Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị

NGUỒN DA MAU.ORG

Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị

Trịnh Cung 1.04.2009 | 145 bình luận


LTS:
“Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị” của họa sĩ Trịnh Cung nhất định sẽ được đón nhận với nhiều phản ứng khác nhau từ nhiều tầng lớp độc giả. Bài viết đưa ra một số nhận xét của cá nhân Trịnh Cung về người nhạc sĩ tài hoa, sống và sáng tác trong một giai đoạn vô cùng điêu linh của đất nước, cùng với một số tư liệu đã được công bố ở một số nơi. Tác giả Trịnh Cung tất nhiên đã dự kiến được những gì bài viết này có thể mang đến cho chính ông khi ông viết: “Bài viết này chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ vốn có của tôi, vì một số những nhân vật được đề cập nay đang còn hiện diện trong cuộc đời. Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.”

Tạp chí Da Màu trân trọng ghi nhận tinh thần trách nhiệm của hoạ sĩ Trịnh Cung, và bài viết được đăng tải với ước muốn tạo cơ hội làm sáng tỏ những ngóc ngách trong đời sống của một nghệ sĩ tài hoa nay đã thành người thiên cổ.

Trịnh Công Sơn không quan tâm đến chính trị?

Đã 8 năm kể từ ngày mất của Trịnh Công Sơn, 01-4-2001. Đã có rất nhiều bài và sách viết về người nhạc sĩ tài hoa xuất chúng này. Tất cả đều chỉ nói về 2 mặt: tình yêu (con người, quê hương) và nghệ thuật ngôn từ trong ca khúc Trịnh Công Sơn, tuyệt nhiên không thấy ai đề cập đến vấn đề Trịnh Công Sơn có hay không tham vọng chính trị. Phải chăng như Hoàng Tá Thích, ông em rể của người nhạc sĩ “phản chiến” huyền thoại này đã minh định trong bài tựa cuốn sách Như Những Dòng Sông của mình nói về âm nhạc và tình người của ông anh rể Trịnh Công Sơn, do nhà Xuất Bản Văn Nghệ và Công Ty Văn Hoá Phương Nam ấn hành năm 2007: “…Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”? Hay như nhận định của một người bạn không chỉ rất thân mà còn là một “đồng chí” (trong ý nghĩa cùng một tâm thức về chiến tranh VN) của Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Bửu Chỉ (đã mất) đã viết: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” (Trích bài viết: “Về Trịnh Công Sơn và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh”, in trong Trịnh Công Sơn, Cuộc Đời, Âm Nhạc, Thơ, Hội Hoạ & Suy Tưởng do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005)?

Sự thực có đúng như câu khẳng định chắc nịch ở trên của ông Hoàng Tá Thích và hoạ sĩ quá cố Bửu Chỉ? Chắc chắn là sai 100% rồi nếu như Trịnh Công Sơn không là tác giả của 3 tập nhạc phản chiến (Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời), và cũng chưa từng tham gia vào Phong trào Đấu tranh Đô thị của Thanh niên Sinh viên Học sinh để chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà chính cuốn sách của Hoàng Tá Thích và bài viết của Bửu Chỉ vừa nhắc đến ở trên đã có nhiều tiết lộ. Mặt khác, trong bài viết “Có Nghe Ra Điều Gì” Trịnh Công Sơn gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973 có đoạn như sau: “…Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi…”. Và trong thư TCS gửi cho Ngô Kha - người bạn cùng chí hướng chính trị và cũng là người em rể, đồng thời là lãnh tụ của Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức này đã bị Công An Huế bắt (1972-1974) - chúng ta sẽ dễ nhận ra ý thức làm chính trị chống chế độ Sài Gòn của Trịnh Công Sơn. Nhất là trong đoạn Lê Khắc Cầm nói về mối quan hệ giữa TCS và tổ chức cơ sở thành uỷ Huế do Lê Khắc Cầm bí mật phụ trách trước 1975 như thế nào, thì không thể nói là TCS không có toan tính chính trị như nhận định của hoạ sĩ Bửu Chỉ (Xin xem thêm Thư TCS gửi Ngô Kha và đoạn trao đổi về lá thư này giữa Nguyễn Đắc Xuân và Lê Khắc Cầm trong phần tư liệu đính kèm bài).


Thủ bút Trịnh Công Sơn trong bài “Có Nghe Ra Điều Gì”
gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973

Trước khi nêu thêm những dẫn cứ quan trọng hơn để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về thái độ chính trị của TCS thời chiến tranh VN, và cũng nhằm cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS, tác giả xin kể một kỷ niệm với Ngô Kha và vì sao Ngô Kha lấy tên cho lực lượng đấu tranh của mình là Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức.

Vào năm 1971, tôi có mời Ngô Kha tới dự bữa cơm đầy năm Vương Hương, con đầu lòng của tôi tại nhà ở Phú Nhuận. Sau tàn tiệc, tôi đưa Ngô Kha ra về. Chúng tôi đi bô từ ngã tư Phú Nhuận về hướng cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Tôi không ngờ lại bị Ngô Kha đưa vào thế kẹt. Lúc này, tôi đang là Trung Úy biệt phái dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, vừa bị Nha Mỹ Thuật Học Vụ trả về lại Bộ Quốc Phòng vì được Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ (Sau 1975 tôi mới biết ông Nguyễn Văn Quyện, kiến trúc sư, Giám đốc Nha Mỹ Thuật Học Vụ, người ký quyết định không cho tôi đi Mỹ và trả tôi lại quân đội theo đề nghị của hoạ sĩ Vĩnh Phối - Hiệu trưởng Trường CĐMT Huế, cả 2 đều là Việt cộng nằm vùng), và Ngô Kha đang là em rể của Trịnh Công Sơn, cũng mang cấp bậc thiếu uý Quân lực VNCH có tư tưởng phản chiến, nhưng tôi không biết gì về hoạt động ly khai của anh cho tới lúc này. Thật bất ngờ và căng thẳng, làm sao tôi có thể đi về phía bên kia chiến tuyến? Tôi không hề tham gia vào phong trào phản chiến, tôi chơi với Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường khi họ chưa là người chống lại chế độ Việt Nam Công Hoà. Ngay cả tại “túp lều cỏ” Tuyệt Tình Cốc ở Huế, nơi mà nhà văn Thế Uyên trong một bài viết của anh có tên “Cuộc Hành Trình Làm Người Việt Nam Qua Trịnh Công Sơn” đã tự bạch anh từng đến dự những cuộc họp bàn về đấu tranh chính trị do nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đứng ra tổ chức, tôi cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó và thậm chí không hề biết có những việc như thế. Đơn giản vì tôi rời Huế vào sống ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật năm 1962, mối quan hệ giữa tôi và họ chỉ là một tình bạn văn nghệ thuần tuý. Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:”Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân… thôi chúc bạn lên đường may mắn!”. Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm.

Về Nguyễn Đại Thức là ai mà Ngô Kha dùng đặt tên cho lực lượng đấu tranh của mình?

Theo Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đại Thức nguyên là một hạ sĩ quan quân lực VNCH ly khai đã bắn hụt tướng Huỳnh Văn Cao khi ông dùng trực thăng kiểm soát tình hình Phật giáo xuống đường ở Đà Nẵng và Huế, và đã bị lính Mỹ bắn hạ. Hành động và cái chết của Nguyễn Đại Thức đã đưa Ngô Kha đến sự chọn lựa Nguyễn Đại Thức là tên và biểu tượng cho nhóm quân nhân ly khai đấu tranh chống Mỹ Nguỵ do anh tổ chức. Sau đây là đoạn viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Căn Nhà Của Những Gã LangThang: “…Theo tin tức quân báo của Kha nhận từ đoạn Đà Nẵng, thì lực lượng thuỷ quân lục chiến của Kỳ sẽ chĩa mũi nhọn vào những người của phong trào mà họ cho là nguy hiểm, ngay từ lúc họ đặt chân đến Huế để tránh hậu hoạ. Ngô Kha cùng đi với chiến đoàn ly khai của anh sẽ kéo dài cuộc cầm cự trên đèo Hải Vân, để tạo điều kiện cho tôi thoát…”. Đối với cá nhân tôi, nhờ tiết lộ kinh khủng này của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những năm gần đây, tôi mới biết mình đã từng bị Ngô Kha dùng tình bạn để đưa vào cái gọi là Chiến đoàn ly khai Nguyễn Đại Thức mà không biết khi anh rủ tôi đi vào cứ như đã nói ở trên. May mà tôi đã từ chối.

Với bao nhiêu sự việc gắn kết với nhau, hoà quyện, ăn khớp, như thế mà chúng ta vẫn còn hoài nghi, vẫn biện bạch đây chỉ là một thứ tình cảm hồn nhiên hay hoa mỹ hơn, đấy là ý thức về thân phận dân tộc, tiếng nói đòi hoà bình đậm tính nhân bản cho quê hương của một người nghệ sĩ tài hoa như TCS, thì chi tiết sau đây đã được Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: “Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: “Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!”.
Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn!

Từ Chính Trị Phong Trào đến Chính Trị Cầm Quyền?

Vỡ mộng chính trị cầm quyền

Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1). Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng.

Thế nhưng, TCS và người em không có tên trong thành phần chính phủ Dương Văn Minh khi các hệ thống thông tin quốc gia công bố ngày 27-4-75 và cũng không có tên kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống trong vai đệ nhất Phó Thủ Tướng - người bạn chính trị không lộ diện của TCS từ trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968, một cố vấn chính trị, một công trình sư cho sự nghiệp chính trị của TCS, đã vận động cho TCS vào chính phủ này như là đại diện của phe Phật giáo. Và với kết quả này, nhà hoạt đầu chính trị trẻ tuổi Nguyễn Hữu Đống đã phải rời khỏi nhà TCS ngay sau đó, sau khi đã ăn ở trong nhà TCS nhiều tháng trước như một người em rể.
Sau này, trong thời Lý Quí Chung còn sống, tôi có hỏi về sự việc này. Với tư cách là một Bộ trưởng Thông Tin và người rất thân cận với tướng Dương Văn Minh, Lý Quí Chung đã xác nhận: không hề có một đề cử nào cho TCS và Nguyễn Hữu Đống vào chính phủ Dương Văn Minh cả. TCS và gia đình đã bị Nguyễn Hữu Đống lừa rồi! Và từ đó TCS đã coi Nguyễn Hữu Đống là kẻ ghê tởm.

Một chút về Nguyễn Hữu Đống

Nguyễn Hữu Đống tốt nghiệp thủ khoa Trường Kiến Trúc Sài Gòn khoảng năm 1964 nhưng không hành nghề kiến trúc sư, bắt đầu chơi thân công khai với Trịnh Công Sơn vào khoảng 1970. Tôi không được biết gì nhiều về nhân vật này ngoài việc chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên trong nhà TCS những tháng trước 4/1975 với tư cách em rể TCS, giữa lúc Sài Gòn liên tiếp nhận những thông tin về các tỉnh Tây Nguyên thất thủ, và cũng được biết từ TCS vào những ngày cuối của tháng 4/1975 là: chính quyền mới sẽ vẫn giữ nguyên chiếc ghế Đệ nhất Phó Thủ Tướng của chính phủ đầu hàng Dương Văn Minh (tức ghế của Nguyễn Hữu Đống). Sau đó, Nguyễn Hữu Đống đã vượt biên và định cư ở Pháp.

Thế nhưng, vào khoảng năm 1992, Nguyễn Hữu Đống về Sài Gòn và tìm thăm tôi. Tôi tiếp anh tại nhà và cùng ăn trưa. Thật ra, giữa tôi và Nguyễn Hữu Đống không đủ thân để anh tìm thăm, chẳng qua là chỗ để anh trút hết những gì TCS và gia đình không tiếp khi anh tìm đến thăm họ sau hằng chục năm ly gián từ ngày ấy. Trong những thổ lộ của Nguyễn Hữu Đống có 2 chi tiết đáng chú ý: Một là: Ý tưởng và mô hình kiến trúc Ngôi Đền Tình Yêu có hình quả trứng (lấy từ truyền thuyết Âu Cơ đẻ ra 100 trứng) để TCS chủ trì như một giáo đường là của Nguyễn Hữu Đống; Hai là: để Ngôi Đền Tình Yêu này mang đậm sắc thái TCS, Nguyễn Hữu Đống lập ý cho TCS viết Kinh Việt Nam. Dự án này tôi đã được TCS cho biết trước năm 1975 và sẽ xây dựng trên ngọn đồi của Bác sĩ Bùi Kiện Tín ở Thủ Đức, nằm đối diện với nghĩa trang quân đội Sài Gòn cũ. Xét về mặt tài năng kiến trúc và con người đầy tham vọng làm chính trị của Nguyễn Hữu Đống cũng như mối quan hệ mang tính chính trị giữa anh và TCS thì thông tin này đáng tin hơn là gần đây có nghe dư luận từ Phạm Văn Hạng là dự án này của Phạm Văn Hạng và TCS được ông Võ Văn Kiệt ủng hộ?

(Để biết thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa TCS và Nguyễn Hữu Đống, xin độc giả đọc thêm đoạn trích dẫn trong phần ghi chú cuối bài viết này, câu Lê Khắc Cầm trả lời phỏng vấn Nguyễn Đắc Xuân về TCS).

Bài Học Lớn Cho Người Làm Chính Trị Tự Phát Trong Xã Hội CSVN

Những Gáo Nước Lạnh Ngày “anh em ta về”

Tuy nhiên, sau sự thất bại ấy, TCS lại đứng lên vui mừng vì Sài Gòn của anh trong ngày 30-4-75 đã xuất hiện: “Cờ bay trăm ngọn cờ bay” và“anh em ta về mừng như bão cát quay cuồng…”. Từ sự kiện tại Đà Lạt mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn. Thậm chí khi anh được kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đưa đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để hát bài Nối Vòng Tay Lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS, tác giả của ca khúc có tính dự báo cho ngày huy hoàng này của quân Giải phóng và bi thảm cho phía VNCH, cũng bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: "Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”…

Bị bất ngờ với cú ra đòn khá tàn nhẫn này của người “anh em”, TCS thật sự choáng váng và sợ hãi, mọi niềm hân hoan trong anh về giấc mơ hoà bình cho đất nước của mình nay đã thành hiện thực bỗng chốc tan thành mây khói. Niềm vui tưng bừng reo ca “…Mặt đất bao la / anh em ta về / Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…” (Nối Vòng Tay Lớn) hôm ấy không thuộc về TCS, và thay vào đó là nỗi ám ảnh sắp bị thủ tiêu và phải làm thế nào chạy trốn khỏi “người anh em” càng sớm càng tốt.

Thật ra, tai nạn chính trị này đã có nguồn gốc từ quan điểm chính về tính hai mặt trong âm nhạc và con người TCS của Ban Văn Hoá Tư Tưởng-Trung Ương Cục Miền Nam do Ông Trần Bạch Đằng phụ trách. Chính nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã kể lại rằng đã có một cuộc họp kiểm điểm TCS trong Cứ trước 1975 với thành phần tham dự gồm có hầu hết các văn nghệ sĩ thoát ly theo MTGPMN như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… dưới sự chủ trì của ông Trần Bạch Đằng.

Và Cuộc Chạy Trốn Khỏi Sài Gòn

Sự sợ hãi càng tăng cao khi TCS nhận được tin mình sẽ bị thanh toán. Chỉ vài ngày sau, TCS đã âm thầm cùng mẹ rời khỏi Sài Gòn bằng xe đò, trực chỉ ra Huế, nơi anh cũng đang có những "người anh em” thân thiết cũ vừa chiến thắng trở về như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Ngọc San,… hy vọng chắc được yên thân.

Trở lại sống trong căn hộ cũ 11 Nguyễn Trường Tộ - Huế, TCS quây quần với bạn bè cũ và mới không được bao lâu thì cả thành phố Huế lên cơn sốt đả đảo TCS và Phạm Duy. Các biểu ngữ được giăng ở các trường đại học và TCS phải lên Đài truyền hình Huế đọc bài tự kiểm điểm. Sự cố lần này cũng lại do một nhạc sĩ tổ chức, nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Trị Thiên. Thế là TCS đã tránh được vỏ dưa SG nay lại găp vỏ dừa Huế! Sự bé cái lầm lần này, có lẽ do TCS đã kỳ vọng ở bạn mình quá nhiều nhưng thực tế vai trò trong lực lượng tiếp quản Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân rất khiêm tốn, chính họ cũng đang phải cố gắng phấn đấu để được kết nạp vào đảng thì làm sao bao che cho tác giả của 2 ca khúc từng bị người CSVN kết án (Ca khúc Gia Tài Của Mẹ với câu: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã xúc phạm đến đại cuộc chống Mỹ cứu nước của người CSVN và ca khúc Cho Một Người Nằm Xuống để thương tiếc Lưu Kim Cương - đại tá không lực VNCH chết bởi đạn của quân GPMN - người bạn một thời đã từng dùng máy bay không quân đưa TCS lên Đà Lạt thăm Khánh Ly hoặc ngược lại, đón Khánh Ly về hát với TCS) tại Sài Gòn?

Lần này ở Huế, tính tẩy chay TCS nghiêm trọng và công khai hơn hẳn vụ ở Đài Phát Thanh SG vừa qua. Tình bạn cũ trong trái tim TCS sụp đổ đã đành mà giấc mơ “Khi đất nước tôi thanh bình/Tôi sẽ đi thăm…” tưởng dễ thực hiện của anh cũng bị dập tắt. Những tháng ngày tiếp theo ở Huế, TCS sống như một con tin trong Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường xuyên được tổ chức bố trí đi lao động thực tế trên những cánh đồng vào mùa khô cũng như mùa lụt, không hơn gì một người phải chịu cải tạo.

Cuộc Chạy Trốn Lần Thứ 2

Tuy nhiên, đang kẹt trong cái thế “tiến thoái lưỡng nan” này ở tại chính quê nhà, nơi mình từng tham gia hoạt động đấu tranh chống Diệm rồi chống Mỹ-Thiệu trong Phong Trào Đô Thị Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ng K, Nguyễn Đắc Xuân,… cũng không xong mà về lại Sài Gòn thì càng nguy hiểm thì một vị cứu tinh kịp xuất hiện, ông Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo công sản cao cấp tiếp quản Sài Gòn lúc bấy giờ. Một cuộc vượt biên nội địa đưa TCS vào lại Sài Gòn sau khoảng 1 năm anh phải “đi thực tế” tại các vùng quê tỉnh Bình Trị Thiên được bí mật tổ chức do ông Kiệt uỷ thác cho nhà văn cộng sản Nguyễn Quang Sáng thực hiện thành công. Từ đây, dưới sự ưu ái của ông Kiệt và nhà văn Nguyễn Quang Sáng được uỷ nhiệm của thượng cấp chăm sóc TCS, cái hạn bị hăm doạ hay trù dập với người nhạc sĩ lãng mạn cách mạng này đã kết thúc.
Qua những “sự cố” như thế, có thể thấy TCS đã mắc những sai lầm với người CS như sau:

- Thiếu minh bạch trong suy nghĩ về chiến tranh VN và tính hai mặt trong quan hệ xã hội.
- Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó.
- Không dám thoát ly đi theo MTGPMN.

Và những sai lầm của TCS với phía VNCH:

- Kêu gọi phản chiến nhưng chỉ nhằm vào phía VNCH.
- Thiên về phía người CSVN ngay cả sau khi bị họ giết hụt trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế.
- Chống lại phía đã tạo cho mình điều kiện học hành và tự do sáng tác, kể cả tự do tư tưởng dù có bị chế độ SG hạn chế và kiểm duyệt, nhưng không quyết liệt tiêu diệt như đã được thổi phồng (dùng giấy của Hoàng Đức Nhã cấp để đi đường do Phùng Thị Hạnh trung gian, nhiều sĩ quan VNCH che dấu,…) để có một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tồn tại lừng lẫy như thế cho đến ngày 30-4-75. Dù ý thức chính trị ra sao, Trịnh Công Sơn vẫn là sản phẩm của chế độ VNCH đúng như Đặng Tiến đã nhận định trong một bài viết ở đâu đó mà tôi không còn nhớ tên.

Bước Ngoặt “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui”

Sa Lầy vào Rượu và Xu Nịnh

Cuối tháng 5-1978, tôi ra khỏi trại cải tạo, gặp lại TCS. Lần nào đến nhà anh ở 47c Phạm Ngọc Thạch-Sài Gòn, sáng hay chiều, cũng thấy TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga (sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas) với Nguyễn Quang Sáng và một số bạn “mới”. Tôi cảm thấy có một điều gì đó không ổn, hình như tôi, một thằng sĩ quan Nguỵ đi tù về, không còn được TCS và gia đình coi là người thân như ngày xưa. Thái độ khó chịu của tôi mỗi lần ngồi trước mặt những người bạn “mới” này của Sơn đã khiến tôi bị TCS và gia đình tẩy chay ngầm.

Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết. Sau này, hoạ sĩ Tôn Thất Văn (đã chết) đã kể lại cho tôi rằng có những cuộc họp ở Huế vào những năm 60-70, TCS và những người mà tôi đã coi là bạn thân tình đã đem tôi ra để phê phán, tẩy chay vì tôi đã không trốn lính và đứng về phía Quốc Gia. Rất tiếc, trong số này lại có cả Đinh Cường, người đã từng học cùng trường mỹ thuật, ở cùng nhà, và do tôi giới thiệu làm quen với TCS, do tôi kết nối với anh bạn Thọ giàu có ở Đà Lạt để có những tháng ngày cùng TCS rong chơi thơ mộng khi lưu lại căn phòng anh Thọ đã thuê cho tôi tại biệt thự số 9 đường Hoa Hồng hay ở trong căn nhà sàn gỗ thơ mộng bên một dòng suối róc rách trong một hóc núi của thị trấn Đơn Dương từ trước khi tôi rời Đà Lạt về Sài Gòn năm 1964 theo giấy gọi vào quân trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức khoá 19. Và cả những tháng ngày nhàn nhã làm sinh viên sĩ quan tại đây vào năm 66 hay 67, lúc này tôi là sĩ quan huấn luyện CTCT và phụ trách một phần nguyệt san “Bộ Binh”. Sau ngày 30-4-75, với cấp bậc Trung uý ngành Công binh VNCH, Đinh Cường trở lại Trường Mỹ Thuật Huế và được miễn đi học tập cải tạo nhờ vào việc đã tham gia các hoạt động đấu tranh chống VNCH của nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, TCS,.., nhiều năm trước.

Có một kỷ niệm đặc biệt với Đinh Cường mà tôi cũng muốn nói ra luôn sau bao nhiêu năm cố giữ chặt trong lòng, để lòng mình thôi nặng trĩu và cũng minh chứng cho một tình bạn không hề có thật mà anh ấy đã dành cho tôi, mà tôi đã hằng chục năm cố nghĩ khác đi, cố không tin. Sự việc xảy ra như thế này: Ngày 1-5-75, 8g sáng tôi đến nhà Đinh Cường ở đường Nguyễn Đình Chiểu cũ, gần chợ Tân Định để xem tình hình như thế nào. Như thường lệ tôi vẫn đến đây dễ dàng như người trong nhà nên rất tự nhiên bước lên cầu thang dẫn lên căn gác của bạn mình. Thế nhưng chị TN, vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi. Tôi không tin và nói lớn là có hẹn trước, lúc đó Đinh Cường mới nói vọng xuống để tôi lên. Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”. Lập tức tôi đứng lên và từ chối: “Không, hãy để tôi chịu trách nhiệm với họ, và Thành Phần Thứ 3, Thứ 4 gì họ cũng dẹp sạch thôi!”…

Với TCS, gia đình cùng các “đồng chí” rượu của anh, tôi lúc này là một kẻ xa lạ, một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu, một con kỳ đà làm cho cuộc vui hoan lạc của họ không được hoàn hảo, tôi nên biến đi. Nhưng tôi lại là một gã ngoan cố, tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh. Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên tôi cố chiụ đựng sự khó chịu của họ và vẫn không tìm cách lấy lại chỗ đứng thân thiết vốn có với TCS thủa còn trai trẻ ở Huế bằng rượu chè, quà cáp đắt tiền và những tán tụng nuông chìu. Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, đó là chỗ mà TCS, trong thâm sâu của tâm hồn anh, không thể loại bỏ tôi cho dù có khác nhau về quan điểm chính trị và cách sống. Đó cũng là điều mà TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ.

Điều Đáng Tiếc

Trong thời buổi sống như một kẻ bên lề của một Sài Gòn đã bị đổi tên và những người bạn thân một thời hồn nhiên như thế nay cũng đã cúi mình, ngoan ngoãn làm những con rối của chế độ mới, quay lưng lại với thân phận khốn đốn của đồng loại, tự huỷ tri thức, lương tâm, thứ một thời nhờ nó đã làm nên những ca khúc tranh đấu cho thân phận và tự do con người, nay chọn cho mình con đường sa lầy vào rượu, thuốc và phụ nữ, tôi thấy mình thật sự cô độc và bất lực trước sự sụp đổ từng ngày của một người bạn tài hoa nhất mà tôi từng yêu quí. Nhiều khi tôi muốn nói với bạn mình: “Tại sao cậu lại sa đà vào những cuộc chơi phù phiếm? Tại sao cậu không viết những ca khúc cho thân phận VN 2 đang bị một thứ xiềng xích vô hình nhưng vĩnh cửu, vì nó được khoá bởi chính người VN chứ không phải ngoại bang? Hay ít ra thì cậu nên sống yên lặng như một cái bóng, một hòn đá tảng vì cái giấc mơ hoà bình, thống nhất quê hương của cậu dù không phải nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ hoàn toàn nền Cộng Hoà trẻ tuổi MNVN, nhưng về mặt tâm lý cũng đã ít nhiều làm lợi cho phía bên kia, vô tình đồng loã với kẻ đã gây ra cái bi kịch thảm khốc cho hằng triệu người Việt từng ái mộ, tôn thờ cậu nay phải bỏ nước ra đi bằng giá của cái chết không được chôn cất, bằng sự tật nguyền tinh thần, nếu may mắn đến được bờ tự do thì bạn cũng đáng được cảm thông… Vì tôi biết chắc chắn một điều là tất cả những trí thức thiên tả VN như cậu cũng đều không chờ đợi một kết cuộc cho đất nước theo cách như đang diễn ra…”. Nhưng có lẽ trực giác của tôi đã mách bảo rằng điều ấy nằm ngoài khả năng của TCS, cứ để cuộc sống của anh phụ thuộc vào bản năng, đã tiêu vong rồi một TCS mạnh mẽ dấn thân, mạnh mẽ ca hát cho hoà bình đất nước, cho dân tộc ấm no, bình đẳng, tự do và hạnh phúc như ngày nào. Thời cuộc làm ra TCS đấy thôi, anh không phải là người làm ra thời cuộc, nên tôi đã nghẹn họng.

Ảo Tưởng Cuối Cùng

Dần dà rồi TCS cũng tìm lại cho mình một phần phong độ sáng tác nhờ hấp thụ những ngọn lửa nhỏ từ những nhan sắc phụ nữ và sự trân trọng (theo chủ trương) của những nhạc sĩ thuộc Hội Âm Nhạc TP HCM như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… và một nhóm nhạc do họ tổ chức có tên “Những Người Bạn” ra đời khoảng thập niên 90, và TCS được coi là đầu đàn. Anh trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc thu hút sự chú ý của công chúng mỗi khi anh có mặt trong các show diễn của nhóm. TCS cũng là một tiếng nói có trọng lượng nhất đối với nhiều tên tuổi hàng đầu của nhạc cách mạng VN như Văn Cao, Trọng Bằng, Hồng Đăng,… trừ ông nhạc sĩ Bộ Trưởng Bộ VH&TT Trần Hoàn (đã nghĩ hưu), người từng mở chiến dịch đả đảo anh một thời ở Huế, là vẫn tiếp tục nhìn TCS như một kẻ xấu.

Dù gì thì thế đứng chính trị của TCS cũng đã được tốt hơn trước rất nhiều, có phải vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ mình là người đến lúc nên đứng vào hàng ngũ của đảng?

