Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2009

Tôi là người Việt Nam!

talawas
02/07/2009

http://www.talawas.org/?p=7031




Tác giả: Vũ Hoài Nam


Chương trình tạp kỹ “Paris by night 96” của Thúy Nga Paris vừa mới ra, gia đình tôi đã mua về coi. Lần này gia đình tôi còn tiếp gia đình ông anh trai, có đứa con trai 9 tuổi. Lúc đó tất cả mọi người trong gia đình đều xem. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn, người dẫn chương trình giới thiệu mình “Tôi là người Canada..”, và nhân danh người Canada chúc người Mỹ có một Tổng thống da đen đầu tiên, ông tin chắc rằng trong tương lai sẽ có một Tổng thống người Việt. Bình thường tôi cũng không để ý cho lắm chuyện này, vì đây không phải là lần đầu ông Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu mình là người Canada, song đứa cháu tôi hỏi tôi một câu rất ngây thơ rằng: “Chú ơi, người Việt Nam mình cũng là người Canada hả chú?”. Quả là lúc đó tôi rất “bí” không biết nên trả lời cháu ra sao, cháu nghĩ đơn giản là người Việt thì trông không giống “tây” và nói tiếng Việt. Tôi đành trả lời, người Việt mình ở khắp nơi, như Canada này, Mỹ này,..và ở đâu ta tạm gọi mình là người nước đó còn thực ra mình vẫn là người Việt Nam cháu ạ. Sau đó tôi cảm thấy rất băn khoăn về những thế hệ sau này của tôi sẽ lớn lên và sinh trưởng ở nước ngoài, liệu chúng nó có nhớ đến tổ tiên, đến cội nguồn của dân tộc Lạc Hồng chăng? Với tôi thì cuộc sống ở nơi đất khách có đầy đủ hơn về vật chất song lúc nào cũng đau đau một nỗi niềm nhớ quê và luôn mong mỏi con cháu tôi sau này sẽ biết và nhớ đến đất nước Việt Nam, nơi cội nguồn của cha ông mình. Tôi vẫn nhớ chương trình “Paris by night 59” với chủ đề “Cây đa bến cũ”, trong đó có lời dẫn chương trình đậm chất dân tộc mà ông Ngạn là người dẫn chương trình, tôi xin dẫn ra ở đây:

“Cây đa cũ, bến đò xưa,

Người đi có nghĩa, nắng mưa cũng chờ..

Mỗi khi nhắc đến bến cũ, người ta thấy bồi hồi, rung động như bất chợt sống lại với những luyến nhớ man mác của ngày tháng cũ, của bóng hình xưa. Bến cũ trong không gian có khi không còn nữa, nhưng bến cũ trong lòng người thì lúc nào cũng hằn sâu dấu tích một mái nhà xưa, một mảnh tình khuất, một ngôi trường tuổi thơ, một bóng dáng thấp thoáng bên hàng xóm.Tất cả đều là những bến cũ thân thiết mà chúng ta cưu mang ở phương trời xa, làm ấm lòng mỗi khi nhớ tới, làm bâng khuâng mỗi lúc hồi tưởng..”

Tôi rất cảm động khi nghe những lời tâm sự như thế này, nó như là một niềm an ủi cho đứa con xa nhà, như tôi và rất nhiều bà con người Việt mình phải vất vả bôn ba nơi xứ người. Thế mà nhoáng cái ông Ngạn đã quên mất cây đa bến cũ, mà ôm lấy Toronto với tòa tháp CN, với khu chợ St Lawrence của Canada làm quê hương cho mình. Phải chăng lời dẫn năm nào là do ông học thuộc lòng rồi đọc vẹt?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn là một nhà văn, cho dù tôi chưa có dịp tìm hiểu các tác phẩm của ông (nghe nói phần lớn là truyện ma, kinh dị, đó không phải là gu của tôi), tôi chắc hẳn ông hiểu rất rõ mình là ai, mình ở đâu, những câu hỏi căn bản của triết học này. Tôi biết, để nói được câu đó, trong tay ông đã có cái quốc tịch Canada, nhưng chưa chắc ông đã hiểu ông thuộc chủng Mogoloid, là người Việt Nam mũi tẹt da vàng, có nghĩa là về giấy tờ thì ông là người Canada thật, nhưng xét về nguồn gốc thì ông là người Việt Nam. Nếu ông Ngạn muốn thành người Canada cho “thật hơn” thì theo tôi ông ta nên đi phẫu thuật cho hình dạng và màu da của mình khác đi cho giống với chủng Europid (giống như Michael Jackson đổi từ da đen thành da trắng ấy), và rồi nói tiếng Anh hay tiếng Pháp thôi, thứ tiếng quốc ngữ ấy, ăn uống thì nên kiêng mắm muối dưa cà, bỏ cơm thay bánh mì, bỏ bún phở thay súp cừu thì mới giống “người Canada” hơn. Tôi vẫn biết những nước như Mỹ, Úc, Canada..là những nơi đa sắc tộc, là nơi nhập cư của nhiều nơi trên thế giới, nhưng về mặt nhân chủng học thì mỗi nơi có một chủng người riêng chiếm đa phần, ví dụ như Mỹ, nơi cội nguồn của chủng Amerindian nhưng sau khi người Âu châu phát hiện ra cho đến nay thì chủng tộc Europid và một phần Negroid (từ Phi châu) chiếm đa phần, còn người châu Á chỉ chiếm một con số nhỏ. Xét cho cùng thì cho dù chúng ta nói tiếng nước họ, có được đi làm, có quyền bầu cử nọ kia..thì chúng ta vẫn là một con thú lạc loài, vẫn chịu cái nhìn phân biệt của những người da trắng cực đoan. Tôi xin đảm bảo với các bạn rằng không phải người da trắng nào cũng nhìn người da vàng với cái nhìn công bằng đâu, cho dù bạn có gào lên hàng ngàn lần rằng bạn cũng mang cùng một quốc tịch với họ. Ở Canada và các nước khác tôi không rõ nhưng ở Mỹ, một đất nước được tiếng là bình đẳng và dân chủ, mọi người đều như nhau. Nhưng nếu ta để ý sẽ thấy một chuyện là, để nhập tịch vào được Mỹ bạn sẽ phải kê khai hàng đống giấy tờ, và một thông tin nhỏ mà bạn phải cung cấp đó là bạn thuộc chủng tộc nào, ở đó sẽ liệt ra: Da trắng (white), Châu Á (Asian), Black… Đã là bình đẳng như nhau cả thì khai cái đó để làm gì. Tất nhiên Sở Di trú Mỹ không lấy thông tin đó để chơi, mà để thống kê, để biết được ở Mỹ có những chủng tộc nào ít nhiều, chủng nào có tỉ lệ phạm tội lớn, chủng nào đóng góp cho nước Mỹ nhiều, vân vân, để từ đó mà liều liệu chính sách nhập cư.

