Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2007

Cao huy khanh

Cao Bá Quát:

NHỮNG CÂU HỎI VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH

- CAO HUY KHANH

Có thể nói thơ Cao Bá Quát đầy những câu hỏi.

Câu hỏi về phương hướng cuộc đời mình rồi sẽ đi về đâu trong một hiện thực tựa như bãi cát dài vô tận , ngút mắt, càng đi như càng bị lún xuống , chân trời càng lùi xa … những bãi cát ông từng thấy ở đất Quảng Trị trong khoảng làm viên quan nhỏ ở Huế : "Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây? …Anh còn đứng làm chi trên bãi cát ?” hoặc : "” Đi trên con đường dài thăm thẳm … Lần này lại từ biệt để đi đâu nhỉ?” (*). ”Câu hỏi về mối đam mê văn chương của mình có ích gì : " Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con , trong thế gian này có ai thực là bậc tài trai lại phí cả một đời cho mấy pho sách cũ?”. Câu hỏi về sự nghiệp của một bậc nam tử muốn giúp đời mà đành bất lực : "Không có một sách lược gì làm cho đời được thái bình , thẹn mình là một nhà Nho mà lại tàm thường đến thế?”, sống mà cũng như kẻ đã chết rồi: "Xuân hết rồi, nào ai gọi hồn người chưa chết?”. Câu hỏi về lẽ xuất xứ, bài học vỡ lòng muôn năm của các nhà Nho: "Việc đã chưa được như ý, lòng cũng khó mà được tự do. Xưa nay những khách ngoài vòng, vừa ẩn vừa xuất cốt để vì ai?” Và thế rồi tất cả đều dẫn đến câu hỏi tối hậu là đời mình bấy lâu nay sống như thế là đúng hay sai bằng cách mượn trường hợp của Nguyễn Công Trứ để đặt nghi vấn: "Có lẽ nào sau mươi chín năm qua đều là sai cả?”.

Những câu hỏi đó thể hiện mối mâu thuẫn muôn dời của những kẻ thất bại trên đường đời khi thực tế cuộc sống không ăn khớp với ước mơ. Với Cao Bá Quát đó là mâu thuẫn giữa giấc mộng công danh và ý tưởng phản kháng chống lại triều đình nhà Nguyễn mới nhen nhúm, mâu thuẫn giữa niềm tin “văn dĩ tải dạo” và khát vọng hành động thực tiễn , mâu thuẫn giữa ý chí vào đời chiến đấu (xuất) và mơ tưởng cầu an, hưởng nhàn (xử). Những mối mâu thuẫn đó khiến nhà thơ không lúc nào không bị dằn vặt, ray rứt: "Cứ trằn trọc với điều suy nghĩ , như say lại như tỉnh”.

Phải đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên: Văn chương hay hành động ? Cả một bản cáo trạng chống văn chương đã được Cao Bá Quát tích lũy , tập hợp lại rồi lần lượt nêu ra hài tội . Nào là " Về già, văn chương không mưu tính được chuyện gì cho mình”; nào là " Mười năm cầm bút phí cả thì giờ”, nào là "Tự cười mình còn vứơng vào thói đời chưa dứt bỏ đi được , cứ giữ mãi cuốn sách quá đỗãi ham mê” … Làm quan hay đi chiến đấu? Câu trả lời : " Là người dũng cảm đâu có chịu chết nơi văn tự!”. Và khẳng định : " Là người trượng phu đã chống gươm đi thì đi thẳng , chẳng bắt chước như đàn bà , con trẻ bịn rịn trong lúc phân kỳ!”. Thay vì những dấùu hỏi, bây giờ là những dấu than(!) quả quyết.

Có thể nói Cao Bá Quát đã tìm ra đáp số cho bài toán phân vân về cuộc đời mình đúng hay sai . Cuộc đời đó – nói đúng hơn là 3/4 cuộc đời đó – nó đã sai , đã lầm rồi : " Đời ta trót lầm lỡ vì cái danh hờ, hàng mười năm chìm đắm trong bút mực “ và “ Ở quán bên sông hàng tuần tin tức gián đọan , nơi chân trời cây đàn thanh kiếm đi đã lầm đường”. Đó là câu trả lời tối hậïu đặt lên định mệnh nhà thơ đầûy phóng túng đưa đến sự chọn lựa cuối cùng như đã biết”.

Trong sự nghiệp thơ văn Cao Bá Quát để lại có một lỗ hổng lớn là loại sáng tác “nổi loạn” tức là những bài thơ, bài văn làm trong khoảng thời gian bắt đầu manh nha ý hướng dứng lên kêu gọi chống lại triều đình cho đến lúc gia nhập đòan quân “Giặc châu chấu” – phỏng đóan kéo dài vài ba năm cuối đời (từ 1852 lúc đi Sơn Tây làm giáo thụ đến khi bị bắn chết tại trận tiền tháng giêng năm 1855). Trong số hơn 1000 bài thơ văn của ông còn tìm lại được hầu như không có bao nhiêu loại văn thơ phản kháng trực diện, điều mà ông đã làm được trên thực tế. Một thiên tài thi phú lớn như ông – sáng tác nhiều và nhanh, đủ thể loại – chăng lẽ lại không quay ngòi bút của mình về cái đề tài lớn cuối cùng đó của đời mình? Lời giải thích dễ hiểu nhất là loại văn thơ đó có nhưng đã bị thất truyền, bị tiêu diệt bởi cái án tru di tam tộc . Nhưng không lẽ tất cả đều bị đốt hết trong lúc sau này chúng ta vẫn sưu tầm lại được đến hơn 1000 bài khác ? Và ngoài phần tác phẩm bi đốt, bị cấm còn sự lưu truyền trong dân gian nữa làm sao xóa trắng hết được ? Lịch sử đã cho thấy những nhân vật lớn luôn luôn đày những giai thoại truyền miệng – như Nguyễn Trãi chẳng hạn. Cao Bá Quát cũng vậy, cuộc đời và con người ông được dân gian tô điểm cho biết bao giai thoại kỳ thú , vậy tại sao loại văn thơ chiến đấùu của ông – nếu có – lại không được dân gian gìn giữ, không đầy đủ thì cũng còn lại chút ít , bất chấp mọi lênh cấm của nhà Nguyễn?

Phải chăng ta có thể nghĩ tới một giả thuyết khác : Cao Bá Quát không làm hoặc làm không bao nhiêu loại văn thơ ấy. Có thể vì ông không có thì giờ, cũng không còn tâm trí nghĩ đến việc này nữa trong cái cảnh dàu sôi lửa bỏng lúc đó với cương vị là Quốc sư của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương. Hoặc là biết đâu bây giờ ông không muốn, không thèm làm thơ phú gì nữa như câu trả lời mà ông tìm ra nêu trên ? Đã tỉnh ngộ rồi giấc mộng văn chương : " Biết rằng bút mực văn chương không phải là nơi để cho mình chết”.

Một khi đã dấn mình vào bãi chiến trường nơi tên bay đạn lạc , nếu có còn bận tâm đến chuyện văn chương thơ phú, nếu còn nhớ đến việc sáng tác , nếu có viết thì ông chỉ muốn viết một câu duy nhất:

“ Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn

Mục Dã, Minh Điền hữu Vũ Thang”

Cao Huy Khanh

(tháng 12/94)

(*)Tất cả đều dịch nghĩa từ các bài thơ chữ Hán.Trích dẫn theo:"Thơ văn Cao Bá Quát (NXB Văn Học 1984).