Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Dòng chảy bolero trong tâm thức người Việt


Bài 2: Bolero và hoài niệm
SGTT.VN - Thoạt tiên chỉ là cuộc chơi lúc trà dư tửu hậu giữa một số anh em doanh nhân và nhà báo trong một bữa tiệc thân mật tại nhà hàng Blue Ginger.
Bữa tiệc ấy diễn ra cách nay đã ngoài mười năm khi một anh chàng nào đó trong men vui của rượu vớ lấy cây guitar của nhà hàng và hát một ca khúc theo tiết tấu bolero rất quen thuộc ở phía Nam khoảng thập niên 60 thế kỷ trước. Hầu hết thực khách trong bàn tiệc hôm ấy đều thuộc thế hệ 4X hoặc 5X, từng lớn lên ở miền Nam trước đó, đồng loạt kéo gân cổ hát theo chàng ca sĩ nghiệp dư kia với sự hào hứng bất ngờ. Nhạc bolero mà đem ra hợp ca thì kết quả ra sao ai cũng rõ, nó biến thành sự vui nhộn dù ca từ thê thiết đến mấy chăng nữa. Cho đến một lúc, có ai đó đề nghị phải hát thực sự nghiêm túc, tức phải đơn ca, phải nỉ non kể lể, phải diễn cảm mùi mẫn. Để làm được điều đó buộc phải thuộc trọn vẹn ca từ của một ca khúc bolero. Hầu hết các ca khúc bolero mà anh em “biểu diễn” đều rất thịnh hành ở thập niên 60, 70 do các nhạc sĩ Trúc Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ… sáng tác. 

Khúc tình xưa – một album rất thành công thuộc dòng bolero của ca sĩ trẻ Lệ Quyên. Ảnh: K.M

Thế hệ chúng tôi khi là những chàng trai trẻ vừa mới lớn, vừa mới biết rung động bởi câu thơ “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” của Huy Cận thì dòng nhạc bolero đã phổ biến khắp nơi rồi. Thích hay không thì nó vẫn cứ lọt vào tai và nằm khuất lấp đâu đó trong tiềm thức. Có thể chàng trai ngày cũ đã chuyển sang yêu thích các dòng nhạc “sang cả” của Phạm Duy, Cung Tiến… hoặc những ca khúc đẹp như thơ của Hoàng Quý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn… thời tiền chiến. Vậy mà, vào một cơ hội nào đó, trong một cuộc tâm tình bầu bạn bên men say, khi nghe các ca khúc bolero ngày xưa, lòng tự dưng chùng xuống, rưng rưng với kỷ niệm. Tâm trạng ấy hệt như khi ta xếp dọn đống sách báo cũ đã nhiều năm vứt bỏ, bỗng nhặt ra được tập “lưu bút ngày xanh” mấy năm đầu tiên ở bậc trung học với những dòng chữ lưu niệm giữa bạn bè đồng lớp trước khi chia tay nghỉ hè. Những dòng lưu niệm ấy phần lớn đầy sáo ngữ nhưng giờ đây đọc lại ta bỗng run lên vì xúc động trước các hình ảnh của quá khứ ùa về. Sự xúc động ấy chẳng phân biệt “sang” hay “sến”…
Sự thành công quá mức của bữa tiệc “bolero” đầu tiên khiến những bữa tiệc về sau của anh em phải luôn có phần nhạc bolero tự diễn kèm theo như một điều kiện cần và đủ. Dần dà số người tham gia đông hơn, không chỉ là doanh nhân hay nhà báo nữa mà có cả các vị trí thức khoa bảng tốt nghiệp ở phương Tây hẳn hoi, trong đó không ít người mê nhạc hàn lâm thứ thiệt của Bach, Mozart, Beethoven… Những vị này vốn cũng trải qua một thời bolero ở miền Nam trước khi du học, nay tham gia bữa tiệc “bolero” để được sống lại với những kỷ niệm thời trai trẻ. Các bữa tiệc “bolero” ấy dần dà thu hút không chỉ thế hệ 4X, 5X mà còn có cả thế hệ 7X, 8X nữa. Sự tham gia của thế hệ trẻ chứng tỏ sức sống lạ lùng của dòng nhạc này.
Có ai đó đã vui gọi sinh hoạt ca hát của nhóm anh em chúng tôi là “Câu lạc bộ bolero”, hoành tráng hơn nữa là “Hội bolero”. Loại câu lạc bộ bolero này theo tôi nghĩ, chắc phải có hàng vạn trên khắp đất nước.
Với ai thì không rõ nhưng với phần lớn anh em chúng tôi khi tụ tập hát bolero cho nhau nghe cốt chỉ để sống lại một thời trai trẻ của mình, cái thời mà chúng tôi cũng là thành viên trong đám bình dân đại chúng kia. Và để “sống lại” với hoài niệm thì điều kiện cần thiết chính là “không khí bolero” chứ không phải “không gian biểu diễn”. Ở đâu cũng thế, miễn có người đồng điệu là được.
Nguyễn Khắc Nhượng

Dòng chảy bolero trong tâm thức người Việt

Bài 1: Cảm thức về dòng ca khúc bolero Việt
SGTT.VN - Nhạc sĩ Thanh Sơn đã ra đi như dòng nước sông Seine chảy qua cầu Mirabeau mà thi sĩ G. Apollinaire ghi nhận là nước chảy nhưng ông còn đọng lại.
Dòng nước bolero Thanh Sơn trôi đi, nhưng bao nhiêu người còn đọng lại với bolero của Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh… Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu loạt bài về dòng nhạc bolero mà nhạc sĩ Thanh Sơn đã đóng góp không nhỏ.
 