Sơn đem ý định này nói với tôi, tôi liền can:“Không nên Sơn ơi, cậu đang là một nhân vật âm nhạc lớn, người ta nể trọng vì ảnh hưởng của cậu đối với công chúng rất lớn cũng như quốc tế. Nay cậu trở thành đảng viên mới tò te còn ai coi trọng nữa. Nếu ông Hoàng Hiệp chống lai là may cho cậu lắm đó!”. Tôi đã nói với TCS như thế và TCS im lặng. Tuy nhiên không phải nhờ sự phân tích ấy mà TCS không trở thành đảng viên Đảng CSVN, mà bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm Nhạc TP HCM và cũng là cán bộ có trách nhiệm quản lý TCS. Trong một lần bất bình vời Hoàng Hiệp về việc bị kiểm điểm, TCS đã chửi thẳng vào mặt Hoàng Hiệp ngay tại trụ sở Hội Âm Nhạc TP HCM:”Mày là thằng mặt lồn!”.

Đã không những không được vào đảng, TCS còn được cho về hưu để vĩnh viễn kết thúc giấc mơ - ảo tưởng cuối cùng của anh.

Cái Chết - Vinh Quang Đích Thực

Nếu con đường chính trị đối với TCS là một con đường dẫn anh xuống vực thẳm thì cái chết là một kết thúc hoàn hảo. Hay nói một cách khác, nó đã giải cứu và trả lại vinh quang đích thực cho anh - vinh quang dành cho di sản ca khúc TCS.

Không chỉ niềm vinh quang này bừng sáng huy hoàng bởi hàng chục ngàn người yêu âm nhạc của anh ở trong nước tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, mà người Việt trên khắp thế giới cũng nhỏ lệ tiếc thương, nhất là người Việt ở Mỹ, nơi mà Trịnh Công Sơn lúc sinh tiền không dám đặt chân đến dù không ít lời mời. Một lễ tưởng niệm long trọng được tổ chức tại Hội trường báo Người Việt với sự tham dự đông đảo của nhiều giới khác nhau trong cộng đồng ở cả Nam và Bắc California ngay trong đêm 1-4-2001, điều mà trước đó không ai dám nói công khai về tình cảm của mình với TCS ở chỗ đông người tại Mỹ.

Lời Kết

Sau 8 năm Trịnh Công Sơn ra đi, mọi cảm xúc thương tiếc sau cái chết của anh trong mỗi chúng ta cũng đã phần nào chìm lắng, hôm nay, tôi quyết định và chọn lựa thời điểm này để viết về một góc khác, một phương diện khác của Trịnh Công Sơn mà chưa ai viết hoặc viết một cách có hệ thống.

Bài viết này chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ vốn có của tôi, vì một số những nhân vật được đề cập nay đang còn hiện diện trong cuộc đời. Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.

Đó là về phần cá nhân tôi, còn đối với TCS, bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật. Nó có thể sẽ làm tan đi hình ảnh một TCS được tô vẽ bởi những huyền thoại và ảo ảnh lấp lánh trong lòng ai đó, nhưng sẽ trả lại một TCS thiên tài đích thực của âm nhạc như nó vốn có, để mọi người nếu đến với nhạc Sơn thì sẽ có được cơ may yêu mến trọn vẹn một con người có thực, chứ không phải một thứ tượng đài được nhào nặn, tô vẽ và dựng lên vì một mục đích riêng. Đã đến lúc sự thật đó cần được trả lại cho những người Việt đã, đang và sẽ mãi còn coi nhạc Trịnh là lẽ sống của mình, mang nó theo mình như một thứ tài sản vô giá dù đi đến bất kỳ đâu, dù ở chiến tuyến nào.

Tất nhiên, những lập luận và lời kể trong bài viết này dựa vào những gì tôi đã trải qua, những tư liệu riêng và những tư liệu của những người bạn cũ của TCS mà họ đã công khai phổ biến trên các phương tiện truyền thông, và vì thế chắc chắn còn thiếu sót tất yếu, vì tôi biết còn nhiều sự thật đang được cất dấu bởi những người có quan hệ cận kề với TCS trong từng giai đoạn của lịch sử VN từ 1954 đến hôm trước khi TCS qua đời mà họ vì những lý do nào đó chưa tiện nói ra. Tôi xin cám ơn những ai sẽ đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết này được hoàn hảo hơn, kể cả những phản biện.

Sau cùng, mỗi con người Việt Nam đã trải qua và sống sót sau cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua đều giữ trong mình những sự thật riêng, một gốc nhân chứng riêng, xin quí vị hãy trả lại nó cho lịch sử, nếu được như thế thì tấm gương lịch sử VN mới trong sáng được. Cũng vì điều này, cho tôi xin lỗi những gì mà bài viết có làm tổn thương đến một ai đó cũng là vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Sài Gòn 29/3/2009
TRỊNH CUNG
———————————————————————————–
Tư liệu tham khảo:
1. Như Những Dòng Sông, Hoàng Tá Thích, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ 2007.
2. Trịnh Công Sơn, Cuộc đời, Âm nhạc, Thơ , Hội hoạ & Suy tưởng, Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn, 2005.
3. Thư TCS gửi Ngô Kha, nguồn: http://www.gio-o.com
4. Sự thực Thư Gửi Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, phần phỏng vấn Lê Khắc Cầm, nguồn: http://www.gio-o.com
5. Có nghe ra điều gì, Thủ bút của TCS nói về trách nhiệm của mình với đám đông (Tư liệu của Bác sĩ, nhà văn Thân Trọng Minh - Lữ Kiều).

bài đã đăng của Trịnh Cung

145 bình luận »

  • Phan Đức viết:

Cám ơn anh Trịnh Cung đã can đảm đưa ra những nhận định thẳng thắn này. Thói thường ai cũng phù thịnh, chứ không ai phù suy như tục ngữ VN thường nói “thấy sang bắt quàng làm họ”.
Tài năng của nhạc sĩ họ Trịnh sở dĩ phát triển vượt bậc là nhờ ông sống dưới chế độ của miền Nam và bây giờ vinh quang của ông lại được nhiều kẻ, biết hay không biết ông, nhảy vào…tâng bốc triệt để,trong số ấy tôi ngờ rằng có cả những người muốn…ăn theo danh tiếng của TCS cũng không chừng !!!
Đọc bức thư TCS gửi Ngô Kha,tôi cũng không tin đó là thư của họ Trịnh vì 2 lý do sau đây:
1.Tại sao phải đợi 3 năm sau khi TCS.chết (2001) thì bức thư ấy mới được công bố (2004)?
2.Trước 1975, CSVN phải tuyệt đối che dấu “chân tướng” của mình ngõ hầu lường gạt đồng bào VN.là họ chống Mỹ để đòi quyền tự quyết, độc lập dân tộc thì làm sao họ dám nói công khai lập trường và quan điểm CS như vậy được. Nên nhớ thời đó họ phải đeo mặt nạ “Giải phóng miền Nam” thì mới có
thể lừa bịp không những dân VN mà còn bịp cả quốc tế nữa chứ !

Theo thiển ý của tôi, TCS chỉ là người ngây thơ như bất cứ nghệ sĩ nào trên cõi đời này. Họ chẳng biết gì về chính trị với đủ thứ thủ đoạn gian ác lẫn xảo quyệt ! Giá mà dân miền Nam biết rõ về CS thì họ đã không ủng hộ cái chiêu bài gọi là “cách mạng”…dân tộc với lại…dân chủ của CS trước 1975 !

- 01.04.2009 vào lúc 4:07 am

  • Truong Van Tien / Hòa Phong viết:

Huế, 1.4.09
“Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai đang chơi vơi. Người ơi, nước mắt hoen mi rồi …” Huế đang mưa, tiếng mưa tí tách như thanh âm dương cầm “giọt mưa trên lá”, bên nhà có tiếng trẻ em đang khóc thét - làm tôi nhớ đến lời ca ” Hãy khóc giùm tôi, hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi …!”, lời một bài ca mà tôi vừa rất thích và rất ghét ! (Đến bây giờ, sau 34 năm ở Huế, sau ngày 1.4 năm ấy, TCS ra đi, tôi mới ngày càng ít nghe nhạc TCS, dù trước 75, lúc tôi mới học lớp 4, đã được TCS tập bài hát “Biết đâu nguồn cội” tại trường tư thục Jeanne d’Arc ở Huế [nơi có thầy Cầm dạy học cho các chị của tôi] tại nhà chơi trong phong trào “Hát cho nhau nghe” của các trường trung học Huế). Một đứa trẻ, sau ngày 29.3.75 đã cùng Ba vượt đèo Hải Vân ra Huế - với những xác người chết treo trên cây rừng và nổi lềnh bềnh ở đầm Lăng Cô, lúc ấy đã mường tượng hiểu “không ai thở giùm và sống giùm mình cả !”. Nhưng, xét về âm nhạc, phải nói bài này thật hay: hay từ ý nhạc, hay từ lời ca. Nhưng, vẫn gợn trong tôi “một chút mơ hồ” - người không người, thần thánh chẳng thánh thần -, một cảm nhận khiến tôi vừa thích lại vừa lo. Và quả vậy, nếu sau 1975, tôi cứ mãi mê ca từ và nhạc TCS, chắc bây giờ tôi đã không tồn tại ở ngay chính đất nước tôi được sinh ra.
Cám ơn bài viết của TC. Cách đây 8 năm, thầy Bửu Ý, lúc tôi đang hát 1 bài ca của TCS tại trường Sư Phạm Huế (trong buổi tổng kết văn nghệ của khoa tiếng Pháp), thầy đi lui đi tới, dáng điệu như có điều gì “khẩn cấp”, khiến tôi thấy lo lo. Sau khi kết thúc bài ca “Nhìn những mùa thu đi…”, thầy Bửu Ý - với cảm xúc hiện rõ trên khuôn mặt trầm tĩnh - báo tin TCS qua đời! Anh em bạn bè ai cũng nói “Sao lúc ấy mi chọn bài hát nớ để hát?”. Một kỷ niệm không quên.
Cám ơn những lời tâm sự của một người (mà như anh của em kể: thầy không phải họ Trịnh, nhưng vì thân thương, và như “muốn đồng cam cộng khổ” với người họ Trịnh, nên mới lấy bút hiệu với chữ đầu là Trịnh), để em được hiểu thêm, yêu thêm và thấu rõ phận người-hát-thế-cho-bao-người ; nhưng cũng để hiể rõ hơn cái hạn chế của phận người trong không gian -thời gian.
Cần phải nhìn rõ, nhìn đúng.
Nhìn ra sự thật: Ở lâu mới biết lòng người cạn sâu.

Mến chào và cám ơn.

P.S. Không biết tự thuở nào, ở Huế có câu nói lái này: người đặt bài ca “Một cõi đi về” là một “Kẻ đi vòi”!

- 01.04.2009 vào lúc 5:11 am

  • Le Huyen A.M viết:

Là người làm báo, tôi rất muốn có được bài này trên mặt báo. Là người cùng quê với Trịnh, bây giờ tôi mới hiểu hết về ông. Đáng tiếc là truyền thông trong nước còn lâu mới dám đăng tải một bài hấp dẫn, chân thực như thế này.

- 01.04.2009 vào lúc 9:07 am

  • nguyen minh vuong viết:

Thật vô cùng ngạc nhiên đến nỗi không biết phải nghĩ gì khi đọc xong bài viết. Từng lời văn câu chữ của tác giả như muốn khoét sâu vào tượng đài vĩ đại của TCS trong lòng tôi. Hơn nữa, một cảm giác vừa mừng vừa giận len lỏi vào tận tâm khảm khiến cho tâm lòng tôi không thể nào diễn tả thành lời. Với một người trẻ sinh sau năm 75 như tôi thì những thâm cung bí sử của một thời đất nước điêu linh luôn là mối quan tâm cấp thiết. Bởi dù sao thế hệ chúng tôi không ít thì nhiều cũng gánh chịu hậu quả từ cảnh huynh đệ thương tàn đó.
Bấy lâu tôi quý kính TCS, dù chưa một lần diện kiến, bởi ông là một người duy nhất trung lập trong cuộc đổ máu trên. Nói cách khác, TCS tựa như một thiền sư vừa giác ngộ được lý vô thường, vừa có tài năng hiển thị, xuất hoạt cái Tính Không bất khả tư nghì của Phật giáo thành những ca từ giản dị, dễ hát, dễ nghe, và nhất là dễ cư lưu bất tuyệt trong lòng người. Kẻ du ca chỉ có thể bất tử khi hắn hát khúc nhạc của lòng mình, không để cho ca từ, giai điệu lệ thuộc vào bảng giá trị này hay nền đạo đức kia. Thuộc về bên nào trong cuộc tang tóc điêu linh đó đều khiến cho kẻ du ca tự đào huyệt chôn mình.
Đầu xanh chưa ráo máu như tôi không có đủ khả năng chứng thực những lý lẽ trong bài viết. Nhưng đoạn văn sau đây cho thấy tác giả quả là một thiện tri thức vô cùng đáng quý trong thời buổi vàng thau lẫn lộn này. Tác giả viết : “Nó có thể sẽ làm tan đi hình ảnh một TCS được tô vẽ bởi những huyền thoại và ảo ảnh lấp lánh trong lòng ai đó, nhưng sẽ trả lại một TCS thiên tài đích thực của âm nhạc như nó vốn có, để mọi người nếu đến với nhạc Sơn thì sẽ có được cơ may yêu mến trọn vẹn một con người có thực, chứ không phải một thứ tượng đài được nhào nặn, tô vẽ và dựng lên vì một mục đích riêng.” Chính những câu viết này khiến tôi tin rằng những lời chứng của tác giả là đáng tin. Bởi tác giả biện phân rõ đâu là con tằm ăn dâu, đâu là sợi tơ con tằm nhả ra. Dù đời thực của TCS có thiên tả hay thiên hữu, thì những sợ tơ do TCS nhả ra vẫn là một tài sản vô giá của người Việt chúng ta.
Tuy nhiên, cái ảo tưởng về người ‘anh em’ của TCS, nếu là sự thật, thì những ca từ như con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ/ đừng tuyệt vọng em ơi/ mỗi ngày tôi một niềm vui/ hãy cứ vui chơi cuộc đời, dù chiều nay em không qua đây… vẫn yên chờ đêm tới… chỉ là những mỹ từ đầu môi chót lưỡi, tỏ vẻ mình là an nhiên tự tại mà lòng sân hận, lắng lo, sợ hãi… Điều đó giống như một đệ tử nhà thiền thấy lão sư trả lời câu hỏi thiền là gì bằng cách chỉ ngón trỏ lên trời, hắn ta cũng bắt chước chỉ ngón tay lên trời khi có người hỏi cùng câu hỏi ấy. Tình cờ thầy phát hiện, hắn bị thầy chặt đứt ngón tay.
Cơn khát chỉ có thể được giải quyết bằng cách uống nước vào lòng, chứ không thể giải khát bằng cách nói hoặc nghĩ về nước. Lý vô thường hay Tính Không của Phật giáo cũng vậy thôi, chỉ nói đầu môi chót lưỡi thôi thì không đủ, nếu không muốn nói là ngôn từ ngữ nghĩa chính là mộ địa tinh vi ngăn cản nẻo về bến giác nhất trong bảy sáu mười ba cái ma chướng (lục dục và thất tình). Qua bài viết này, tôi càng thấm thía câu nói của Lão Tử : Ngôn giả bất tri, tri giả thì bất ngôn. (Người biết thì không nói, người nói thì không biết.) và cái bất lập văn tự của thiền tông. Với một di sản âm nhạc đồ sộ của mình, phải chăng TCS cũng kẻ nhá chữ nhai văn!!!??? Tôi còn nhớ có tác giả viết rằng : Từ khi trăng là nguyệt không phải của TCS, mà là TCS lấy của Bùi Giáng mà không hỏi lấy một lời.
Cuối cùng, thế hệ chúng tôi có thể nói là trung gian giữa thế hệ trước 75 và thiên niên kỷ mới, vết thương chiến tranh, tuy không trực tiếp, nhưng đã trực tiếp di căn vào trong tâm tưởng chúng tôi những tủi nhục oán hờn, oan ức của cha mẹ, chú bác, ông bà. Chúng tôi rất mong nghe, nhìn và thấy tận mắt những sự thật lịch sử, nhờ đó mà chúng tôi, cũng như thế hệ cháu chắt của quý vị hiểu biết thật sự về cha anh của mình. Mong sao tác giả có thêm những dữ kiện, để những gì là ảo tưởng, là phù phiếm, là thần tượng không còn đất sống và thay vào đó bằng cái bình thường tâm của kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, ăn uống và đẻ đái ra con…

- 01.04.2009 vào lúc 9:53 am

  • Trần Am viết:

Bài viết của Trịnh Cung là một bài viết thú vị về Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thuộc loại “huyền thoại” của âm nhạc Việt Nam . Và vì ông đã là một đạng huyền thoại , bài viết của Trịnh Cung có chiều hướng tích cực trong sự đánh đổ huyền thoại đó . Ai đó đã nói : Việt Nam là một nước qúa nhỏ nhưng có quá nhiều anh hùng, quá nhiều huyền thoại . Hiển nhiên, đó một điều không tốt .

Tuy nhiên , vì bài viết của Trịnh Cung đề cập quá nhiều dữ kiện, trước khi có ý kiến, cho phép tôi đặt ra nhiều câu hỏi , nếu được trả lời, thì quý giá biết bao .

Người theo dõi TCS xưa nay, ai cũng biết về tình bạn của bộ ba TCS, Trịnh Cung và Đinh Cường . Bài viết của Trịnh Cung nhắm vào 2 đối tượng : TCS và Đinh Cường, 2 người bạn (đã từng) chí thân , có lẽ là một điều hơi bất bình thường đối với một quan hệ văn nghệ bạn bè kéo dài qua bao nhiêu thập kỷ . Chắc người đọc cũng sẽ phải tự hỏi : tại sao Trịnh Cung làm điều đó ? có thực để “đứng trên đôi chân liêm sĩ” của mình để nói ra những điều bưng bít chăng ? hay người viết có một mục đích, tâm địa nào khác ?

Vì bài viết nêu quá nhiều dữ kiện, tôi xin hỏi đôi điều trước khi tìm cách hiểu cặn kẽ hơn về bài viết :

1/ Trong gần 3 năm đi học tập cải tạo, TCung chỉ “nghe nói” về những gì xảy ra với TCS trong 3 năm đầu sau 75 . Điều gì khiến ông chắc chắn những gì nghe được là đúng ?

2/ Thông tin từ Nguyễn Hữu Đống trong một bữa ăn để “kể tội” TCS vì sự hiểu lầm cá nhân, điều đó có đáng tin cậy hoàn toàn ?

3/ Ngày “anh em ta về”, câu nói của Tôn Thất Lập làm sao để kiểm chứng ? Nhạc sĩ TTL còn sinh hoạt văn nghệ ở SG và có mặt lúc đó, có lẽ chỉ có ông mới biết được sự thật hôm 30 tháng 4 ở đài Phát Thanh của TCS thế nào (trong lúc Trịnh Cung không có mặt)

4/ “Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ng K, Nguyễn Đắc Xuân, ..” Tại sao trong một bài viết đầy tính vạch trần, Ng K. là ai mà không được tiết lộ ?

5/ “Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết. Sau này, hoạ sĩ Tôn Thất Văn (đã chết) đã kể lại cho tôi” …

Lại trích lời một hoạ sĩ quá cố kể lại ?

6/ “Sau ngày 30-4-75, với cấp bậc Trung uý ngành Công binh VNCH, Đinh Cường trở lại Trường Mỹ Thuật Huế và được miễn đi học tập cải tạo nhờ vào việc đã tham gia các hoạt động đấu tranh chống VNCH …” Theo tôi biết, sau 30 tháng 4 ở thành phố Huế, có nhiều người mang chức bật Đại Uý , thậm chí cao hơn , cũng không bị đi cải tạo . Sự quyết định xảy ra từng vùng, tuỳ vùng . Sự tố cáo của Trinh Cung với người bạn họa sĩ kia cần được chứng minh thêm - “hoạt động chống VNCH” cụ thể là gì ?

7/ “Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”.” .

Sau 30 tháng 4, những nhân vật như Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng có quyền cấp giấy miễn cải tạo cho TCung không ? và nếu có được , liệu TCung có thật sự anh hùng để từ chối và tự nguyện đi tù trong một hoàn cảnh rất tối tăm và cái chết có thể đến trong những lời đồn “tắm máu” thời đó chăng ?

Tôi tự hỏi vì thật sự tôi đã sống trong khu phố của Trịnh Cung ở SG . Sau gần 3 năm cải tạo, có lẽ được “cải tạo” đúng mức chăng, TCung trở về xung phong làm tổ trưởng tổ dân phố rất gương mẫu và phục vụ chính quyền Phường Quận chăm chỉ . Ông có khoe biết cách “đút lót” để cho 2 con vào trường âm nhạc TPHCM . Ông thậm chí viết trình lên Uỷ Ban TPHCM một lá thư tố cáo người bạn thân TCS về quan hệ của TCS với những nhận vật như Lưu Kim Cương, Nguyễn Cao Kỳ …để lập công . Sau đó, TCung làm mọi cách để xin vào làm thành viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam, trụ sở ở Hà Nội . Xin nhắc lại , đây là những điều tôi tai nghe , nhưng nếu tôi chỉ biết nêu lên những dữ kiện trên, thì mức độ đáng tin cây đến mức nào ? chắc chắc rất nhiều người không tin , tuy rằng đó là điều thật .

Theo tôi biết, Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng vẫn còn sống . Chắc bài viết sẽ thêm giá trị nếu được sự minh chứng của cách nhân vật được nêu tên . Tôi vẫn giữ trong tay vô số minh họa cờ đỏ sao vàng, anh bộ đội của TCung trên báo Xuân TPHCM. Liêu một người như thế có quyền lên án sự “theo thời” của TCS , nếu có ?

Về khoản “Rượu chè, phụ nữ …” Tôi từng đọc rất nhiều bài báo về TCung , nhất là trong các chuyên đi Mỹ của ông, về cách ông mê , chiêu dụ phụ nữ đẹp thế nào . Điều đó hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, bài viết cho cảm tưởng TCung là một người đứng ngoài những “hoan lạc” (!) trên để giúp đở TCS về với con người liêm sĩ ? Còn vô số hình ảnh trên web TCung choàng vai TCS bên những cuộc vui mà ông gọi là hoan lạc đó ? Ông vào đó có thật sự như một người canh giữ TCS ?

Để bài viết được “convincing” hơn, tôi đề nghị tác giả minh chứng thêm những điều ông kể ra trong lúc vắng mặt, chỉ nghe qua người khác , hoặc có được sự xác nhận từ những nhận vật còn sống, cũng là những “nhân chứng TCS” . Cảm ơn ông, nếu các câu hỏi được làm rõ thì quý biết bao .

- 01.04.2009 vào lúc 11:15 am

  • Cao T/Phong Tử viết:

“Tự Do” cái gì là tự do, dù anh có muốn nhìn nhận hay không thì bản thân nó vốn đã định sẵn là một thứ phù phiếm không chân thực, dù ở chế độ nào cũng vậy thôi, mỗi con người xây dựng cho mình một ảo tưởng và rồi bị cầm tù do chính ảo tưởng đó. Anh cũng vậy TC à, có lẽ anh thích VNCH hay cũng có thể Trịnh muốn theo Cộng Sản, điều đó có ý nghĩa gì? chế độ là gì? Có khi nào anh nghĩ đến những người “dân thường” như chúng tôi cần gì chưa, cái chúng tôi cần chẳng phải uớc mơ, chẳng phải lý tưởng gì cao xa, có khi ngày hai bữa cơm, không lo đói rét tự nó cũng là một ước mơ vậy. Ai dám đảm bảo VNCH thắng thì dân ta đỡ khổ, anh khổ chỉ vì anh xây cho mình một ảo tưởng rồi khi ảo tưởng đổ vỡ anh lấy đó làm khổ bản thân.
Dù anh có viết gì đi chăng nữa, và vì mục đích gì đi chăng nữa, thì sự thực trong cuộc chiến kia chẳng có ai chiến thắng cả. và kẻ duy nhất thua cuộc thật đớn đau lại là tính mạng của hàng chục triệu đồng bào và có sai không khi bảo chính “những người bạn MỸ” đã góp phần không nhỏ cho việc vun thêm vào núi xác.
Xin lỗi nếu ngôn từ có gì không phải. Vì tôi vốn chỉ là một kẻ bình thường không phải nhà văn chẳng phải nhà báo vậy, chỉ là một trong hàng chục triệu đồng bào của đất mẹ VIỆT NAM

- 01.04.2009 vào lúc 5:28 pm

  • Paul Hồ viết:

Bài viết của tác giả Trịnh Cung rất công phu, cung cấp nhiều tư liệu có giá trị. Tuy nhiên tôi nghĩ bây giờ đem những chuyện này ra bươi móc để làm gì. Một người không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Bây giờ có thương thêm hay ghét thêm thì người ta cũng đã xanh cỏ. Nói sau lưng một người đã là không có cái dũng. Huống hồ nói một người đã chết thì lại còn như thế nào. Thành thật xin lỗi.

- 01.04.2009 vào lúc 8:59 pm

  • nguyen minh vuong viết:

Góp ý của độc giác Trần Am thật là sâu sắc. Thật vậy, nếu chủ ý của ông T Cung trong bài viết nhắm vào việc giải trừ huyền thoại để những kẻ con buôn không có cơ hội đầu cơ trục lợi thì việc đó quả là có ý nghĩa. Tuy nhiên, bài viết đề cập đến việc TCS đam mê sa đà vào tửu sắc là một sự kiện quá đáng, bởi đấy là tự do và đời tư của TCS. Đem việc đó ra để chê trách là việc làm tự đánh bóng chính mình. Con ong không thể nhả mật cho đời nếu nó không hút nhụy hương từ những đóa hoa tuyệt sắc. Điều này ông T Cung chắc thừa hiểu hơn bọn trẻ chúng tôi. Hơn nữa, nếu ai đọc hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy mà lên án những mối tình của ông suốt dọc dài đất nước, nhất là mối tình của ông với cô em cột chèo… thì chẳng khác nào tự đánh bóng mình, tự cho mình là trinh tiết thủy chung. Người đó chỉ là kẻ chân mình thì lấm bê bê, lại còn lấy đuốc mà rê chân người. Những ai sáng tạo, họ không thể bình thường như con người tầm thường chúng ta. Họ cần phải mất quân bình trong chốc lát, có thế họ mới có đủ dưỡng chất để nhả mật cho đời. Mong ông T Cung lên tiếng để vong linh về một con người tài hoa đang yên nghỉ trong lòng đất được nghỉ ngơi yên hàn.

- 02.04.2009 vào lúc 12:12 am

  • Thái Hoà viết:

Đây là bài viết về “Tham vọng chính trị” của TCS nhưng đến khoảng nửa bài thì chủ đề chuyển hẳn sang chê bai TCS và ca ngợi TC như “một đồng chí có đạo đức trong sáng”. Vậy phải chăng chuyện tham vọng chính trị được TC nâng lên là “một khía cạnh chưa được khai thác của TCS” chỉ là cái cớ để TC PR bản thân.
“Nếu mình không đủ sức vươn cao hơn xã hội thì hãy đạp bằng họ xuống dưới chân để mình đỡ mất công” phải chăng là tâm niệm của TC?

- 02.04.2009 vào lúc 2:48 am

Xin Chào,

Và xin được trích dẫn lại thư của TCS : “…Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi…”
và tui hiểu theo cách không hiểu của tui : TCS chẳng viết gì trong lá thư này.
Mong mọi người khi đọc lại “phần trích dẫn” của thư TCS,hãy buông xả tất cả thành kiến lẫn yêu mến đối với TCS,để nghe cái tịch lặng…và chỉ vậy.

nhẹ nhàng thanh thản…để có thể “tự” mình là TCS và ngẫm lại chử “mỏi mệt” trong thư TCS.

Trịnh Cung đã nhẹ lòng chưa,hay đang trên đường phá chấp?

Trân trọng,
TLT

- 02.04.2009 vào lúc 5:22 am

  • NguyenCuongAndy viết:

Trịnh Cung viết bài này chỉ để giải thoát những ẩn ức trong lòng ông ta mà thôi, chứ không thể làm nhạc TCS hay hơn hoặc dở đi. TCS theo CS thì đã sao ? TCS có tham vọng chính trị thì đã sao ? TCS thích rượu và gái đẹp thì đã sao ? Ưa nghe nịnh, mơ ước làm Quốc vụ khanh thì đã sao ? Những điều đó chỉ là sở thích cá nhân, không ảnh hưởng gì đến tài năng TCS.

