Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Nhật ký Giacomo Casanova


Thứ Hai, 05 tháng 12 2011


Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, viết tắt BnF) đang cho triển lãm (từ 15/11/2011 đến 19/12/2012) nhật ký Giacomo Casanova, viết bằng tiếng Pháp. Một tác phẩm đồ sộ, 3,700 trang  giấy viết tay, chữ xiêng, dễ đọc dù đưọc viết từ trên hai trăm năm trước, có tựa là Chuyện Đời Tôi – Histoire de ma vie. Thư viện, theo tiết lộ của giám đốc Bruno Racine, đã tốn nhiều thì giờ (ba năm, kể từ khi bắt đầu cuộc  điều đình với người sở hữu cùng việc vận động các Mạnh thường quân) và tiền bạc (giá trên 7,000,000 Euros) mới mang được 11 thùng sách về đến nơi đến chốn. Và bây giờ bày ra cho công chúng thưởng lãm.
Vậy, trước hết, Casanova là ai? Ai hoàn toàn không có chút ý kiến nào thì khỏi nói nhưng đa số người có biết đến danh tính một ông Casanova, hoặc đã tình cờ xem phim ảnh (vô số, của, xưa nhất, Alexander Volokoff, René Barberis, Jean Boyer, McLeod, Mario Monicelli, Federico Fellini.. và gần đây, 2005, của Lasse Hallström với Heath Ledger, Sienne Miller trong hai vai chính, Casanova và Francesca) những cuốn phim kể về cuộc đời (hay một đoạn đời) Casanova thường mang ông ta đến gần với Don Juan, hoặc đơn giản hơn nữa là gần với nhân vật Sở Khanh trong Kiều. Nhưng Giacomo Casanova không đáng bị giản lược cỡ đó (yêu một phụ nữ, dù vẽ vời đến đâu, rốt cuộc vẫn chỉ là lôi nhau vào chăn chiếu; nhưng lôi như thế nào, nghe ngóng gì cảm nhận gì mới là điều đáng kể - “ta thấy gì đâu sau nhan sắc yêu kiều”…). Nếu cuốn tự thuật của ông – mà ông đã bỏ ra 13 năm để viết, những năm cuối cùng của đời ông khi ông làm quản thủ thư viện cho một nhà quí tộc ở Dux– chỉ là những trang giấy kể chuyện chinh phục phụ nữ thì hẳn thư viện quốc gia Pháp đã không chịu tốn công tốn của để làm công việc như thế. Trước khi chết ông đã dành lại cho người cháu toàn bộ cuốn tự thuật viết bằng tiếng Pháp này. Năm 1821, người cháu đã nhượng lại cho gia đình một nhà xuất bản ở Leipzig, nhà Blockhaus. Đến thời chiến tranh thứ hai chấm dứt thì một thành viên của gia đình này đã thoát sang Tây Đức, mang theo bản thảo, nhờ vậy những trang giấy ấy đã khỏi chịu nạn phần thư. Thập niên 60, Blockhaus cùng với nhà xuất bản Plon của Pháp cho ra mắt một phần nhỏ cho tới nay. Nghe nói sau cuộc triển lãm người ta sẽ cho xuất bản toàn bộ dưới sự chăm sóc của nhà Pléiade, chuyên in những tác phẩm quan trọng vừa đồ sộ vừa có giá trị, hoặc toàn bộ tác phẩm của một tác giả như trường hợp Marguerite Duras và Milan Kundera trong năm nay. Vào năm 2007 giám đốc BnF, Bruno Racine, qua trung gian vị đại sứ Pháp ở Berlin, ông Claude Martin, đã bắt liên lạc và điều đình mua toàn bộ tác phẩm; cuộc thương lượng kéo dài ba năm nhờ một Mạnh thường quân ẩn danh, BnF mới chính thức làm chủ 10 tập sách (10 tomes) sau khi chi ra trên bảy triệu Euros! Nhờ vậy khách viếng triển lãm sẽ được dẫn đưa phỏng theo  nội dung tác phẩm, bắt đầu từ Venise, sinh quán của chàng lãng tử qua mười gian phòng bày biện theo tinh thần của mười tập sách, từ tuổi thiếu niên ở Venise sang giai đoạn tu hành rồi quân ngũ… Tranh, tượng, y phục, phông màn vẽ về tuồng hát và lễ lạc cùng những đoạn phim như những phụ tùng thuyết minh cho toàn bộ cuộc đời của con người Casanova muôn mặt và đa tài. Nên biết rằng trước khi làm công việc trước tác về cuộc đời riêng, Casanova đã, với ngòi bút, phiêu lưu trên nhiều lãnh vực từ triết lý đến kinh tế, sang y học, toán học và ngay cả sáng tác – ông đã viết một bộ tiểu thuyết giả tưởng đồ sộ theo khuynh hướng Jules Verne. Về già (ông chết khi đã 73 tuổi) ông bất đắc dĩ nhận lời làm quản thủ thư viện cho công tước Waldstein trong lâu đài ông này ở Dux thuộc vùng Bohême. Những năm này ông để ra 13 giờ mỗi ngày để viết hồi ký. Đồng tình với ý tưởng Proust, ông cho rằng ngoài thú vui hiện thực còn có niềm hạnh phúc của hồi ức –reminiscence. Hãy bỏ ngoài chi tiết của một nhân vật ngoại hạng từ vóc dáng (người thì bảo ông cao 1m87 nhưng kẻ khác ghi ông đạt đến 1m90) đến hành vi (những cuộc ngao du qua các thành phố Âu châu trong đời ông tổng cộng 67,000 cây số dong ruỗi, cùng chuỗi chinh phục 122 người tình, và hành đủ mọi nghề: nhà tu, sĩ quan, nhà ngoại giao, nhà văn, cố vấn luật pháp – ông đỗ tiến sĩ luật, lường gạt, bài bạc và …vào tù lúc ba mươi tuổi rồi vượt ngục năm sau; từng giao du với những khuôn mặt lớn đương thời, chẳng hạn Voltaire và Jean-Jacques Rousseau của Pháp, ngay cả  nữ hoàng Catherine II của Nga, được sự che chở của những kẻ có chức quyền như ông cố đạo Bernis khi còn là  đại sứ (và …chia sẻ với ông này tình yêu của hai vị nữ tu) và sau này lên chức thượng thư của triều đình Pháp.
Có thể, trên căn bản đức lý, người ta không châm chước cho vô số cuộc tình của Casanova –chính chỗ này khiến có người liên tưởng tới Don Juan, nhưng Don Juan có quan niệm sống khác trong khi Casanova luôn có cách xử sự đầy tôn trọng và yêu chiều phụ nữ. Hơn nữa, ông có tài năng, sự thông minh và tâm hồn của người nghệ sĩ. Ông giám đốc thư viện quốc gia Bruno Racine đã lên tiếng ca ngợi tác phẩm Chuyện Đời Tôi như những trang viết đẹp đẽ mang trong nó chất nồng nàn nhục cảm của người Ý và vẻ đài các của Pháp văn (une sensualité italienne et l’élégance de la langue française) khi đáp lời phỏng vấn của nàng kiều nữ Laurence Piquet trên kênh truyền hình của đài 5 Pháp dành riêng cho việc giới thiệu cuộc triển lãm về cuộc đời nhân vật phi thường Giacomo Casanova.
122 người tình, quả thật là có hơi nhiều, nhưng với cuộc sống của một kẻ xuất chúng cỡ đó, nghĩ  lại, cũng chẳng phải là chuyện lạ. Cuộc đời Casanova là một chuyến đi dài; nên nhớ rằng ở thế kỷ 18 việc chuyển dịch khó khăn, một lần đi thì phần quay lại nghe chừng không chắc; không chắc quay về thì làm sao giữ được mối tình đang có? Vả chăng, duy trì tình yêu là điều bất khả. Người ta chỉ có thể duy trì bằng cách đánh mất nó, đó là cách duy trì hữu hiệu hơn hết. Casanova là kẻ liên tục đánh mất tình yêu và vì vậy ông mãi mãi là người tình mơ ước của những giai nhân bị ông chinh phục cùng những người khác đã thành công chiếm trái tim ông.
Hạnh phúc, rốt lại chỉ còn trong hồi ức khi ta cầm chiếc bánh madeleine của Proust![ĐĐT]

Ðường dẫn liên hệ


Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

5 bài tập rèn não mỗi ngày


(Dân trí) - Việc tự đặt ra những thử thách, kích thích và luyện tập hiệu quả cả 5 nhóm chức năng của bộ não sẽ giúp sống khỏe, minh mẫn ngay cả khi tuổi tác đã nhiều.