Tôi xin hầu các bạn một chuyện nhỏ thế này. Ông anh bạn tôi là chủ của rất nhiều cửa hàng ăn ở downtown, đều là những fine restaurant, và anh ta thuê người làm toàn là Mỹ trắng, chỉ mỗi nhà bếp là của người Việt. Việc làm ăn cũng khá song anh ta không lúc nào yên tâm về mấy cửa hàng đó vì những người làm ở đó từ tay quản lý, tay bartender cho đến những người chạy bàn đều là người Mỹ trắng, họ làm thường là không theo ý của anh, anh có lần tâm sự với tôi vì rằng thấy mình là người Việt, lại trông nhỏ con nên họ thường có ý vượt mặt, bất tuân lệnh, thậm chí còn bắt bẻ nữa, anh đã thử đuổi người và tìm người khác song mọi chuyện vẫn chẳng khá hơn. Hẳn là các bạn sẽ hỏi tại sao anh ấy không tìm thuê người Việt, vì rằng người Việt mình thì trí thức thì làm việc ở vị trí cao rồi, còn các việc phổ thông thế thì rất khó tìm được người giỏi và chuyên nghiệp, mà không chuyên nghiệp thì không làm sao làm ở những nhà hàng như thế được, sẽ mất khách và sập tiệm ngay.

Với tôi, việc có rất nhiều người như ông Ngạn phủ nhận nguồn gốc, chối bỏ quê hương không làm tôi quan tâm, chỉ có điều tôi không muốn làm chúng ảnh hưởng đến tầng lớp con cháu, thế hệ sau này của tôi. Chương trình Paris by night là một chương trình lớn, thu hút rất đông đảo khán giả, và những gì mà MC nói sẽ có ảnh hưởng ít nhiều (nói chính xác thì là khá nhiều) đến khán thính giả. Và người MC phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói. Nói sai nói hớ chỉ làm người khác cười, nhưng đụng chạm đến quan điểm của một tầng lớp thì lại là chuyện khác.Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã có lần ông Ngạn phải xin lỗi người Mỹ da đen vì trong một cuốn Paris by night ông đã nói họ là “Mỹ đen”, một từ mang nghĩa miệt thị, không ngờ trong khán giả có người là Mỹ gốc Phi và họ đã lên tiếng phê phán. Tôi cũng bỏ qua không quan tâm gì đến những tư tưởng chính trị được lồng ghép trong các chương trình như thế này của Thúy Nga và ngay cả Asia hay Vân Sơn. Song câu nói phủ nhận nguồn gốc được day đi day lại của ông Ngạn có thể ảnh hưởng không tốt với nhiều người nên tôi mới mạo muội viết bài này.

Cũng thật trớ trêu thay, ngay sau đó một bài thì đến phần trình diễn của một thanh niên trẻ người Úc gốc Việt là Thanh Bùi, được xếp thứ 8 trong Australian Idol, chàng thanh niên này nói “Tuy tôi sinh ra ở Úc nhưng tôi vẫn là người Việt”. Thế là một người từng sinh ra ở Việt Nam, đã từng sống một thời tuổi trẻ ở Việt Nam, khi đã ra khỏi Việt Nam nhận là người Canada, còn một người trẻ đời F2, sinh ra ở nước ngoài thì vẫn nói thạo tiếng Việt, và luôn nhận mình là người Việt. Tôi chợt nghĩ, có thể ông Ngạn không nhận mình là người Việt vì ông chối bỏ cái chính quyền Cộng sản đương thời ở Việt Nam, nhưng nếu quả như vậy thì ông Ngạn là một người rất cạn nghĩ. Chính quyền nào đi chăng nữa cũng chỉ là nhất thời, đất nước và hồn thiêng sông núi mới là cái gốc, “cóc chết ba năm quay đầu về núi”, chẳng lẽ ông Ngạn hay như bao người ra đi và vĩnh viễn không bao giờ quay lại đất nước hay sao? Có thể có những người như thế, song riêng tôi thì tôi không chấp nhận, và tôi sẽ không để những kẻ đó làm ảnh hưởng tới những người có cùng quan điểm như tôi.

Tôi xin nhắc lại câu thơ đã được phổ nhạc của nhà thơ Đỗ Trung Quân thay cho lời kết: “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người.”