Nhiều người chỉ thích phê phán nghệ sĩ về mặt đạo đức, chính trị. Trịnh Cung bất mãn vì bất đồng chính kiến với TCS, và sau 1975 hầu như bị nhóm TCS (và gia đình) loại ra khỏi những sinh hoạt. Trong lúc TC long đong thì TCS khôi phục lại danh tiếng và chỗ đứng, bắt đầu cuộc sống an nhàn có rượu ngoại và những bóng hồng. Nhưng sao lại bắt người nghệ sĩ phải sống như thánh nhân ? Cũng giống như một số người ở hải ngoại ghét Phạm Duy vì tính tự kiêu, ham tiền, và dê gái của ông ấy bèn viết bài “chửi” ông ta và nhạc của ông. Những người này lẫn lộn giữa “con người” và “tác phẩm”. Cứ quan niệm hễ là nghệ sĩ giỏi thì con người phải toàn thiện … Thật, không có lối suy nghĩ nào thiển cận bằng.

- 02.04.2009 vào lúc 7:34 am

  • Thu Lộ viết:

Xin trả lại bình yên cho người đã khuất,tại sao lúc TCS còn sống tác giả không viết? Tại sao lại phải đào lên một quá khứ (Dù chưa biết thật giả và một phần do tác giả nghe nói hay đoán biết với những bằng chứng khá mơ hồ)? Dù sao đi nữa thì TCS vẫn là nhạc sĩ vĩ đại nhất trong nền âm nhạc Việt Nam, và tôi chỉ cần có vậỵ, có thể con người TCS không hoàn hảo (tất nhiên) có nhiều nét khuất nhưng,cái tôi yêu là nhạc của ông,chỉ vậy mà thôi.
Sau cùng xin TC cho biết bài viết này ông viết để “giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua” hay chỉ là một cách để ông bôi bác TCS và những người CS dù muốn dù không thì đọc bài viết ai cũng có thể nhận ra điều đó.

- 02.04.2009 vào lúc 8:22 am

  • Tư Quán Cóc-Utah viết:

Viết từ QUÁN BÊN ĐƯỜNG (Salt Lake City-Utah)
Những bài hát một thời của Trịnh Công Sơn, như Ca khúc Da vàng, hay Kinh Việt Nam đã được ưa thích khi nó phát xuấttừ những đau đớn và khát khao của một nhạc sĩ, từ những cảm xúc của một con người trong thời chiến. Nhưng nếu nó phát xuất từ những tham vọng về chính trị của một NHÀ CHÍNH TRỊ thì bài hát đó đã mất đi một phần ý nghĩa đích thật. Bởi nó chỉ phản ảnh được một chiều trong suy nghĩ của một NHÀ CHÍNH TRỊ
Ngày 02-04-2009

- 02.04.2009 vào lúc 8:49 am

  • bò kho viết:

bao nhiêu nghi vấn về những sự kiện được kể lại trong bài viết của ông Cung chỉ là tiểu tiết… còn sự thật về lập trường chính trị của ông Sơn thì không thể chối cãi nữa, ông Sơn đã chủ ý chọn lựa con đường theo chế độ cộng sản, đã sai lầm chấp nhận đứng chung hàng ngũ với Việt Cộng

một con người như thế được đánh giá như thế nào?

- 02.04.2009 vào lúc 9:18 am

  • minh tran nguyen viết:

Tháng 4 . Trịnh công Sơn qua đời .
Trịnh Cung làm ngay cuốn sách dày với tựa đề “Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) Cuộc Đời - Âm Nhạc - Thơ - Hội Họa & Suy Tưởng” (http://www.tcs-home.org/ban-be/books/TCSCuocDoiAmNhacTho/) với hơn 2 phần 3 là những hình ảnh tư liệu của một người bạn khác : Đinh Cường .

Theo bài viết của Luân Hoán “…Trong các thập niên 60, 70… Trịnh Cung, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn là ba nhân vật rất lẫy lừng trong sinh hoạt nghệ thuật tại miền nam Việt Nam. Họ là ba người bạn chí thân..” (http://75.177.129.43/luanhoan/tacpham/DuaHoiBeban2/web/14_TrinhCung.htm).

Hôm nay, sau 8 năm , đọc bài viết trên, tôi thật sự bỡ ngỡ về sự vạch trần của Trịnh Cung dành cho “một người (đã) nằm xuống” và một người bạn khác đã từng sát cánh . Có một điều gì đó không ổn trong cách hành xử , tuy rằng người viết vẫn tự đánh bóng mình bằng hình ảnh “liêm sĩ” (sic) để lên án bạn bè với những tư liệu xem ra đã quá lỗi thời . 30 năm đã qua . Nếu có thật những sai lầm thời mới sau 75, thì đã sao ? Thời bao cấp, họ (Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Đinh Cường, ẹtc) là những thanh niên ở tuổi 40 , phải sống còn với bao nhiêu khó khăn chồng chất . Trịnh Cung bươi móc ra những điều này (tuy chỉ nghe qua người khác) với mục đích gì ? Có thật sự để giải toả ẩn ức để được lòng thanh thản ? Trịnh Công Sơn là người phổ bài nhạc “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” và đã chấp cánh cho bài thơ đó (tuy rằng, Trịnh Cung lại tự đánh bóng với dòng chữ “…nhưng đến khi Sơn phổ nhạc bài thơ của tôi, nhạc của Sơn bắt đầu một chương khac….” !!! -http://www.trinh-cong-son.com/trcung.html) . Tại sao đợi TCS nằm xuống, anh lại cho TCS chết lần thứ 2 (”Người chết 2 lần, thịt da nát tan” , TCS).

Nếu theo dõi văn nghệ hải ngoại, VietWeekly,ẹtc , Trịnh Cung đã từng bị chụp mũ (?) là công an Văn Hoá TPHCM trong những chuyến thăm Little Saigon trước đây (và về nước đăng bài chê trách cộng đồng Hải Ngoại trên các báo ở TPHCM). “TC: Ví dụ như nhà văn Duy Lam đã lên tiếng, và một vài tờ báo trong cộng đồng đã chửi tôi, thậm chí còn nói tôi là Việt Cộng….” (http://www.dongtac.net/spip.php?article613, http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw5n26/trinhCung.html, ẹtc). Hôm nay, ông lấy cái mũ chụp lên 2 người bạn thân ngày xưa (một người đã khuất), xem ra với một mục đích rõ ràng . Con người là cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Thiển nghĩ , những vấn đề TCung tìm cách vạch trần trên không còn giá trị nhiều khi những dữ liệu chưa được minh chứng, và cũng đã mất đi tính thời sự .

- 02.04.2009 vào lúc 10:42 am

  • do trung quan viết:

anh cung
-tư liệu lẫn interview của anh không đủ thuyết phục.(không ai dẫn chứng người chết như một số nhân vật anh trích lời, những nhân vật còn sống nếu họ im lặng cũng có lý do riêng, nếu họ lên tiếng e rằng anh gặp khó đấy: ví dụ nhé trưa 30-4 tôn thất lập ở “rừng nào” mà về đài phát thanh sg nhanh thế mà “đuổi” ông sơn? tôi e rằng khi ttl trả lời câu hỏi này, anh mệt à nha!)
-nếu tcs trở thành “á thánh” thì đó là hệ quả tạo “huyền thoại” từ chính trò chơi của các anh mà 30 năm sau vì lẽ gì đó không rõ anh phải nói toạc (chú ý: nói toạc không hẳn đã nói chính xác sự thật)
tôi không tranh luận vì tôi không phải bạn đồng liêu của ns tcs như các anh,nhưng thấy anh sai lè về phương pháp luận rồi.
tôi mong anh nói thật cơ, nhưng tiếc quá.
xin nói rõ, tôi không “thần tượng”ông tcs tí nào nếu không nói là thương ông ấy. ông là nạn nhân của chính bạn bè mình. các anh tạo huyền thoại, khi “huyền thoại” đã thành… huyền thoại, các anh hoảng hốt. muộn mất rồi!
-mà anh cung này! anh thành khổng tử lúc nào thế?

- 02.04.2009 vào lúc 10:50 am

  • NguyenCuongAndy viết:

Những người hay dựng huyền thoại cho nghệ sĩ cũng là những người sai : sai ngược lại với những người chuyên đi “đánh đổ huyền thoại”. Tại sao cứ phải đặt nghệ sĩ lên tượng đài; để rồi có kẻ khác ngứa mắt sẽ đi vạch lá tìm sâu đánh gục cái tượng đài đó ?

Cả hai quan niệm đều cực đoan một cách rất ấu trĩ. Khi nghe nhạc, người ta chỉ nên thưởng thức cái nét đẹp của âm nhạc. Nhưng lại không. Cứ trộn lẫn giữa cá nhân và nghệ thuật. Cứ phải tìm hiểu về tác giả; nếu có ai nói tác giả đã làm gì sai trong quá khứ là đâm buồn, là không muốn nghe nhạc của tác giả đó nữa. Người ta thích tìm hiểu đời tư nghệ sĩ, và thất vọng (hay sung sướng) khi tìm ra điều bất toàn. Cho nên, nhiều kẻ đã từng sống gần gũi với những nghệ sĩ nổi tiếng thường cho mình là kẻ có “inside information”. Họ tự cho mình cái quyền phê phán và coi thường ông ta, vì “tôi đã ăn ngủ nhà nó cả năm trời”, hoặc “nó thì tôi lạ gì”. Họ bực bội vì họ đã có một thuở thiếu thời với ông A mà bây giờ bao nhiêu người cứ thần tượng ông A; mình phải viết một bài nêu rõ ngày xưa “thằng” A theo gái bị chửi như thế nào; uống cafe thiếu nợ ra sao v.v… cho cả làng biết tỏng về nó và hết thần tượng nó…

- 02.04.2009 vào lúc 12:36 pm

  • Vân Nguyễn viết:

Bài viết của ông Trịnh Cung chỉ có giá trị cho cá nhân ông ấy mà thôi, không thay đổi được lòng yêu mến của công chúng dành cho nghệ sĩ Trịnh Công Sơn đâu. Không ai đánh giá tác giả và tác phẩm công bằng và chính xác hơn công chúng. Đã có hàng chục ngàn người đi đưa tang Trịnh Công Sơn. Điều đó hẳn đã nói lên nghệ sĩ Trịnh Công Sơn được yêu mến như thế nào. Xin lập lại câu nói của độc giả NguyenCuongAndy:” Trịnh Công Sơn thích cộng sản- thì đã sao? Trịnh Công Sơn thích rượu, thích gái đẹp- thì đã sao?” Tác phẩm của Trịnh Công Sơn là bất hủ.

- 02.04.2009 vào lúc 12:47 pm

  • Hà Minh viết:

Tôi vốn thích họa sỹ Trịnh Cung về những đóng góp của ông về hội họa, hay gần hơn là những bài viết về mỹ thuật đăng trên talawas, ông có một phong cách rất nghệ sỹ, trẻ trung, chính vì thế ông có nhiều bạn bè thuộc lớp hậu sinh, như nhà văn Nguyễn Viện, nhà thơ Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, nhóm Mở miệng, nhóm Ngựa trời, nhà thơ (họa sỹ) Nguyễn Thúy Hằng, và người bạn đời sau này của ông cũng là một nhà thơ trẻ hơn ông rất nhiều. Một lần tình cờ, ngồi uống cà fê ở vỉa hè (Highland) gần nhà thờ Đức Bà (Sài gòn) với nhà văn Nguyễn Viện, họa sỹ Trịnh Cung đến sau, ông hồn nhiên bịt mắt Lynh (Bacardi) để trêu, tôi thấy phong cách ông thật là trẻ trung, ông đeo một chiếc thánh giá thép (hay platinum) trông rất phong trần,…và những câu chuyện hóm hỉnh hài hước luôn tuôn ra bất tận. Hôm nay đọc bài viết này của ông, tôi đoán ông đã rất suy nghĩ, dằn vặt trước khi công bố, và ông cũng tiên liệu những phản ứng từ số đông những người quen biết ông, dĩ nhiên “nhất ngôn ký xuất”, nhất là thời buổi “nhà nhà wimax, người người wifi”, sự phát tán của thông tin sẽ ngoài sức ước lượng của mỗi cá nhân. Thông qua những tự sự của ông tôi thấy những điểm chính như sau: thời trẻ ông (Trịnh Cung) chưa bao giờ tin và muốn đi theo cộng sản để (vào bưng làm cách mạng), ngược lại những người như ông quen biết như TCS, Đinh Cường, Ngô Kha, HPNT ít nhiều tin theo cách mạng, điều này có thể tin được, ví dụ có những người sống giữa lòng thủ đô Hà nội (đầu não của cách mạng) nhưng cũng rất bàng quan thậm chí hơi buồn buồn khi nghe tin …Sài gòn “giải phóng” như …tôi. Đến bây giờ ông đã nhận ra rằng những người bạn của ông, kẻ đã chết người còn sống, cũng thất vọng vì “niềm tin” thời trai trẻ,…và ông muốn khẳng định mình không giống họ, …tức là đã không có niềm tin như thế, đã không bị lừa,…Đi xa hơn nữa, ông muốn tự nói về cái nhân cách “kẻ sỹ” của ông khi không thèm sự giúp đỡ của Đinh Cường ông viết: “…vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi. Tôi không tin và nói lớn là có hẹn trước, lúc đó Đinh Cường mới nói vọng xuống để tôi lên. Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”. Lập tức tôi đứng lên và từ chối: “Không, hãy để tôi chịu trách nhiệm với họ, và Thành Phần Thứ 3, Thứ 4 gì họ cũng dẹp sạch thôi!”…
Tôi thấy đoạn này phi lý, thứ nhất: nếu vợ Đinh Cường đã không muốn mời ông vô nhà, vì sao ông cứ phải “cố” vào nhà bằng được, và rồi “gượng gạo” ngồi xuống (?), sao ông không phất tay dũ áo quay về ngay từ đầu, rồi những lần ông cố ngồi lại:
“Với TCS, gia đình cùng các “đồng chí” rượu của anh, tôi lúc này là một kẻ xa lạ, một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu, một con kỳ đà làm cho cuộc vui hoan lạc của họ không được hoàn hảo, tôi nên biến đi. Nhưng tôi lại là một gã ngoan cố, tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn,…” có thực là cần thiết hay không(?)
Tóm lại những hồi ức của Trịnh Cung cũng đem lại những thông tin khá mới lạ về thân phận một người nhạc sỹ hết sức tài hoa là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhưng những hồi ức rời rạc này không đủ để làm thay đổi những ấn tượng vốn có về người nghệ sỹ ấy của công chúng, ngược lại phần nào làm sứt mẻ những kỷ niệm quý giá của chính họa sỹ Trịnh Cung với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Dù sao, tôi vẫn chỉ đánh giá tình bạn giữa hai ông qua nhạc phẩm “Cuối cùng cho một tình yêu” (Thơ Trịnh Cung-nhạc Trịnh Công Sơn)… trớ trêu thay bài hát này lại là một trong những bài hát hay nhất của nhạc sỹ họ Trịnh. Có khi nào ông tự hỏi: Thiếu một tình bạn trong sáng, liệu một nhạc sỹ có thể phổ thơ cho bạn mình hay như thế không?

- 02.04.2009 vào lúc 4:47 pm

trong bài TC, TC hay nhắc đến 1 nhân vật, Nguyễn Đắc Xuân, trong những dẫn chứng, nhưng thiếu bằng chứng. NDX là 1 nhân vật gây không thiếu những cái nhìn không thân thiện tứ mọi phía.

Sao thế ? Sao TC kg viết vài hàng về nhân vật nầy ?

và TC hay dẫn chứng từ nhiều nhân vật “tâm tình” thế nầy thế nọ. Như vài netters viết trong nầy, những nhân vật nầy đã chết, và dẫn chứng của TC cốt để tự đánh bóng

Có lẽ TC chỉ dám viết bài nầy khi TCS nằm xuống, như các nhân vật dẫn chứng của TC, để TC độc quyền độc thọai

tại sao, mãi đến gần dây, TC vẫn còn cố tình thân thiện với các người thân và gia đình của TCS…..

À, tôi hiểu rồi, TC bị mấy người ấy kg thích mấy, như TC viết trong bài. Sao không thấy TC nhắc đến lý do vì sao gia đình và người thân TCS không thích TC nữa? Sao TC không nêu lý do là vì TC tố cáo TCS với CS để lập công ? như trong bài hỏi TC

À phải rồi, ngại quá, viết như thế thì bố nào tin lời mình viết ra

Có lẽ vệc nầy, giải thích bài kia

Thật là khó hiểu

Cùng 1 người, cách đây không lâu, viết về TCS, với giọng điệu khác

” ……….

Người ta gọi nhạc Trịnh Công Sơn - ở một số ca khúc - là nhạc phản chiến . Tôi đồng ý với anh Phạm Duy, chữ “phản chiến” không đầy đủ ý nghĩa của nó, bởi vì chữ phản chiến nghe ra có vẻ kết án, có vẻ phải gánh chịu cái hậu quả của sự thất bại của Miền Nam . Tôi cho là chữ “thân phận” của người Việt thì khái quát hơn.

Một thanh niên Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào, vẫn đầy sự hồn nhiên, và vẫn đầy lòng lương thiện để có một lý tưởng cho dân tộc, cho sự công bằng, cho sự không đổ máu , cho sự đoàn kết, cho sự thương yêu … và cái chất đó có hầu hết ở chúng ta, và có hầu hết ở các lứa tuổi đang bước vào Ðại Học … nhưng tuổi trẻ không bao giờ lường trước được những âm mưu của chính trị - cho nên sự hồn nhiên đó phải trả giá.

Trịnh Công Sơn viết những bài Nối vòng tay lớn, Huế-Sài Gòn-Hà Nội 20 năm xa vẫn còn xa …Ðể làm gì? Ðể ước mơ đất nước hòa bình thống nhất - để ước mơ anh em bắt tay nhau khi mà người di cư đã viết về “Hà Nội ơi ta nhớ…”, thì rõ ràng không ai lại không nhớ Hà Nội nếu bỏ quê hương ra đi, không ai không muốn gặp lại người thân … thì Trịnh Công Sơn đã đứng làm kẻ chịu vác cái thánh giá đó với bao nhiêu bi kịch sau đó .
Tôi và Sơn là hai người bạn, khác nhau hai hoàn cảnh. Tôi là sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Tôi chấp nhận đi Thủ Ðức bởi vì tôi không muốn sự bất hợp pháp. Tôi là một công dân tôi phải làm việc của người công dân, cho dù là chính quyền đó có thối nát, có gì đi nữa - tôi không chấp nhận sự bất hợp pháp cho nên tôi đi lính. Tôi thi hành nghĩa vụ của mình. Còn Sơn thì khác, anh không chấp nhận chuyện đó, Sơn chỉ đi vì lý tưởng của mình.

Bởi vì chúng ta là những con người chọn dân chủ, chọn tự do thì phải tôn trọng tự do của kẻ khác; vì vậy cho nên chúng tôi vẫn chơi với nhau trong tình người, còn việc làm của ai thì người đó đeo đuổi riêng của họ.

Đến ngày 30 tháng Tư thì Sơn ở lại. Tôi nhớ buổi chiều đó, Ðỗ Ngọc Yến đến đón Sơn với một nhà báo Mỹ đề nghị Sơn đã có máy bay đưa gia đình Sơn đi Hoa Kỳ. Tôi rất muốn đi Hoa Kỳ nhưng mà Ðỗ Ngọc Yến lại không hỏi tôi. Sơn ở lại thì tôi cũng đành ở lại. Tôi thì đành thôi và sau đó thì tôi đi học tập ba năm.

Còn Sơn cũng không hơn tôi đâu. Khi các bạn đã rời khỏi đất nước ngày 30 tháng Tư, có lẽ các bạn không biết chuyện gì đã xảy ra cho Sơn. Sơn phải trốn ra Huế sau khi được đánh tiếng là sẽ bị thủ tiêu bởi vì tính chất hai mặt của Sơn trong âm nhạc và tính chất hai mặt của Sơn trong cuộc đời. Bởi vì Sơn là bạn của những nhân vật cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Sơn đã từng viết Cho Một Người Nằm Xuống về cái chết của Lưu Kim Cương và đồng thời với Hai Mươi Năm Nội Chiến từng ngày, thì điều đó người cộng sản không chấp nhận. Tôi nghe kể lại cuộc họp ở trong khu người ta lên án Trịnh Công Sơn.

Chúng ta không biết bi kịch đó cho nên chúng ta có những ngộ nhận đáng tiếc. Sau đó Sơn phải về Huế để tìm một nơi nương tựa bởi vì ở đó Sơn có nhiều anh em. Anh hy vọng là họ sẽ giúp đỡ mình; nhưng, tránh võ dưa gặp võ dừa, ở đây Sơn còn bị nặng hơn nữa là bị tố cáo tại các trường học, các biểu ngữ giăng lên. Sơn phải lên đài truyền hình Huế nhận lỗi của mình - mà người ta gọi là bài thu hoạch. Sơn rất khéo léo trong bài nhận lỗi đó. Chính Sơn kể cho tôi nghe - Hoàng Phủ Ngọc Tường không đồng ý bài đó, nói phải viết lại vì chưa thành thật. Bạn thấy chưa?

Người ta quyết liệt ghê gớm lắm trong sự kiểm soát. Sơn đã đóng cửa nhà mình, không tiếp Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nhiều năm. Sau đó, Sơn phải đi thực tế, tức là đi để biết người nông dân cày bừa cực khổ như thế nào. Sơn đi trên những cánh đồng còn rải rác những chông mìn. Sơn đã thoát chết trong một lần; một con trâu đã cứu Sơn khi nó đạp quả mìn mà đáng lẽ Sơn sẽ đạp.

Bởi vì tài năng âm nhạc của Sơn quá lớn, cho nên trong số những người lãnh đạo đất nước đó, cũng có người khôn ngoan hơn, biết cách thức hơn để giữ Sơn lại bằng cách bao bọc cho Sơn khỏi những tình huống hiểm nghèo như vậy. Họ đã tìm cách đưa Sơn về Sài Gòn, trả lại hộ khẩu cho Sơn, tạo điều kiện để cho Sơn yên tâm sống ở Sài Gòn.
Rất nhiều người nghe nhạc Sơn thầm lén nhất là từ miền Bắc, trong đó có nhiều đảng viên cộng sản, nhưng không ai dám công khai thừa nhận nhạc của Sơn là tài sản của đất nước và Sơn không được phổ biến âm nhạc lúc đó - hiển nhiên âm nhạc hải ngoại là phản động. Ngay cả Sơn còn không được phổ biến, mà phải đợi một thời gian đổi mới và cải tổ. Vì vậy cho nên, Sơn là một bi kịch thu nhỏ của bi kịch đất nước. Và Sơn đã nghe được những luận điệu chống mình ở tại hải ngoại, nên Sơn rất sợ mặc dù có nhiều lời mời ở các đại học. Sơn đều không dám đi. Sơn từ chối, vì Sơn sợ cộng đồng ở đây sẽ đả đảo sẽ gây ra những nguy hiểm cho Sơn. Cho đến ngày Sơn mất. Có người đã về đề nghị đưa Sơn sang đây để thay gan cho Sơn miễn phí nhưng Sơn cũng từ chối.

Trong thời gian 25 năm sau ngày mất Sài Gòn, tôi cũng kẹt ở lại - tôi đã chơi với Sơn, và tôi đã không làm gì được cho Sơn - để Sơn bị một căn bịnh đã dẫn tới hậu quả tàn khốc, tức là nghiện rượu. Bởi vì buồn, bởi vì cô đơn, bởi vì không biết sử dụng thời gian để làm gì … vì những ca khúc viết ra đều bị phê bình nặng nề - như bài “Em ra đi nơi này vẫn thế …” ở bên này cũng kết án bài đó - ở bên kia lại kết án là “Tại sao đất nước đã thay da đổi thịt mà anh lại viết là em ra đi nơi này vẫn thế? Sài Gòn vẫn còn nguyên à?” Người nghệ sĩ luôn đi giữa hai lằn đạn! Có ai hiểu được là Sơn cô đơn như thế nào!

Và trong nhiều sáng tác của anh, nếu chúng ta tinh ý, thì chúng ta sẽ thấy tư tưởng của TCS sau ngày mất nước. Sơn đã viết “Đường chúng ta đi, đi không bao giờ tới …” Những ca khúc nói lên sự quạnh quẽ, sự tuyệt vọng, sự bất an của mình.Ðó là một dòng nhạc đặc biệt mà có người không hiểu chê là thua những ca khúc anh viết trước 75 để chỉ chấp nhận tình khúc của anh mà thôi. Chúng ta không biết đến một dòng nhạc triết lý và đầy đau thương đã ra đời một cách lặng lẽ âm thầm.

Ngay cả bài Nhớ mùa thu Hà Nội cũng đã bị cấm hai năm - chỉ vì câu - chỉ vì câu gì các bạn biết không? Mùa Thu - chữ Mùa Thu Hà Nội đã trở thành thuật ngữ Cách Mạng Mùa Thu - thì TCS đã viết “Từng con đường nhỏ sẽ trả lời cho ta … đi giữa mùa Thu Hà Nội để nhớ một người và nhớ mọi Người …”

Người ta đặt câu hỏi: Nhớ một người là nhớ ai? Và từng con đường nhỏ tại sao lại phải trả lời? Hà Nội, những con đường của Hà Nội tại sao lại phải trả lời? Trả lời cho ai? Trả lời cái gì? Ðó là nhớ Khánh Ly và Khánh Ly sẽ đem phục quốc về … Với sự suy diễn như vậy , méo mó như vậy, bài hát đó đã bị cấm hai năm. Các bạn có biết cái nỗi đau của người sinh ra đứa con tinh thần như thế nào?

Và chúng ta sai hay đúng, hãy tự soi lấy mình - khoan kết án người khác sai hay đúng - bởi vì trong chúng ta cũng đều bị lừa dối ! Chúng ta đã trưởng thành chưa sau nhiều lần bị lừa dối về chính trị - thì chúng ta đừng trách Trịnh Công Sơn và đừng trách những người nghệ sĩ nhạy cảm và chân thật với cuộc đời với con người.

Tôi xin kết thúc ở đây - để dành thời gian cho các bạn khác - tôi là một người bạn - là một nhân chứng sống trong nhiêu năm với TCS. Những ngày tháng cuối cùng của anh, tôi đã ở bên anh mỗi lần tôi có mặt ở Việt Nam. Buổi sáng, tôi ngồi với anh dưới bóng cây để uống trà, để nhìn nhau cho đỡ nhớ, để nói với nhau một vài thông tin về bạn bè - rồi đi về. Sơn ngồi ở cái vườn trên gác nhà anh, có một cây hoa sứ già 28 năm, một giàn hoa giấy … nó đã trở thành một cánh rừng nhỏ của Sơn và tôi đã nhìn Sơn tàn phai theo nắng chiều qua những tia nắng hoặc cuối mùa, cuối ngày qua những chiếc lá của cánh rừng bông giấy. Và thỉnh thoảng có vài tiếng chim hót như chia sẻ cái nỗi cô đơn của Sơn. Buổi chiều, tôi và Sơn đi ra ngoài một cái nhà hàng mà các bạn chắc còn nhớ, đó là Givral để nhìn qua bên kia khách sạn Continental để nhìn cuộc đời đi qua, để nhìn những nguời Việt Nam đang hấp tấp vội vã trên đường phố, để nhìn một chút trời xám , để nhìn vài cánh én … Rồi Ði Về.

Sơn thèm đi ra phố - Sơn thèm hơi của thành phố. Bởi vì chúng tôi là những con người đã gắn bó với Sài Gòn từ lúc trẻ cho nên “Chiều một mình qua phố …” hay “Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu …”Ðó là đời sống của chúng tôi, và nó theo chúng tôi mãi mãi. Và Trịnh Công Sơn - hôm nay tôi được dịp để nói về anh, về cái sự tuyệt vời chịu đựng một bi kịch kéo dài cho tới ngày mà căn bịnh quái ác đã đục khoét tinh thần sức khỏe của anh cho đến hơi thở cuối cùng. Bởi vì sự cô đơn thật không có điểm tựa để làm việc. Và anh đã chết vì cơn bịnh này.

Trịnh Cung ”

1 người, vẫn 1 đối tượng, 2 lối viết, 1 tâng, 1 hận

Vì sao ?