Ghi nhớ

Ghi nhớ đóng vai trò thiết yếu hơn cả trong nhóm các chức năng tri giác, nó có trong những việc đọc, lập luận, tính toán.

Để duy trì trí nhớ tốt, bạn cần phải rèn luyện, và điều này đơn giản hơn bạn tưởng: Nghe nhạc rõ ràng là hoạt động rất thú vị, và nếu bạn chọn một bài hát không biết hoặc không nhớ lời, bạn sẽ tự làm tăng lượng acetylcholine, một chất hóa học giúp kiến tạo thêm cho não, nâng cao khả năng ghi nhớ cho não bộ.

Hãy tự tạo ra thử thách cho mình bằng cách tắm hoặc mặc quần áo trong bóng tối, hoặc dùng tay trái đánh răng. Tất cả những hoạt động như vậy sẽ giúp tạo ra những kết nối mới giữa các tế bào thần kinh khác nhau trong bộ não.

Sự tập trung

Khả năng tập trung là yếu tố rất cần thiết gần như trong mọi hoạt động hàng ngày của con người. Biết tập trung tốt sẽ giúp bạn có thể duy trì sự chú ý ngay cả khi xung quanh rất ồn ào và liên tục bị ngắt quãng để hoàn thành nhiều hoạt động trong cùng một thời điểm.

Ta có thể cải thiện năng lực tập trung bằng cách đơn giản là thay đổi những thói quen hàng ngày. Chẳng hạn, bạn có thể thay đổi đường đi tới công ty hay sắp xếp lại bàn làm việc, cả hai cách đó đều sẽ bắt trí óc bạn phải tỉnh táo hơn để thoát khỏi những thói quen.

Khi tuổi tác nhiều hơn, sức chú ý của chúng ta cũng giảm dần, điều này khiến ta dễ bị phân tán hơn và khả năng kết hợp nhiều hoạt động cùng lúc cũng giảm hiệu quả. Bằng cách kết hợp các hoạt động như vừa nghe một cuốn sách nói vừa chạy bộ, hay làm toán trong khi lái xe có thể khiến não bạn hoạt động nhiều hơn trong cùng một thời điểm.

Ngôn ngữ

Các hoạt động ngôn ngữ sẽ buộc chúng ta phải nhận diện, ghi nhớ và hiểu ý nghĩa các từ vựng. Chúng cũng sẽ giúp ta rèn luyện kỹ năng ngữ pháp, sự trôi chảy trong khi nói, viết và tăng lượng từ vựng.

Với bài tập hàng ngày, bạn có thể mở rộng kho từ mới và dễ dàng nhận diện các từ ngữ quen thuộc. Chẳng hạn, nếu bạn chỉ thường xuyên đọc những bản tin thể thao thì bây giờ, hãy thử đọc những bài báo viết về thương mại một cách kỹ lưỡng.

Bạn sẽ tiếp cận với những từ mới, tuy nhiên, chúng sẽ dễ hiểu hơn khi đọc trong một văn cảnh nhất định và thậm chí, nếu bạn chưa hiểu được, bạn có thể tra cứu bằng từ điển. Hãy dành thời gian để hiểu những từ mới đó ngay trong ngữ cảnh văn bản, điều này sẽ giúp bạn xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và dễ dàng vận dụng những từ ngữ mới trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc.

Nhận thức thị giác

Chúng ta đang sống trong một thế giới 3 chiều đầy màu sắc. Việc phân tích các thông tin về mặt thị giác là điều cần thiết và có thể được thực hiện ngay trong môi trường sống của bạn.

Để luyện tập chức năng tri giác này, bạn hãy đi vào một căn phòng, chọn tìm 5 đồ vật và ghi nhớ vị trí của chúng. Khi ra khỏi phòng, hãy cố gắng nhớ lại 5 vật đã chọn đó cùng vị trí của chúng. Bạn thấy điều này quá đơn giản ư? Hãy chờ qua 2 giờ đồng hồ sau đó, và nhớ lại những vật này cùng vị trí của chúng.

Hãy nhìn về phía trước và ghi lại mọi điều bạn có thể thấy trước mặt và hai bên tầm nhìn của bạn. Hãy bắt mình nhớ lại mọi điều và ghi ra. Cách làm này sẽ buộc bạn phải sử dụng trí nhớ và rèn luyện cho trí não khả năng tập trung vào những điều xung quanh bạn.

Chức năng hành động

Mặc dù có thể không nhận ra, nhưng bạn đang sử dụng kỹ năng logic và lập luận hàng ngày để đưa ra những quyết định, xây dựng các giả thuyết và xem xét những kết quả có thể diễn ra trong những hành động của mình. Các hoạt động trong đó bạn phải xác định chiến lược để đạt được kết quả mong muốn và tính toán những hành động thích hợp để tìm ra giải pháp trong thời gian ngắn nhất có thể chính là những hoạt động yêu thích bạn làm mỗi ngày, giống như các hoạt động tương tác xã hội và các trò game chẳng hạn.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với một người bạn có thể kích thích hoạt động trí tuệ vì bạn sẽ phải cân nhắc những lời đối đáp có thể và những kết quả mong muốn. Các trò game đòi hỏi người chơi phải có chiến lược và kỹ năng giải quyết những khó khăn để đạt được mục đích tốt nhất.

Luyện tập trí óc

Cùng với tuổi tác, việc rèn luyện trí óc cũng quan trọng như luyện tập cơ thể. Và bây giờ, bạn đã biết 5 nhóm chức năng tri giác của não và cách thức luyện tập chúng, thế nên bạn sẽ nhận thấy dễ dàng hơn những hoạt động hàng ngày có thể giúp mình rèn luyện trí óc và não bộ ra sao.

Đỗ Dương
Theo Askmen

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Ngày rơi…











Ngày rơi… lủng lẵng
vướng trên nhành khô giọt lệ đắng lòng
tiếng chim nghẹn cổ gục đầu trên lá cỏ
em dần xa…xa vời hơn cổ tích

đêm.  sao không rơi…
đêm vướng lại trong lòng
lời yêu thương hoài niệm cọ xát
tan tác gió hôn hoàng.
Ai dửng dưng ném đá vào kỷ niệm.
Cho vết đau loảng xoảng bước ta về.
                  
Saigon mưa 10.2011


Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Nghe đàn ông Mỹ dạy con trai


Thứ bảy, 8/10/2011, 08:58 GMT+7


Ngôi sao của Broadway - Will Rogers từng nói 'Di sản mà một người cha để lại cho con cái không phải là những lời hay ý đẹp hay bạc vàng châu báu mà là những giá trị không được nói thành lời'. Và ông đã truyền cho các con mình những bài học để trở thành một người đàn ông, một người cha tốt.