Ca sĩ Hương Lan, môt trong những giọng ca bolero mùi mẫn và ngọt ngào nửa thế kỷ nay.
Như nhiều nội dung khác, phần kết luận về sự xuất hiện các dòng tân nhạc Việt Nam không đạt đến tính thống nhất về các giá trị. Nhưng sức sống của dòng nhạc bolero thì lại vượt qua khỏi những đánh giá chính thống – hàn lâm và tự nhiên kết tinh thành giai điệu lấp lánh trong một phần riêng của tâm hồn nhiều thế hệ người Việt.
Có thể ai đó mà khả năng thẩm âm của họ được giáo dục để chỉ cảm thụ nhạc giao hưởng, opera… nhưng liệu có chắc là không hề có cảm xúc gì khi bên tai bỗng vang lên giai điệu của một bản bolero, nhất là khi tình trạng cảm xúc họ đang có nhu cầu tự tình trước cảnh trí thiên nhiên hay nỗi niềm nhân thế. Có thể ai đó chỉ thuộc giới bình dân ít học, việc họ đón nhận điệu thức và ca từ bolero không phải là để thay thế câu ca dao, điệu hò, bản vọng cổ mà chính là để lấp đầy nhu cầu muốn cất giọng tự tình nâng cảm xúc bản thân sao cho khớp với những biến động nhân sinh, phận người đa đoan, tình người dâu bể.
Người ta có thể kể về trường hợp cây đàn ghita du nhập và đã trở thành cây đàn ghita phím lõm, một tài sản vô giá của đờn ca tài tử, vọng cổ, sân khấu cải lương. Và sẽ là bất công nếu không tin rằng trong những điệu tân nhạc du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20, điệu bolero bỗng nhiên trúng khía một cách kỳ lạ với nhu cầu tự tình của người Việt. Tất nhiên để đạt được chuyện gãi đúng chỗ ngứa, điệu bolero phải được chế cho khớp để xe duyên, để có cuộc hôn phối với chất cảm âm Việt. Và nếu nhìn vào sức thuỷ chung của cuộc hôn phối này rồi đem so với việc du nhập các dòng tân nhạc khác cũng như đặt cạnh những giá trị lớn khác từ văn hoá phương Tây, thì đây là một trong những cuộc hôn phối sâu rộng – tròn đầy.

Bản kí âm Nỗi buồn hoa phượng của NS Thanh Sơn
Trên con đường bolero – tự tình, nhiều thế hệ người Việt từ lúc học tiểu học đã cất giọng: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…” Nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác ca khúc bolero đã đặt được chất trong sáng của giai điệu bolero và ca từ vào tâm hồn tuổi học trò. Và rồi những cô cậu học trò vào tuổi dậy thì lại ngẩn ngơ thì thầm Ngày xửa ngày xưa, đôi ta chung bước đôi ta chung trường… bolero tự tình tiếp tục rời con đường làng, phố thị tỉnh lẻ đến những ngã ba, ngã tư của những cung bậc gập ghềnh, éo le trớ trêu hơn của tình tự con người với những Nỗi buồn gác trọ, Mưa nửa đêm, Sao chưa thấy hồi âm, Chuyến tàu hoàng hôn… Cứ vậy, điệu bolero chở cảm xúc con người đi, và thật sự bolero Việt đã đi qua biết bao là biến động nhân sinh, kể cả những khổ nạn chiến tranh… những nơi chốn mà tưởng chừng chỉ có người may mắn, kẻ mạnh mới có thể tồn tại thì điệu bolero tưởng như uỷ mị, mềm yếu lại là nơi nương tựa, đỡ đần cho tâm hồn con người. Chất tha thiết chia sẻ, giãi bày thiệt lòng, chất réo rắt của suối nguồn buồn vui lúc rịn ra như máu của một vết đau, lúc vỡ oà như mưa lành, như hoa xuân… Và chất tự tình của bolero Việt lại là nơi chốn không gì có thể thay thế, một khi con người muốn tình tự chân thật với mình và với cuộc sống.
Một dòng nhạc, một bài hát luôn có không gian riêng và chỉ khi thuộc về không gian riêng đó hiệu ứng mới đủ làm nên cảm thụ sâu sắc. Nếu nhìn từ góc độ đó, không gian tình tự bolero quả thật rất rộng và sâu. Một ca khúc bolero hay không chỉ làm chủ phạm vi sân khấu biểu diễn, không chỉ nâng dìu cảm xúc người đồng điệu mà còn khiến thính giả hát theo trong đầu hoặc hát thầm trong miệng khi lời ca tiếng đàn vang lên. Hát theo, để đánh thức những chi tiết kỷ niệm! Liệu sự thức giấc của vùng cảm xúc thường tình có phải là chiều chuộng cảm xúc vụn vặt của mình chăng! Làm mình không sang trọng, không trí thức, không xứng, quá sến chăng! Có lẽ đúng vậy và cũng không cần giấu lòng. Bolero là không gian tự sự – tự tình và trong kho báu tình tự có trong mỗi người, điệu bolero Việt luôn là một cơn gió mát thổi qua và làm rung lên những mạch cảm xúc rẻ tiền có, quý giá có, thô vụng có, tinh tế có nhưng hơn hết là rất người và không cần che giấu.
 
