Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

CAO HUY KHANH

CAO HUY KHANH

NHỮNG BÀI THƠ TRƯỚC PHÁP TRƯỜNG

Một ngày cách đây 120 năm theo truyền thuyết kể, Thủ Khoa Huân( Nguyễn Hữu Huân) bị giặc Pháp đóng gông bắt ngồi trên mui thuyền chở đi suốt dòng sông Bảo Định chảy xuyên qua thành phố Mỹ Tho, từ nhà ngục đến địa điểm pháp trường xử tử ông ở. Thuyền đi đến đâu chúng cho đánh chiêng trống báo hiệu cho dân ra xem, mục đích là để “làm gương” , trấn áp tinh thần nhân dân nhưng chính nhờ vậy dọc ven hai bờ sông người ta đã đợc tận mắt chứng kiến những giờ phút chót trước khi chết lẫm liệt trên pháp trường của người anh hùng đất Nam bộ chống Pháp .

Giai thoại còn kể trên mui thuyền , mang gông, chờ chết, Thủ Khoa Huân vẫn ung dung làm cả một bài thơ và 2 câu “Liễn tuyệt mệnh” để tỏ rõ chí khí mình. Và khi đến địa điểm xử trảm, quyết không chịu để giặc Pháp chém đầu nên ông đã cắn lưỡi tự tử chết trước lúc 59 tuổi. Bài thơ 8 câu ở tận cùng đường sinh tử đó của Thủ Khoa Huân – bài “Mang gông” – thể hiện thần sắc của một người như chẳng biết mình sắp chết, không hề sợ chết:

“Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một gánh cang thường há phải gông!

Oằn oại đôi vai quân tử trúc,

Nghênh ngang một cổ trượng phu tòng…”

Cái cổ nghênh ngang đó đến phút cuối ông vẫn không muốn để sa vào tay giặc muốn làm gì thì làm nên mới cắn lưỡi tự tử trước, thật là một ý tưởng ngạo nghễ khí phách , can trường kỳ lạ đế mức khó tưởng tượng nổi. Đó cũng là cái phảûn ứng chung của những người anh hùng thất bại một thời : Thất bại chỉ là tạm thời để gieo mầm chiến thắng cho tương lai, thua một trận chưa phải là thua cả cuộc chiến. Như chính bản thân Thủ Khoa Huân đã minh chứng: 3 lần đứng lên khởi nghĩa 3 lần bị bắt, đi đày trở về được thả ra vẫn tiếp tục bí mật chiêu binh mã mã đánh tiếp.

Giai thoại về việc ông cắn lưỡi tự tử chết trước kể trên còn có thể chưa chính xác nhưng dù đó không phải là sự thật thì nó vẫn là một bằng chứng mà dân gian đã sáng tạo ra để bày tỏ lòng khâm phục, thương cảm của mình như những câu thơ ngợi ca sau đó mà đến nay vẫn chưa biết đích xác là của ai :

“Chí quyết chết cho tan đởm giặc

Lẽ đâu sống chịu đứt đầu ông”

Cuộc sống và cái chết bi hùng của mhững nhân vật lịch sử lớn được nhân dân yêu mến luôn luôn bao trùm, bàng bạc những giai thoại biến thành huyền thoại như vậy. Như Nguyễn Trãi , Cao Bá Quát, Hoàng Hoa Thám…

Nhưng bài thơ trước pháp trường của Thủ Khoa Huân là có thật, dẫu nó có thể bị sai lạc đôi chỗ nào đó ( do một vài người may mắn có mặt đúng vào thời điểm đó nghe và nhớ lại…). Đây là một đề tài thơ cực kỳ độc đáo bởi cái hoàn cảnh sáng tác quá sức khác thường của nó: Làm thơ ngay trước khi bị xử tử ! Chỉ những con người vì lý tưởng chung của cả đất nước, xã hội buộc phải từ bỏ cuộc đời bình thường mà tầm thường để gươm súng lên đường mới có đủ sức mạnh tinh thần và điều kiện thực tế làm được điều đó.