- 02.04.2009 vào lúc 7:43 pm

  • BBT Da Màu viết:

Xin lưu ý:

Những ý kiến trùng lặp sẽ bị loại bỏ để tránh việc biến chuỗi bình luận sôi nổi này trở thành nhàm chán và vô bổ.

Trân trọng
BBT Da màu

- 02.04.2009 vào lúc 8:08 pm

  • Dương văn Ánh viết:

Thưa anh Trịnh Cung, nếu anh cho phép tôi gọi thế vì tôi đi sau anh cả một thế-hệ, đọc bài viết của anh mà đầu óc tôi không khỏi suy-nghĩ miên-man. Hai chuyện kể của anh làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là chuyện thố lộ của thầy Ngô Kha và chuyện anh đến nhà Đinh Cường.

1. Ngô Kha: Anh cho hay: “Vào năm 1971, tôi có mời Ngô Kha tới dự bữa cơm đầy năm Vương Hương, con đầu lòng của tôi tại nhà ở Phú Nhuận. Sau tàn tiệc, tôi đưa Ngô Kha ra về. Chúng tôi đi bộ từ ngã tư Phú Nhuận về hướng cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”.” Tôi đồng ý với anh rằng Ngô Kha đã “hối thúc lời đề nghị ghê gớm” nầy với anh. Điều tôi thắc-mắc là tại sao với anh? Là người không đồng chí hướng và chẳng mấy lần gặp mặt.

Không đồng chí hướng vì anh viết: “Tôi không hề tham gia vào phong trào phản chiến, tôi chơi với Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường khi họ chưa là người chống lại chế độ Việt Nam Công Hoà. Ngay cả tại “túp lều cỏ” Tuyệt Tình Cốc ở Huế, nơi mà … những cuộc họp bàn về đấu tranh chính trị do nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đứng ra tổ chức, tôi cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó và thậm chí không hề biết có những việc như thế.” Và anh cho hay thêm: “Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết.” Cũng chính anh tự thú rằng: “Đơn giản vì tôi rời Huế vào sống ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật năm 1962, mối quan hệ giữa tôi và họ chỉ là một tình bạn văn nghệ thuần tuý.” Thế mà Ngô Kha lại rủ rê anh đi bưng sau bao tháng ngày cách biệt.

Vào năm 1971 nầy, Ngô Kha về Sài-gòn cũng chỉ để đi công tác hay ghé thăm bạn bè thôi vì thầy đang bận dạy học và đi tù ở Huế. Tôi biết vì tôi là một trong những học sinh của thầy ở trường Quốc Học. Nếu không học môn Công Dân Giáo Dục với thầy thì cũng xuống đường đòi chính-phủ trả lại thầy trong lần thầy bị bắt lần thứ hai. Đã tiếp xúc với thầy trong gần hai năm (cho đến lúc thầy bị bắt lần thứ ba vào cuối năm 1972 và tôi cũng rời bỏ Huế và Viêt-nam ra đi sau đó không lâu), tôi nghĩ thầy không ngớ ngẫn như thế. Nhưng cũng có thể thầy quá chén hay anh còn giấu những điều bí ẩn khác, không giám nói ra?

2. Đinh Cường: Theo anh kể. “Ngày 1-5-75, 8g sáng tôi đến nhà Đinh Cường ở đường Nguyễn Đình Chiểu cũ, gần chợ Tân Định để xem tình hình như thế nào. Như thường lệ tôi vẫn đến đây dễ dàng như người trong nhà nên rất tự nhiên bước lên cầu thang dẫn lên căn gác của bạn mình. Thế nhưng chị TN, vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi. Tôi không tin và nói lớn là có hẹn trước, lúc đó Đinh Cường mới nói vọng xuống để tôi lên. Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”. Lập tức tôi đứng lên và từ chối: “Không, hãy để tôi chịu trách nhiệm với họ, và Thành Phần Thứ 3, Thứ 4 gì họ cũng dẹp sạch thôi!…” Câu kế câu cuối làm tôi suy nghĩ. Tại sao Đinh Cường lại hỏi vô đề một câu ngớ ngẩn thế? Theo sự suy nghĩ của tôi, câu nầy chỉ xẩy ra khi người hỏi biết anh đến nhà với mục đích gì. Mục đích mà hai người đã bàn tính trước. Hơn nữa anh đến nhà với một lòng tự tin rằng anh Đinh Cường có nhà, làm tôi nghĩ rằng anh có hẹn trước thật. Lại nghĩ nữa.

Đấy là hai thắc-mắc của tôi, nhờ anh giải giúp để tôi khỏi phải bận tâm suy nghĩ và hiểu lầm.

Chào.

- 02.04.2009 vào lúc 11:21 pm

  • Phan Đức viết:

Tôi nghĩ những ý kiến phản hồi trên của các bạn đọc sẽ được TC. trả lời
dưới dạng một bài viết như bài này. Khi dám kể ra những chuyện riêng tư
như trên, TC. đã chuẩn bị cho mình sự can đảm để chịu đựng những dư luận
“búa rìu” đổ xuống anh.
Theo chỗ tôi biết,họa sĩ TC. là người trực tính,dám nói thẳng nói thật.
Trước việc nhạc sĩ TCS. đang được nhà cầm quyền trong nước huyền thoại hóa (nhưng đồng thời sự việc này lại biến TCS. thành một “nạn nhân” bị lợi dụng cho mục đích chính trị,dù ông đã qua đời mà danh tiếng ở tầm cỡ quốc tế),
TC. đã nói ra một số sự thật mà cá nhân anh biết về TCS. chứ có lẽ không phải để đánh đổ huyền thoại như có bạn góp ý.
Tôi thiển nghĩ những chuyện riêng tư giữa TCS.và anh nhiều phần đúng hơn
sai vì dám đề cập đến những người đang còn sống nhưng nhận định của anh
về xu hướng chính trị của TCS.thì phiến diện và thiếu thuyết phục.So sánh
2 bức thư của TCS.,một gửi cho Lữ Kiều và một cho Ngô Kha thì sẽ thấy văn
phong hoàn toàn khác nhau, thế mà TC.lại dựa vào đó để xác quyết TCS. theo
CS.thì có phẩn “áp đặt” !

- 02.04.2009 vào lúc 11:46 pm

  • Nguyễn Hữu Thiệp viết:

Thugiang nên đọc kỹ bài trước của Trịnh Cung. Trong bai đó, Trịnh Cung đã viết: “Sơn phải trốn ra Huế sau khi được đánh tiếng là sẽ bị thủ tiêu bởi vì tính chất hai mặt của Sơn trong âm nhạc và tính chất hai mặt của Sơn trong cuộc đời.”

Xin nhấn mạnh: “tính chất hai mặt của Sơn trong âm nhạc và tính chất hai mặt của Sơn trong cuộc đời.”

Theo tôi nghĩ, lúc viết bài trước, Trịnh Cung vẫn cố gắng thông cảm với người bạn của mình. Nhưng từ đó đến nay, sự cố gắng ấy vẫn không thắng nổi cái sự thật mà Trịnh Cung muốn nói ra.

Tôi có một người bạn bị vợ phụ bạc. Anh ta rất đau khổ. Vừa còn yêu thương, mà lại vừa oán giận. Vì thế, có lúc anh ta ca tụng người vợ cũ với một giọng cảm thông và bênh vực. Nhưng có lúc anh ta nhắc lại chuyện người vợ cũ với giọng cay đắng khinh bỉ.

Trịnh Cung loay hoay với câu chuyện về Trịnh Công Sơn cũng giống như vậy.

Nếu không vì tình bạn, thì có lẽ Trịnh Cung đã nói toạc ra những điều này từ khuya rồi.

Còn cái việc Trịnh Công Sơn lân la với cả hai bên thì ai sống vào thời ấy mà chẳng biết.

Tôi thấy bài viết của Trịnh Cung là công bình, vì ông vẫn ca ngợi âm nhạc của Trịnh Công Sơn, và chỉ chê trách cái bản tính nước đôi cơ hội chủ nghĩa trong chính trị của Trịnh Công Sơn.

Khi lân la với đám bạn theo Cộng Sản, thì Sơn ra vẻ chống chế độ VNCH - nhưng Sơn lại chẳng dám vô bưng.

Khi đám bạn đã kéo nhau lên núi, thì Sơn lại lân la với đám tướng tá VNCH để được bao che cho yên thân, khỏi bị bắt đi lính, mà lại được thảnh thơi viết nhạc kiếm ăn, và chơi bời.

Khi Chuẩn tướng Lưu Kim Cương là tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân VNCH bị tử trận, thì Sơn viết “Cho một người nằm xuống” để vinh danh Lưu Kim Cương, vì lúc ấy quần chúng miền Nam đang xúc động về cái chết của Lưu Kim Cương. Và bài hát của Sơn lập tức “được mùa” vô cùng.

Khi xe tăng Cộng Sản tiến vào Sài Gòn, thì Sơn lại ca tụng Cộng Sản ngay lập tức. Rồi sau đó, Sơn viết “Bài ca đường tàu thống nhất”. Khi Đảng tung ra chiến dịch thanh niên xung phong, thì Sơn tung ra bài “Em đi nông trường, anh ra biên giới” (biên giới Kampuchia đấy, ai chết mặc kệ - thế mà trước kia Sơn làm ra vẻ phản chiến!). Khi Đảng ra sức ngăn chặn làn sóng người vượt biên vào đầu 80, thì Sơn có bài “Em ra đi nơi này vẫn thế”… Sơn là thế. Nhiều chuyện lắm. Nói không xuể.

Sau 1986, khi bắt đầu có chính sách “đổi mới”, “mở cửa”, thì Sơn lại bắt đầu thở ra cái giọng “thiền” trở lại…

Ôi, càng nói thì càng chán ngán.

- 03.04.2009 vào lúc 12:32 am

Có một huyền thoại để ru những con người bình thường như chúng ta khỏi nỗi cô quạnh thường ngày vẫn tốt hơn lột trần ra để rồi phỉ nhổ & làm nhau thất vọng, mệt mỏi.
Cháu là lớp đàn em, nói thẳng là thuộc thế hệ đầu đàn của 9x, được nuôi dưỡng bằng nhạc Trịnh từ bé.
Và cháu thiết nghĩ, nghệ thuật sinh ra để tôn vinh cái đẹp và làm dịu đi những cảm xúc tiêu cực, và bản thân tác phẩm, nó không dính dáng gì đến cuộc sống thường ngày của người đã sáng tạo ra nó cả. Họ cũng là con người, cũng ăn cũng thải, cũng tình cũng dục, cũng hận cũng yêu, nếu chúng ta không biết bỏ qua những điều tầm thường để thưởng thức cái đẹp, há chúng ta chẳng khác gì A.Q của Lỗ Tấn sụp đổ khi thấy người mình say đắm một cách tôn thờ kéo quần xuống tiểu giữa đồng vắng?
Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông ấy không hề liên quan đến nhau, ngày ông còn sống, cháu chỉ thấy ở ông một phong thái trầm mặc và điềm tĩnh, nhẹ nhàng như chính những sáng tác của ông, có thể có nhiều biến cố xảy ra đã đẩy con người ông đến như thế, nhưng dưới góc nhìn nghệ thuật, đó là một con người đẹp, về phong thái và tâm hồn. Và cháu nghĩ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bác Trịnh Cung hay họa sĩ Đinh Cường đều là những con người thuộc về Nghệ Thuật, tham vọng chính trị trong các bác có tồn tại đi chăng nữa, nếu nó có tiềm năng và khả năng, thì bây giờ các bác đã không là những Nhạc Sĩ, Họa Sĩ rồi, mà là những đồng chí vòng bụng >120 ngày đêm miệt mài đào bauxite & kí giấy bán TS-HS ở Ba Đình kìa.
Với vấn đề này, có thể suy nghĩ của cháu còn nông cạn, nhưng cháu nghĩ: Bác Trịnh Cung viết ra một đề tài vô thưởng vô phạt, không liên quan đến bất cứ khía cạnh nào về Trịnh Công Sơn, mà đúng hơn, là viết ra để bày tỏ một cảm xúc đã bị ức chế giữa những người vừa là bạn vừa ganh đua nhau trong danh vọng.

:).

- 03.04.2009 vào lúc 2:37 am

  • Maida viết:

3 ông TCS, ĐC và TC là bạn. Một ông nhạc đã “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi..”. Hai ông còn lại thì vẽ. Bi chừ một ông vẽ lên tiếng:

“Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.”(Trịnh Cung)

Tôi đoán mò và tự đặt câu hỏi: TC được gì và mất gì sau khi bản viết phổ biến?

Được (?): Vẫn giữ lập trường chống cộng (lý trí) cho dù đã hơn 30 năm sống “lai rai” trong lòng XHCN từ bo bo đến.. KFC, Mac Donald. Từ đổng đài đạp đến.. Lexus! Chắc chắn TC cũng như dân VN biết rõ là cái vỏ CS của nhóm chóp bu hiện tại chỉ dương ra để độc quyền ôm bổng lộc và đến ngày giờ G họ sẽ cao bay xa chạy. Ai ăn cánh với CS kẹt lại không sớm thì muộn cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng. Do đó TC một lần cho sòng phẳng với lịch sử trước khi về cõi?

Mất (?): Toàn là chuyện tình cảm hỷ nộ ái ố. Mấy ai giải đáp thỏa mãn được mọi câu hỏi? Chờ đợi phản hồi của những người đang sống được/bị nêu tên trong bài viết? Mỗi người cũng đang lo “tắm gội” cho riêng mình! Nên, nếu có, thì tính trung thực ai tin?

Thiển nghĩ:

CS đã cuỗm công trình nhạc đồ sộ của TCS để rêu rao họ có chính nghĩa nên thu phục được nhân tài! Xây cho TCS một cái tháp chẳng những được lòng giới mộ điệu (đặt biệt lớp trẻ sau 75 đang chiếm hơn phân nửa dân số) mà còn CS còn đổi được màu đỏ (từ máu vô tội của cả dân tộc đã đổ ra vô bổ) thành cái vỏ yêu hòa bình(!) TCS là một thiên tài nhạc nhẹ nhưng cũng là một thiên tài không có xương sống! Thời VNCH nhờ xương sống LKC để trốn quân dịch. Thời XHCN nhờ xương sống VVK để say! Trốn quân dịch đưa TCS thành thần tượng chống chiến tranh. Say để dòng nhạc cạn nguồn và sớm về cõi!

Phận người TCS khá bi đát như đã báo trước “rồi một mai .. trở về cát bụi” nhưng vẫn chưa yên!

- 03.04.2009 vào lúc 11:21 am

  • Hoài Tử viết:

Trước, Xin cảm ơn ông Trịnh Cung đã viết lại “đoạn đời” quan hệ với TCS . Ít nhất ông cũng cho tôi hiểu phần nào về những nhân vật “nhgệ thuật”, trí thức này mà một thời tôi đã ngưởng mộ . Phải nói là nhạc TCS như Ca Khúc Da Vàng và Tôn Thấp Lập với phong trào Du Ca đã ru tôi ngủ trong chiếc võng phản chiến của họ . Với tôi là một hậu sinh, cái nhìn của tôi có thể là cái nhìn của “nghe” và “thấy” từ bên ngoài . Có thể nói là cái nhìn từ một phía dân gian không có giây mối đến những nhà nghệ thuật hay trí thức thời VNCH như ông Trịnh Cung, Tôn Thất Lập, TCS .

Cái mà tôi khâm phục ở ông, là đã dám nói lên dù cho đụng chạm đến những nhân vật trong phạm vi nghệ thuật, trí thức này . Nghệ trường như chiến trường , viết lách của dân Việt nó vẫn còn đầy bon chen, đố kỵ , đè bẹp, v.v. thì ông Trịnh Cung đã dám viết ra mới là điều đáng kính . Và đáng kính hơn là viết về TCS, một người mà có rất nhiều người đã cho ông ta là một thần tượng vượt thoát mọi ý niệm hay liên hệ tới chính trị . Chính cái thiên kiến này mà người thưởng thức nhạc TCS đã không nhìn hay vờ đi cái xu hướng chính trị của TCS . Xin ví dụ (bằng cái sở trường của ông Trịnh Cung) người thưởng ngoạn một bức tranh của Picasso: có người chỉ thấy màu nét tuyệt diệu, người thì cố nặn ra cái ẩn dụ trong bố cục để hình tượng về một cái gì đó ít ra đã phần nào tiềm ẩn trong kinh nghiệm, người thì vì tác giả đã nổi tiếng nên nhìn bằng góc độ …. thần thánh . Chính cái điểm sau cùng này mà con người hay bị thiên lệch khi nhìn vào một sự việc .

Với tôi, là hậu sinh, tôi chỉ nhìn TCS bằng những gì tôi thấy và nghe . Đương nhiên tôi không bác bỏ khía cạnh nghệ thuật của những nhạc phẩm TCS . Nhưng tôi cũng không thể chấp nhận thái độ của TCS chịu cúi đầu làm trong bộ văn hóa VC . Chỉ điểm này thôi thì, đối với tôi, TCS có là thần thánh cũng trở thành quỷ vô thường . Nối tay, cầm xà mâu cho quỷ để giết hại dân mình thì không là quỷ còn là gì ? Dù cho nhạc TCS có tuyệt như tranh Picaso thì cũng cần phải vạch rõ cái khía cạnh làm người mất nhân bản của TCS . Ngày xưa quan thanh bạch hay từ quan để tránh nối giáo cho vua thối nát còn TCS thì đã làm gì ?! Dù trước đây tôi có ngưỡng mộ TCS đến đâu đi nữa thì cái mất nhân cách này cũng đã đạp đỗ đi tất cả về con người TCS . Bởi vì nỗi đau dân tôc tôi vẫn còn đó, 34 năm, và TCS đã dự phần cứa da , lóc thịt dân gian từ những ca khúc da vàng cho đến những bài sau 75 . Thì làm sao tôi có thể nhìn con người này mà không thấy tủi hổ cho lịch sử dân tộc . Câu nói của Trần Bình Trọng còn vẵng vẵng “thà làm quỷ nước nam còn hơn làm vương đất bắc” đã cho thấy con người của TCS chứng nhận một thái độ “thà làm tay say cho bàn tay sắt máu còn hơn làm đám dân tồi tàn “.

Cảm ơn ông Trịnh Cung và hoan hô cho thái độ rất chân tình đã cho bọn hậu sinh chúng tôi hiểu thêm về những vị trí của những văn nghệ sĩ, trí thức này trong bi sử Việt Nam

- 03.04.2009 vào lúc 1:49 pm

  • Ngo An viết:

Một người nghệ sĩ có tài, không hẳn (và không cần) phải là một người có đức. Đừng đòi hỏi ở bất cứ ai một sự toàn hảo. TCS cũng thế, nếu chúng ta không đặt ảo tưởng về một huyền thoại TCS thì chúng ta sẽ không thất vọng hay cay cú về những điều mà ông TC viết ra về TCS.

NguyenCuongAndy viết: “TCS theo CS thì đã sao ? TCS có tham vọng chính trị thì đã sao ? TCS thích rượu và gái đẹp thì đã sao ? Ưa nghe nịnh, mơ ước làm Quốc vụ khanh thì đã sao…” Đúng! không sao cả, vì TCS cũng có những mặt trái của cuộc đời như hàng vạn người trong chúng ta. Không vì những điều ông TC đưa ra mà những nhạc phẩm của TCS sẽ kém hay đi. Tôi đồng ý là đến một lúc nào đó, chúng ta có nhu cầu trang trãi nổi lòng để tâm tư được nhẹ nhàng. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải tôn trọng sự thật. Không nên vì mục đích hay lý do nào đó mà chúng ta có quyền bịa đặt hay làm lệch lạc sự thật, nhất là sự thật về một người đã không còn cơ hội để phản biện.

Vì thế, tôi mong, và rất mong rằng những nhân vật còn sống được đề cập đến trong bài viết của ông TC hãy lên tiếng !

- 03.04.2009 vào lúc 3:55 pm

  • Vy Quỳnh viết:

Đọc bài và đọc hết 26 comments, tôi thấy buồn. Trang web này đã dám đưa lên những tình tiết ngỡ ngàng. Thanks.

Xin có lời nhắn với họa sĩ TC:
Từ đây về sau, tôi sẽ không bao giờ hát bài “Cuối cùng cho một tình yêu” nữa.

- 03.04.2009 vào lúc 4:32 pm

  • Cookies Jar viết:

Anh Trinh Cung,

…Tôi tin anh và cám ơn anh “về một góc khác, một phương diện khác của Trịnh Công Sơn mà chưa ai viết…”.

Bằng những tư liêụ riêng tư khá chính xác , bằng một thái độ chừng mực, khả tín cuả Mark Twain, cuả A. Gide … bài viết như một hồi ký cuả anh không những chưá đầy tính thuyết phục đối với nguời đọc mà còn là những chứng tích vững chắc , đầy sử tính văn học có khả năng chấm dứt những võ đoán thiển cận ,những thiên vị có tính tuyên truyền chính trị đưa đến những xáo trộn đây đó ồn ào không cần thiết…

- 03.04.2009 vào lúc 5:11 pm

  • Bỉm viết:

Tôi xin đưa ra đây mấy câu hỏi để bạn đọc tự trả lời, đồng thời nên suy nghĩ xa hơn là dừng lại ở một cộng đồng người Việt:

1. Chúng ta dựa vào quy chuẩn đạo đức nào để đánh giá nhân cách TCS? Bạn dựa vào đâu để nói rằng quy chuẩn đó là quy chuẩn tối ưu nhất, cần phải áp dụng phổ quát? Hiện tại thì bạn có áp dụng quy chuẩn đó với chính bản thân không?
2. Chúng ta công nhận giá trị nào trong các tác phẩm âm nhạc của TCS?
3. Với mọi thể chế, thể chế nào cũng đều bóc lột người dân, nhưng dân tộc là gì, khi chúng ta ngang nhiên nói về nỗi đau dân tộc chúng ta? Phải chăng chỉ là tộc người Kinh? Nếu vậy thì nỗi đau của những dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sẽ tính sao?
4. Việc những người cộng sản đưa đất nước xuống bùn đen thì mọi người trí thức đều biết, vậy vai trò của VNCH là gì, tại sao những người Sài Gòn lại nói rằng họ bị mất nước, trong khi chính họ đang sống trên mảnh đất có người gốc chưa rõ ràng? Nói đúng ra, đất nước của tất cả người dân Kinh, Mường, K’ho…vẫn còn, chỉ có điều nó đang bị bọn cầm thú cai trị. Từ đó, có thêm câu hỏi rằng, chúng ta đổ lỗi gì cho TCS về vấn đề quốc gia và dân tộc?

- 03.04.2009 vào lúc 10:42 pm

  • HNoi viết:

Nghìn năm lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam thật đáng tự hào, thật đáng trân trọng nhưng cũng thật nhiều “nghi án”. Chỉ cần nói trong vòng trên dưới trăm năm trở lại đây, một trong những giai đoạn quan trọng nhất xét về lịch sử phát triển của đất nước này đã có biết bao điều mà ngay những con dân nước Việt hiện tại cũng chẳng biết, chẳng hiểu, chẳng bàn. Vì động loạn, vì áp đặt, vì định kiến, vì rất nhiều thứ ngoài sự thật mà lịch sử không được nhìn nhận như nó phải có.

Những lớp hậu sinh chúng tôi chỉ mong sao được tiếp cận với chuyện của cha, ông từ nhiều chiều, nhiều lớp để phần nào hiểu được họ, hiểu được thời đại của họ cũng tức là hiểu được, biết được sự thật về đất nước, con người mình và rồi truyền lại cho hậu sinh chúng tôi , hậu sinh của hậu sinh chúng tôi…phần nào về lịch sử đích thực, tức là phần nào tiếp cận được với chân lý của đất nước, của dân tộc.

Khi hoạ sĩ TC đưa ra những thông tin, những nhận định về nhạc sĩ TCS ở một góc nhìn khác với những góc nhìn đã được mặc nhiên thừa nhận thì theo tôi việc đó ở trong một xã hội văn minh cũng là điều bình thường. Chỉ đáng tiếc rằng nó lại được đưa ra trên một trang web ở nước ngoài, trong khi đó, hơn đâu hết, chính tại Việt Nam, mới là nơi mọi người cần có thông tin, cần được tìm hiểu, cần được biết rõ. Tuy nhiên, với điều kiện thực tại thì điều này hoàn toàn có thể thông cảm được và cũng xin được cảm ơn xã hội ảo, nơi mọi người được biết, được nói, được hiểu, được tư duy.

Quay lại với chuyện của hoạ sĩ TC. Khi đưa ra thông tin và nhận định trái chiều với đám đông, ông đã và sẽ nhận được rất nhiều “búa, rìu” và cả “hoa hồng” của dư luận. Nếu ông sai thì ông sẽ bị kết án của lương tâm, của xà hội và thậm chí của cả toà án, nhưng nếu ông đúng thì lịch sử, chân lý được hưởng lợi.
Chúng ta không có quyền phán xét nhưng chúng ta có quyền được biết, được hiểu và được cảm nhận lịch sử và những con người của lịch sử. Mong lắm sự thẳng thắn và trách nhiệm của những con người của lịch sử khi mà thời gian không chờ đợi, không “nuông chiều” ai kể cả những con người của lịch sử.

- 04.04.2009 vào lúc 1:03 am

Tranh cãi này chứng tỏ Trịnh Công Sơn là một nhân vật lúc chết cũng “hot” không thua gì một nhân vật khác cũng “hot” lúc chết, là … Hồ Chí Minh!

http://blog.360.yahoo.com/blog-uaEgArsyerQFoR0Esk4QWs2d?p=6166

- 04.04.2009 vào lúc 12:25 pm

  • MinhAnh viết:

Hoạ sĩ Trịnh Cung là một hoạ sĩ tài năng trong hội hoạ, tranh của ông, mỗi giai đoạn trong cuộc đời, có một ” Trường phái” riêng ! ông làm thơ nhưng ông không sáng tác nhạc “?”; Bài viết về TCS của ông đúng như ông đã viết: ” mỗi con người Việt Nam đã trải qua và sống sót sau cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua đều giữ trong mình những sự thật riêng, một gốc nhân chứng riêng, xin quí vị hãy trả lại nó cho lịch sử, nếu được như thế thì tấm gương lịch sử VN mới trong sáng được. Cũng vì điều này, cho tôi xin lỗi những gì mà bài viết có làm tổn thương đến một ai đó cũng là vì không còn sự lựa chọn nào khác.” Đây là sự lựa chon nên làm và ông đã làm ! Người ta thường nói: Đánh giá một con người, ta cần đặt họ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hoàn cảnh có nhiều: Gia đình, bạn bè, xã hội, chế độ…; có khi một quan niệm, một cách xử thế, lúc này, hôm nay là đúng, ngày mai có thể lại là sai ; Sự thật vẫn là sự thật, nhưng cũng vẫn là sự thật, tên gọi có thể khác nhau lắm chứ ! VN gọi là Hoa Hồng, USA gọi là Rose !
Nếu đánh giá TCS là ngừơi hai mặt thì có hàng triệu triệu người như TCS, không sao cả ! dù sao, xin cảm ơn TC đã nói lên sự thật !

- 04.04.2009 vào lúc 12:43 pm

  • Kerry viết:

Bài viết này của anh Trịnh Cung nên đặt tiêu đề là “Một số thông tin bổ sung của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn” hoặc “Trịnh Công Sơn, một số điều chưa biết” hoặc đại loại gì đó vì tiêu đề bài viết có vẻ to tát nhưng nội dung thì thiếu thuyết phục và không tập trung. Bài viết không chứng minh được xu hướng thân CS của TCS mà chỉ nói nên những suy nghĩ rất ngây ngô, trẻ con của Trịnh Cung, không xứng với “tầm” và “vị thế” của Trịnh Cung bây giờ. Hoặc cũng có thể Trịnh Cung có dấu hiệu của tuổi quá già để quay đưa ra những ý kiến “trẻ con” như vậy. Tôi không có ý định chê gì anh Trịnh Cung mà chỉ nói về nội dung bải viết, nội dung của nó phản ánh như vậy.
Bài viết của TC mang tính hằn học cá nhân chứ không phải là bài phân tích về quan điểm sáng tác một nhạc sỹ hay quan điểm chính trị của một người. Và kể cả nếu TC muốn nói cho mọi người hiểu thêm về quan điểm chính trị của TCS thì cũng chỉ nền dùng để mọi người hiểu thêm về các bài hát của TCS chứ không nên “kể xấu” TCS như vậy.