Trong những năm tháng phát triển, các chàng trai cần một tấm gương để qua đó nhận thức được sự tôn trọng, chăm chỉ, cảm thông và một người đàn ông thành đạt. Khi con còn nhỏ, mẹ là người gần gũi con nhất nên đa phần tính cách của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng lớn từ mẹ. Tuy nhiên, khi bắt đầu biết nhận thức, do tương đồng về giới tính, con trai thường nhìn vào cha để "bắt chước".
Kerncountyfamily đã thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhóm các ông bố tại Kern County (Mỹ) để hỏi về bí quyết nuôi dạy con trai. Dưới đây là câu trả lời của họ:
Dành thời gian cho con
Làm bạn cùng con
Là một người cha, không chỉ biết quát mắng mà còn phải biết cho con mượn bờ vai từa vào khi khóc. Kevin McCarthy, cha của hai đứa trẻ cho biết: Những gì bạn nói không quan trọng bằng việc dành thời gian cho chúng. Vì vậy, hãy bớt chút thời gian để đi câu cá, chơi game cùng các con và đưa cho chúng những bài học trong các lần đi chơi đó. "Trẻ con nói với bạn những điều khác nhau ở những thời điểm khác nhau, vì vậy, điều quan trọng là luôn luôn lắng nghe". Mỗi khi McCarthy đi công tác vắng nhà, ông vẫn thường xuyên liên lạc, nói chuyện với các con qua điện thoại, Yahoo, không phải để kiểm soát mà để các con biết rằng ông luôn lắng nghe tâm tư của chúng.
Dạy con biết đồng cảm
Đồng cảm là một kỹ năng quan trọng để những đứa trẻ biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Hàng ngày, Zane Smith, Giám đốc điều hành của Câu lạc bộ Boys & Girls làm công việc cố vấn tâm lý cho hai đứa con và hàng nghìn đứa trẻ trong CLB. Ông nói rằng cách tốt nhất để dạy một cậu con trai là dạy nó biết cảm thông. "Hãy thử đi bộ bằng đôi giày của người khác trước khi đưa ra quyết định phù hợp với cảm xúc của mình" là điều mà Zane thường xuyên nhắc nhở các con.
Ngoài ra, Zane còn dạy các con trai biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi rất "đàn ông". Ví dụ như "Tôi xin lỗi. Tôi đã mất bình tĩnh với bạn. Tôi sẽ bình tĩnh hơn trong những lần sau".
Cung cấp sự ổn định
Cung cấp đầy đủ những nhu cầu thiết yếu và đảm bảo an toàn tạo cho đứa cảm nhận về cái tôi. Ông Rick Radon, người lớn tuổi nhất cuộc phỏng vấn luôn tự hào về cậu con trai thành đạt 31 tuổi của mình. Ông cho biết một trong những điều quan trọng nhất ông đã làm cho các con chính là tạo cho chúng cuộc sống ổn định. "Các con tôi không thể có tất cả mọi thứ chúng muốn nhưng chúng có đủ mọi điều chúng cần: nơi ở, quần áo, đồ ăn, tình yêu và đặc biệt là sự tin cậy".
Đôi khi phải động viên, đôi khi cần chê trách
Giải thích về sự không công bằng của cuộc sống
Vẫn là Zane đã chia sẻ thêm rằng, ông không bao giờ nói dối bọn trẻ bằng những thứ hào nhoáng của cuộc sống. Thay vào đó, ông chỉ cho chúng biết cách chấp nhận bất công như thế nào mà không khiến mình trở nên nhỏ nhen. Ngay như việc đơn giản nhất là phân chia đồ chơi giữa cậu con trai Chris, 16 tuổi và em gái cũng vậy. Zane nói: "Nếu em gái có được mua một bộ váy đắt tiền thì không có nghĩa là Chris cũng sẽ có đồ chơi ngang giá. Tôi nói với nó đó là sự nhường nhịn và mọi chuyện có thể ngược lại vào lần sau".
Phục vụ người khác
Giúp đỡ những người kém may mắn và đem lại lợi ích cộng đồng là những điều quan trọng mà một cậu con trai cần phải học để đảm bảo cho tương lai hạnh phúc. Zane luôn khuyến khích con trai mình giúp đỡ người khác như một thói quen, không chờ đợi người khác yêu cầu.
Bản thân là đại diện dân biểu, McCarthy đã truyền cho con đức tính phục vụ cộng đồng. Giờ đây, Connor, con trai ông đã trở thành tình nguyện viên cho Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Tăng cường ý thức về bản thân
Không nên chì chiết vào những lỗi lầm do con gây ra mà hãy nhìn vào mặt tích cực của nó. Ai trong chúng ta cũng có những mặt mạnh, mặt yếu. Và những bậc làm cha mẹ phải biết khuyến khích con phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm. Nói cho chúng biết giá trị của mình để chúng luôn tự tin vào bản thân.
Để con thất bại
Người cha có nghĩa vụ bảo vệ con trai mình nhưng đôi khi cũng nên để chúng thất bại. Chúng sẽ học được nhiều từ thất bại và biết làm gì nếu muốn thành công. Khi chúng còn nhỏ, nếu chúng ta bao bọc chúng quá nhiều thì khi lớn lên, chúng dễ bị tổn thương. Đừng tự biến con mình thành "những chú gà công nghiệp".
Mộc Lan

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Hãy cho anh yêu em…











Hãy cho anh yêu em lần nữa
nỗi nhớ xa ôm ấp bến bờ gần
bông cải vàng, lũ bướm nhỏ phân vân
không nhìn được nắng cao hay nắng thấp
anh vẫn biết tình em trao không thật
nên anh tự dối mình…
- chuyện nhỏ… mà em!!!

dẫu cơn lốc thời gian đã xoáy quanh nửa đời người
nhưng có sá gì trái tim anh vẫn đợi
dẫu bụi thời gian đã phủ kín cuộc đời
nhưng có sá gì trái tim yêu còn đập
cơn lốc thời gian đâu xoáy ngược được tình anh.

Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới (2011-2012)


 