Lịch sử văn học VN đã có không ít người như vậy .Là Cao Bá Quát với “Ba hồi trồng giục mồ cho kiếp”… (ở đây nữa, cũng có thể chỉ là giai thoại của dân gian). Đặc biệt trong thời kháng chiến chống Pháp có khá nhiều nhà thơ bị bức tử vẫn hiên ngang làm thơ đối mặt đao phủ thủ. Như Hồ Huân Nghiệp (bị chém năm 1864 lúc mới 35 tuổi) còn đặt tên bài thơ rõ ràng là “Làm trước giờ bị chém”(Lâm hình thời tác):”… Thân này sống hay chết chẳng kể làm gì. Chỉ thương mẹ già phất phơ tóc bạc”(dịch từ Hán); Hoàng Trọng Mậu (bị xử bắn năm 1916 lúc 42 tuổi) thì làm “Câu đối tuyệt mệnh”: “Yêu nước tội gì ? Chỉ có tinh thần là chẳng chết. Ra quân chưa được, nguyện đem tâm sự gửi đời sau.”(dịch từ Hán). Với Trần Cao Vân (bị xử chém năm 1916) thì đó là bài “Tuyệt mệnh thi”: “… Trận cuối của kẻ anh hùng có kể gì ở thành hay bại. Sử sách nghin thu sau này sẽ bình luận.”(dịch từ Hán); Trần Hữu Lực (bị xử bắn năm 1916) cũng làm xong 2 câu đối mới chịu chết : “Non sông đã chết, ta há lẽ sống thừa… Dưới chín suối điều quân luyện tướng, Hồn thiêng ngầm giúp thiếu nên quân.”(dịch từ Hán). Phan Bội Châu còn ghi lại trường hợp Đinh phu nhân (chưa biết là ai) bị bắt giam đã cắn ngón tay lấy máu đề đến 3 bài thơ tuyệt mệnh vào tường trước khi tự tử: “Máu khô, lệ cạn nhưng uất hận vẫn khó tan, Nhìn nước sông Hương ngày đêm chảy mà lòng đau như đứt…”(dịch từ Hán). Còn trường hợp Phan Thanh Giản thì có khác hơn, trước khi uồng thuốc độc tự tử cũng đã kịp làm xong bài thơ cuối cùng “Tuyệt cốc”(tuyệt thực 17 ngày) gửi gắm lại cho đời…

Ai cũng biết ở đời , chết sống là chuyện bình thường mà lại quá quan trọng. Thơ văn về một trong 2 đề tài vĩnh hằng đó – cái chết, sự chết cũng có nhiều mà ở VN phổ biến trước đây là thể loại văn tế, thơ điếu. Nghĩa là chỉ nói về cái chết của người khác, cái chết đã qua. Nói về cái chết sắp tới của mình, một cái chết bình thường, cái chết bình an (tuổi già, bệnh hoạn…) thì cũng có nhưng ở đây thường các nhà thơ tỏ ra an phận trước định mệnh, trở thành những triết gia chấp nhận lẽ đời của tạo hoá với một lương tâm thanh thản, đạt đạo để chuẩn bị cho cuộc hành trình đi vào hư vô mai này. Nhưng còn làm thơ về cái chết cấp kỳ ngay lập tức của mình trong vòng vài ba phút tới, một cái chết hoàn toàn bất khả đình hoãn hay vãn hồi; hơn thế nữa, lại là một cái chết bất mãn, bất bình, không thể chấp nhận được – ấy quả là một việc làm tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của người bình thường.

Nhưng như Thủ Khoa Huân , vẫn có người vượt qua được cái ranh giới kia bởi trước đó họ đã giải quyết xong xuôi rồi vấn đề sống hay chết là để làm gì, còn thơ chỉ là cái đi sau. Thơ trong trường hợp ấy chỉ là cái nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với tầm cao vời vợi của cái chết dựng lên trước mắt những con người vĩ đại ñoù.

Chính lẽ sống chết cuộc đời chấp nhận thế nào mới định đoạt nên thơ. Thế mà vẫn không ít người còn nghĩ ngược lại(*).

CAO HUY KHANH

(10/95)

(*) Thơ trích dẫn theo “Thơ văn yêu nước Nam Bộ” (Nxb Văn học, 1977), “Hợp tuyển thơ văn VN” (quyển II, Nxb Văn học,1985)….