguồn thu từ đầu tư bất động sản, nguồn thu từ chứng khóan hoặc nguồn thu từ các phi vụ kinh doanh lọt ra khỏi sự kiểm sóat của Nhà nước, thí dụ báo chí đưa tin buôn lậu than lên tới 10 triệu tấn ở những tỉnh mất nguồn thu rất lớn.

Vì vậy tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo, những người giàu thì quá giàu mà lại không đóng góp gì cho xã hội, không có trách nhiệm trong việc xây dựng xã hội đóng góp cho phúc lợi xã hội. Và Nhà nước phải sử dụng nguờn thu từ dầu lửa torng khi nguồn thu này không phải là quá lớn quá nhiều như ở Trung Đông.

Vấn đề thứ hai là Việt Nam chưa pháp lý hóa được qui chế về vấn đề phúc lợi. Tức là chúng ta có chương trình giúp đỡ người nghèo, có chương trình cho trẻ em đi học và chữa bệnh miễn phí, nhưng lại chưa có luật và chưa đưa tiền đến cho người dùng mà lại chuyển tiền cho những cơ quan như là trường học, bệnh viện. Cách làm đó tạo ra sơ hở, có thể ý đồ của chính phủ là tốt nhưng tiền không đến được người nghèo.

Điều thứ ba là thực trạng, chúng ta thấy hiện nay trong chế độ phúc lợi xã hội, người giàu được hưởng nhiều phần về chế độ phúc lợi chữa bệnh mà Nhà nước đưa ra. Tức là người giàu tiếp cận được với bệnh viện tốt hơn và nhiều hơn người nghèo. Đấy là ba vấn đề mà Việt Nam cần phải khắc phục từ nguồn thu đến chi và việc điều tiết xã hội một cách công bằng.

Chính các điều ấy ở các nước khác như Thụy Điển, Đức người ta làm tốt hơn cho nên người ta có chế độ phúc lợi xã hội mà chúng ta chưa biết đến bao giờ có thể mơ tưởng thấy được.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về thời giờ ông dành cho đài RFA