Bản ký âm Lưu bút ngày xanh của NS Thanh Sơn



Nếu nói loại ra hoặc bỏ rơi tính tự sự – tự tình trong đời sống âm nhạc thì nhu cầu ca hát của công chúng cũng sẽ không còn. Tất nhiên không sức mạnh nào có thể làm được điều đó, chính vì thế tôi thấy tiếc cho những bạn trẻ không chịu hiểu hoặc không hát được bolero Việt, và mừng vì mình và bạn bè luôn còn nguyên một gia tài ca khúc bolero.

Trần Tiến Dũng

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Nhật kí thú vị của một anh chàng có vợ

Mình lấy vợ. Tiêu chí đề ra là chỉ cần "giời mưa biết chạy vào nhà là được", vợ mình giời mưa không chỉ biết chạy vào nhà mà còn biết bắt mình chạy ra ... cất quần áo. Lãi quá!

Vợ mình có bầu. Mẹ chồng nấu món gì vợ cũng nghén phun ra hết. Thế quái nào ăn hải sản chả bao giờ nghén.


Hồi thai chưa được 3 tháng, vợ mình có bài xoay nhẫn đoán giới tính. Buộc đôi nhẫn cưới vào sợi chỉ treo lên bụng, nếu xoay tròn là con trai, nếu lắc ngang là con gái. Biết vợ thèm thằng ku nên lần nào mình cũng khe khẽ miết ngón tay cho nhẫn xoay tít. Đến lúc siêu âm đúng thật, bài xoay nhẫn của vợ lập tức được truyền bá khắp nơi. Mình biết giờ này vẫn có vài chú cần mẫn buộc nhẫn xoay tròn trên bụng vợ.

Bầu gần sinh thì vợ hơi bị phù. Ngắm cặp chân thon dài ngày nào đã trở nên ục ịch, vợ thở dài ngao ngán. Mình lập tức ngâm nga "Chân dài là của đại gia - Đùi to chân ngắn mới là vợ anh". Vợ cười toe toét nhìn mình cảm kích.

Vợ mình đi đẻ. Đẻ mổ nên chả đau. Sáng dậy sớm hai đứa tung tăng đèo nhau ra hàng phở. Nghĩ đến đoạn kiêng khem sau này vợ oánh liền hai bát, lại chơi thêm đôi trứng chần. Đang ăn vợ chống đũa thảng thốt "Nhỡ bác sỹ mổ bụng em ra không thấy con lại lôi ra hai quả trứng thì sao nhỉ?"... Vợ ơi, lắm lúc em đáng yêu thế.

Vợ chồng mình chả giận nhau lâu bao giờ. Đôi khi to tiếng nhưng chỉ 15 phút sau lại ôm nhau rúc rích. Ông bạn thân hỏi bí quyết. Vợ nói, triết lý sống với nhau ai chẳng có lúc đúng, lúc sai, quan trọng là khi chuyện xảy ra phải có lời xin lỗi. Ông bạn trợn mắt hỏi em phải xin lỗi nó à? Vợ bảo đâu, lần nào chồng em cũng đại diện xin lỗi hết mà.

Sống với nhau lâu thì lời yêu đương đường mật cũng vơi theo năm tháng. Vợ ốm, mình làm hết việc nhà rồi cho con ngủ. Sờ trán thấy vợ sốt cao nằm thiêm thiếp, mồ hôi vã ra, tóc mai bết trán. Cả đợt vừa rồi vợ vất vả cày tiền nên giờ đổ bệnh. Mình cảm động khẽ thốt lên "Gấu ơi! Anh yêu em". Ai dè nàng làu bàu "Ông gọi điện cho con nào thì đi ra ngoài, tôi mệt tôi phải ngủ"...