Cá nhân tôi cũng cho rằng những bài hát của TCS có “xu hướng” thân CS chứ không cho rằng Trịnh Công Sơn theo hay không theo CS và cho rằng đấy là do cuộc sống (tôi không đề cập đến thời cuộc) vì bản thân người nghệ sĩ cần có liên hệ với cuộc sống thì mới sáng tác được và mỗi người ít nhiều đều phản ánh môi trường mà họ sống. Mà trong giai đoạn TCS ở Việt nam thì CS đang thắng thế.

Tôi không cho là bài viết của TC làm mọi người bớt yêu TCS vì mọi người yêu TCS ở chính nhạc của TCS chứ không phải cuộc sống của TCS.

- 04.04.2009 vào lúc 1:30 pm

  • bắc phong viết:

mật hay máu

ánh trăng
có lúc tỏ lúc lu
trí nhớ ta
luôn phủ sương mù
người sống viết
kể chuyện người chết
người bàng quan
nghi hoặc thực hư
những tư cách
đem ra tranh cãi
lòng phân chia
ái ố phạm trù
dòng văn nghệ
là mật hay máu
tôi thấy mình
bu giống ruồi bu

bắc phong

- 04.04.2009 vào lúc 1:38 pm

Thông báo của BBT Da màu:

Phần bình luận về bài viết “Trịnh Công Sơn và Tham vọng Chính trị” sẽ đóng lại vào cuối ngày thứ Bảy 04.04.2009 (giờ Hoa Kỳ). Quý bạn đọc có thể tiếp tục góp ý cho bài này bằng cách gởi bài viết đến bientap@damau.org. BBT Da màu sẽ chọn đăng những ý kiến bổ ích, có giá trị, không trùng lặp với những ý kiến đã đăng tải.
Trân trọng

BBT Da Màu

- 04.04.2009 vào lúc 1:46 pm

  • Quỳnh Sương viết:

Hôm nay vô tình tôi đọc bài viết của anh Trịnh Cung về TCS. Và tôi đọc kỹ cả những bài bình luận của bạn đọc. Tôi hoàn toàn đồng ý với những câu hỏi của Trần Am và mong muốn anh Trịnh Cung cần phải có những câu trả lời thích đáng.

Tôi cũng đã từng gặp anh Trịnh Cung tại nhà của TCS tại 47c Phạm Ngọc Thạch. Tôi nhớ đến câu nói của anh Trịnh Cung dành cho tôi: Hãy nhìn người bạn gái của anh ta thì sẽ hiểu được anh ta là một người thành công như thế nào. Theo ý thiển cận của tôi là anh Trịnh Cung nói câu này với sự ngượng mộ người bạn của mình.

Thực tình tôi bàng hoàng khị đọc bài viết này của anh, tôi tin rằng nhiều người bạn của anh và TCS cũng bàng hoàng ( cũng có thể họ không bàng hoàng vì họ biết về Trịnh Cung hơn tôi ) Tôi cũng đã biết nhà bào Chánh Trinh ( Lý Quý Chung) và đã vinh hạnh làm việc với anh trong một thời gian dài cho đến khi anh mất. Anh Chánh Trinh biết về mối quan hệ của tôi và TCS. Tôi chưa hế nghe anh nói một điều gì về TCS và một bài viết nào có tư liệu giống Trịnh Cung.

Tôi thật tiếc cho “một tình bạn”. Tôi vốn rất coi trọng bạn bè, anh Sơn cũng vậy. Và tôi bây giờ đọc bài viết của Trịnh Cung, tôi càng thương anh Sơn hơn một người đã từng coi bạn bè như niềm vui của cuộc sống, như người thân ruột thịt của mình.

- 04.04.2009 vào lúc 5:20 pm

Thực sự ra khi đọc xong bài viết của bác Trịnh Cung, Hoa thấy có nhiều điểm không ổn. Đánh giá chung thì Hoa cho rằng bài của bác thiếu rất nhiều thông tin, mọi việc dựa trên những điều “tai nghe”, nội dung hơi lộn xộn.

Tóm lại bài viết của bác Trịnh Cung không đủ mức thuyết phục người đọc.

Ngoài ra Hoa có đọc những comments trên, thấy mấy người đặt câu hỏi “tác giả viết bài với mục đích gì?”, câu hỏi này rất thường gặp khi có một bài viết “đi ngược đám đông dư luận” và Hoa thấy cách phản ứng này rất ấu trĩ.

Dù tác giả có mục đích gì đi nữa, dẫu sao đây cũng là một bài viết cho chúng ta có cái nhìn khác, nếu không nói là mới mẻ, về nhạc sĩ TCS hoặc bất kì ai khác.
Chúng ta có thể chung quan điểm với tác giả hoặc có thể không.
Đọc để tham khảo là chính, mỗi người có cái nhìn riêng và quyết định riêng cho mình.

Nếu khi có 1 quản điểm “không theo đám đông” bị chống hoặc bị nghi rằng “tác giả viết nhằm đánh bóng cá nhân”, thì trong tương lai người Việt chúng ta sẽ rất ít được đọc những quan điểm khác với đám đông lắm, luôn luôn chỉ nghe những gì hợp với tai chúng ta, thích được nịnh. Vậy chán lắm. Rồi sẽ có rất ít trí thức Việt Nam dám đi ngược với phần đông dư luận, vì họ vốn cũng hèn sẵn, cộng đồng lại làm họ càng hèn hơn vì sợ bị chống.

Hoa không thích bài này lắm, nhưng thích sự can đảm của bác Trịnh Cung: dám đi ngược dư luận. Lâu lâu cũng phải có tranh cãi mới hay.

Businesshoa

- 04.04.2009 vào lúc 7:14 pm

  • tuấn nguyễn viết:

Xin phép được hỏi anh/chị Cookie Jar một câu:

Anh/Chị dựa vào đâu để nói Trịnh Cung đã cung cấp những “tư liệu riêng tư khá chính xác” và bài viết này là “những chứng tích vững chắc đầy sử tính văn học”? Anh/chị đã kiểm chứng chưa? Bằng cách nào?

- 04.04.2009 vào lúc 8:25 pm

  • Van Lang viết:

Á Đông chúng ta vẫn trân trọng điều này anh Trịnh Cung ạ: “Người quân tử, dẫu có tuyệt giao đi nữa cũng không nói xấu nhau”.

Người ấy nay đã nằm xuống. Thưở sinh tiền đãi nhau cũng không bạc (“Anh còn nhớ, hay anh đã quên?”); nay mộ đà xanh cỏ, người ấy không còn nói gì cho phần mình được nữa, anh biết chứ phải không đâu? “Tranh vương đồ bá chi đây” hở anh? (Mà thưở người ấy còn trên dương thế, có bao giờ trao nhau với anh lời đoạn tuyệt, qua cầu dứt áo chưa hở anh?)

Những năm lửa bỏng dầu sôi trong quá khứ, người trong thiên hạ có gào có thét, cũng là chẳng đặng đừng, vì nghĩ “chả lẽ giống vàng đành lấp đất”, cho nên “phải lo trời”, thế thôi.

Có lẽ anh muốn vạch ra một chiến tuyến chính trị rõ rệt giữa anh và người khác? Thiếu gì cách để nói hở anh, người phàm còn nói được, huống chi anh là văn nghệ sĩ, có cần phải “cho một người nằm xuống” những phê phán về uống rượu, yêu đương? Có cần phải đứng trên người đã nằm xuống để mình cao thêm một chút hầu thiên hạ dễ nghe được điều mình muốn nói — Nhất là khi sinh tiền người đó đã cùng mình một thời có “từng ngọt bùi đã qua”?

[Say cũng là một lựa chọn đó anh Trịnh Cung ạ. Là văn nghệ sĩ, chẳng lẽ anh không hiểu được thế nào là sự cô đơn của một con “chim cắt đợi gió Thu”? Khi kẻ sĩ phải bất lực, họ có say, cũng lương thiện thôi, có phải cần bị “ném viên đá đầu tiên” không, thưa anh?]

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) rất nhất quán trong cách suy nghĩ và điều này được chứng minh qua nhạc lẫn bài viết của nhạc sĩ. Anh Trịnh Cung ạ, có lẽ anh quên một số chi tiết trong hai bài “Thư Gửi Ngô Kha” và “Có Nghe Ra Điều Gì” mà anh đã dùng làm tài liệu tham khảo. Xin chép lại một ít, nhé anh:

• Tôi chưa bao giờ được biết về sự công bằng. Nhưng tôi muốn rằng những xác chết anh em phải được chia đều lòng thương tiếc… chúng ta phải quàng vòng hoa phúng điếu cho phận người hiu hắt.
• Chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng hát nói về sự sinh nở tốt đẹp của hận thù. Gắng che chở cho tâm hồn.
• Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ quanh đây, qua những bất hạnh quá đủ, sẽ tạo dựng được cái mùa muộn màng của sự thật. Sẽ khởi công từ những ước mơ chân thật. Những phát biểu mới sẽ là những đường gươm sắc bén chém rụng huyền thoại. Mỗi bước đi tới tuổi trẻ tự cưu mang lấy mình, không nương nhờ nữa. Mỗi người là hy vọng của chính mình.
• Không thể tiếp làm những diễn viên giác đấu nữa. Chúng ta hiểu rõ hạnh phúc ở đâu. Trên con đường đã qua tuyệt nhiên không có… Đã bao nhiêu sa mạc. Sa mạc quả là mênh mông… Điều cần nhớ là đừng để cả một dân tộc bị hụt hơi vì vô vọng.
• (Kha) thử phác họa lại những nền tảng đẹp đẽ cho một cuộc sống mới trong đó, đời sống con người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong dong không còn sợ hãi, tóm lại sẽ được phục hồi xứng đáng trong thiên chức làm người.

Nhạc sĩ TCS không thích thể chế Sài Gòn, nhưng không cứ ai không trắng thì phải đỏ, nghĩa là TCS cũng không thích “bên kia” và điều này cũng rõ ràng. Nhạc sĩ TCS là người chủ trương không hận thù (điều này chị Khánh Ly luôn luôn vẫn có thể xác nhận được). Tuy nhiên anh TCS cũng lận đận mãi vì hai điều chính: vì chọn lựa thái độ sống của mình, và vì bị ganh ghét. Dù sao đi nữa, thương hay ghét nhạc sĩ TCS, cần nhớ là: Người ta nhắm vào nhạc sĩ TCS do đâu, vì lập trường chính trị hay vì anh ấy có tài?

Xin chúc anh luôn sức khoẻ, sáng tác đều đặn.
(Văn Lang)

- 04.04.2009 vào lúc 8:53 pm

  • somebody viết:

Tôi thấy ông Trịnh Cung đã muốn làm một việc rất đúng, ấy là nói lên khía cạnh “con người” (rất bình thường, thậm chí là rất tầm thường) của một nghệ sĩ có tài (dù là tài lớn lắm) như TCS. Điều này rất cần thiết để những ai vốn thích thần thánh hóa “thần tượng” của mình có dịp nhìn lại: không phải để phủ nhận “tài năng”, hay “giá trị nghệ thuật”, vv, của TCS, mà chỉ là thôi, không tiếp tục thêu dệt, xưng tụng cái “đức” của ông ta tới cỡ như một “thiền sư”, đã “chứng ngộ”, “đạt đạo”, vv, thì nghe rất lố bịch (hệt như việc một số người Việt ta lâu nay vẫn làm đối với một “thần tượng” khác, là “lãnh tụ” HCM). Tôi thấy ông TC đã chẳng có làm điều gì sỉ nhục TCS cả, mà chỉ muốn phân biệt rạch ròi đâu là “tài”, đâu là “trí” và “đức” của một con người vốn là (và vẫn là) người bạn mà ông ta mến mộ, thế thôi. Có thể người ta sẽ bảo “Xem là bạn mà lại đi kể về người ta như thế à?” Tôi lại nghĩ sao lại không thể? Có xem là “người yêu” đi nữa thì cũng vẫn cần phải nhận thức về đối tượng cho tỉnh táo chứ?! Vả lại, cung cấp bằng chứng về việc một người chỉ là một “con người” (cho dù là một “con người bình thường”, “thậm chí rất tầm thường”, tôi xin nhắc lại) thì có gì là sỉ nhục đối với người ấy đâu, nó khác hẳn với việc bảo người ấy là một “con chó”, hoặc một “con quỷ” chứ?! Vấn đề là ở chỗ những bằng chứng ấy xác thực đến mức nào, bao nhiêu phần trăm, và số phần trăm (có khả năng) thiếu xác thực còn lại kia có phải là do chủ ý, hay ác ý, không, hay chỉ là sai sót ngoài ý muốn, của ông TC? Tôi tin là ông TC yêu sự thật, và thật sự bị dằn vặt, khổ tâm, khi cuối cùng đi tới quyết định phải nói lên điều cần nói, để lòng được thanh thản. Tôi không nghĩ ông TC “ganh tỵ” hay có “ác ý” với TCS, là người mà chính ông cũng đã ngưỡng mộ, nếu không muốn nói là “thần tượng”, theo một cách công khai, đến mức đã lấy “họ” (Trịnh) làm “họ” của mình, trong bút danh.

- 04.04.2009 vào lúc 10:03 pm

  • tampeter viết:

1 ý nhỏ khi đoc bài này: ngày 30.4.1975 nhạc sĩ Tôn Thất Lập đang ở Pháp, do đó không thể xảy ra việc tại đài phát thanh SG như TC viết trong bài được. Xin kiểm chứng tại đây http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/doisongnvx/2008/05/781018/, mặt khác ns TTL vẫn còn sống để lên tiếng.

Đến tháng 8/1975 ns TTL mới từ Pháp trở về SG, sau hơn 3 tháng kể từ khi sg giải phóng, do đó chi tiết TC viết trong bài hoàn toàn sai sự thật (mặc dù TC không viết việc xảy ra ở đài phát thanh sg là vào ngày 30.4.1975).

Cám ơn BBT tạp chí Da màu nếu cho đăng ý kiến nhỏ này của tôi.

Tam

- 04.04.2009 vào lúc 10:06 pm

  • Nguoi SaiGon viết:

Mời mọi người xem Lê Minh Quốc ( phụ trách văn nghệ báo Phụ Nữ) phản bác!

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200914/20090404220303.aspx

- 04.04.2009 vào lúc 10:34 pm

  • Băng Tâm viết:

Gời BBT Da Màu/ Admins

Tôi thấy thông báo sẽ ngưng comments của bài viết của Trịnh Cung về Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hôm nay, tôi cũng thắc mắc làm lạ và xin vài lời ý kiến. Là đọc giả theo dõi bài này mấy ngày nay, rất quan tâm đến cái sự thật của câu chuyện. Tuy đúng thật là có nói cũng chằng đi tới đâu nhưng chúng ta thấy rõ rằng đây là vấn đề rất được mọi người quan tâm. Có cả hai ý kiến của những người ủng hộ và không ủng hộ người viết và người được viết về. Chỉ mới có 3 ngày nhưng chúng ta thấy có rất nhiều sự kiện và vấn đề đưa đẩy, nhất là mới đây tôi thấy có một số người thân quen của nhạc sĩ TCS đã lên tiếng, như độc giả Quỳnh Sương, và biết đâu sẽ còn tiếp đó những người trong cuộc hay những người biết điều gì lên tiếng để làm sáng tỏ hơn vấn đề. Theo dõi bài viết và lời từ người đọc tôi thấy rằng càng ngày càng có nhiều vấn để được hỏi, được khai mở mà một người chưa chắc thấy được.

Cũng như BBT đã thông báo sẽ loại bỏ những ý kiến trùng lập; nếu đã quản lý comments chặt chẽ như vậy thì mong để topic này tiếp tục để mọi người tham gia một cách tự nhiên. Tôi chỉ thấy nếu bất kỳ cái gì muốn nói mà phải thông qua email gởi tới BBT để nhìn nhận đưa lên thì có lẽ không ai có hứng truyền tai sang tiếng như vậy. Những cái không thuận lợi và lắt nhắt như vậy tôi thấy là sẽ làm giới hạn rất nhiều những cảm xúc của người đọc, những điều muốn nói sẽ không được nói chỉ vì indirect thì đó là một điều rất đáng tiếc. Tôi thấy rằng topic này vẫn đi theo chiều hướng không có gì mà bất mãn hay tranh cãi, và cũng thấy rằng có sự xét duyệt trước khi mở comments thì không có lý gì đóng topic sớm như vậy.

Mong là BBT/Admin xét lại và để chủ đề này tiếp nhận ý kiến công chúng thêm thời gian nữa.

Mến chào

p.s: tôi chỉ muốn nêu ý kiến của mình, không quan trọng hiển thị hay không

- 04.04.2009 vào lúc 11:20 pm

  • Nguyen Vu viết:

Chuyện bác Trịnh Cung nói rất hay tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Bác. Sự thật phải là sự thật, những gì đẹp nhất chỉ khi nào nó thạt nhất và thuần khiết nhất. Những điều Bác nêu ra không những chẳng ảnh hưởng gì đến hình ảnh Của Trịnh Công Sơn mà nó còn làm cho người ta hiểu được cái hay thật sự của nhạc Trịnh là cái gì. Nội dung thật sự của bản nhạc Trịnh, Vì sao nhạc Trịnh dễ đi vào lòng người trí thức là thế. Con xin chúc Bác Trịnh Cung nhiều sức khỏe. Theo con bác cứ an tâm.

- 05.04.2009 vào lúc 1:58 am

  • dang ngoc khoa viết:

1/ Tôi biết chắc hồi tháng 4.75 NS Tôn Thất Lập ở Pháp và đi chơi với một nhà văn. Ông ấy vừa xác nhận với tôi.
2/ Tôi có người bạn không thích TCS nhưng tôi vẫn chơi với anh ấy và vẫn cứ hát nhạc TCS. Tôi chỉ biết TCS là NS và như thế đã đủ, không đợi đến những câu chuyện kiểu này.
3/ Tôi phần nào đồng ý với một bạn ở trên: sẽ rất khó hát bài “Cuối cùng cho một tình yêu”.
4/ TCS là một hiện tượng chính trị, những bài viết có hậu ý chính trị như thế này, không lạ. Ganh ghét đố kỵ như đám nghệ sĩ, mà là nghệ sĩ Việt thì rằng là…
5/ Dos đánh bạc, uống rượu như điên nhưng văn ông cứ lừng lẫy tới nay. Uống rượu tiêu sầu, TCS chết vì rượu thì biết ông ta sầu đến chừng nào…

- 05.04.2009 vào lúc 2:12 am

  • AC-ARIZONA COWBOY viết:

Trước 1980, gia đình tôi ở cách Rạp Rex và Cafeteria mấy căn . Nhà số 8 đường Lê Lợi là nhà Bác Sâm, có người cháu tên Hải là cán bộ văn hoá thứ bự , cùng vợ là văn công từ miền Bắc vào. Mấy lần tôi thấy Ông Trịnh Công Sơn cặp kè vui vẻ với ông Hải và 2 ông cán bộ , đi chung xe jeep về đậu trước vỉa hè, Ông TCS mặc áo sọc trắng gầy nhom ngồi giữa, đầu đội nón cối Bộ Đội , cả nhóm kéo lên nhà ông Hải nhậu nhẹt . Bà con hàng xóm xung quanh té ngửa bàn tán với nhau việc ông T C Sơn là “Việt cộng nằm vùng”.

Sau ngày 30-4 -1975 toàn miền Nam chịu đựng biết bao đau thương , chết chóc, gia đình ly tán , cha con lớp lớp vào tù , Vợ Lính bị đẩy lên vùng Kinh tế Mới hoang vu,đời sống cơ cực tận cùng , người điên lang thang đầy thành phố. Bao người vĩnh biệt Saigon, vượt biển làm mồi cho hải tặc và cá mập .

Là người có tâm hồn nhạy cảm với số phận con người Việt Nam, không có 1 tác phẩm, sáng tác của TCS cho những đồng bào đau khổ miền Nam sau 75 của Ông . ” Mỗi ngày Ông vẫn trọn niềm vui” trong khi cả triệu đứa trẻ con rách rưới vẫn đang đói lả , cả triệu đứa khác được uống xuyên tâm liên để chữa bệnh, ” em ra đi nơi này vẫn thế ” thật sao ?

Tóm lại , Chế độ Cộng sản ban cho Trịnh Công Sơn nhiều quyền lợi hơn Chế độ Cộng Hoà Saigon cũ . Danh tiếng, Rượu, Gái, người hâm mộ , thường xuyên gặp gỡ Quan chức chính quyền và giới thượng lưu Đỏ mới phất ….sung sướng gấp trăm lần thời trốn lính chui nhủi ở văn khoa .

30-4-1975 cũng là ngày “giã từ vũ khí ” ngày “Chết” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ông “văn công” TCS xuất hiện trên bầu trời âm nhạc “kách mệnh.”

- 05.04.2009 vào lúc 7:13 am

  • Người yêu nhạc Trịnh viết:

Không biết mọi người ngoài đọc bài viết của Trịnh Cung có đọc hết tất cả ý kiến không, hy vọng là có.
Nếu xét về bài viết này và bài viết trước của Trịnh Cung như bạn ThuGiang đã post, thì tình tiết hoàn toàn giống nhau, nhưng bài sau thì nói rõ nguyên nhân tại sao như thế.

Vẫn là một Trịnh Công Sơn đơn độc, và nghiện rượu, muốn quên đời, và bây giờ Trịnh Cung đã cho chúng ta biết nguyên nhân tạo ra việc đó.

Tôi xin cám ơn Trịnh Cung rất nhiều vì cho tôi yêu Trịnh Công Sơn hơn, vì ông đã kéo Trịnh Công Sơn “người” hơn, và gần gũi hơn. Quay lại bài viết, tôi thấy Trịnh Công Sơn may mắn, vì Trịnh có bạn như Trịnh Cung. Hãy nhìn vào mọi sự kiện mọi sự kiện (nếu bạn có thể) trước và sau năm 75 cho giới nghệ sỹ. Tôi quý và kính Văn Cao. Một Văn Cao tài hoa và “thiên thần” đã dẹp qua lãng mạn dành hết cuộc đời cho cách mạng, để rồi được gì. So với Trịnh Công Sơn, Văn Cao cống hiến nhiều hơn thế, rồi Văn Cao bị nhân văn giai phẩm, để rồi Văn Cao lặng câm trong quảng đời còn lại, có ai viết lên nổi niềm của Văn Cao không???.

Trịnh Công Sơn, ông được thỏa chí phản chiến trên chính miền Nam, ông cũng hết lòng đáp bạn (Lưu Kim Chương VNCH). Có bao nhiêu bạn của ông, (gồm cả Trịnh Cung) nằm trong tù nghe ông hát “Nối Vòng Tay Lớn”, hãy đặt bạn vào vị trí đó, bạn có đau không. Xét đi, Trịnh cống hiến cho Cộng Sản được bao nhiêu, lớn không? thì việc ông vẫn được sống bên ngoài và sáng tác sau 75 so với các văn nghệ sỹ khác là may mắn.

Bài viết của Trịnh Cung vẫn hoàn toàn vì bạn, viết lên để thấy cái đau khổ và đơn độc của Trịnh Công Sơn. (Chỉ tiếc là tựa đề không thấy hợp lắm, vì những cái ông trình bày thì nói về xu hướng chính trị của Trịnh Công Sơn, chứ chưa hẳn là tham vọng).
Những khát vọng được cống hiến, được thể hiện sự góp đóng góp của Trịnh Công Sơn bị người ta dập vùi. Vâng, yêu nước, đóng góp cho đất nước cũng phải được ban quyền và được cho phép làm trong chế độ bấy giờ và bây giờ. Hãy nghe Trịnh kêu gào cho chính Trịnh “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người” “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Thấy gì?, Trịnh không thể nói thẳng thắn nói lời phản đối như trước 75, mà chỉ dám ẩn dụ ý, gào lên chua xót. Bạn có thể nói Trịnh hèn yếu, nhưng tôi thấy Trịnh hay. Ông nói thành nhạc, phản đối thành nhạc, than thân cũng thành nhạc. Trong cái thòng lọng lỏng choàng qua cổ, Trịnh vẫn hát lên được.

Con người như một quả lắc, dao động quanh vị trí cân bằng, lúc tả, lúc hữu. Đừng nhìn chỉ riêng lúc tả hay hữu mà đánh giá vấn đề. Trịnh Công Sơn phải sống, dao động trong khoảng an toàn của ông, để có thể hát và hát. Hãy để ông sống cho chính ông nữa.

Cám ơn Trịnh Cung, để một người bạn thân nói ra, thì rất tốt và an toàn cho Trịnh Công Sơn hơn bất cứ người nào nói. Trịnh Cung đang kéo hai phía khán giả của Trịnh Công Sơn lại gần nhau, và gần với Trịnh Công Sơn hơn.
Cúi Xuống Thật Gần, chỉ có cúi xuống, để gần nhau hơn, quên cái cao ngạo trong từng con người chúng ta, thì mới hiểu nhau, chấp nhận nhau để hài hòa sống.

- 05.04.2009 vào lúc 9:07 am

  • LS Đỗ thế Kỷ viết:

BusinessHoa không nên cho những người phát biểu có cùng tư tưởng với tác giả trên đây là ấu trĩ. Có lẽ Hoa còn nhỏ tuổi qúa nên dùng từ ngữ thiếu chính xác. Hoa cũng khẳng định là đọc để nghiên cứu, mà chúng ta chỉ có duy nhất bài của TC về TCS để mà nghiên cứu về “tảng băng chìm” vì thế, dù cho ACE có đồng tình hoặc phản bác với tác gỉa chúng ta cũng nên tôn trọng ý kiến, nêú mình lỡ miệng gọi họ là “ấu trĩ” thì mình lấy mực thuớc đâu mà đo trí tuệ của con người. Lịch sử do con ngưòi làm ra nên lịch sử cũng có thể bị xuyên tạc… chính vì lịch sử bị xuyên tạc nên ngày nay chúng ta có 2 loại lịch sử về danh nhân VN, một là văn học của thời VNCH và một là do các nhà làm sử ngày nay, viết dưới sự chỉ đạo của nhà nước. Thế thì ta nên tin vào đâu để tránh tiếng ” ấu trĩ” hả Hoa ơi

- 05.04.2009 vào lúc 9:53 am

  • Thanh Liêm - Sài Gòn. viết:

Đọc qua bài của Ông Trịnh Cung, tôi - một người không thuộc giới văn nghệ sĩ, không làm chính trị, chỉ là một nhà kinh doanh - có vài ý kiến với ông như sau:
1. Phần lớn người biết đến ông Trịnh Công Sơn là do người ta biết đến những sáng tác của Trịnh Công Sơn (mà những sáng tác này đáng giá là những sáng tác để đời), người ta không quan tâm đến Trịnh Công Sơn có làm chính trị hay không? Theo ý kiến của tôi: Chỉ có những người làm chính trị mới quan tâm đến người khác có làm chính trị hay không?.
2. Theo đánh giá của tôi: Những sáng tác của Trịnh Công Sơn, không mang âm hưởng chính trị, nó mang âm hưởng là tự sự, thể hiện tâm tư, tình cảm của con người nhiều hơn.
3. Ông Trịnh Cung nói về Trịnh Công Sơn đam mê rượu và phụ nữ. Việc đam mê rượu và phụ nữ là việc bình thường, và là sở thích cá nhân của từng người. Mà theo tôi được biết, khá nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ có sở thích như trên, và cũng nhờ những sở thích đó đã cho ra đời những tác phẩm (văn học, hội họa cũng như âm nhạc) rất có giá trị.
4. Bài viết của Ông dài dòng, lòng thòng, không súc tích và không cô đọng.
Có đôi lời chia sẻ cùng Ông.
Trân trọng.

- 05.04.2009 vào lúc 10:04 am

  • vietnguyen viết:

Trước một rừng ý kiến trái ngược như vậy (nhất là của các văn nghệ sỹ như DTQ, LMQ, …), biết tin ai ?

Ít nhất vào lúc này, khi nhìn thấy hình họa sỹ Trịnh Cung trong số (ít oi) những người biểu tình chống Tàu năm 2007, hình chụp chung với Nguyễn Tiến Trung, … tôi thấy có cảm tình và tin những gì ông nói hơn. Ít nhất là tin hơn những người ở trên !