Barack Obama
28-09-2011

Xin cám ơn. (Vỗ tay). Xin cám ơn rất nhiều. Xin mời các vị an tọa. Xin cám ơn chủ tịch (ý nói cô Donae, có lẽ là chủ tịch hội học sinh -ND), đây là bài giới thiệu rất hay. (Cười). Chúng ta rất tự hào về Donae vì cô đã có một bài giới thiệu rất hay về trường học này.
Ngoài ra, tôi muốn cám ơn bà hiệu trưởng nổi tiếng của các cháu, bà đã làm việc ở đây 20 năm – ban đầu là cô giáo và bây giờ là một hiệu trưởng nổi tiếng – đấy là bà Anita Berger. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chúc mừng bà. (Vỗ tay). Tôi cũng muốn cám ơn ông Gray, thị trưởng Washington, D.C. cũng có mặt ở đây. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chào mừng ông. (Vỗ tay). Và tôi muốn được cám ơn người sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vị bộ trưởng giáo dục tuyệt vời nhất của chúng ta, đấy là ông Arne Duncan, cũng có mặt ở đây. (Vỗ tay).
Tôi rất vui mừng được có mặt tại trường phổ thông trung học Benjamin Banneker, một trong những trường phổ thông trung học tốt nhất, không chỉ của Washington D.C mà còn trên phạm vi toàn quốc nữa. Học sinh cũng đến từ mọi miền đất nước. Vì vậy mà tôi muốn chúc mừng tất cả các cháu nhân dịp năm học mới mặc dù tôi biết rằng nhiều cháu đã tựu trường một thời gian rồi. Tôi biết rằng ở Banneker các cháu đã tựu trường được vài tuần rồi. Bởi vậy mọi thứ đều dần dần ổn định, giống như tất cả những người bạn cùng trang lứa với các cháu trên tất cả các địa phương trong nước. Kì thể thao mùa thu đã được khởi động. Những buổi biểu diễn âm nhạc và diễu hành cũng sắp bắt đầu, tôi tin là như thế. Những bài kiểm tra và những dự án lớn đầu tiên cũng có thể sẽ diễn ra trong nay mai.
Tôi biết rằng các cháu còn có nhiều hoạt động ở bên ngoài trường học. Bạn bè của các cháu có thể cũng thay đổi ít nhiều. Những vấn đề trước đây thường bị bó hẹp trong những sảnh đường hoặc phòng thay đồ tập thể thao hiện đang tìm đường vào Facebook và Twitter. (Cười). Một số gia đình của các cháu chắc cũng cảm thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Nhiều cháu cũng đã biết, chúng ta đang phải trải qua một trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất trong cuộc đời của chúng ta – trong cuộc đời của tôi. Các cháu đang còn trẻ. Và kết quả là các cháu có thể phải làm thêm sau giờ học để giúp đỡ gia đình hoặc có thể phải trông em khi bố hoặc mẹ các cháu đi làm thêm.
Nghĩa là các cháu có nhiều việc phải làm. Các cháu trưởng thành nhanh hơn và tương tác với một thế giới rộng lớn hơn theo cách mà các thế hệ những người có tuổi như tôi, thành thật mà nói, đã không phải làm. Bởi vậy, ngày hôm nay, tôi không muốn sắm vai một người trưởng thành đứng lên và rao giảng như thể các cháu chỉ là trẻ con – bởi vì các cháu không còn là trẻ con nữa. Các cháu là tương lai của đất nước này. Các cháu là những nhà lãnh đạo trẻ. Và đất nước của chúng ta thụt lùi hay tiến lên phụ thuộc một phần lớn vào các cháu. Vì vậy tôi muốn nói với các cháu một chút về trách nhiệm đó.
Rõ ràng là trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc trở thành học trò giỏi nhất theo khả năng của các cháu. Điều đó không có nghĩa là các cháu phải có điểm số cao nhất trong mọi bài tập. Điều đó không có nghĩa là lúc nào chúng cháu cũng là học sinh suất sắc (dịch thoát ý thuật ngữ straight A’s – ND), dù đó không phải là một mục đích tồi. Điều đó có nghĩa là các cháu phải cố gắng. Các cháu phải quyết tâm và kiên nhẫn. Điều đó có nghĩa là các cháu phải làm việc chăm chỉ như thể các cháu biết phải làm việc như thế nào. Và điều đó có nghĩa là đôi  khi các cháu phải liều lĩnh. Các cháu không nên né tránh những môn học mà các cháu thấy khó vì sợ rằng không thể giành được điểm tốt, nếu đó là môn học mà các cháu nghĩ là sẽ cần đối với việc chuẩn bị cho tương lai của các cháu. Các cháu phải biết ngạc nhiên. Phải biết chất vấn. Phải khám phá. Và đôi khi các cháu phải vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ.
Đấy chính là mục đích của trường học: khám phá những niềm đam mê mới, học những kĩ năng mới, sử dụng thời gian quý giá này để chuẩn bị cho bản thân và rèn luyện những kĩ năng mà các cháu cần để theo đuổi sự nghiệp mà các cháu thích. Và đó là lí do tại sao khi còn là một học sinh các cháu có thể thăm dò những khả năng rất khác nhau. Giờ này các cháu có thể trở thành một họa sĩ; giờ sau, cháu là một nhà văn; giờ sau nữa, là một nhà khoa học, một nhà sử học hay một người thợ mộc. Đây là khoảng thời gian để các cháu  tìm kiếm những mối quan tâm mới và kiểm tra những ý tưởng mới. Và càng tìm kiếm nhiều các cháu càng sớm tìm ra những điều làm cho các cháu trở nên sống động, những điều làm các cháu đứng ngồi không yên, làm các cháu phấn khích – tìm ra nghề nghiệp mà cháu muốn theo đuổi.
Bây giờ, nếu các cháu hứa không nói với ai thì tôi sẽ kể cho các cháu nghe một bí mật: khi còn học phổ thông, cũng như trung học, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình. Không phải môn nào tôi cũng thích. Không phải lúc nào tôi cũng chú tâm vào học hành như đáng lẽ phải thế. Tôi nhớ khi tôi học lớp tám, tôi phải học một môn gọi là đức dục. Đức dục là về những điều đúng sai, nhưng nếu các cháu hỏi tôi lúc học lớp 8 tôi thích môn gì thì tôi sẽ trả lời là bóng rổ. Tôi không nghĩ đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích của tôi.
Nhưng đây mới là điều thú vị. Sau đó, lúc nào tôi cũng nhớ cái môn đức dục này. Tôi vẫn nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi vẫn nhớ khi bị hỏi những câu đại loại như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Hoặc như thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Sống trong một quốc gia đa sắc tộc – nơi không phải ai cũng trông giống như các cháu, suy nghĩ giống các cháu hoặc xuất thân từ những vùng lân cận với các cháu – nghĩa là thế nào? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người như thế nào?
Mỗi một câu hỏi như thế lại dẫn tới những câu hỏi mới. Và không phải lúc nào tôi cũng trả lời đúng, nhưng những cuộc thảo luận và quá trình khám phá đó là những gì còn lại mãi. Hôm nay tôi vẫn còn nhớ những chuyện đó. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những vấn đề đó khi tôi tìm cách lãnh đạo đất nước này. Tôi vẫn hỏi những câu hỏi tương tự về việc chúng ta, một quốc gia đa sắc tộc, phải chung sống với nhau như thế nào để giành lấy những điều chúng ta cần phải giành? Làm thế nào để bảo đảm rằng mỗi người đều được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm? Chúng ta phải có những trách nhiệm gì đối với những người kém may mắn hơn chúng ta? Làm sao để tất cả đồng bào của chúng ta đều là con em một nhà của nước Mĩ?
Đó là tất cả những câu hỏi bắt nguồn từ môn học hồi lớp tám đó của tôi. Và xin nói một điều như thế này: ngay cả tới bây giờ, không phải lúc nào tôi cũng biết được những câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó. Nhưng, nếu lúc đó tôi bỏ môn học nghe có vẻ chán ngắt này thì chắc hẳn là tôi đã bỏ lỡ một điều gì đó, đã lỡ chính cái điều không chỉ đã làm tôi vui mà còn rất có ích trong phần còn lại của cuộc đời mình.
Vì vậy, trách nhiệm của các cháu là phải thử. Chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm những điều mới mẻ. Làm việc chăm chỉ. Đừng thất vọng nếu các cháu không giỏi ngay lập tức. Các cháu không thể giỏi mọi thứ ngay lập tức được. Đó chính là lí do tại sao cháu phải đi học. Tuy nhiên, vấn đề là các cháu cần tiếp tục mở rộng những chân trời và ý thức được khả năng của mình. Đây chính là lúc các cháu làm điều đó. Hơn nữa, đấy cũng chính là những điều khiến trường học thêm thú vị.Trong tương lai, điều đó sẽ trở thành những phẩm chất giúp các cháu thành công, và đồng thời, cũng là những phẩm chất sẽ đưa các cháu tới việc phát minh ra một thiết bị làm cho iPad trông chẳng khác gì một phiến đá. Hoặc nó sẽ giúp các cháu tìm ra cách thức sử dụng nắng và gió để cung cấp năng lượng cho thành phố và đem đến cho chúng ta những nguồn năng lượng mới, ít ô nhiễm hơn. Hoặc các cháu sẽ viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại tiếp theo của nước Mĩ.Để làm hầu như bất kì việc gì trong số những công việc tôi vừa nói, các cháu không chỉ cần học hết phổ thông – và tôi biết là tôi có lí, tôi đang đứng cạnh bà hiệu trưởng Berger ở đây  – các cháu không chỉ phải học hết phổ thông mà còn phải tiếp tục học lên cao nữa, sau khi rời khỏi ngôi trường này. Các cháu không chỉ phải tốt nghiệp, mà các cháu phải tiếp tục học sau khi đã ra trường.
Và với nhiều người trong số các cháu, điều đó có nghĩa là học bốn năm đại học. Tôi vừa nói chuyện với Donae, cô ấy muốn trở thành kiến trúc sư. Hiện tại, cô đang thực tập tại một công ty kiến trúc, và cô đã chấm được trường cô sẽ theo học rồi. Đối với một vài người khác, đó có thể là một trường cao đẳng cộng đồng, một chứng chỉ nghề hoặc một khóa đào tạo. Nhưng vấn đề là hơn 60 % công việc trong thập kỉ tới sẽ đòi hỏi nhiều hơn là bằng tốt nghiệp phổ thông – hơn 60 %. Đó chính là thế giới mà các cháu sắp bước chân vào.