Theo TN/NLD

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Ngựa ô thu phí


Ca khúc chế về thực trạng thu phí giao thông tặng Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

VĂN VIẾT LỘC


MƯỜI HAI MÙA TRĂNG XA HUẾ












Mười hai mùa trăng xa Huế
Con nước vẫn trôi, nỗi buồn vẫn chảy
Ta vẫn ngồi trên cao cho nỗi nhớ về xuôi
Nhấp nháp trên môi điếu thuốc cháy vèo theo cuộc sống

Thôi!
Đôi nỗi buồn…
Vào hai bờ sông vắng
Những xót xa quẳng lại sau lưng
Hãy cho ta…
Nhưng ngày tháng ở rừng
Một chút bình an không cần tên tuổi
Hãy cho ta…
Đêm dài thôi mệt mõi
Để nhớ em như thế đủ lắm rồi

Mười hai mùa trăng xa Huế
Lên ở rừng không có rượu đêm trăng
Chén nước trà cũng say tình bằng hữu
Nghe con tắt kè kêu…
Cười bảo: sắp về…

Mười hai mùa trăng
Ở đâu rồi nỗi nhớ…
Ta chưa say… thì biết lấy gì về!  

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Ý NGHĨA CỦA LÁ CỜ PHẬT GIÁO


 

Theo blog: Nhà văn Phạm viêt Đào

 

I. NGUỒN GỐC:

Người phát họa ra lá cờ Phật Giáo Thế Giới là ông Henry Steel Olcott, sinh ngày 2-8-1832 tại New Jersey, Hoa Kỳ và mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, Ấn Độ. 
Ông nguyên là Đại Tá Hải Quân của Quân Đội Hoa Kỳ. Khoảng năm 1875, ông chưa hề học hỏi về giáo lý nhà Phật, nhưng khi cơ duyên đã tới, ông là phóng viên của tờ báo The New-York Daily Graphic, đã giao cho ông nhiệm vụ gặp một phụ nữ người Nga tên là Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891), để viết bài về trường hợp bà nầy có những sự kiện huyền bí. Tại nông trại của Eddys ở New-York, hai người đã gặp nhau, từ đó bà Blavatsky đã hướng dẫn ông trên con đường đạo. 
Bà H.P. Blavatsky, ông H.S. Olcott, ông W. Q. Judge là những người đã thành lập Hội Thông Thiên Học Mỹ Quốc ngày 17-11-1875, nay trở thành Hội Thông Thiên Học Quốc Tế, có 60 nước hội viên và trụ sở đặt tại Adgar, Ấn Độ. 
Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo Tích Lan, từ đó nhà Phật học uyên thâm Anaragika Dharmapala người Tích Lan, môn đệ của Olcott, đã khôi phục nền Phật Giáo Ấn Độ ngày 21-1-1891, và cũng từ đó dần dần Phật Giáo truyền bá sang phương Tây, rồi lan tràn khắp thế giới. 
Ông và bà Blavatsky thọ trì tam quy, ngũ giới với Thượng Tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda có sự hiện diện của hàng ngàn chư Tăng, Ni, Phật Tử và gây xúc động mạnh mẻ cho những Phật Tử đã chứng kiến, vì đây là lần đầu tiên Giáo Hội Tăng Già Tích Lan làm lễ quy y cho hai người Phật Tử Âu Mỹ. 
Sự nghiệp truyền bá và chấn hưng Phật Giáo của ông không thể nói hết trong khuôn khổ bài nầy. Ông đã tổ chức những trường học Phật Giáo khắp xứ sở Tích Lan, từ thành thị tới thôn quê hẻo lánh. 
Số trường học lúc ban đầu chỉ có 46 trường (năm 1897) và 6 năm sau (1903), số trường học đã lên đến 174 trường, và đến năm 1940 đã có 429 trường, trong đó có 12 Trường Trung học được chính phủ tài trợ . Không chỉ riêng ở Tích Lan, ông còn vận động để mở các trường học Phật Giáo ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ. 
Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala, Tích Lan, phỏng theo sáu mầu hào quang của Đức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và mầu tổng hợp của năm mầu này), đã phác họa ra mẫu cờ Phật Giáo. 
Về ý nghĩa, ông phát biểu như sau : "Nó có thể được các quốc gia Phật Giáo chấp nhận như một biểu tượng quốc tế cho tín ngưỡng của họ, giống như cây thánh giá đối với tín đồ Thiên chúa giáo ." 
Lá cờ này được Tích Lan công nhận và treo tại các chùa ở xứ này trong ngày lễ Phật Đản từ năm 1889, và 61 năm sau, tại Đại hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên, tổ chức tại Colombo, thủ đô Tích Lan, từ ngày 25-5-1950 đến 8-6-1950 có 26 nước tham dự (1), phái đoàn Phật Giáo Việt Nam do Thượng Tọa Tố Liên, Trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội làm đại biểu (2), Hội nghị đã thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists), và chọn lá cờ Phật Giáo Tích Lan làm cờ Phật Giáo Thế Giới. 
Đến ngày 6-5-1951, tại chùa Từ Đàm, cố đô Huế, một Đại Hội Phật Giáo ba miền Bắc Trung Nam, gồm 51 đại biểu Tăng già và cư sĩ, sau 4 ngày họp, đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Trong dịp nầy, Thượng Tọa Tố Liên đã tặng Đại Hội lá cờ Phật Giáo Thế Giới, và đại hội đã chấp nhận lá cờ nầy cũng là cờ Phật Giáo Việt Nam
Bằng một tâm hồn thiết tha với Đạo Pháp, ròng rã suốt 38 năm, Phật tử Henry Steel Olcott đã dùng quãng đời quí báu của mình, để phục vụ tha nhân và ông mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, quê hương Đức Phật. Lúc đó ông 75 tuổi. 