- 05.04.2009 vào lúc 11:36 am

Thông báo quan trọng về chuỗi thảo luận chung quanh bài viết của hoạ sĩ Trịng Cung:

Sau khi nghiên cứu đề nghị của bạn đọc, Ban biên tập Da Màu quyết định sẽ tiếp tục chuỗi thảo luận on-line này với một số hạn chế nhất định. Để được hiển thị, các ý kiến đóng góp cần thiết phải vượt qua các “cửa ải” sau đây:

Sử dụng địa chỉ email thật (nghĩa là BBT có thể liên lạc với tác giả qua địa chỉ email này khi cần thiết. BBT Da màu sẽ không công bố địa chỉ email này trừ phi đưọc chính tác giả yêu cầu).
Có tầm quan trọng cho những vấn đề trực tiếp liên quan đến bài nguồn
Bỏ dấu tiếngg Việt, không có nhiều lỗi chính tả & văn phạm.
Không sử dụng ngôn ngữ khiêu khích, nặng nề nhằm nhục mạ, hạ uy tín kẻ khác
Nhắm vào vấn đề, không vào cá nhân
Dựa trên lý luận thay vì cảm tính
Không trùng lặp, không “me too”
Thêm vào đó, những ý kiến trong đó tác giả muốn chứng tỏ sự độc quyền “chân lý” (lẽ phải chỉ thuộc về ta) sẽ có rất ít cơ hội được hiển thị. Những ý kiến nhằm khơi dậy những tình cảm tiêu cực như thù hận, chia rẽ, thống mạ sẽ không được phép xuất hiện trên diễn đàn tạp chí Da màu. Trái lại, những bài góp ý có giá trị mở rộng/đưa ra những vấn đề mới và quan yếu sẽ được đưa vào tiết mục “Nghệ thuật và Chính trị” và đăng tải ở trang chính của tạp chí Da màu (như bài viết của Lý Đợi và Bùi văn Phú).

Xin đọc toàn bộ thông báo ở đây:

http://damau.org/archives/5142

- 05.04.2009 vào lúc 11:54 am

  • Hồ Phương Quỳnh viết:

Nào là Cộng Sản, nào là Cộng Hoà. Có đáng phải lao lực tách bạch những cụm từ đó ra thành hai chiến tuyến đối đầu nhau không? Chẳng phải tất cả chúng ta đều là con dân Việt Nam sao?
Nhìn ra thế giới, ngoài những cuộc xâu xé nhau vì quyền lợi này nọ giữa các đất nước, những cuộc khủng bố mang tính chất thôn tính, có cả những cuộc nội chiến- người trong một nước giết nhau, tôi nhìn lại nước mình… dẫu bất công vẫn còn đầy rẫy, đau thương có ở khắp mọi nơi và những vết thương của quá khứ chưa bao giờ vơi đi thì chúng ta cũng không thể phủ nhận được chúng ta đều cùng một nhà? Ai đúng ai sai của quá khứ không còn quan trọng nữa. Người lớn dạy tôi sống cho hiện tại và tiến về tương lai mà sao người lớn cứ chui đầu vào quá khứ- thật hay giả còn phải xét lại- để hả hê lòng mình? Trong lòng tôi cứ nghĩ mãi, về những gì tôi đọc được ở đây và cả ở những bài viết mang tính chất “phân tách” ở đâu đó khắp nơi, tôi tự hỏi, liệu họ có thực sự “hả hê lòng mình” và thanh thản?
Dĩ nhiên trên đời, ai cũng cho mình là đúng nhưng sự thật thì chỉ có một, chấp nhận sự thật không phải theo ý mình không dễ dàng gì nhưng sự thật là sự thật, thay vì xây dựng, đóng góp cho sự thật hoàn thiện hơn thì tại sao lại phá bỏ nó?
Ngôn từ vốn không được phong phú, ý nghĩ thì tràn đầy nhưng viết ra thì chẳng được là bao, thôi thì xin tạm gác những nỗi niềm đó sang một bên…
Tôi chỉ xin nói một vài lời cuối.
Bác Sơn ơi bác Sơn, ước gì thế giới bên kia là có thật, ước gì bác có thể về và đứng trước mũi rìu dư luận, đường đường chính chính, chứ không phải như bây giờ, không thể phân bua, không thể phản bác, chỉ có thể câm lặng ngoài cuộc- trong khi nhân vật chính là mình. Dẫu có “được” chê bai, “được” khen ngợi, “được” người ta nói hộ giùm mình “sự thật”-có trời mới biết đó là sự thật hay không, “được” người ta bênh vực mình thì chắc bác cũng không sung sướng đâu nhỉ?
Xin mượn tạm bài hát “xin cho tôi” của nhạc sĩ quá cố thay cho lời kết:
“Xin cho mây che đủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mộ tươi
Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi
Xin cho tôi yên phận này thôi

Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
Xin cho chim góp nhạc về trời
Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời
Để bao giờ trời đất yên vui
Xin cho tôi xin lại cuộc đời ”
(Dẫu biết bài này đến 99% là không được đăng bởi vì nó chỉ là suy nghĩ của một người trẻ, không chính trị, không có những luận cứ luận điểm rõ ràng … thì tôi vẫn muốn viết…)
Huế, 1 sáng mưa

———-
Ghi chú của BBT Da màu:

Đúng như độc giả Hồ Phương Quỳnh dự đoán, bài góp ý này chỉ có 1% cơ hội được chọn đăng, không phải “bởi vì nó chỉ là suy nghĩ của một người trẻ, không chính trị” mà vì nó “không có những luận cứ luận điểm rõ ràng” và hoàn toàn dựa trên cảm tính!

Tuy vậy, 1% cơ hội có khi cũng đủ nhiều để được hiển thị, một phần cũng vì những tình cảm trong sáng mà HPQ đã bày tỏ.
Nhưng không có lần thứ hai đâu nhé!

BBT Da Màu

- 05.04.2009 vào lúc 7:45 pm

  • Mục Đồng viết:

Tôi ngạc nhiên với bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Tôi đọc nó vì tôi muốn biết thêm những gì liên quan đến con người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi rất ngưỡng mộ. Và, sau khi đọc xong, tôi càng thương TCS hơn, càng chia sẻ với TC về dự báo “mất mát” khi bài viết của ông xuất hiện trước công chúng. Tôi tin rằng, cũng sẽ có không ít người khi đọc bài viết của TC có cùng cảm giác với tôi. Trong nhiều bài hát viết sau năm 1975, TCS đã hé lộ tâm trạng bất an và sự “không bằng lòng” với chế độ XHCN - cũng như trước năm 1975, ông đã từng có những ca khúc “không bằng lòng” với chế độ VNCH. Điều ông chọn là DÂN TỘC VIỆT NAM, còn BÊN NÀY hay BÊN KIA, chỉ là “hai kẻ thù nghịch mang cùng một tên chung” - tôi hiểu là VIỆT NAM.
Đọc xong bài viết của TC, tôi càng thấy TCS có lý khi ông viết ra từ sớm điều mình cảm nhận được : trên những nhân danh, chúng ta không cúi đầu nhưng chúng ta phải quàng vòng hoa phúng điếu cho phận người hiu hắt. Sao phải buộc ông hoặc là người của “bên này”, hoặc phải là người của “bên kia” ? Nói cho cùng mà nghe, kiểu chọn lựa sống của ông ( người “bên này” nghĩ ông thân “bên kia” và ngược lại ) xem ra trong xã hội Việt Nam trước và sau 30-4-1975, ông không phải là người duy nhất. Và, cũng chính ông đã thở than với những người “đồng cảnh ngộ” : đâu đây luôn sẵn sàng những nhát dao không minh bạch, phải sống thường trực trong khí hậu như thế làm sao khỏi e dè ! Trong cuộc sống nhiễu nhương nơi đây, sống đã là một cách chọn lựa. TCS cần phải sống như chính mình để còn viết, còn hát - nhờ đó mà hôm nay, tìm về “di sản” của ông mới thấy nhiều bài học làm người từ ngây thơ đến thâm độc. Hãy thử nghe lại “Tiến thoái lưỡng nan”, hãy thử nghe lại “Ra đồng giữa ngọ” - sự thật nằm trong những con chữ như một trái tim bị thổ huyết, tươm ứa máu tươi vì nhận ra những khuôn mặt yêu tinh bay quanh con diều nhỏ giữa trời hồng ! Cách mạng rất thích màu hồng, cái gì tốt đều hồng. Thế mà giữa trời hồng lại là một lũ yêu tinh ! Ôi TCS - chú bé ra đồng giữa ngọ đáng thương. Khi ông mất, tôi và đám bè bạn mở đĩa nhạc ra nghe chính ông hát bài này mà nước mắt cứ tuôn không dứt.
Ai cũng có một lần phủi tay với cuộc đời. Chỉ xin được ra đi êm ái. Những thiệt thòi đã đủ lớn lao. Đọc để biết thêm và thấm thía thêm những gì mà TCS đã đàng hoàng đưa vào nhạc mà không sợ bất cứ phán xét, tị hiềm nào. Đó mới chính là TCS. Cuối cùng, tôi cũng không “trách mắng” TC : sao là bạn thân mà tới giờ này mới nói ? Thô thiển, quá thô thiển… Sao không nghĩ rằng vì quá thân nên mới nói ?

- 05.04.2009 vào lúc 8:35 pm

  • truth viết:

Tôi thường hoài nghi về những gì người ta ca ngợi quá đà, và thường những hoài nghi ấy cuối cùng là đúng. TCS cũng vậy, nhất là những gì chế độ này ca ngợi thì khó có thể tốt đẹp.
Chúng ta là da màu, vì vậy chúng ta thường bị sốc khi những gì ăn sâu trong suy nghĩ của chúng ta như những chân lý, bị người khác cười nhạo! Tôi tin rằng Trịnh Cung đã giải thoát và sám hối để được nhẹ lòng, để sống với những chân lý của ông chứ chẳng phải để đánh bóng tên tuổi mình hay có ý gì tà tâm.

- 05.04.2009 vào lúc 9:17 pm

  • Kienvang viết:

Lâu nay theo dõi các bài báo trên mạng về các vấn đề có liên quan đến đời sống chính trị Việt nam trước và sau 1975, tôi thấy rất đáng buồn cho dân tộc Việt Nam chúng ta. Một bên không ngớt hát bài ca chiến thắng trên một nền tảng đất nước chậm tiến, lạc hậu và đạo đức suy đồi, một bên không ngừng lên án phía bên kia với biết bao từ ngữ cực đoan không thể chấp nhận được trong đối thoại. Đất nước này sẽ đi về đâu trong 10, 20 và 50 năm tới nếu dân tộc này sống thiếu sự khoan dung, khi gặp bất đồng chỉ muốn dùng bạo lực để xử lý nhau? Điều mà dân tộc này cần lúc này là xây dựng lại một nền tảng văn hóa nhân bản hơn, có khi còn cần kíp hơn cả việc phát triển kinh tế. Thà nghèo mà trong sạch, tốt đẹp với nhau trong cư xử và được thế giới kính trọng còn hơn là giàu có mà cuộc sống không có điểm tựa trong tinh thần, sống ma mãnh và thù hận cứ chồng chất mãi. Tôi nghĩ sao nói vậy, mong các bạn đừng “xử lý” tôi nhé.

- 05.04.2009 vào lúc 9:44 pm

  • thanh tam viết:

Cả hai phe đối đầu trong cuộc chiến không bao giờ chấp nhân được tư tưởng đứng giữa như TCS. Trong cuộc nội chiến trên vẫn có những người chỉ thấy đau xót, mất mát chung của dân Việt mà không thấy chính nghĩa thuộc bên nào như TCS.
Đồng thời với TCS,ở Mỹ,Jhon Lennon cũng ca vang những bài ca phản chiến trong các cuộc biểu tình và thấp thoáng trong đám đông có thấy cả cờ của MTGP. Tất nhiên đừng hiểu đơn giản là họ theo CS.
Vì là người đứng giữa nên ta thấy họ chẳng thể biểu lộ hận thù với phe nào mà chỉ biết phản đối chiến tranh,than thở phận người. Lúc thì tiếc thương người của phe này,khi thì cảm thông với người của phe kia. Hiểu như thế mới thấy tại sao TCS có bài tiếc thương Lưu Kim Cương lại còn có bài ca ngợi mẹ VN chăm sóc mấy anh du kích. Điều đó chỉ là tinh thần nhân đạo và không thể cảm thông trong lập trường chính trị nào cả.
Và do đó TCS bị cả 2 phe kết án là người 2 mặt.Ta cũng thấy Phạm Duy cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Những người cùng tư tưởng như TCS thì bất chấp những tranh cãi, họ cất tiếng hát vang những bài ca phản chiến như lời can ngăn và phán xét. Nếu hiểu là TCS có tham vọng chính trị thì cũng đúng trong tinh thần trên. Nhưng bảo rằng TCS có tham vọng làm quan để mong quyền thế và giầu có thì ít ai tin được. Một người nghệ sỹ có những tư tưởng như thế không hợp với điều đó. Ta hãy nghe :”Tuổi xuân ơi sao nghe lạnh dòng máu trong người…Trẻ thơ ơi ,tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Chẳng có bầu nhiệt huyết để đấu tranh,kèn cựa. Cũng chẳng có yêu được cuộc đời đầy thành kiến và tàn bạo. Một nỗi buồn không lối thoát của dòng nhạc,của thân phận.

- 05.04.2009 vào lúc 11:59 pm

  • Hoa Lan viết:

Xin Chào

Tôi hi vọng đây là trò đùa cá tháng tư thôi.Sau khi đọc bài viết của họa sĩ Trịnh Cung về nhạc sĩ TCS, tôi đã quya ngược thời gian tìm về các bài viết liên quan đến họa sĩ Trịnh Cung và trước đây tôi cũng biết ông là người đa tài không chỉ về họa sĩ, mà mỹ thuật , thơ …một người được mời dạy tại trường mỹ thuật ở Mỹ, một người tưởng chừng như cuộc sống rất ngắn ngủi sau phẩu thuật ung thư tụy, vậy mà ông đã bước qua được số phận, chiến thắng bệnh tật và đang có dược 1 cuộc sống ý nghĩa, một người với những bài báo phỏng vấn hết sức hiểu về cuộc sống này, với những trải nghiệm cuộc đời thật sâu. Và nhất là bài viết ông đã cho rằng nhờ TCS mà ông trở thành con người lịch lãm, một bài viết thấy ông rất trân trọng nhạc sĩ TCS. Các bạn hãy nhìn vào bài viết trên đi, một người như họa sĩ Trịnh Cung không thể kết luận 1 người tài hoa như nhạc sĩ TCS sơ xài và ít bằng chứng đến như vậy…Vì vậy tôi vẫn chắc rằng đây là 1 bài viết ngày cá tháng tư, để họa sĩ Trịnh Cung xem lại bạn đọc, những người mến mộ nhạc sĩ TCS phản ứng và có còn thể hiện tình cảm với TCS như thế nào ? Tôi nghĩ sẽ có 1 bài viết đính chính và cáo bạch với bạn đọc thôi.
Còn nều tôi là 1 người nhận xét không đúng thì cho tôi được gào lên ‘ Trịnh Cung ơi, Trịnh Cung hỡi ….!!”

- 06.04.2009 vào lúc 12:35 am

  • NguoiNgoaiCuoc viết:

Quả thật khi đọc bài viết về Trịnh Công Sơn của họa sĩ Trịnh Cung, tôi thấy rất thú vị. Dù cho hình ảnh Trịnh Công Sơn về sau này có bị lu mờ và bị những thứ nghiện ngập như rượu, thuốc lá,gái đẹp ảnh hưởng thì tôi vẫn yêu thích những bài hát của ông.
Tôi nghĩ rằng ông Trịnh Cung đã phải rất đắn đo và trăn trở khi viết về một nhân vật nổi tiếng như Trinh Công Sơn và lại viết về mặt bên kia chứ không phải như báo chí hàng ngày ca ngợi. Đó là một sự dũng cảm. Chúng ta nên tôn trọng.
Mỗi người đều phải lựa chọn cho mình một con đường để đi. Nếu Trịnh Công Sơn là người 2 mặt trong chính trị thì nếu ông làm chính trị chắc là rất thành công. Tôi tin là Trịnh Công Sơn luôn có mong muốn tốt đẹp cho dân tộc Việt trên mảnh đất hình chữ S này dù đôi lúc cũng bị lung lay theo chiều gió.

Hãy chấp nhận những cách nhìn khác nhau về một vấn đề, về một con người. Điều đó là rất bình thường.

- 06.04.2009 vào lúc 12:39 am

  • TH.HOÀNG (HUẾ) viết:

Tôi thì cho rằng đừng nên nhìn nhận lịch sử bằng con mắt chính trị, hay ít ra đừng nên nhìn nhận “lịch sử của một con người” - ở đây là người nổi tiếng bằng con mắt như thế. Chúng ta, hay nói đúng hơn là chúng tôi, những người sinh sau 1975, lớn lên và “thụ hưởng” nền giáo dục hiện nay, đã bị chính trị hóa, Mác xít hóa ngay từ chương trình giáo dục đầu cấp cho đến đại học, đều suy xét và nhìn nhận như thế là điều dễ hiểu thôi. Chẳng phải báo Thanh Niên, một tờ báo “lớn và to mồm” trong nước đang mở chiến dịch “bài Trịnh Cung” một cách mạnh mẽ và kịch liệt (bằng những “tên tuổi” không mấy uy tín và nhìn nhận thông tin một cách không toàn diện và thấu đáo) đó sao!
Họa sỹ Trịnh Cung, trong bài viết của mình, tôi nghĩ đã thực sự kéo nhạc sỹ họ Trịnh về với NGƯỜI, điều mà tất cả những người yêu mến nhạc Trịnh lẽ ra phải cám ơn mới phải. Người trong nước, kể cả một số báo chí (như Thanh Niên), sao không chịu hiểu điều đó, mà cứ phải xem con người trần mắt thịt ấy là Thánh, là Tượng đài, là… không phải là người.
Tôi còn nhớ trên một bài viết nhiều kỳ đăng trên một tờ báo về âm nhạc, xuất bảo tại TP.HCM cách đây khoảng 20 năm, TCS cũng đã rất “Bôn Sê Vích” trong một số trường hợp về quảng đời mình, nhất là sự “kể công” trong giai đoạn “Em nở nông trường em ra biên giới”, và tự sự theo xu hướng rất trái cách suy nghĩ về người nhạc sỹ trong con mắt mọi người. Nếu ai đã từng đọc những phần như: “Soi gương” (chủ yếu tự sự về mình, về quãng đời, về tác phẩm), “Hạt sạn” (chủ yếu phê phán Phạm Duy, một người vốn đã rất nổi danh khi nhạc sỹ họ Trịnh vừa “ra ràng”, và các đồng sự đã “phá bĩnh” bằng những bài hát bỡn cợt như Sức mấy mà buồn, Gái lội qua khe… sau những khúc ca phản chiến mà họ Trịnh ra mắt tại khuôn viên Văn khoa…), “Em ở nông trường em ra biên giới”… thì có lẽ khỏi phải bàn có chính trị hay không. Và những tư liệu của Trịnh Cung “nói ra cho nhẹ lòng” cũng là điều quá ư dễ hiểu so với những sự biến và sự mềm lòng vốn dĩ của người họa sỹ đã trải qua.
Chỉ có điều đáng tiếc bởi một số sai lệch và suy diễn chủ quan của Trịnh Cung là rất không đáng có. Rất mong Trịnh Cung bình tĩnh và giải thích tường tận về những phản ứng vừa rồi, để mà NHỮNG GÌ CỦA NHẠC SỸ HỌ TRỊNH THÌ NÊN TRẢ VỀ CHO CHÍNH THÂN CHỦ CỦA NÓ.
TH.HOÀNG

- 06.04.2009 vào lúc 12:47 am

  • Võ Hữu Quang viết:

Vài suy nghĩ riêng khi đọc bài viết của Nghệ sĩ Trịnh Cung về Nhạc sĩ Trinh Công Sơn !

Kính thưa Nghệ sĩ Trịnh Cung !

Ý muốn của mọi người đi tìm hiểu về con người chính trị của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là chính đáng, song thiết nghĩ chúng ta cần có một cách để tiếp cận vấn đề trong sự tôn trọng một danh nhân văn hóa của Việt nam như Trịnh Công Sơn. Vì nếu không như thế, chúng ta sẽ vô tình làm mất đi uy tín của một tài năng lớn của Việt nam (cũng là một di sản văn hóa rất quý giá) trong con mắt của bạn bè trên thế giới.
Tôi thật sự “shock” trước bài viết “Trịnh công sơn và tham vọng chính trị” của Nhà Thơ, Họa sĩ Trịnh Cung về Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ! Dù đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng đến giờ tôi vẫn không thể tin được những câu chuyện như thể.
Thưa NS. Trịnh Cung ! Đã có một lần vào năm 2004, tôi được diễm phúc đọc một bài viết của Nghệ sĩ Trịnh Cung về “Trịnh Công Sơn - Người thầy đã dạy tôi sự lịch lãm” trên báo Vietnamnet. Trong bài viết đó NS. Trinh Cung đã rất ca ngợi con người lịch lãm của Trịnh Công Sơn và nhấn mạnh sự lịch lãm mà TCS luôn giữ cho mình từ trước cũng như sau 1975 và cho đến cuối đời.
Theo suy nghĩ của tôi, sự lịch lãm đối với một tài năng lớn như NS. Trịnh Công Sơn không chỉ đơn thuần trong cách ăn mặc, giao tiếp mà còn trong cả phương châm sống, chính kiến và lối sống. Vì vây nếu có thể được tôi xin chân thành mong NS. Trịnh Cung giải thích cho độc giả về tính không nhất quán trong các bài viết của Ông về TCS.

Chân thành cám ơn Nghệ sĩ !

- 06.04.2009 vào lúc 12:55 am

  • Phục An viết:

Dù nói thế nào thì chúng ta cũng đã thấy nhạc Trịnh đã góp phần ru ngủ giới trẻ miền Nam , nhất là giới trí thức, trong cảnh nghiêng ngữa lòng , trong cảnh chiến tranh tàn khốc nhất của hai miền Nam Bắc.

Vậy thì mỗi chúng ta, trên con đường sinh tồn của mình, chúng ta hãy tự mình suy ngẫm lại : ảnh hưởng thật sự của nhạc Trịnh thấm vào lòng chúng ta??? Hay con đường chính trị của ông làm ta …chạy theo???

Mơ hồ, rất mơ hồ…

Tôi cho rằng chính chúng ta nên tự phán xét mình hơn là ngồi đó cãi nhau về một thời ( có thể đúng hoặc sai lầm ) của một ánh hào quang đã thật sự chói sáng, có khi có thể đã chói sáng trong sự sai lầm của cảm tính người nghệ sĩ.

- 06.04.2009 vào lúc 1:50 am

  • Núi Ngự viết:

Những suy nghĩ của con người trước một vấn đề gì đó cũng như giòng sông, có bao giờ bất biến đâu.
Trịnh Cung có lẽ cũng vậy. Ông ta bây giờ sẽ đọc những nhận định của độc giả để rồi có thể thấy rằng những điều mình viết về TCS chưa phải là chuẩn xác (qua những điều phản bác của Lê Minh Quốc).
Trong giai đoạn đất nước có rất nhiều biến động, những suy nghĩ của mỗi người buổi trưa có thể đã khác với buổi sáng, hôm nay mâu thuẫn với ngày hôm qua, việc tâm sự với một người bạn thân về những khắc khoải của mình như trút những nặng nề, dày vò âu cũng là chuyện bình thường, giống như khi ta tìm lời khuyên từ người thân về một chuyện tình rắc rối ta đang mang phải. Đây là chuyện riêng tư một con người.
Không rõ nếu một người bạn thân của Trịnh Cung đem những tâm tư trong một lần đau buồn bất chợt nào đó của TC (không hẳn là quan điểm, thái độ chính trị,… )kể lể cho mọi người thì TC phản ứng thế nào.
Nếu với tình bạn thân thiết và bền lâu đến mức lấy họ của bạn làm nghệ danh của mình, đặc biệt với TCS, người cho rằng “cần có một tấm lòng” rồi “để gió cuốn đi”, TC chẳng cần đưa ra công chúng những chi tiết “không cần thiết”, có những cái sai rõ ràng và những cái có thể “đúng” nhưng khó kiểm chứng,… mà phải là “để gió cuốn đi” nới là phải đạo.

- 06.04.2009 vào lúc 2:01 am

  • do trung quan viết:

vietnguyen@ thưa anh! cứ hễ ai có mặt,hình ảnh trong biểu tình chống Tàu là đáng tin hơn những người vắng mặt.vậy theo logic này thì kể cả công an chìm,cò mồi có mặt đầy rẫy hẳn cũng “đáng tin hơn cả”như anh nói đúng không ạ?.xin không tranh luận thêm vấn đề này vì sẽ lạc đề.thưa anh!
riêng hs Trịnh Cung
hình ảnh của hs còn rất nhiều trong những tiệc rượu và nhan sắc cùng với TCS và bài viết” Trịnh Công Sơn người thầy dạy tôi sự lịch lãm” còn đó,thì ra chính là để giữ gìn cho nhân cách của người bạn thân.hôm nay tôi mới nghe ông nói ra nên đành mạo muội hỏi”anh Cung này!anh thành Khổng Tử lúc nào vậy?”hàng chục năm qua ở Sg, hs TC luôn có mặt trên các tạp chí và cả trên phương tiện truyền thông,mạng điện tử,truyền hình.tôi chưa thấy ai đòi truy xét “quan điểm chính trị ‘của hs cả.mọi thứ đều tốt đẹp,bình thường với hoạt động nghệ thuật của ông,nay thấy hs nhất định “truy xét” người bạn thân trên 30 năm quả mình,nhất định tcs phải “thân cộng” mới chịu.kể cũng lạ.chỉ vậy thôi thưa các anh.

- 06.04.2009 vào lúc 3:41 am

  • hardvictim viết:

Toàn bộ bài viết và những ý kiến phản hồi của mọi người quả thật quá dài, nhưng tôi vẫn cố gắng đọc kỹ từng bài. Một số người rất công tâm, rất khách quan… Nhưng các bạn đã để sót rất nhiều điều, và mải mê chạy theo ý nghĩ của mình, và viết lên những dòng cảm nghĩ chủ quan, hoặc tiện thể gieo vào cái cá nhân trong mỗi câu chữ… Tại sao tôi lại nói như vậy:

1. Giả sử những điều của bác Trịnh Cung nói là đúng, thì với cương vị là một người bạn thân mất bạn, tôi nghĩ không ai lại ôm cái xấu của bạn mình mà uất ức đến mãi biết bao năm… Những lời về việc tôn trọng sự thật, và giá trị tài năng đích thực mà bác Trịnh Cung nói chỉ là một nghệ thuật câu chữ để lôi kéo sự đồng thuận của mọi người.

2. Những điều bác Trịnh Cung nói, có vài điều đã được chứng minh là sai… vậy sao bác Trịnh Cung không lên tiếng giải thích cho mỗi câu hỏi? Tại sao vẫn còn những người còn khen ngợi tính dũng cảm, tinh thần yêu bạn bè gì đó của bác Trịnh Cung trước khi có câu trả lời rõ ràng về những vấn đề chưa biết đúng sai khác? Việt phớt lờ những ý kiến đúng của người khác để nói lên cái chủ quan của mình có nên chăng?

3. Nếu là một bài nghiên cứu và phân tích như của bác Trịnh Cung về “sự thật”, xin lỗi mong rằng bác đừng chen lẫn những vấn đề cá nhân, và đề cao bản thân, em đọc rất khó chịu vì không biết mục đích của bác là gì? Có lẽ lời rào đầu như thế này của bác đã không có tác dụng “Bài viết này chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ vốn có của tôi…”

Tôi chỉ muốn nhắn mọi người tiếp tục chủ đề này hãy quan tâm đến SỰ THẬT, tiếp tục làm rõ nhiều sự thật đã không được giải thích, đừng đưa ra ý kiến cá nhân của mình trước khi rõ ràng.

Tôi cũng nghĩ thế này, nếu các vấn đề này được tiếp tục trên báo giấy, thì nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sẽ còn nổi tiếng hơn!
Tôi lại tiếp tục mơ hồ về mục đích của bác Trịnh Cung. Nếu mục đích sâu xa của bác là cải thiện lại các mối quan hệ phía một chiến tuyến, thì xin lỗi bác đã thất bại vì bác đã nói dối vài dữ kiện… một lần bất tín vạn lần bất tin.