Vì vậy, tôi muốn tất cả các cháu sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là tiếp tục học tập sau khi đã ra trường. Và nếu điều đó đối với các cháu có nghĩa là trường đại học, thì vào trường thôi cũng chưa đủ. Các cháu còn phải tốt nghiệp. Một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta gặp lúc này là có quá nhiều thanh niên ghi danh vào các trường đại học nhưng cuối cùng lại không tốt nghiệp và hệ quả là đất nước của chúng ta, đất nước đã từng có tỉ lệ những thanh niên có bằng đại học cao nhất thế giới, hiện tại đang tụt xuống vị trí thứ 16. Tôi không thích vị trí số 16. Tôi thích là số một. Nhưng thế cũng chưa đủ. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo rằng thế hệ của các cháu sẽ đưa đất nước này trở lại vị trí đứng đầu về số lượng những người tốt nghiệp đại học, tính theo đầu người, so với bất kì nước nào khác trên trái đất này.
Nếu chúng ta làm được điều đó, các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Và nước Mĩ cũng vậy. Chúng ta có thể đảm bảo rằng những phát minh mới nhất và những đột phá mới nhất sẽ diễn ra ở đây, ở nước Mĩ này. Điều đó cũng có nghĩa là công việc tốt hơn, cuộc sống đầy đủ hơn và nhiều cơ hội hơn, không chỉ cho các cháu, mà còn cho con cháu của các cháu nữa.
Bởi vậy tôi không muốn ai đó đang nghe ở đây ngày hôm nay nghĩ rằng tốt  nghiệp phổ  thông là các cháu đã hoàn thành trách nhiệm rồi. Các cháu vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, những điều đang diễn ra trong nền kinh tế ngày hôm nay đòi hỏi chúng ta phải học tập suốt đời. Các cháu phải tiếp tục nâng cao những kĩ năng và tìm ra những cách làm việc mới. Kể cả khi các cháu không vào được đại học, kể cả khi các cháu không được học bốn năm trong trường đại học, các cháu vẫn sẽ phải nỗ lực học tập sau khi rời trường phổ thông. Các cháu sẽ phải bắt đầu kì vọng những điều lớn lao từ chính bản thân ngay từ bây giờ.
Tôi biết rằng điều này có thể làm các cháu sợ. Một vài người trong số các cháu băn khoăn làm sao các cháu có thể trả nổi tiền học phí đại học, hoặc vẫn chưa biết các cháu muốn làm gì với chính cuộc đời của mình. Không sao hết. Không ai nghĩ rằng tại thời điểm này các cháu đã có kế hoạch cho toàn bộ cuộc đời mình. Và chúng tôi không nghĩ rằng các cháu phải làm việc đó một mình. Trước hết, các cháu có những ông bố bà mẹ tuyệt vời, họ là những người yêu thương các cháu vô cùng và muốn các cháu có nhiều cơ hội hơn họ – nhân tiện, điều đó có nghĩa là đừng khiến họ phiền lòng khi họ yêu cầu các cháu ngừng chơi game, tắt tivi và làm bài tập về nhà. Các cháu cần phải lắng nghe họ. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của chính mình, bởi vì đó cũng là những điều tôi thường nói với Malia và Sasha (hai cô con gái của tổng thống Obama -ND). Đừng nổi cáu vì điều đó, tất cả chúng tôi đều suy nghĩ về tương lai của các cháu.
Các cháu còn có đồng bào trên khắp đất nước này – trong có có tôi và Arne, cũng như mọi người ở mọi cấp của chính phủ – những người đang làm việc vì các cháu. Chúng tôi đang tiến hành từng bước trong khả năng của mình để bảo đảm rằng các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục xứng đáng với tiềm năng của các cháu. Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm rằng các cháu sẽ có những trường đại học hiện đại nhất với những phương tiện học tập tiên tiến nhất. Chúng tôi bảo đảm rằng các cháu có đủ sức thanh toán và có thể theo học được trong những trường cao đẳng và đại học trên đất nước này.  Chúng tôi đang làm việc để có được những lớp học tốt nhất – giáo viên cũng tốt nhất, để họ có thể giúp các cháu chuẩn bị cho việc học ở đại học và một nghề nghiệp trong tương lai.
Nhân đây, xin được nói đôi điều về giáo viên. Ngày nay, giáo viên là những người phải lao động vất vả hơn bất kì ai. (Vỗ tay). Dù các cháu đi đến một trường học lớn hay nhỏ, dù các cháu theo học một trường công hay trường tư – thày, cô giáo của các cháu đều không có ngày nghỉ cuối tuần; họ thường dậy từ sáng sớm, suốt ngày phải lên lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Và sau đó, họ trở về nhà, ăn tối, rồi tiếp tục làm việc cho tới khuya, chấm bài cho các cháu, chữa cú pháp cho các cháu và kiểm tra xem các cháu đã tìm ra công thức đại số chính xác hay chưa.
Và họ không làm việc đó vì một chức vụ cao sang nào đó. Họ không, chắc chắn họ không làm việc đó vì đồng lương cao. Họ làm vì các cháu. Họ làm bởi vì không gì làm họ hài lòng hơn là nhìn thấy các cháu học tập. Họ sống vì những khoảnh khắc khi các cháu thành công; khi các cháu làm họ ngạc nhiên bằng trí tuệ hoặc bằng vốn từ vựng của mình, hoặc khi họ nhìn thấy con người tương lai của các cháu. Họ tự hào vì các cháu. Và họ nói, tôi đã từng làm việc để chàng trai hay cô gái tuyệt vời này có được thành công. Họ tin rằng các cháu sẽ trở thành những công dân và những nhà lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước này đi tới tương lai. Họ biết rằng các cháu là tương lai của tất cả chúng ta. Vì vậy mà các thày cô giáo của các cháu đang truyền đạt cho các cháu tất cả những hiểu biết của họ, và họ không hề đơn độc.
Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Với tất cả những thách thức mà đất nước chúng ta đang gặp hiện nay, chúng tôi không chỉ cần các cháu cho tương lai, chúng tôi thực sự cần các cháu ngay lúc này. Nước Mĩ cần lòng đam mê và ý tưởng của tuổi trẻ. Chúng tôi cần lòng nhiệt tình của các cháu ngay từ bây giờ. Tôi biết là các cháu đáp ứng được vì tôi đã nhìn thấy nó. Không có gì làm tôi hứng thú hơn là biết rằng thanh niên trên khắp đất nước này đang tạo ra dấu ấn riêng của họ. Họ không chờ đợi. Họ đang tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ.
Đó là những học sinh như Will Kim ở Fremont, California, người đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để cung cấp những khoản vay cho sinh viên từ những trường dành cho học sinh nghèo, nhưng muốn khởi sự việc làm ăn riêng của mình. Hãy cùng suy nghĩ về điều này. Cậu ấy đã cho những học sinh khác vay. Cậu ấy đã xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận. Cậu ấy kiếm tiền để làm công việc mà cậu ấy yêu thích – thông qua những giải đấu bóng ném và trò chơi cướp cờ. Cậu ấy là người sáng tạo. Cậu đã thực hiện một sáng kiến. Và bây giờ cậu ấy đang giúp đỡ những thanh niên khác để họ có thể theo học những gì họ cần.
Một thanh niên khác là Jake Bernstein, 17 tuổi, xuất thân trong một gia đình quân nhân ở St. Louis, đã cùng với chị gái tạo ra một trang web giúp thanh niên cơ hội phục vụ cộng đồng. Và họ đã tổ chức những hội chợ tình nguyện và thiết lập một sơ sở dữ liệu trực tuyến, giúp đỡ hàng ngàn gia đình tìm kiếm những cơ hội trở thành tình nguyện viên, từ việc sửa sang những con đường mòn cho tới việc phục vụ tại những bệnh viện địa phương.
Và năm ngoái tôi đã gặp một cô gái trẻ tên là Amy Chyao đến từ Richardson, Texas. Cô ấy 16 tuổi, cùng tuổi với một số cháu ở đây. Trong suốt mùa hè, tôi nghĩ vì có người trong gia đình cô ấy đã mắc bệnh nên cô đã quyết định sẽ quan tâm tới việc nghiên cứu về bệnh ung thư. Nhưng Amy Chyao lại chưa học hóa học nên cô ấy đã tự học môn này trong suốt mùa hè. Sau đó, cô đã áp dụng những điều đã học được và khám phá ra một quá trình mang tính đột phá là sử dụng ánh sáng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mười sáu tuổi. Không thể tin được. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với cô sấy, họ muốn làm việc cùng với cô để giúp cô khai thác khám phá này.
Điều này chứng tỏ rằng các cháu không cần phải chờ đợi, có thể tạo ra khác biệt ngay từ bây giờ. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là học cho giỏi. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là phải bảo đảm rằng các cháu đang chuẩn bị cho đại học và nghề nghiệp của chính các cháu. Nhưng các cháu có thể bắt đầu tạo ra dấu ấn của mình ngay từ bây giờ. Nhiều khi thanh niên lại có những ý tưởng hay hơn là những người có tuổi chúng tôi. Chúng tôi cần các cháu thể hiện những ý tưởng đó, cả bên trong lẫn bên ngoài lớp học.
Khi tôi gặp gỡ những thanh niên như các cháu, khi tôi ngồi nói chuyện với Donae, tôi không nghi ngờ gì rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mĩ vẫn đang ở phía trước, vì tôi biết tiềm năng của các cháu. Chẳng bao lâu nữa các cháu sẽ trở thành những người đứng đầu các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính phủ của chúng ta. Các cháu sẽ trở thành những người đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ nhận được những điều họ cần để thành công. Các cháu sẽ trở thành những người làm nên các trang sử mới. Và tất cả đều được bắt đầu ngay bây giờ – bắt đầu ngay trong năm nay.
Cho nên tôi muốn tất cả các cháu, những người đang nghe, cũng như tất cả những người đang có mặt ở Banneker, tôi muốn các cháu làm được nhiều việc nhất trong năm học mới này. Tôi muốn các cháu nghĩ về thời gian này như là khoảng thời gian mà trong đó cháu tiếp nhận thông tin và kĩ năng, các cháu thử nghiệm những điều mới mẻ, các cháu thực hành và ao ước – tất cả những điều mà các cháu sẽ cần để làm nên những điều vĩ đại sau khi các cháu ra trường.
Đất nước của các cháu phụ thuộc vào chính các cháu. Vì vậy hãy ngẩng cao đầu lên. Chúc các cháu có một năm học tuyệt vời. Xin cùng bắt tay làm việc.
Xin cảm ơn các cháu. Xin Chúa phù hộ cho các cháu, xin Chúa phù hộ cho nước Mĩ. (Vỗ tay).
Phạm Nguyên Trường dịch.
Nguyên văn bản tiếng Anhvideo (The White House).