II. Ý NGHĨA CỦA LÀ CỜ PHẬT GIÁO

Cờ Phật Giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của PhậtTử trên toàn thế giới. Cờ Phật Giáo còn tượng trưng cho niềm Chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật . 
Ngoài ra, cờ Phật Giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Đạo Pháp và dân tộc. 
Năm sắc theo chiều dọc : Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật. 
Năm sắc theo chiều ngang ( chiếm diện tích 1/6 lá cờ ) là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của màu sắc phân biệt là : 
1.- Xanh đậm : Tượng trưng cho Định căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt . 
2.- Vàng lợt : Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sanh Định và phát Huệ. 
3.- Đỏ : Tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh . 
4.- Trắng : Tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển, và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sanh ra muôn hạnh lành. 
5.- Da cam : Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Định đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh. 
6.- Màu tổng hợp : Tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới. 

II. KẾT LUẬN:

Là Phật Tử, chúng ta luôn luôn tôn trọng và bảo vệ lá cờ Phật Giáo, vì trên hết, nó tượng trưng cho Phật Giáo, và cho tinh thần đoàn kết, bất phân biệt của tín đồ Phật Giáo trên toàn thế giới . 

Ghi chú :
(1) 26 nước tham dự Đại Hội và trở nên Hội viên sáng lập Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới là : Anh, Ấn Độ, Bhutan, Đức, Hawai, Hong Kong, Kampuchea, Lào, Mã Lai, Miến Điện, Mỹ, Na Uy, Nam Dương, Nhật Bản, Nepal, Pháp, Phi Luật Tân, Sikkim, Tân Gia Ba, Tây Tạng, Thái Lan, Thụy Điển, Tích Lan, Triều Tiên, Trung Hoa và Việt Nam
(2) Phái đoàn Việt Nam chỉ có 2 người: Thượng Tọa Tố Liên -- đại biểu chánh thức, và ông Phạm Chữ -- công chức Bộ Ngoại Giao Quốc Gia Việt Nam, tháp tùng theo làm Thông dịch viên. 

Minh Đức 


Hãy dám biết! (hay tư duy nguyên tắc)


“Khẩu hiệu” của sự khai minh là gì? Immanuel Kant (1724 – 1804) hô lên bằng… tiếng Latinh: “Sapere aude!”, “Hãy dám biết!” Phải có gan như thế mới thoát ra được vòng tù hãm của đời thường. Phải “dám” như thế mới thoát ra khỏi sự không trưởng thành vì lười và nhát. Lười vì ngại nhức đầu và nhát vì e sợ quyền uy của người khác, của người đi trước. Trẻ con đương nhiên là chưa trưởng thành, nhưng chính trẻ con là kẻ… dám biết hơn ai hết!