- 06.04.2009 vào lúc 4:23 am

  • do trung quan viết:

xin làm phiền bbt da màu thêm một vài ý kiến chỉ như thông tin
-”ca khúc da vàng” đến nay vẫn còn trong danh mục cấm.hàng năm khi thực hiện ct về nhạc sĩ tại Bình Qưới(xin lưu ý:VỀ chứ không phải là CHO.thật sự là những người thực hiện tự xem mình “làm chui” mảng đề tài chiến tranh này.)đôi khi qua được,có lúc được “thăm hỏi” nhưng may thay rồi cũng xong.công bằng để nói chỉ được ‘nhắc nhở” chứ chưa bị phạt vạ bằng tiền theo qui định của ngành văn hóa bao giờ.
như thế.”tính 2 mặt” của mảng ca khúc này như nhận định của hs TC thế là vẫn có giá trị,nó vẫn bị ngăn cấm đến hôm nay.tôi được nghe rằng hs đã có lần bực bội về việc ngăn cấm này.ông cho rằng đấy là “ngu ngốc” (sự “nghe rằng” vẫn có thể không chính xác,thiếu độ tin cậy nên nếu không đúng,mong hs thứ lỗi).
phần còn lại của vấn đề.các nhân vật được ông nhắc tên,còn sống đã lên tiếng trên báo Thanh Niên.tôi cũng đang lắng nghe và cũng tự loại trừ những ý kiến chỉ “nhân danh những người yêu mến ns TCS…”
vấn đề là sự thật thế nào chứ “yêu ghét” không thuộc phạm trù tranh luận với hs TC.

- 06.04.2009 vào lúc 4:50 am

  • Hip viết:

Cháu viết ra chỉ để nguôi ngoai cảm xúc trong lòng mình. Đọc bài viết và ý kiến bạn đọc, cháu đã khóc. Cháu thấy thương Trịnh Công Sơn quá, ngưòi đã chết rồi đâu có nói được. Thương như khi nghe thấy kẻ nào nói xấu về ông mình vậy. Thấy ghét lắm. Thấy uất, thấy tức thay cho ông.Cũng như có nhiều bài nói về Bác Hồ ( sự so sánh này có thể không hợp lý, ở đây chỉ là 1 sự liên tưởng), chẳng biết đúng sai ra sao, chỉ có người đó biết rõ nhất nhưng người đó cũng chẳng chứng thực, chẳng đồng tình hay fản đối được nữa rồi.
Dú đúng hay sai có lẽ TCS cũng đều trách TC cả.
1. Nếu những điều trong bài của Bác Trịnh Cung là sự thật thì hẳn đây là 1 điều mà TCS đã mong mỏi làm từ lâu rồi, khi mà “…lòng tôi bỗng chùng lại trong một ái ngại vô bờ. Tôi bỗng muốn thu mình thành một bóng tối nhỏ trước những con mắt trong sáng vây quanh. Với những trái tim quí báu kia, có thật tôi đã mang đến một điều gì tốt đẹp?” Thì đây,hẳn là điều mà TCS không thể nói ra được thì TC đã nói thay? TCS cũng là con người, có bao jờ ta có những điều muốn nói ra mà không nói được? Có chứ! Mong ai đó nói ra giúp mình để rồi cùng nhìn nhận, thấu hiểu và thông cảm. Để bình thường hoá điều khó nói ấy. Thế mà bác TC đã không làm điều này sớm hơn để nhỡ có là “lỗi lầm to lớn”(?!) thì khi sinh thời TCS cũng nhận được những vị tha, để cùng “trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau”, để quên đi ” ngày tháng tiêu điều” để Người khỏi fải bị lôi ra tranh luận khi đã thành cát bụi. Mà ai có quyền fán xét ai đây, ai có quyền vị tha?
2. Nếu những điều Bác Trịnh Cung là sai sự thật, khỏi phải nói!
Lại nói đến Bác Hồ, có nhiều điều về đời tư của Bác, nhưng ai có thể fủ định Bác là người tài? Bằng bàn tay trắng mà làm nên những điều, với người tầm thường như cháu, đó là điều phi thường như thế? Chỉ thương Bác không biết rằng công sức của mình bị huỷ hoại dần dần.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng vậy. Đời tư của ông ra sao cháu không quan tâm, con người ta ai hoàn hảo được? Nhưng kìa, ai có đủ tài để lại cho đời hẳn 1 dòng nhạc mang tên mình?
Còn về 2 từ “huyền thoại” hay “thần tượng” thì do chính ta tạo ra bởi lòng yêu mến hay ái mộ,chứ bản thân Bác hay như Trịnh Công Sơn đâu tạo ra.
Cầu cho những linh hồn được bình yên…

- 06.04.2009 vào lúc 4:54 am

  • Minh Đức viết:

Người xưa có câu “Cái Quan Định Luận”, nghĩa là hãy đợi nắp áo quan đóng lại rồi hãy phê phán người đó. Phê phán một người còn sống thì có thể sau khi phê phán, cuộc đời và hành vi của người đó có những bước ngoặt khác với trước khi phê phán thì lời phê phán có thể không còn giá trị nữa. Vì thế việc bàn cãi, phê bình về Trịnh Công Sơn sau khi Trịnh Công Sơn qua đời là điều thích hợp. Trước đây, khi có người phê phán là Trịnh Công Sơn là theo Cộng Sản nên không làm bài hát thương xót những người vượt biên bỏ xác trên biển, những cảnh đời đói khổ trong nước thì có người bào chữa là biết đâu TCS vì bị hoàn cảnh bắt buột nên không thể lên tiếng. Phải lắm! Bởi vì biết đâu sau đó có một ngày TCS lên tiếng nói rằng mình đã sai lầm hoặc mình vì bị cấm đoán nên không thể làm các bài hát như thế được. Nay thì TCS đã nằm xuống. TCS đã có cơ hội để lên tiếng, để đính chính nhưng TCS đã không làm. Qua bài viết của Trịnh Cung, mọi người thấy là lúc bao nhiêu người vượt biên chết thảm thì TCS ngồi nhậu với cán bộ văn hóa. Nói rằng người đã chết không còn bào chữa được thì không đúng. Lúc sống người ấy đã có cơ hội bào chữa, đính chính cho các hành vi của mình, có cơ hội tránh làm những việc mà “làm chi để tiếng về sau”. Hơn nữa nếu người chết không thể đính chính thì cũng có những người còn sống khác đính chính hộ người chết. Chính vì dư luận phê phán một người sau khi người đó đã nằm xuống mà lúc sinh tiền, con người ta phải cẩn thận với hành vi của mình. Còn như bảo rằng đã chết rồi thì thôi đừng phê phán vì người chết không bào chữa được thì hóa ra sống trên đời cứ việc làm bậy bạ rồi dùng quyền thế cấm người ta phê phán mình, sau khi chết thì không được phê phán thì mọi người tha hồ làm điều ác mà chẳng sợ đời sau phê phán.

- 06.04.2009 vào lúc 6:52 am

  • Van-Tuong viết:

Hội chứng sợ bị lãng quên!!!

Sợ bị lãng quên, tôi đánh trống
Sợ bị lãng quên, tôi thổi kèn
Sợ bị lãng quên, tôi thảy nón…
Chắc ăn nhất lựa tên nào ở gần thân cận…cho nó chụp là chắc cú !!!
Nó mà không có miệng để phân bua là chắc cú 1
Nó mà là huyền thoại thì chắc cú 2
Nó mà là bạn thân thì chắc cú 3
…Sau đó hả hê nhìn bàn dân thiên hạ bình lựng khen chê
Sợ gì ! Miễn tôi không bị lãng quên …
Cú PR tuyệt chiêu nhất, sau nầy ai bắt chước nhớ trả bản quyền nghe chưa

Tôi được nhắc nhỡ lần nữa
Và tôi không bị lãng quên …
“Một nửa sự thật thì không phải sự thật”, kệ thay nó !!

- 06.04.2009 vào lúc 8:48 am

  • Anh Thư viết:

@ Minh Dức “Người xưa có câu “Cái Quan Định Luận”…” vâng,đúng,người xưa có câu này, nhưng cũng có bao câu khác nữa.Tôi chỉ thấy nực cười khi Minh Đức nói rằng:” Chính vì dư luận phê phán một người sau khi người đó đã nằm xuống mà lúc sinh tiền, con người ta phải cẩn thận với hành vi của mình” và “Còn như bảo rằng đã chết rồi thì thôi đừng phê phán vì người chết không bào chữa được thì hóa ra sống trên đời cứ việc làm bậy bạ rồi dùng quyền thế cấm người ta phê phán mình, sau khi chết thì không được phê phán thì mọi người tha hồ làm điều ác mà chẳng sợ đời sau phê phán”
Thứ nhất:Đúng là con người fải cẩn thận với hành vi của mình, thế bây jờ ta cứ sai cái j,người cứ ỉm đi,ko nói với ta 1 cách đường hoàng,đợi đến lúc ta chết mãi đi rồi người mới nói ra với mọi người,để cùng chỉ ra :”à,ta làm thế là không được rồi,không đúng đâu” .fỏng có ích gì đây?
Thứ hai: Còn anh nghĩ làm điều ác vô tư,không vấn đề,không ai làm được gì ta là anh sai lầm rồi. Các cụ cũng nói “Gieo gió ắt gặp bão”,luật nhân-quả đấy. Còn anh làm điều đúng hay sai chỉ vì nghe ngóng theo dư luận thì thật buồn. Sống sao cho đúng với chữ Tâm ấy.
Hơn nữa,bắt người nghệ sĩ viết? ví dụ trong trg hơp cấp bách như lời chỉ thị của Bác với giới văn nghệ sĩ viết về thời kì đổi mới với Mùa lạc chẳng hạn đã đành, nhưng bản thân người nghệ sĩ cũng fải có cảm hứng thì mới viết được.Ai đó trách TCS “không làm bài hát thương xót những người vượt biên bỏ xác trên biển, những cảnh đời đói khổ trong nước” Anh viết được anh cứ viết đi,tại sao lại có sự trách cứ buồn cười vậy? Lý luận kiểu anh viết được sự đau khổ của kẻ này thì ắt anh fải viết được sự đau khổ của ké khác. Cầu toàn quá sao mà được?!

- 06.04.2009 vào lúc 9:47 am

  • vietnguyen viết:

Thưa anh Đỗ Trung Quân:

Theo logic của tôi, nếu một người có trí tuệ bình thường, ắt sẽ hiểu là tôi muốn nói đến những văn nghệ sỹ có mặt trong đoàn biểu tình thực sự: TN, TC, NTD, nhạc sỹ TH,…

Theo như logic của anh nếu hôm đó trong đám biểu tình có cò mồi để “dụ” hay kích động nhân dân đi biểu tình thì thật là xin bái phục cái gọi là đỉnh cao trí tuệ!!!

Chuyện đáng nói ở đây là những gì TC viết về TCS cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Có đáng gì phải bàn cãi ầm ĩ.

- 06.04.2009 vào lúc 12:47 pm

  • Minh Đức viết:

Anh Thư viết: “Ai đó trách TCS “không làm bài hát thương xót những người vượt biên bỏ xác trên biển, những cảnh đời đói khổ trong nước” Anh viết được anh cứ viết đi,tại sao lại có sự trách cứ buồn cười vậy?”.

Trịnh Công Sơn thường được ca tụng là có tâm hồn nhân đạo vì đã viết Ca Khúc Da Vàng vào năm 1965, gồm các bài hát than thở cho thân phận con người khổ sở vì bom đạn, chiến tranh. Các bài hát này được nhiều trí thức miền Nam tán thưởng. Nhưng sau 1975, đời sống tại miền Nam trở nên bi thảm, nhiều người bị tù tội, bị đói khổ, nhiều người vượt biên bị chết, bị hải tặc hãm hiếp. Những người ngày xưa đã từng thấy TCS làm các bài hát thương xót cho thân phận con người thì nay không thấy TCS làm bài hát nào thương xót cho thân phận của những người dân miền Nam sau 75 nữa. Nếu quả TCS là một người có lòng mẫn cảm, dễ xúc động trước cảnh khổ của con người thì tại sao lại chỉ có làm bài nói về thân phận con người vào 1965, còn sau này, nhiều thảm cảnh còn tệ hơn trước đó thì tại sao không thấy TCS xúc động? Thế thì lòng xúc động trước kia là do tâm hồn mẫn cảm thật hay chỉ là muốn bắt chước Bob Dylan của Mỹ làm các bài hát chống chiến tranh để theo phong trào lúc ấy?

Anh Thư viết: “ko nói với ta 1 cách đường hoàng,đợi đến lúc ta chết mãi đi rồi người mới nói ra với mọi người,”.

Theo tôi sở dĩ Trịnh Cung viết ra những điều này là vì trước khi Trịnh Công Sơn mất đi, Trịnh Cung không thấy có những sách, bài viết nói rằng TCS “phi chính trị”, “không quan tâm đến chính trị”. Trịnh Cung đã viết ngay từ đầu bài lý do là sau khi TCS mất đi, ông thấy có những sách viết như thế. Mà theo Trịnh Cung thì TCS có quan tâm đến chính trị, và có những hoạt động liên quan đến chính trị. Những gì viết sau đoạn mở đầu đó là bằng chứng việc TCS không phải là phi chính trị, không phải là không quan tâm đến chính trị. Ngay như khi TCS không còn nữa đê bào chữa thì qua các bài hát mà Trịnh Cung dẫn ra như tập Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời toàn là các bài hát có liên quan đến chính trị vì lúc đó TCS viết để sử dụng trong phong trào sinh viên, học sinh miền Nam xuống đường “chống Mỹ Ngụy”.

- 06.04.2009 vào lúc 5:38 pm

  • do trung quan viết:

thưa anh vietnguyen
ta chấm dứt chuyện logic ở đây nhé.vì anh nêu tên tôi với “logic” kiểu mình tôi đành thưa lại.lâu nay tôi cứ ngỡ cái “đỉnh cao trí tuệ” nó ở đây,nơi tôi sống hóa ra nó đã chuyển đi nơi khác lâu rồi.cái gì khg biết giữ thì nó mất,thế thôi.chúc anh khỏe.

- 06.04.2009 vào lúc 8:47 pm

  • Yến Lê viết:

Cháu đã đọc về bài viết của họa sĩ Trịnh Cung và nhiều ý kiến của bạn đọc. Thấy đồng ý với 1 ý kiến: Cộng sản thì đã sao? Cộng Hòa thì đã sao? Những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x như chúng cháu đâu có biết gì về Cộng Sản, Cộng Hòa? Đâu biết gì về những quá khứ xa xăm. Chúng cháu chỉ biết là mih được lớn lên trong hòa bình. Được vui với những người thân yêu, được ngày ngày đến trường, được sống và được yêu thương. Có đôi lúc thấy mình bất hạnh, thấy cuộc đời vẫn còn nhiều bất công. Nhưng nhìn lại, mình còn may mắn hơn rất nhiều người.
Những người lớn, thường rất ngạc nhiên khi thấy những người ở thế hệ chúng cháu lại yêu thích nhạc Trịnh. Có lẽ, người lớn nghĩ rằng chúng cháu chưa đủ tầm để hiểu và để thưởng thức nhạc Trịnh. Nhưng, chúng cháu nghe hạc Trịnh và yêu nhạc Trịnh theo cách của chúng cháu. NGười lớn đắm chìm trong những chiêm nghiệm về cuộc đời, về quá khứ đã qua. Còn chúng cháu, say mê trong những giai điệu đẹp, cũng đôi khi lắng lòng mình lại để thưởng thức ca từ, để suy ngẫm về cuộc đời.
Nhiều người nói: Thật khó để có thể hiểu hết về ca từ của Trịnh Công Sơn. Mỗi người nghe và hiểu theo 1 cách. Nhưng tựu chung lại, cháu thấy ca khúc của TCS đáng để nghe là vì có chứ Nhân, chứ Tâm trong ấy. Để gió cuốn đi những hận thù, Chọn 1 niềm vui để sống, để khi trở về cát bụi không thấy hối tiếc. Giá cuộc đời này, ai cũng có thể làm được điều đó thì tốt biết mấy.
Hãy nghe nhạc Trịnh và lắng lòng mình trong những ca từ, giai điệu ấy thôi. Trút bỏ hết những khúc mắc, hằn học trong lòng mình đi. Để gió cuốn đi hết những điều không vui ấy, chọn cho mình 1 niềm vui mà sống, để không hối tiếc khi trở về cát bụi…

- 06.04.2009 vào lúc 9:32 pm

  • duavuithich viết:

Việc làm, cung cấp những thông tin, cứ liệu về một người của công chúng, một danh nhân của đấtt nước là việc làm quá cần thiết. Nhưng những thông tin ấy, tôi nghĩ phải từ cái sự bình tâm, trách nhiệm, khách quan, nhất là đối với người đã khuất.
Về nhạc sĩ TCS, trước đây đã có nhiều bài viết ca ngợi, nhưng cũng không ít bài viết đả kích, phê phán, nhất là từ các trang web hải ngoại, nhưng tôi, và tôi nghĩ đa số những người yêu mến nhạc sĩ TCS cũng vậy,có xem qua rồi thôi, chẳng suy nghĩ nhiều, vì những bài viết ấy phát xuất từ những hằn học, hận thù và TCS chỉ là nạn nhân như những nạn nhân khác, vậy thôi.
Nhưng với HS Trịnh Cung thì lại khác, là một người tâm giao, thân thiết với NS TCS hơn ½ thế kỷ, người đã có những lúc cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ những vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống với NS TCS, thì đây là một nguồn thông tin mà nhiều người mong đợi để hiểu rõ hơn người NS tài hoa họ Trịnh. Tuy nhiên những cứ liệu mà HS TC viết trong bài “Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị “ hầu hết là từ thông tin của người khác kể lại,
Còn những ý kiến có tính chủ quan của tác giả lại có phần trách móc, hằn học, thiếu sự bình tâm.
Tôi xin phép được nêu ra một vài suy nghĩ của mình qua bài viết của HS TC:
-Tác giả viết về phần con người chính trị của NS TCS: Đã nêu nhiều diễn biến có màu sắc chính trị của cuộc đời cố NS TCS, thôi thì thế cũng được, để người xem kiểm chứng và phán xét công tâm, nhưng có cần phải đưa ra vài tiểu tiết như khi NS TCS ở đài phát thanh SG bị NS TTLđuổi ra khỏi phòng thu và quát: “Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”…hoăc: Trong một lần bất bình vời Hoàng Hiệp về việc bị kiểm điểm, TCS đã chửi thẳng vào mặt Hoàng Hiệp ngay tại trụ sở Hội Âm Nhạc TP HCM:”Mày là thằng mặt l…!” (tuy nhiên những tiểu tiết nầy đã có nhiều cứ liệu xem là không có cơ sở).
-Tác giả viết về đời thường của cố NS TCS:
Thật ra những người yêu mến NS TCS là yêu mến sự tài hoa của ông, chẳng ai nghĩ ông là “thần thánh” cả, là danh nhân ông cũng chỉ là con người bình thường như bao người bình thường khác mà thôi. Nếu HS TC viết về đời thường của NS TCS như là kể về 1 giai thoại vui buồn của tình bạn tâm giao, thì người xem quý giá biết mấy, được một người đã từng cùng sống, cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ vui buồn với NS thì người xem có dịp biết rõ hơn cuộc sống đời thường người mà mình hâm mộ, yêu mến. Nhưng HS TC lại viết như là 1 sự phê phán, xem cuộc sống đời thường của NS TCS như là 1 sự suy đồi, đốn mạt. Từ cái tiêu mục của bài TCS đã “Sa Lầy vào Rượu và Xu Nịnh” (nặng nề quá!) đến nội dung: “Nhưng tôi lại là một gã ngoan cố, tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh. Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên tôi cố chiụ đựng sự khó chịu của họ và vẫn không tìm cách lấy lại chỗ đứng thân thiết vốn có với TCS thủa còn trai trẻ ở Huế bằng rượu chè, quà cáp đắt tiền và những tán tụng nuông chìu. Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, đó là chỗ mà TCS, trong thâm sâu của tâm hồn anh, không thể loại bỏ tôi cho dù có khác nhau về quan điểm chính trị và cách sống. Đó cũng là điều mà TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ.” Không hiểu sao HS TC lại hằn học thế! (không còn bình tâm nữa rồi!)
Từ phần mở đầu tác giả đã viết “Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.”Tôi hiểu và chắc nhiều người cũng hiểu, duy chỉ mình NS TCS thời còn sống ông không hiểu được, và chắc bây giờ ở suối vàng ông cũng không hiểu nỗi. Đó là cái ấm ức,cái uẩn khúc tâm tư của tác giả đã bị dồn nén và tích tụ quá lâu giờ tìm đường giải thoát. Cái ấm ức ấy từ những chuyện : Khi nhạc sĩ TCS phổ bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” của TC (1958) nhưng khi phát hành, lại không nhắc gì đến tác giả phần lời; Rồi lại: “Đến ngày 30 tháng Tư thì Sơn ở lại. Tôi nhớ buổi chiều đó, Ðỗ Ngọc Yến đến đón Sơn với một nhà báo Mỹ đề nghị Sơn đã có máy bay đưa gia đình Sơn đi Hoa Kỳ. Tôi rất muốn đi Hoa Kỳ nhưng mà Ðỗ Ngọc Yến lại không hỏi tôi. Sơn ở lại thì tôi cũng đành ở lại. Tôi thì đành thôi và sau đó thì tôi đi học tập ba năm”……Và “Tôi cảm thấy có một điều gì đó không ổn, hình như tôi, một thằng sĩ quan Nguỵ đi tù về, không còn được TCS và gia đình coi là người thân như ngày xưa. Thái độ khó chịu của tôi mỗi lần ngồi trước mặt những người bạn “mới” này của Sơn đã khiến tôi bị TCS và gia đình tẩy chay ngầm.”……
…”Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết. Sau này, hoạ sĩ Tôn Thất Văn (đã chết) đã kể lại cho tôi rằng có những cuộc họp ở Huế vào những năm 60-70, TCS và những người mà tôi đã coi là bạn thân tình đã đem tôi ra để phê phán, tẩy chay”(lại theo lời kể của người đã khuất)…
…” Với TCS, gia đình cùng các “đồng chí” rượu của anh, tôi lúc này là một kẻ xa lạ, một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu, một con kỳ đà làm cho cuộc vui hoan lạc của họ không được hoàn hảo, tôi nên biến đi”v.v & v.v…
Từ những ấm ức ấy, những uẩn khúc tâm tư ấy, liệu HS TC có đủ bình tâm, để viết về người bạn cũ của mình một cách khách quan, có trách nhiệm để thông tin cho người đọc hay không?
Tôi xin phép HS TC, đã có nhiều phản hồi từ bài viết của HS, họ nghĩ là tác giả lại muốn trở thành “”Đỉnh cao chói loi”rồi, tôi thì không nghĩ thế. Thôi thì cuối cùng, mong rằng người đã khuất đươc sự bình yên ở cõi vĩnh hằng. Khi tôi viết cái CM này thì từ quán café bên nhà giọng Khánh Ly đang vọng đến “
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
Gió cuốn đi cho mây qua giòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi

Hãy nghiêng đời xuống nhìn hết một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
để buốt trái tim, để buốt trái tim

- 06.04.2009 vào lúc 10:38 pm

  • Van Nguyen viết:

Thật lạ! Tôi thấy nhiều người phản đối việc TC viết ‘’xấu’’ về một người đã chết. Vậy chẳng lẽ viết những điều xấu (giả dụ có thực) về những người đã khuất như John Lenon, George Washington, Tần Thủy Hoàng, Khổng Tử, Starlin, Lenin, HCM…. là điều xấu!?
TCS là người của công chúng, hay có thể nói là người thuộc về lịch sử (lĩnh vực âm nhạc). Vậy TC có quyền viết về TCS, mặc dầu TSC có là bạn, anh ruột hay là gì đi nữa. Vấn đề không phải là mối quan hệ giữa người viết (TC) và người được/bị viết (TSC), mà vấn đề quan trọng là TC viết đúng sự thật hay không? Tạo sao mọi người không đi tìm hiểu sự thật mà đi chê trách người viết vì đã ‘’xúc phạm’’ thần tượng của mình?

- 06.04.2009 vào lúc 10:45 pm

[...] Bài nầy được dăng trên web : http://damau.org/archives/5055 [...]

- 07.04.2009 vào lúc 12:36 am

  • Teddy Ngô viết:

Xin gởi ông Trịnh Cung và những người ủng hộ Trịnh Cung qua bài viết về Trịnh Công Sơn,
Theo tôi, ông Trịnh Cung và những người ủng hộ Trịnh Cung qua bài viết về Trinh Công Sơn trên website này chắc chắn sẽ bị những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn đời đời nguyền rủa, các vị sẽ không được ai thăm viếng khi đau ốm và cũng sẽ không ai đến viếng và đưa xuống mồ khi chết ! Hương hồn của Trịnh Công Sơn sẽ báo mộng cho các vị biết từ lúc này trở đi các vị sẽ sống và chết như thế nào ? Hãy nhớ lấy !

———-
Ghi chú của BBT Da màu:

Ý kiến này được phép hiển thị không phải vì hội đủ điều kiện khá gắt gao của Da màu nhưng chính vì sự độc đáo của nó. Sử dụng những thế lực siêu nhiên để … tranh luận thì rất thú vị, một cách khôi hài.
Tất nhiên BBT Da màu KHÔNG khuyến khích những cung cách góp ý tương tự!

BBT tạp chí Da Màu

- 07.04.2009 vào lúc 2:00 am

  • Vũ Thi viết:

Trịnh Công Sơn và những suy ngẫm cõi đời
Người ta đã từng vứt Bụt xuống ao rồi lại moi lên mà thờ phụng…
Trịnh Công Sơn ơi! Có lẽ anh cũng vậy… Những người có lẽ đạo thờ Phật trong tâm và chúng ta những người yêu anh để tại nơi hồn. Ở đó có lẽ là vĩnh cửu vì linh hồn anh (người nghệ sĩ của nước Nam) sẽ còn mãi đâu đây trong hồn bao lớp người đang sống. “Người chết hai lần thịt da nát tan” - đó là chân lý của Quỷ. Chúng ta đã bị lừa đảo và bị lừa đảo quá nhiều rồi. Xin tất cả mọi người đừng bị lừa thêm lần nữa. Hãy yêu và yêu mãi chẳng hề ân hận như Trịnh Công Sơn từng yêu cõi đời này.

ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG
Tặng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chị Khánh Ly

Anh chết vào mùa trái chín cây
Bao vần thơ nhạc gió vẫn bay
Lộng trong cõi sống niềm chua xót
Cái giá hồn anh đã đủ đầy…

Một vườn trái chín tay ai hái?
Anh đến, anh đi còn nơi đây
Chỉ là cõi sống xô va mãi
Như níu vào đêm lời gió bay…

Đời mãi cất lên lời hát ấy
Ru hồn thân phận trắng bàn tay
Bao điều còn mất thơ anh viết
Nhạc vút ru ta những tháng ngày…
Chẳng lấm bụi trần, đau vụn vỡ
Xác thân còn mất nỗi vơi đầy
Khổ đau như ngọc ru đời mãi
Lẳng lặng anh về theo gió bay

Hỡi ơi! Thơ nhạc người đâu nhỉ?
Chỉ có hư vô chứa ngập đầy
Nhạc thơ như đẫm hồn cõi sống
Anh về thanh thản trắng bàn tay.

Hà Nội 7/4/2009
Vũ Thi

- 07.04.2009 vào lúc 2:39 am

  • Hoàng Hà viết:

Những suy nghĩ về lời nói sau lung của Tịnh-Cung
về người nhạc sỹ tài ba đã khuất Trịng Công Sơn.
Vừa qua dư luận người Việt đã rộ lên chuyện Trịnh-Cung một người bạn thân xưa nay của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã có lời nói về anh sau khi cỏ trên mộ anh chưa kịp phủ dầy. Bất luận Trịnh-Cung là ai và quan hệ của anh ta với nhạc sỹ như thế nào nhưng việc nói xấu sau lưng đã là hành động không đàng hoàng chút nào, đã thế, lời nói đó được phát ra khi người mà anh ta tự gọi là bạn cố tri đã mất thì quả là không còn đạo lý nữa.