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

"Mười năm với Trịnh Công Sơn" tại Paris



Tác giả: Cao Huy Thuần
Bài đã được xuất bản.: 26/06/2011 06:00 GMT+7
Theo: tuanvietnam.net
Cùng với trong nước, "Hội Văn Hóa Trịnh Công Sơn" ở Pháp vừa tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm mười năm vắng Trịnh Công Sơn vào đêm 11-6 tuần trước.
Tại sao tổ chức trễ như vậy so với trong nước? Tại vì tìm cho ra được một nhà hát còn trống chỗ vào một đêm thứ bảy là cực kỳ vô vọng: tất cả các nhà hát đều đã lên chương trình kín mít từ đầu năm. May sao nhà hát Les Gémeaux ở Sceaux đặc biệt dành cho một đêm thứ bảy, nhưng phải đợi cho đến giữa tháng 6.
Sceaux là một thành phố sang trọng nằm sít ranh giới phía nam Paris. Les Gémeaux là một nhà hát hiện đại, âm thanh cực tốt, vừa tầm 500 chỗ ngồi. Tưởng thế là đủ, không ngờ 500 vé bán hết sạch ngay khi đêm hát được loan báo trên mạng, khiến rất nhiều khách hâm mộ đã không vào nghe được. Khánh Ly, Đức Tuấn, Thanh Hải, Hồng Anh và một ban hợp xướng trẻ trung đã mang lại cho khán giả một đêm nhạc phong phú với tình cảm mặn nồng dành cho Trịnh Công Sơn.
Dưới đây, chúng tôi trích đăng 5 lời giới thiệu ngắn viết cho chương trình đêm hát của anh Cao Huy Thuần. Huế và Khánh Ly là trọng tâm của các lời giới thiệu.

Lời 1: Tiếng hát Khánh Ly
Thưa Quý Vị,

Thưa các anh chị,
Tôi rất hân hạnh đã được nhiều lần gặp gỡ các anh chị để cùng nhau chia sẻ cảm tình chung đối với TCS. Với thời gian và tuổi tác, đáng lẽ  tôi không nên lên sân khấu nữa. Vậy mà lại cũng phải lên, lần này không phải chỉ vì TCS. Chính là vì Khánh Ly.
Cho đến hôm qua, tôi chưa bao giờ gặp Khánh Ly. Nhưng, với Khánh Ly, đâu có cần gặp mới quen. Giữa chị, và công chúng yêu mến chị, không phải chỉ có giọng hát. Còn có cả một chiều sâu lịch sử. Một lịch sử oai hùng. Một lịch sử thương đau. Một lịch sử Điện Biên. Một lịch sử Plei Me, Chu Prong. Một lịch sử đầy tình ca, kể cả tình ca người mất trí. Một lịch sử vang vọng tiếng ru, kể cả đại bác ru đêm. Lịch sử đó nằm không phai trong tim. Cho nên trong tim ai cũng có Khánh Ly.

Đối với riêng tôi, hơn thế nữa, Khánh Ly không phải chỉ là giọng hát lịch sử. Chị còn là người viết văn. Chị viết văn rất hay. Nhiều lần tôi tự hỏi : tôi cảm động vì chị, không biết có phải vì giọng hát hay vì lời văn. Tôi nói thế, không phải là để bốc chị lên thành văn sĩ. Tôi nói, là vì một ý nghĩ mà tôi chắc không sai : phải là một người biết vui buồn với cây bút mới thấm được lời ca của TCS và mới truyền được cái chất thơ ấy qua giọng hát. Có thể mỗi người mê giọng hát của Khánh Ly một cách khác nhau. Nhưng chắc ai cũng thấy giọng hát của chị đặc biệt ở một chỗ bí truyền của TCS : chị hát rất rõ lời, mỗi chữ là mỗi tiếng sỏi rơi vào hồ nước. Giọng hát ấy và lời thơ ấy gặp nhau, đâu có phải chỉ vì chị là ca sĩ ? Đâu có phải tình cờ ? Ấy còn là văn chương gặp văn chương.
Tôi còn thêm một lý do nữa để cảm nhận thấm thía giọng hát của Khánh Ly. TCS là người duy nhất lên sân khấu với giọng Huế. Có lẽ tôi là người thứ hai, nhưng may cho các anh chị là tôi không hát. Huế là nguồn cảm hứng bất tận của TCS, là mẹ, là người yêu, là mơ mộng, là chiếc nôi. Mỗi chữ của TCS đều là Huế. Cho nên phải thấm cái chất Huế đó của TCS mới giao hoan được với lời hát của anh. Mà Khánh Ly ... Có lẽ kiếp trước chị lọt lòng đâu đó ở Huế cho nên kiếp này chị mới tình tự được với Huế như thế này :
"Tôi là gái Bắc, lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lạ lùng làm sao, tôi không nhớ Hà Nội bao nhiêu, không yêu Sài Gòn lắm. Mà chỉ xót xa đến Huế ... Vậy mà tôi yêu Huế ... Dù tôi chỉ biết Huế sau Tết Mậu Thân và không quá mười lần ghé Huế. Nhưng tôi yêu Huế bởi vì từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu."
Các anh chị thân mến, nhan đề của đêm hát hôm nay là "Mười năm với TCS". Tôi nghĩ : không ai với TCS bằng Khánh Ly. Họ đã hòa quyện với nhau trong tiếng hát. Họ đã cùng hiến hai cuộc đời thanh xuân của nhau để cùng tạo dựng chung huyền sử của một thời đại, trong đó cái chết và tình yêu là hai nhân vật không rời nhau - chết trần truồng mình không manh áo nhưng nằm chết như mơ.
Chất thơ, chất Huế, cái chết, tình yêu ... Khánh Ly sẽ mang lại cho chúng ta tất cả không khí đó, bắt đầu bằng mưa Huế trong ba bài mưa. Mưa Huế là mưa dầm, nhưng mưa Huế trong TCS không phải vậy, đôi khi là mưa hồng, vì mưa ươm nắng, đôi khi là mưa bốn mùa, và không phải do ý trời mà do mệnh lệnh của Người - của một Người mang cái tên duy nhất trong TCS là Em.
Lời 2: Bàn chân dưới mưa
Khi nãy, tôi vừa nói với các anh chị rằng tôi rất lấy làm tiếc cho các anh chị là tôi sẽ không hát. Không hát thì đọc vậy. Lời của TCS hát cũng hay mà đọc cũng hay. Tôi xin đọc một bài để làm ví dụ : bài "Cho đời chút ơn". Tôi đọc một đoạn nhỏ, đoạn TCS ngắm một người đẹp đi bên kia phố. Anh thấy anh đi theo, theo từng gót chân, như chiếc lá bay theo, như giọt nắng bay theo:
 Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia
Làm hồng chút môi cho em nhờ.
Môi thiên đường / Hót chim khuyên
Ôi tóc trầm / Ướp vai thơm
Ta nghe đời / Rất mênh mông
Trong chân người / Bước chầm chậm.
Một bài hát ca tụng người đẹp. Ai cho đời chút ơn ? Những người con gái xinh đẹp. Ơn gì ? Mang lại cái đẹp cho cuộc đời, như mùa xuân đem mơn mởn cho vũ trụ.
Bài hát là một bức tranh vẽ người đẹp tiêu biểu trong TCS. Có môi, mà lại là "môi thiên đường". Có tóc, có vai, vai đã thơm mà còn được ướp thêm mùi trầm của tóc. Có tà áo phơn phớt nắng bình minh. Cả người là phấn thơm, thơm cả khu rừng. Nhưng ... nhưng ... tất cả những cái đẹp đó đều quỳ xuống để muôn tâu một nhan sắc chỉ riêng có trong TCS : hai bàn chân. Người đẹp trong TCS là đẹp ở bàn chân. Bởi vì, trong bước chân ấy, ngự giá một cái đẹp lạ lùng. Cái gì ? Cái "chầm chậm". "Dù em khẽ bước không thành tiếng / Cõi đời bao la vẫn ngân dài". Người con gái bước đi chầm chậm để mang trong hai bàn chân tất cả "mênh mông" của cõi đời.
Tôi không dám nói đây là bức tranh Huế ngày xưa - nghĩa là của thời TCS, thời chúng tôi. Thế nhưng có một người cứ thành khẩn quả quyết đó là bức tranh Huế. Người đó là Khánh Ly. Tôi lại đọc Khánh Ly :
"... Vậy mà tôi yêu Huế. Con gái Huế nói như hát, dịu dàng, đi đứng khép nép, nhẹ nhàng. Có một cái gì đó thật mong manh, như tơ, như sương khói, như một điều không có thật trong con người của các cô gái Huế. Tôi có cảm tưởng như họ không phải là một sự hiện hữu. Một chút hương khói hư ảo, chập chờn. Chỉ một tiếng động khẽ, dù là tiếng rơi của một chiếc lá, cũng đủ làm tan biến đi tất cả ... Như thế là yêu đấy, mà lại yêu nhiều mới khổ chứ".
Không phải cô gái Huế nào cũng vậy, anh chị đừng lầm mà bán nhà. Nhưng đúng đó là mẫu người đẹp trong TCS. TCS vẽ người đẹp, tương đối ít khi vẽ môi. Có : "Nắng có hồng bằng đôi môi em / Nắng có còn hờn ghen môi em". Có : "Một hồn yếu đuối / một bờ môi thơm". Có : "Môi em cho ta một cánh hồng / Lụa là phút ấy chưa quên". Có, kể cả những "môi đốm lửa", "môi lửa cháy", "môi rồ dại" chen lẫn với "môi hồng nhạt", "môi hồng đào". Có, nhưng lạ quá, thi sĩ của tình yêu gì mà ít khi cho người ta hôn nhau. Mà hễ hôn là hôn rất bi thảm : "Có chút lệ nhòa / Trong phút hôn nhau". Hôn, là lúc bắt đầu và cũng là lúc chấm dứt tình yêu. Bởi vì, "đã có nghìn trùng / trên môi người tình / đã dấu nụ tàn / bên trong nụ hồng / có chớm lạnh lùng / trên môi nồng nàn". Cho nên, môi ấy, khi hôn nhau lần đầu đã thấm mùi vị của hôn nhau lần cuối. "Đời sẽ buồn như một chiều nao / Hôn nhau lần cuối hôn nhau lần đầu. Đời sẽ là chưa vội tình sâu / Hôn nhau lần cuối hôn nhau lần đầu".
Đôi môi không phải là vương quốc trong tranh TCS. Thua cả vai gầy. Thua cả mắt xanh xao. Thua cả bàn tay, "bàn tay trau chuốt cho thêm ngàn năm". Thua cả năm ngón tay, năm ngón tay "xuân nồng", "năm ngón tay thiên thần ru vào cô đơn". Và thua xa, tất nhiên thua xa, làm sao sánh được, với đôi bàn chân ! TCS đem ngai vàng từ trên đôi môi của thiên hạ xuống dâng cho hai bàn chân không bao giờ vội vàng. Không bao giờ vội vàng, vì lúc nào cũng như thầm thì nói chuyện. Nhất là nói chuyện với mưa, "mưa thì thầm dưới chân ngà". Đó là bàn chân dưới mưa của Diễm trong Diễm Xưa, mà Khánh Ly đã từng ca tụng với tất cả thần cảm của một tâm hồn thấm hiểu điệu vui, điệu buồn, điệu lãng mạn, điệu nhớ nhung của mưa Huế, điệu liêu trai nơi nét đẹp mà TCS gọi là nét đẹp hoàng cung.