Trẻ con không ngần ngại hỏi “là gì?” và “tại sao?” luôn miệng. Chúng muốn đi ra đàng sau sự vật, muốn biết căn nguyên của mọi sự. Người lớn thường… nhát hơn trẻ con, nhưng, tất nhiên, tinh vi hơn.
Khoa học đi tìm nguyên nhân và định luật. Nhà khoa học có lẽ chỉ nêu lại những câu hỏi của trẻ con một cách chi tiết hơn, rắc rối hơn! Triệt để hơn nữa, triết học đặt ra những câu hỏi cơ bản và đòi hỏi những câu trả lời cơ bản, nghĩa là, có tính nguyên tắc. Theo nghĩa rộng, tư duy nguyên tắc là tư duy trừu tượng nói chung. Còn theo nghĩa hẹp, nó là tư duy chuyên tra hỏi về… những nguyên tắc, gồm bốn cấp độ: xác định khái niệm, tìm bản chất, tìm nguyên nhân, và sau cùng, tìm nguyên tắc, kể cả nguyên tắc hay căn nguyên tối hậu.
Tư duy bề ngang và tư duy bề dọc
Muốn xác định khái niệm, cần tối thiểu một năng lực trừu tượng hoá nào đó để từ những cái cá biệt rút ra cái chung, cái phổ biến. Cái phổ biến buộc lòng phải gạt bỏ nhiều nét phong phú trong sự vật; nó luôn là sự giản lược, và đó là chỗ yếu của nó. Khái niệm “chó” bao hàm mọi con chó, mọi loại chó, nhưng không thể cho biết những đặc điểm riêng có của chú chó cưng của tôi. Nhưng, bù lại, nó giúp người ta đi sâu hơn vào sự vật, vì sự vật có thể còn là cái gì nhiều hơn vẻ bề ngoài, hay còn là cái gì khác hơn điều nó bộc lộ ra. Nếu không có sự hoài nghi cơ bản ấy để phân biệt giữa hiện tượng và bản chất, giữa tồn tại và vẻ ngoài v.v…, ắt sẽ không có triết học và cả khoa học nữa. Nhưng, có chỗ khác nhau. Triết học phát triển một tư duy nguyên tắc không chỉ theo bề ngang, theo đường thẳng tuyến tính để đi từ hiện tượng hay kinh nghiệm đến chỗ phân loại và đề ra quy luật như trong các ngành khoa học, cũng không chỉ hướng đến một tư duy trừu tượng và hình thức như trong toán học. Nó làm cách khác: trừu tượng hoá theo bề dọc hay còn gọi là tư duy “siêu hình học”. Đó là một cách tiếp cận khác với thực tại. Bạn chăm chú đếm tiền và đã học được vô số cách để quản trị và làm sinh sôi đồng tiền. Triết gia không mấy quan tâm đến việc ấy mà lại hỏi “cắc cớ”: Tiền là gì? Con số là gì? Ta say mê bao vẻ đẹp và tạo ra vô số cái đẹp, triết gia đứng nhìn và hỏi: Đẹp là gì? Thế nào mới là đẹp đích thực? Tất nhiên, triết gia không lẩm cẩm đến độ chặn một người đang vội vã trên đường lại để thay vì hỏi: “Xin lỗi, mấy giờ rồi?” lại hỏi: “Thời gian là gì?!” Nhưng, như bạn thấy đó, hai cách hỏi khác nhau hoàn toàn. Theo thuật ngữ triết học, câu hỏi trước thuộc về phạm vi áp dụng của một khái niệm, gọi là ngoại diên (extension), câu hỏi sau mới thuộc về nội dung thực chất của khái niệm, gọi là nội hàm (intension). Hầu hết các “đối thoại” nổi tiếng của Platon đều vất vả ở chỗ làm cho người đối thoại biết phân biệt hai điều ấy.
Giữ một khoảng cách với thực tại trực tiếp với chính mình, trước sau vẫn là đòi hỏi tối thiểu trong tư duy triết học. Tuy nhiên, nếu không quay lại với khởi điểm, nếu bỏ rơi kinh nghiệm thực tại, mải mê với “nguyên tắc”, triết học chỉ còn là sự viễn mơ, mất hết sức sống.
Bề dọc cũng có hai chiều!