GS. Cao Huy Thuần (trước) và ca sĩ Khánh Ly (sau)
Lời 3: Dù đến rồi đi
Khi nãy, tôi đã nói về bàn chân như là hoàng hậu của tất cả nhan sắc. Bây giờ, tôi xin nói thêm : bàn chân và bước chân là linh hồn trong những bài hát hay nhất của TCS. Chẳng hạn bài "Tình Nhớ" :

Những bước chân mềm mại / Đã đi vào cuộc đời /
Như từng viên đá cuội / Rớt vào lòng biển khơi.
TCS đã dùng bàn chân để nói về tình yêu. Bởi vì bàn chân là để đi. Mà đi, có thể là đi xa, cũng có thể là đến gần. Đến gần, rồi đi xa : thế là tình yêu. Bàn chân là bước đi của tình yêu, là tình yêu được linh hồn hóa.
Bên nhà vừa in một cuốn sách với mấy trăm bức thư tình của TCS. Đọc thì cũng vui vui, nhưng đối với một người nghệ sĩ, con người thực không phải là con người xương thịt, mà là con người trong sáng tác. Họ khóc cười trong sáng tác. Họ thở than trong sáng tác. Và họ yêu trong sáng tác. Thư riêng của TCS có thể làm cho người đọc hiểu thêm chút nào về tâm trạng của TCS trong một quãng thời gian nào đó, nhưng đó chỉ là tình yêu của TCS đối với một người, không phải là tình yêu nói chung. Khi nói rằng TCS là thi sĩ của tình yêu thì chỉ có một TCS ấy thôi, là TCS trong những bài hát. Và trong những bài hát thì tình yêu là vậy đó, không có tên của một người con gái nào, chỉ có những bước chân, những bước chân của đi và của đến, phần nhiều là của đến và của đi.
Tôi lại xin đọc một bài, một bài hay, rất đơn giản và rất hay, bài "Hoa vàng Mấy Độ" :

Đây là đến : "Em đến bên đời / Hoa vàng một đóa / Một thoáng hương bay / Bên trời phố hạ / Nào có ai hay / Ta gặp tình cờ".
Và đây là đi : "Em đến nơi này / Bao điều chưa nói / Lặng lẽ chia xa / Sao lòng quá vội / Một cõi bao la / Ta về ngậm ngùi".
Một người đi, một người về. Và đây là nhớ nhung đau buốt của người về : "Trong lòng nỗi nhớ / Ngày tháng trôi qua / Cơn đau mịt mù ".
Còn gì lại sau cuộc đến và cuộc đi ? "Một vết thương thôi / Riêng cho một người".
Tình yêu là vậy thôi, cực kỳ đơn giản. Là vậy thôi, một bước chân. "Ngày nào vừa đến / Đã xa muôn trùng / Ngày nào vừa đi / Lạnh lùng bước chân".
Trong những bước chân đó, có những bước chân rất tàn nhẫn. Đó là bước chân phụ bạc :
"Hai mươi năm xin trả nợ dài / Trả nợ một đời em đã phụ tôi
Em phụ tôi một thời bé dại / Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi".
Có những bước chân tàn nhẫn hơn nữa. Đó là bước chân gian dối :
"Tình khâu môi cười / Hình hài xưa đã thay / Mặn nồng xưa cũng phai /
Tình chia nhau gian dối / Tình đày tình đôi nơi".
Tình yêu là vậy, trong TCS của chúng ta. Bao giờ cũng vậy, "Từ lúc đưa em về / Là biết xa nghìn trùng".
Vậy thì kết luận là thế nào trong cuộc chơi mà một người đã để lại vết thương cho một người? Một lời nói đã bay trong gió ? Một "tuổi đá buồn" ngồi lại làm đá ngây ngô ?
Giải pháp thông thường nhất là quên. Nhưng đâu có dễ quên ?
"Tình ngỡ đã quên đi / Như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã đi xa / Nhưng người vẫn quanh đây".
Quên không được, mà nhớ thì khổ. Chỉ có một môn thuốc thần này mà thôi, tôi nghĩ chúng ta nên bắt chước TCS : hãy "tạ ơn". Tạ ơn những bước chân đến. Tạ ơn cả những bước chân đi. Dù phụ bạc. Dù gian dối :
"Dù đến rồi đi / tôi cũng xin / tạ ơn người / tạ ơn đời /
Tạ ơn ai / đã cho tôi / tình sáng ngời / như sao xuống từ trời"
Từ đó mà ai hát TCS cũng thấy trong tiếng hát một con người nhân ái, nhân hậu, độ lượng. Dù em phụ bạc, tôi vẫn ru em ngàn năm, ngàn năm, như Khánh Ly sẽ ru với "Tuổi đá buồn", "ngàn năm ngàn năm, ru em muộn phiền ru em bạc lòng". TCS yêu cuộc đời, nhưng cũng biết cuộc đời là ảo tưởng. TCS yêu tình yêu, nhưng cũng biết tình yêu là ảo tưởng, có đấy rồi không đấy. Chỉ có một tình yêu bất tận mà thôi, có đến và không hề đi : đó là tình yêu nghệ thuật. Tình yêu đó đã khiến TCS viết được câu máu thịt thế này : "Khánh Ly, một người bạn của định mệnh, vĩnh viễn thương yêu nhau".

Lời 4: Vũ trường và đại bác
Năm 1965, TCS đã thấy những dấu vết đầu tiên của chiến tranh nơi thành phố : xác chết phơi ven đường, phụ nữ đi tìm xác, trực thăng chở thương binh, thanh niên chạy trốn lính ... Anh bắt đầu trực nhận và viết ra những "phi lý", "vô nghĩa", "vô lý cùng cực" của chiến tranh. Bài "Xin Mặt Trời Ngủ Yên" được hát vào năm đó, mang một chút hơi hướng của chinh chiến vào lời ca :
"Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè / Ngựa hồng đã mỏi vó / Chết trên đồi quê hương /
Ôi quê hương thần thoại / Thuở hồng hoang đã thấy / đã xanh ngời liêu trai".
Chinh chiến sẽ đưa quê hương vào thuở hồng hoang ? Câu hát chưa rõ nghĩa lắm. Nhưng câu sau đã bắt đầu nói lên nhân tính trước nguy cơ hủy diệt :
"Ôi nhân loại / mặt trời / và em thôi / này đôi môi xin thương người /
Ôi nhân loại / mặt trời trong tôi".
Một ly kỳ của "văn hóa" Sài Gòn ngày xưa : bài hát có mùi thuốc súng lại được phổ biến lúc đầu trong các vũ trường. Tôi vinh danh sự ly kỳ lịch sử đó ở đây, vì chính trong thế giới vũ trường mà TCS bắt gặp tiếng hát của định mệnh để đưa tiếng hát đó chào đời với Ca Khúc Da Vàng.
Đó là năm 1965, TCS 26 tuổi, đang yêu và được yêu, đang là một con đôm đốm mời được một ngôi sao xuống đất để cùng mình thắp sáng cả địa cầu. Nhưng chuyện thần tiên của con đôm đốm với ngôi sao bao giờ cũng kết thúc vào buổi sáng mai : sao bay lên trời và đôm đốm trần truồng sâu đất. TCS mang tuyệt vọng vào vũ trường và ở đấy anh gặp tiếng hát. Giá như chiến tranh không ập tới, không chừng TCS cứ mãi ướt mi với những Mỵ Nương. Nhưng chiến tranh đã nâng tầm vóc của anh lên cao, đã biến tình ca của anh thành thánh ca của hòa bình, đã làm con đôm đốm thành TCS.
Tiếng hát bắt gặp cùng lúc với chiến tranh là Khánh Ly. Đêm 20-3-1965, ở Đà Lạt, anh ngồi nghe Khánh Ly hát một bài ướt đẫm lãng mạn, rất nổi tiếng ở Việt Nam hồi đó, bài "Et j'entends siffler le train". Đó là một trong hai bài hát đã làm TCS thổn thức canh trường trong suốt một quãng đời thơ dại, "thơ dại ra đi không nhớ gì tôi".
Bài hát kia, cũng đầm đìa nước mắt, là bài "J'irai pleurer sous la pluie". Trong bài hát, có anh chàng si tình, chờ mưa để đứng dưới mưa mà khóc. Tại sao phải khóc dưới mưa ? Tại vì để giấu nước mắt. Tôi dịch bài hát để các anh chị hiểu và sống lại cái thời lãng mạn của TCS ngày xưa, nghĩa là của chúng ta, cái thời mà ai cũng đã từng "lên xe tiễn em đi" và "khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em" :

Nếu anh muốn khóc
Anh sẽ giấu em
Vì anh tự phụ
Không muốn em thấy
Giọt buồn đời anh
Dưới mưa anh khóc.
Anh đợi mưa đến
Anh đợi cơn giông
Nước mắt nước mưa
Dưới mưa anh khóc.
Anh vẫn yêu em
Nhưng em đâu thấy
Giọt buồn đời anh
Dưới mưa anh khóc.
Mưa rơi trên mặt
Nhưng đâu xóa được
Kỷ niệm của em
Em đâu biết anh
Yêu em tha thiết
Em đâu biết em
Làm khổ đời anh.
Nhưng anh sẽ đi
Cười vui trong nắng
Mặt trời tháng năm.
Ngày ấy thương ôi
Bây giờ chưa đến.
Số phận đời anh
Còn trong tay em
Và anh sẽ chờ
Dưới mưa anh khóc.
Bài trước, "Et j'entends siffler le train", thì các anh chị thuộc quá rồi. Nhưng tôi cũng xin dịch để chảy thêm chút nước mắt nữa với các người tình khốn khổ :

Lòng anh nghĩ, em yêu, thà như thế
Thà xa nhau không lời tiễn biệt nhau
Lòng anh đau, gặp làm gì nhau nữa
Nhưng, em yêu, tiếng còi tàu đang thét
Buồn bao nhiêu còi giữa đêm thâu.
Anh nghĩ đến em, một mình, quạnh quẽ
Trên sân ga, giữa người vẫy tay nhau
Và anh nghe tiếng còi tàu đang thét
Buồn bao nhiêu còi giữa đêm thâu.
Anh toan chạy đến em, toan gọi tên tha thiết
Nhưng đành im, nói chẳng nên lời
Em đã xa rồi, em xa anh quá
Có bao giờ em trở lại em ơi !
Lòng anh nghĩ, em yêu, thà như thế
Thà xa nhau không lời tiễn biệt nhau.
Nhưng giờ đây, ôi, còn gì đâu nữa
Còn gì đâu khi tình đã xa khơi.
Và anh nghe tiếng còi tàu đang thét
Suốt đời anh tiếng còi thét, em ơi !
Khánh Ly đang ở sau màn và chắc đang nghe tôi đọc thơ tình. Nếu các anh chị muốn, tôi đề nghị Khánh Ly vui lòng hát lại một bài hát ngày xưa, để nhớ lại kỷ niệm 56 năm về trước, để 56 năm với TCS.
Các anh chị hãy tưởng tượng : nhà hát này là một vũ trường, một trong những dạ khách ngồi kia là TCS, và xa xa vọng về tiếng đại bác, ru đêm và ru tiếng hát Khánh Ly.

Lời 5: Hòa bình
Các anh chị thân mến,
"Khi đất nước tôi thanh bình" là câu đầu của bài "Tôi sẽ đi thăm". TCS tuyên bố sẽ đi thăm hầm chông, mộ chí, nghĩa địa, kể cả mã tấu. Và anh tuyên bố thêm : "Khi đất nước tôi không còn giết nhau / Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường".
Khi lấy câu hát đầu của bài hát này để làm nhan đề cho Phần 2 của chương trình đêm nay, tôi có nghe một ý kiến, nói rằng bài hát này ngây thơ quá, vẽ ra một TCS quá ngây thơ. Trời ơi ! - tôi nói - Có gì đẹp bằng ngây thơ ! Ta thường ca ngợi : một đôi mắt ngây thơ, một vầng trán ngây thơ, một nụ cười ngây thơ ... Vậy thì một lời hát ngây thơ của một bài đồng dao ngây thơ là quá đẹp đi chứ !
Mà chắc gì TCS ngây thơ ! Chắc gì có ai định nghĩa "hòa bình" đúng hơn hình ảnh "trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường" !
Tôi xin phép các anh chị được làm một cụ đồ nghiêm túc, khắc khổ - nghĩa là trái ngược với ngây thơ - để định nghĩa chữ "hòa bình" theo lối chiết tự. Chữ "hòa" có bộ khẩu bên phía phải. Khẩu là cái miệng. Trước hết, cái miệng phải cần ăn. Hòa bình là tình trạng dân chúng ai ai cũng có đủ cơm mà ăn. Nhưng cái miệng không phải chỉ biết ăn. Nó còn biết nói. Cấm nói, ấy không phải là hòa bình rồi. Hòa bình là tình trạng ai ai cũng có thể nói lên được điều mình mơ ước. Chưa hết, cái miệng không phải chỉ biết ăn, biết nói, mà còn biết hát nữa. Cấm hát, cam đoan cả vũ trụ này sẽ nổi loạn, trước hết là chim chóc, trước hết là rừng thông, trước hết là giọt mưa trên lá. Ấy vậy mà hát TCS, chỗ này chống, chỗ kia đối, chỗ nọ xì xào, da vàng da đỏ. Hòa bình chỗ nào ?
Chiến tranh chấm dứt rồi. Điều đó không có nghĩa rằng hòa bình không còn là giấc mơ.
Cám ơn các anh chị, tôi xin chấm dứt nhiệm vụ mua vui của tôi ở đây.