Bên cạnh việc xác định khái niệm và tìm bản chất, việc tra hỏi nguyên nhân cũng là đặc trưng của tư duy trừu tượng. Nhưng, ở đây cũng có… bề ngang và bề dọc. Nhà khoa học hỏi về cái có trước hay cái đầu tiên, cái khởi động một chuỗi những yếu tố. Từ đó có sự phân biệt nguyên nhân và kết quả. Nhưng, tuy nguyên nhân sinh ra kết quả (chúng có thể là trước sau hay đồng thời!) nhưng, về thực chất và về “nguyên tắc”, cả hai đứng trên cùng một bình diện, đó là bình diện hiện tượng của kinh nghiệm, tức, vẫn thuộc bề ngang, như con vi trùng là nguyên nhân gây bệnh tuy khó tìm nhưng vẫn nằm ngay trong cơ thể ta.
Triết học đẩy câu hỏi ấy đến chỗ triệt để, mở rộng chuỗi nhân quả đến tận cùng để hỏi về nguyên nhân đầu tiên hay tối hậu, vượt ra khỏi kinh nghiệm và hiện tượng. Nó có thể làm việc ấy bằng hai cách: đi tìm một nguyên nhân thuộc loại hoàn toàn khác, tức nguyên nhân phi – thời gian, làm nền móng cho tất cả những gì ở trong thời gian. Nó cũng có thể đi tìm cái không có nguyên nhân, cái nằm bên ngoài luật nhân quả, thậm chí tra hỏi về bản thân nguyên tắc nhân quả. Trong trường hợp đó, nó không còn là một nhận thức về nguyên tắc nữa, nhưng, ý định đi tìm câu hỏi triệt để có tính nguyên tắc vẫn còn đó. Triết học có thể để mở câu hỏi này, xem đó như là một thử nghiệm, một giả định của tư duy. Triết học cũng có thể gác lại câu hỏi này, thậm chí gạt bỏ nó đi vì cho rằng không thể giải đáp được. Nhưng, dù dưới hình thức nào, câu hỏi triệt để về “căn nguyên tối hậu”, về cái “ontos on” (“thực tại đích thực”) theo cách nói của người Hy Lạp cổ đại vẫn mãi mãi là một câu hỏi đeo đẳng, nhức nhối. Đó là chiều đi lên của câu hỏi vượt khỏi kinh nghiệm, hiện tượng. Triết học gọi lối tư duy bề dọc theo hướng đi lên này là tư duy siêu việt (transcendent).
Cũng vượt ra khỏi thế giới kinh nghiệm, hiện tượng, nhưng còn có chiều “đi xuống” nữa, hay đúng hơn, đi lùi lại, giữ một khoảng cách. Tư duy nguyên tắc có tính triệt để về mặt khách quan như trên đây cần đi liền với một tư duy cũng triệt để về mặt chủ quan nữa. Đó là câu hỏi theo tinh thần khai minh (“Protagoras và khai minh Hy Lạp, SGTT, 14.7.2010): yêu sách triệt để về mặt khách quan như thế có cơ sở không? Đâu là những điều kiện chủ quan để những nhận thức như thế có thể có được hoặc không thể có được? Đó là câu hỏi của sự phê phán và tự – phê phán về năng lực nhận thức của con người. Không ngạc nhiên khi Immanuel Kant, người đề ra khẩu hiệu “Hãy dám biết!” cũng chính là người dám đặt ra câu hỏi “thụt lùi” ấy! Và ông đặt cho lối tư duy tự-phê phán ấy một tên gọi, có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ triết học hiện đại: tư duy siêu nghiệm (transcendental). “Siêu nghiệm” cũng là vượt ra khỏi kinh nghiệm, nhưng không phải bay bổng theo chiều đi lên như “siêu việt”, mà là đi xuống, đi lùi lại, tự vấn. Cả hai đều bắt nguồn cùng một từ căn Latinh: transcendere: vượt ra khỏi.
Quả thật, ta không thể triệt để trong câu hỏi “khách quan” nếu không đồng thời triệt để trong câu hỏi “chủ quan”. Giữ một khoảng cách với thực tại trực tiếp và với chính mình, trước sau vẫn là đòi hỏi tối thiểu trong tư duy triết học. Tuy nhiên, nếu không quay lại với khởi điểm, nếu bỏ rơi kinh nghiệm về thực tại, mải mê với “nguyên tắc”, triết học sẽ chỉ còn là sự viễn mơ, mất hết sức sống như chàng dũng sĩ Achilles bị tách khỏi lòng đất mẹ. “Giữ khoảng cách” không đồng nghĩa với “sống trên trời”.
Bùi Văn Nam Sơn

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Bài học liêm sỉ cho công chức?


(Dân trí) - Những người có chức, có quyền mà vẫn tham lam, nhận biếu xén này nọ, thậm chí những người đến nhờ cậy, quà cáp cho họ còn đang phải chật vật lo miếng ăn thì thật đau lòng vì con người đối với nhau như thế thì không còn gì là liêm sỉ nữa.

                                                       (Minh họa: Ngọc Diệp)

 Đó là câu nói của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi trả lời phỏng vấn một tờ báo điện tử. Không dừng ở đấy, ông Hùng còn nói rất nhiều về sự liêm sỉ và đặt cả vấn đề giáo dục tính liêm sỉ cho công chức và quan chức. Ông Hùng nói nguyên văn là những người có chức, có quyền mà vẫn tham lam, nhận biếu xén này nọ, thậm chí những người đến nhờ cậy phải quà cáp trong khi họ còn đang phải chật vật lo miếng ăn thì thật đau lòng vì con người đối với nhau như thế thì không còn gì là liêm sỉ nữa.
Điều ông Hùng lo nhất là tuy số người trọng liêm sỉ có nhiều nhưng số người vô liêm sỉ cũng… không ít và đáng lo nhất là trong số đó có một bộ phận cán bộ có chức quyền.
Cách đây ít lâu, mình có đọc một cái truyện cười hiện đại kể chuyện một sếp đi thăm Vịnh Hạ Long, không may ngã xuống biển. Thấy vị sếp tay chân chới với, mọi người giơ tay ra và kêu ầm lên: Đưa tay đây, đưa tay đây… Thật ngạc nhiên, càng kêu to thì vị sếp càng thu tay lại. Bỗng cậu thư ký bước đến, đưa chiếc gậy xuống rồi nói nhỏ một câu, vị sếp bỗng cầm chặt lấy cây gậy để mọi người kéo sếp lên thuyền. Có người hỏi, cậu thư ký nhỏ nhẹ: Các bác không biết tính sếp em. Ông là chúa ghét hai từ “đưa ra” và thích nhất hai từ “cầm lấy” nên em nói khẽ rằng: Thủ trưởng ơi, cầm lấy…!
Thực ra những điều ông Hùng nói không mới, thậm chí cũ, rất cũ. Từ thời Nhà Lý, đã có một vị quan nổi tiếng bởi sự thanh liêm, chính trực là cụ Tô Hiến Thành. Vị Thái úy đời vua Lý Anh Tông ngoài việc giúp vua đánh giặc mở mang bờ cõi, giữ gìn độc lập cho non sông, đất nước ông còn là tấm gương sáng về sự trunh thành và lòng ngay thẳng.
Sử sách kể rằng khi ông lâm bệnh, tham tri chính sự Vũ Tán Đường sớm tối hầu hạ, còn quan đại thần Trần Trung Tá vì bận việc nước không đến được. Thái hậu hỏi: “Khi ông chết ai là người đáng thay ông?”. Tô Hiến Thành không do dự trả lời đó là Trần Trung Tá. Thái hậu ngạc nhiên bảo Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ ông, tại sao không đề cử? Tô Hiến Thành trả lời: Thái hậu hỏi người thay thế tôi chứ có hỏi  người hầu hạ tôi đâu?
Cách đây mấy năm, bác Dương Trung Quốc tặng mình cuốn Từ thụ yếu quy, một cuốn sách bàn về những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và nhận quà biếu. Tác phẩm này là của danh nhân Đặng Huy Trứ, một vị quan suốt đời chỉ đau đáu nỗi lo giữ gìn đạo lý chốn quan trường. Trong cuốn sách của mình, cụ Đặng Huy Trứ đề ra 104 điều cấm quan lại không được nhận quà, trong đó chỉ có 5 điều được nhận. Trong tác phẩm này, mình thích nhất đoạn:
“Của cải đối với người ta cũng như dầu mỡ đối với đồ vật: đã dây bẩn thì không thể gột sạch. Huống chi ta lấy một thì dưới lấy mười, ta lấy mười thì dưới lấy hàng nghìn. Ta được vừa miệng thì dân bị hút máu. Ta được bảnh bao thân hình thì dân bị lột da. Ta được đầy túi thì dân phải cầm nhà đợ ruộng. Ta có khỏan đải bạn bè thì vợ con dân chỉ còn húp cháo. Nghĩ như thế, há không giữ chữ thanh liêm hay sao?”.
Chao ôi, người xưa thì thế, người nay thì sao? Phải chăng, cần giáo dục sự liêm sỉ cho công chức như ý kiến của bác Vũ Quốc Hùng?
Bùi Hoàng Tám

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

NGUYỄN MIÊN THẢO

SAU CHIẾN TRANH











 
Khi những người chiến thắng hân hoan đi khắp phố phường
nói những điều tốt đẹp
Đó là những điều chính đáng đổi bằng máu xương
của nhưng người đã chết

Cũng là lúc mà những người vô tội khác
Bắt đầu cuộc sống lầm than
Ông giáo sư thất nghiệp
suốt ngày đi ngoài đường dáo dát tìm trong vô vọng
một chiếc bóp hay vài đồng tiền đánh rơi của ai đó
Những cô gái hôm qua còn ngồi ở giảng đường đại học
Phải bán thân nuôi gia đình

Sự ly tán ,chia lìa, nghèo đói bắt đầu một cách khác
Trước và sau cuộc chiến không có gì khác nhau
Một sự hoán vị nỗi bất hạnh của người này thay cho người khác
Như đổi một chiếc áo
Ở đó bắt đầu những sự cưỡng đoạt mới
Chiến tranh cưỡng đoạt con người bằng cái chết
Hòa bình cưỡng đoạt con người bằng sự sống
Cái chết và sự sống chưa hẳn cái nào bất hạnh hơn
Đôi khi chết còn hơn sống

Tôi nghiệm ra mốt điều
Sự sống mỗi người đôi khi chỉ là áp đặt

Khi ra đời
Không ai có quyền chọn lựa ở nơi nào
Chọn lựa cha mẹ
Chọn lữa anh em
Chọn lựa miền nam,miền bắc
Nghèo hèn hay giàu sang
Thôn quê hay thành thị
Con trai hay con gái
Nhưng người ta có quyền chọn lựa cách sống của chính mình
Đó chính là điều tai họa
Là cái ác nẩy mầm
Là sự phản kháng
Là sự ngộ nhận về tự do
Là chân lý không chân lý

Sự đòi hỏi được ăn no,được sống giàu sang
Là điều chính đáng
Nhưng không phải là sự cướp đoạt của người khác
Đó là điều vô cùng giản dị
Nhưng sau chiến tranh
Điều đó thường xảy ra
Lòng tham và sự độc ác
Sau chiến tranh
Diều đó thường xảy ra

Người ta có quyền say sưa chiến thắng
Nhưng đằng sau nó
Sự vô luân luôn tiềm ẩn

Và sự vô luân biến thành quyền lực
Là niềm say mê của nhiều người
Điều đó thường xảy ra

Mục đích của chiến tranh
Mà những người yếu thế hơn chính là sự bình an
Thường được gọi là chính nghĩa
Nhưng sau chiến tranh
Thường khi là sự đổi khác

Sau chiến tranh
Chưa hẳn là hòa bình