Trịnh-Cung cho rằng Nhạc sỹ Trịnh-Công-Sơn ham mê chính trị và là người theo đuôi Mặt trận Giải phóng miền Nam. Thế thì đã sao? Một đấng nam nhi trong thời lọan nước chẳng lẽ không biết chọn chỗ đứng của dân tộc, của đất nước, giống nòi để mà phất cờ sao? Nếu Trịnh-Công-Sơn cũng như bất kỳ người Việt nam nào phải đứng về một bên chiến tuyến thì đó cũng là vận nước mà thôi, theo đâu là tùy, cưỡng cũng không phải dễ. Đã biết bao kẻ chết trận hay ngồi tù mà mình đâu có muốn đầu quân. Riêng tôi, cho dù Trịnh-Công-Sơn có bị cả hai phía Việt nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lôi kéo về phía mình thì đó đều là điều đáng quý ở anh và cũng thật là dễ hiểu. Vì sao? Vì những người tài ba và đức độ có uy tín lớn, được nhiều người kính trọng thì mới có sức hút để mọi phía, mọi đối tượng lôi kéo như vậy. Cái chính yếu là Trịnh-Công-Sơn biết hành xử như thế nào mới là điều đáng nói. Còn như Trịnh-Cung nói Trịnh-Công-Sơn luôn mê gái đẹp và nhiều gái đẹp đã mê anh, chết vì anh. Thế thì đã sao? Một nhạc sỹ có nhiều người mê, thầm nhớ vụng yêu cũng là lễ thường tình xưa nay. Trái tim ai nhậy cảm, đa tình, sầu cảm, lãng mạn v.v… thì thơ và nhạc mới có men thu hút người nghe. Cái cốt yếu là Trịnh-Công-Sơn chẳng phụ một ai và chẳng có ai khi đã dời vòng tay của anh với bất kỳ lý do hoàn cảnh nào mà không giận trách anh một lời mà chỉ đeo đẳng nỗi nhớ nhung mong có ngày tái ngộ. Tại sao cùng một thế hệ, từng là bạn thuở đó mà Trịnh-Cung thì chẳng được như vậy và kết cục cũng chỉ là con tốt bị đưa lên đưa xuống hoài, lúc làm thân tay sai, đầy tớ lúc vào lao ngục cải tạo thật còn gì đẻ mà khoe khéo, đánh bóng con người mình bằng chiêu hạ-liệt đến như vậy. Hoa có thơm thì bướm ông mới đến, “hữu xạ tự nhiên hương” nếu ai đó có đức thì ngồi trên non cao rừng thẳm vẫn có kẻ tìm, còn như hòn đá cuội trơ, ngồi bên sân đình chẳng ai muốn ngó. Đó là đạo lý mà Trịnh-Cung phải nên thấu tỏ. Kẻ cả khi Trịnh-Cung nói gì đi nữa thì việc anh ta làm càng làm cho người ta yêu nhạc sỹ này hơn lên, như ngọc đã trau truốt, kỳ cọ thì càng sáng hơn mà thôi.
Riêng tôi, tôi quý mến trâng trọng Trịnh-Công –Sơn chẳng riêng vì những bản nhạc và lời bài hát thật hay mà anh đã cống hiến cho đời mà còn vì thấy anh là một người hiếu đạo, biết lẽ luân thường đạo lý, biết trọng pháp Nhân-quả, Nghiệp báo trong Phật đạo để tu tâm mình. Cho nên những lời của Trịnh-Cung nói hôm nay tôi không có chút tin và nhân đây xin nói lời nhắc Trịnh-Cung đừng thêm sa hố thêm nữa. Hãy nghe Trịnh-Công-Sơn tâm sự qua bài Một Cõi Đi Về với đoạn :
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về .

Tôi sống xa đất nước, không có dịp về thăm quê hương anh, chẳng được dịp đặt trên mộ anh bó hoa và thắp nén hương thăm viếng. Nhân đây cũng là lời tri âm với anh vậy.
Thương tiếc vô vàn.
Hà-lan, ngày 5 tháng 4 năm 2009.
Nguyễn Hoàng Hà

- 07.04.2009 vào lúc 3:21 am

  • vietnguyen viết:

1) Xin lỗi anh DTQ nếu những ý kiến của tôi vô tình đụng chạm đến anh (mà quả thật tôi cũng không biết vì sao ý kiến của tôi làm anh nhảy dựng lên như vậy?).

2) Tôi thấy các ý kiến “chửi” TC thật buồn cười khi mà họ viện dẫn tài năng âm nhạc của TCS để bào chữa cho những “tham vọng chính trị” (theo lời TC) của TCS. 2 phạm trù này có liên quan gì đến nhau?

3) Thật là buồn cười (và buồn muốn khóc) khi mà chỉ một bài viết như thế của TC làm bao nhiêu văn nghệ sỹ (đọc báo TN) nhao cả lên. Trong khi đó biết bao vấn đề lớn lao hơn nhiều (bauxit, hải đảo, biên giới, …) thì chả thấy họ đâu. Im như thóc!

- 07.04.2009 vào lúc 4:43 am

  • haorua1983 viết:

Một trí thức đích thực khi đọc bài viết này phải suy ngẫm, hít sâu và tìm hiểu xem đúng hay sai và bài viết này mang đến cho chúng ta cái nhìn như thế nào về nhạc sĩ Trịnh công Sơn. Ngạc nhiên thay cho thái độ giận dữ của những ai đọc bài viết này. Ông Trịnh Cung có quyền viết, chúng ta đón nhận và đọc. Người viết ra câu này chỉ là thế hệ 8x, chúng tôi sẽ nhìn các chú bác cha anh như thế nào khi một bài viết có tính đi ngược dòng chảy bị vùi dập ngay!

- 07.04.2009 vào lúc 5:19 am

  • do saigon viết:

Trước tiên, tôi chân thành hoan nghênh BBT TC Da Màu đã không ngần ngại như những đồng nghiệp trong nước thông tin đến bạn đọc những bài viết cần thiết.Đồng thời tạo điều kiện để bạn đọc bày tỏ lập trường, quan điểm cá nhân.

Kế đến, tôi chân thành bày tỏ lòng cảm phục đối với tác giả Trịnh Cung. Lòng cản đảm khi bày tỏ chính kiến của tác giả thật đáng quý.

Sau hết, tôi thật sự lấy làm buồn vì quá ít người cổ vũ dũng khí của tác giả. Dẫu rằng chuyện của tác giả và nhạc sĩ họ Trịnh chỉ là chuyện của hai người,và phải 30 năm sau mới đủ dũng khí để giải bày, nhưng cũng đủ khiến tôi cảm khái.

Bác học Lê Quý Đôn có nói 1 trong 5 biểu hiện của quốc gia suy vong, bất kể thể chế nào, là “sĩ phu ngoảnh mặt”. Tôi thấy bậc sĩ phu thời nay có lẽ phải có vài phần dũng khí của
một Trịnh Cung, một Nguyễn Khải… Đừng tiếp tục quay lưng, ngoảnh mặt mà có tội với quốc gia, dân tộc, để hậu thế chê cười về sau.

- 07.04.2009 vào lúc 5:23 am

  • Thuong Nguyet viết:

Trong những comments trên, có một số bạn vẫn hỏi: “tại sao mọi người không đi tìm hiểu sự thật mà lại đi chê trách người viết vì…”. Chứng tỏ các bạn không theo dõi đầy đủ những phản hồi về bài viết của hs TC. XIN ĐỀ NGHỊ CÁC BẠN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA lÊ MINH QUỐC TRÊN BÁO THANH NIÊN NGÀY 4.4.2009 VÀ BÀI KẾ TIẾP CŨNG TRÊN BÁO THANH NIÊN để nắm thêm một số thông tin rồi ta…suy nghĩ tiếp!

———
Bình luận của BBT Da Màu:

Quý bạn đọc không cần phải đi đâu xa, trang “Đọc trên mạng” của Da Màu có link vào những bài viết liên hệ, kể cả các bài viết trên Thanh Niên Online.
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể tìm giúp Da Màu bất cứ trang mạng nào trong nước có link đưa thẳng vào bài của họa sĩ Trịnh Cung trên Da Màu không nhé? Hoặc ít nhất để nguồn với đầy đủ tên tuổi của tạp chí Da Màu hay chỉ một cách mù mờ “một trang web ở hải ngọai.”

Xin bấm vào đây để đọc những link quan trọng:

Đọc trên mạng: Chung quanh “Trịnh Công Sơn and Tham vọng Chính Trị” của Trịnh Cung

- 07.04.2009 vào lúc 7:11 am

  • Alchemist viết:

Rất nhiều những lời bình phẩm trên đây cho thấy chúng ta đã sống quá lâu trong cái xã hội luôn nhìn nhận một chiều. Khi có cái gì dị biệt một chút là lập tức nảy sinh thái độ phản kháng tới bến, và không bình tâm được để nhìn nhận chân xác xem nó là cái gì.

Đôi khi tôi tự hỏi những người bảo vệ TCS ở đây phải chăng họ cũng đang muốn bảo vệ chính mình, rằng cái gì lâu nay mình vẫn nghĩ là đúng và nếu có gì thay đổi, có gì dị biệt thì họ sẽ phải thừa nhận sai lầm của mình?

Tôi nghĩ việc TC muốn PR cho mình (nếu có) qua bài viết này thì cũng chẳng có gì là xấu. Vấn đề là ở chỗ nội dung của bài viết có chính xác hay không. Tiếc là cơ sở để kiểm chứng không có. Nhưng điều này cũng là dễ hiểu vì tính đặc thù thể lọai của bài viết.

Tuy vậy điều rất hay là ở chỗ nhiều ý kiến bình luận đã vô tình làm chứng cứ cho TC. Chẳng hạn ai đó nói TCS suốt ngày cặp kè với mấy cán bộ văn hóa…

Tôi thấy TC đã khơi được vấn đề mà nhiều người vẫn thấy bức bối trong lòng lâu nay về TCS mà giờ mới có một người nói hộ ra. Và chắc chắn bài viết có nhiều chỗ đúng vì có nhiều người ủng hộ TC. Tôi (là người không quen biết những người trong cuộc) ủng hộ TC ở chỗ ông dám nói ra những điều này để mọi người tranh luận.

Tuy vậy, mặc dù TC tỏ ra rạch ròi khi nói về tài năng âm nhạc của TCS, thì chân thành mà nói tôi chỉ thích một số bài của Trịnh Công Sơn thôi, còn lại thì khá nhiều tác phẩm có giai điệu đơn điệu, ca từ khó hiểu, lủng củng. Ông là một nhạc sĩ tài năng nhưng không đến mức như một số người cho là thiên tài. Đặc biệt là làn sóng “bầy đàn” hâm mộ, ca ngợi quá lố vì nhiều mục đích khác nhau khi ông đã mất đi. Đến mức khi có một tiếng nói lạ TC thì họ nhảy vào dập cho tơi bời.

Vậy tại sao không xem đây như một nội dung tham khảo để có cái nhìn đa diện hơn về TCS? ” Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”. Có cái nhìn đa diện về cuộc đời sẽ cho cái nhìn chính diện của tự thân mỗi người. Nếu TC viết sai thì tự ông sẽ phải trả giá khi đối diện với chính mình mà thôi. Những ai có chứng cứ rằng TC nói sai cứ lên tiếng, miễn sao qua đây vẽ lại thực tế hơn về con người TCS. Để mỗi người yêu quý TCS có cái nhìn thực tế hơn về nhạc sĩ. Vì thực ra tranh luận với nhau ở đây chung qui lại cũng là vì những người đang sống. Còn TCS đã mất rồi, ông có quan quan tâm nữa đâu.

Xin cảm ơn DA MÀU

- 07.04.2009 vào lúc 7:52 am

  • vietnguyen viết:

Tôi đọc bài của Đỗ Tuấn trên báo TN và thấy một ý kiến từ một “văn nghệ sỹ” như thế này: “Nhân danh những người yêu quý nhạc sĩ TCS, tôi cám ơn Báo Thanh Niên đã cho in bài báo này. Đọc xong bài báo, tôi rất thất vọng về họa sĩ TC.”

Không biết báo TN đã cho in bài báo nào? Bài trên Da Màu hay bài của LMQ? Nếu TN có đăng lại bài của TC trên Da Màu thì sao tôi tìm mãi không thấy? Còn nếu chỉ đọc mỗi bài của LMQ mà dám phán một câu như vậy thì chịu.

Nếu một người có chút tự trọng nào trong số các văn nghệ sỹ khi được hỏi ý kiến trên báo TN, ít ra phải nói thế này: “báo TN chỉ đăng mỗi bài của LMQ mà không đăng hoặc dẫn link bài của TC nên tôi không dám có ý kiến”.

- 07.04.2009 vào lúc 8:11 am

  • Minh Đức viết:

Bạn “do saigon” viết: “Dẫu rằng chuyện của tác giả và nhạc sĩ họ Trịnh chỉ là chuyện của hai người,và phải 30 năm sau mới đủ dũng khí để giải bày”.

Theo tôi thấy thì đây không phải chuyện của hai người, Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn, mà là chuyện giữa Trịnh Cung và các ông Hoàng Tá Thích, Bửu Chỉ viết sách nói Trịnh Công Sơn là phi chính trị, là không quan tâm đến chính trị. Chính vì để phản bác lại các cuốn sách nói là TCS phi chính trị, không quan tâm đến chính trị mà Trịnh Cung đã đem những mẩu chuyện mà mình biết về TCS ra cho mọi người thấy. Điều mà Trịnh Cung muốn mọi người thấy ở đây không phải là thấy cá nhân TCS có tư cách tệ hại hay xấu xa thế nào mà Trịnh Cung muốn mọi người thấy các ông Hoàng Tá Thích, Bửu Chí tán tụng rằng TCS phi chính trị, không quan tâm đến chính trị là không đúng sự thật.

- 07.04.2009 vào lúc 8:55 am

  • Quân viết:

Tôi vô cùng biết ơn Họa Sĩ Trịnh Cung đã đem lại cho chúng tôi thêm 1 câu chuyện nữa về cuộc đời của nhạc sĩ TCS, và thực tình khâm phục hơn nữa khi đây là câu chuyện mang tính ” đi ngược dòng chảy” như các vị đã nói ở trên. Xin có một vài ý kiến thế này :

1) Tham vọng , lòng tham, ham muốn , con người ai cũng có cả. TCS có tham vọng nổi tiếng ư , có tham vọng giàu có ư, có tham vọng nhiều vợ đẹp ư, có tham vọng làm chức lớn trong Chính phủ ư ? Đó là quyền của TCS, quyến mơ mộng.Vậy là ngay từ cái tựa đề đã không hợp lý rồi, nên là “TCS & Chính trị” chăng ?

2) Tôi đọc bài này qua lời bạn bè kể lại và tôi sốc nhứt với 2 đọan đối thoại mà bạn tôi đọc nguyên văn lại cho tôi nghe : “Mày có tư cách gì mà hát ở đây!” và “Mày là thằng mặt lồn!” .Theo bài của anh Lê Minh Quốc đã xác minh được 2 câu nói nầy hoàn toàn sai sự thật.Vậy tại sao TC lại đưa 2 câu đó vào bài của mình ? 2 câu nói đó từ đâu mà ra ? Phải chăng bài viết của TC là dựa trên 1 thiên trường những “hình như, nghe đâu, chắc là vậy, tui nghe là” nghĩa là toàn những lời được thuật lại từ 1 người thứ 3 ? Mà người đó chưa chắc đã nói đúng, hay chỉ là những chuyện người ta nói khi quá chén ? Hay là một ý đồ của TC nhằm bêu xấu người BẠN THÂN của ông ?

Thiết nghĩ, một “dòng nước ngược” có thể là rất hay, có thể đánh thức cả một tâm tưởng, một xã hội nhưng chúng ta phải tỉnh táo xem liệu là “nuớc ngược” hay “nước độc” ? Phải chăng chỉ là 1 chiêu PR của TC để người ta chú ý hơn tới bài của ông, bằng chứng là cả mấy chục văn nghệ sĩ phải xôn xao lên đây phản ứng!

3) Tôi cũng đang gặp tình trạng “đi dòng nước ngược” y như TC vì không ai chịu tin tôi trong 1 chuyện ở trường.Khi tôi lập forum bàn về chuyện đó thì ai cũng nhảy vào đập vài câu “Rảnh quá lo chuyện bao đồng”, “Đó là chuyện riêng của người ta” và nhứt là “Viết ra với mục đích gì đây ?”
Xin hỏi các bạn, tiêu cực học đường có phải chuyện bao đồng không, có phải không ảnh hưởng tới mình và các học sinh khác không ? Và đấu tranh chống cái ác là xấu à ?
Có 1 vài ý kiến ở trên đã nói “viết ra với mục đích gì” -> Tôi xem những người này là những người ích kỷ và hèn nhát, chỉ biết quay lưng khi thấy cái xấu ! Xin lỗi khi đụng chạm đến ai.

4) Dù cho TC có mục đích gì đi nữa thì tôi vẫn rất cảm ơn vì đã hé lộ thêm 1 chuyện về TCS, nhưng thiết nghĩ người đã khuất rồi,xin đừng chê trách nữa và nếu có dịp hãy viết bài xin lỗi TCS dẫu TCS không hề hòan hảo, nhé :).1 người tôi rất yêu quý đã nói rằng “Những ai yêu NHẠC TCS đều không phải là người xấu” . Và chúng ta vẫn cứ yêu nhạc Trịnh, vẫn yêu “Cuối cùng cho một tình yêu” vì dẫu sao, TCS cũng đã về với cát bụi rồi.Hãy để ông yên nghỉ :)

- 07.04.2009 vào lúc 9:15 am

  • Vo Huu Quang viết:

Kính thưa Các Anh Chị (những người hoặc đồng hành hoặc sẽ không đồng hành cùng NS. Trịnh Công Sơn trong quan điểm sống/ chính trị / hoặc gì gì khác nữa…)

Giờ này đây trên trang chủ http://www.damau.org này, phần hiển thị bài viết của Nghệ sĩ Trịnh Cung sắp sửa nhảy sang 1 trang khác rồi đó. Chúng ta hãy cùng nhau tạm dành một chút thời gian suy niệm lại về 1 bài hát có tựa “Ở trọ” của Cố NS. TCS đi.
Bài hát được viết vào năm 1973, vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nhất của cuộc chiến tranh trên đất nước chúng ta. Vào giai đoạn mà bất kỳ 1 chính trị gia nào cũng có thể mưu sự cho 1 tham vọng chính trị nào đó, thì TCS lại âm thầm nhạc hóa những “Ngôi lời” mà theo thiển ý của tôi tin chắc rằng Đức Phật hay Chúa Giêsu nếu còn tại thế lúc ấy thì chắc chắn Các Ngài sẽ phong cho Nhạc sĩ làm Á Thánh trên Thiên đàng đó. Vì sao ? Bởi vì Thuyết Vô ngã Vô thường luôn là lời dạy xuyên suốt và cuối cùng của Các Ngài cho nhân thế. TCS đã thực sự đắc đạo lắm khi đã thi hóa và nhạc hóa lời dạy của Các Ngài tuyệt diệu đến thế, có sức hấp dẫn con tim của bao thế hệ đến ngày hôm nay :

Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Sương kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng

Mây kia ở đậu tầng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Tim em gửi trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần

Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành

Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời

Đó, các bạn thấy chưa. Lời chân thành sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn. Có lẽ chúng ta sẽ cám ơn HS. Trịnh Cung đã tạo cơ hội này cho chúng ta. Người Thiên Cổ (như TCS) thì chắc chắn không còn biết giận ai bao giờ, còn HS. TC thì cũng đã khẳng định thiện chí rồi: thật tâm của Ông là cho mọi người hiểu rõ hơn thần tượng của mình.

Vậy chúng ta hãy xí xóa đi nhé ! và hẹn nhau 1/4/2010 năm sau.

Chào thân ái!

- 07.04.2009 vào lúc 9:55 am

  • Nhat Minh viết:

Khi cuộc chiến VN kết thúc, tôi chỉ là cậu bé lớp 1 nhưng tôi vẫn còn nhớ những bài tình ca, ca khúc da vàng TCS mà ba mẹ thường hay mở buổi tối, ca từ hoàn toàn khó hiểu với cậu bé như tôi. Khi lớn lên tôi cũng hay nghe lén nhạc TCS với gia đình bằng các băng nhạc casette còn giữ lại trước 1975, hoặc đài BBC. Giai đoạn mở cửa thì được nghe công khai hơn. Tôi chưa bao giờ thần tượng TCS, mặc dầu tôi yêu thích những bài nhạc tình yêu, thân phận con người trong chiến tranh của TCS. Gần 35 năm kết thúc cuộc chiến, quan điểm cách nhìn nhận của tôi về cuộc chiến VN vẫn không thay đổi dù lúc còn sống tại quê nhà hay ra Hải ngoại, về lại VN tôi vẫn nói với bạn bè rằng tôi thấy thương cho những VN chết trong cuộc chiến này bằng bom đạn Made in USA, USSR, China, Poland, Bulgaria, Slovakia….Tôi thương cho những anh lính bộ đội chính qui chết trên đường Trường Sơn cũng ngang bằng các anh lính VNCH chết ở Pleiku, Đắc Tô, Hạ Lào, Quảng trị mặc dù ba mẹ tôi là người của VNCH rất ghét CS. Chiến tranh ý thức hệ!

Là một nhạc sĩ nổi tiếng tài ba như TCS nhưng cách nhìn thời cuộc và quan điểm của TCS rất là “ba phải” không có lập trường gì cả. Làm sao có thể tôn sùng hay kính phục được?

- 07.04.2009 vào lúc 10:44 am

  • Van Nguyen viết:

Tìm hiểu SỰ THẬT là mong muốn của tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều bạn đọc và một số văn nghệ sỹ khi đọc xong bài viết của TC, phản ứng đầu tiên của họ là thương tiếc cho TSC, giận dữ và trách móc TC sao viết như vậy đối với TSC - một người vừa là bạn, vừa là người được dân chúng (trong đó có tôi) yêu mến, kính trọng. Như vậy nhận định của các bạn về bài viết của TC có khách quan không?

Khi một ai đó viết về một ‘’nhân vật lịch sử’’, điều đầu tiên là chúng ta phải xem các chứng cứ, lập luận của bài viết có khoa học, logic hay không; chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chỗ nào cần thêm chứng cứ để đưa ra kết luận. Dưới con mắt của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thì một phó thường dân hay một vĩ nhân hay một thánh nhân đều được đem ra ‘’mổ xẻ’’ như nhau ở mọi góc cạnh.

Các bài viết và bình luận ở các báo như Da Mau, BBC, Thanh Niên, Lao Động, Vietnamnet.vn … sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm cuộc đời của TSC. Và tôi rất mong có nhiều bài viết theo dạng ‘’ngược gió’’ giống như của TC ở tất cả các lĩnh vực, để mọi người cùng thảo luận đa chiều (chứ tôi không thích kiểu đưa tin một chiều như Báo Thanh Niên).

- 07.04.2009 vào lúc 11:06 am

  • Tuấn Anh viết:

Kính gửi ông Trịnh Cung

Trong Bi Kịch Trịnh Công Sơn ông viết thế này:

“Bởi vì chúng ta là những con người chọn dân chủ, chọn tự do thì phải tôn trọng tự do của kẻ khác; vì vậy cho nên chúng tôi vẫn chơi với nhau trong tình người, còn việc làm của ai thì người đó đeo đuổi riêng của họ.”

Ông đã nhận thức được rằng “công việc của ai thì người đó làm”, và những ràng buộc về quan hệ, công việc, xã hội đã kết nối những “công việc” riêng đó lại với nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải “tôn trọng tự do của kẻ khác” phải không? vậy thì hà cớ gì, với tư cách một người bạn thân của Trịnh Công Sơn ông lại băn khoăn, thắc mắc, hoài nghi quan điểm chính trị của NH TCS? Ông có quan điểm của ông, NS TCS có quan điểm của ông ấy, ông dựa vào điều gì để phán xét và tỏ ý muốn “cứu vớt” cuộc sống “lầm lạc” của ông ấy? Chỉ vì ông đánh giá rằng TCS không cùng chí hướng với ông?!

Cho dù những gì ông viết về TCS là đúng hay sai, là dở hay cần phải hoan nghênh thì tôi cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: tôi rất e sợ với kiểu người không biết rộng lòng với quá khứ và đem người đã khuất; nhất là khi người đó từng là bạn thân mình ra phán xét đúng sai!

- 07.04.2009 vào lúc 11:07 am

  • tanHO viết:

Đã lâu lắm rồi tôi đã không nghe nhạc Trịnh Công Sơn (TCS) do những tất bật của cuộc sống. Những ngày qua, nghe mọi người thảo luận sôi nổi về bài viết của họa sĩ Trịnh Cung (TC) về TCS, tự nhiên muốn nghe lại những dòng nhạc đó. Lục tìm trong đống CD để tìm cho ra bộ CD 4 đĩa do Khánh Ly và TCD thực hiện trước 1975, vừa lái xe vừa nghe và tôi đã chiêm nghiệm ra những điều cho riêng tôi (tôi nói rõ là cho riêng tôi thôi nhé):

1. Hình như nhạc TCS chỉ hay với bản thân mỗi người ở một giai đoạn nào đó? Tôi đã từng mê nhạc Trịnh từ tuổi thiếu niên, suốt ngày nghe và hát nhạc Trịnh nhưng sao giờ đây nghe lại tôi không còn có được những xúc cảm như trước đây. Phần ca từ, điều mà nhiều người (trong đó có tôi/đã từng) ca tụng sao giờ đây nghe lại thấy lòng dững dưng quá, có lẽ càng lớn tuổi tôi mới thấy được sự vô thưởng vô phạt của nó. Giờ đây, càng nghe nhạc Trịnh càng thấy người “nhão” ra, và cảm giác chán chường càng lấn tới.

2. Trở lại bài viết của TC, tôi thấy nó hoàn toàn cần thiết vì đã mở ra một cái nhìn khác về TCS. Chúng ta không thể thần thánh hóa bất cứ một cá nhân nào dù đó là Hồ Chí Minh hay Trịnh Công Sơn để rồi đem lại cái nhìn lệch lạc cho thế hệ sau. Nếu bình tâm nhận xét những tác phẩm sáng tác trước và sau 1975 của TCS, ta sẽ nhận ra một phần nào rất “con” trong con/người nhạc sĩ. Không cần so sánh đâu xa, chỉ cần so sánh hai nhạc sĩ, TCS và Văn Cao ta sẽ thấy ngay TCS không “thần thánh” như mọi người nghĩ. Thật ngạc nhiên khi có nhiều người, trong đó có cả những nhà thơ nhà văn nổi tiếng lại nhảy dựng lên vì bài viết của họa sĩ TC. Tệ hơn nữa, không biết có phải vì đã quen kiểu báo chí “bầy đàn” trong nước hay không mà ông Lê Minh Quốc đã “hò hét” trên báo “lề phải” trong nước nhưng lại “quên” không đăng bài của TC cho mọi người tham khảo, như vậy có công bằng với tác giả?

3. Cuối cùng, xin trích là lời kết trong bài viết của TC : “Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật. Nó có thể sẽ làm tan đi hình ảnh một TCS được tô vẽ bởi những huyền thoại và ảo ảnh lấp lánh trong lòng ai đó, nhưng sẽ trả lại một TCS thiên tài đích thực của âm nhạc như nó vốn có, để mọi người nếu đến với nhạc Sơn thì sẽ có được cơ may yêu mến trọn vẹn một con người có thực, chứ không phải một thứ tượng đài được nhào nặn, tô vẽ và dựng lên vì một mục đích riêng. Đã đến lúc sự thật đó cần được trả lại cho những người Việt đã, đang và sẽ mãi còn coi nhạc Trịnh là lẽ sống của mình, mang nó theo mình như một thứ tài sản vô giá dù đi đến bất kỳ đâu, dù ở chiến tuyến nào.” Và tôi nghĩ đây là điều không chỉ TC mà còn rất nhiều nhiều người muốn nói về những gì đã, đang và sẽ xảy ra khi nói về TCS.

- 07.04.2009 vào lúc 11:07 am

  • Nguyễn Houston viết:

Tôi nghĩ rằng họa sĩ Trịnh Cung nên gửi gắm những điều ông muốn nói vào một tác phẩm hội họa nào đó -vốn là sở trường của ông- hơn là viết bài này.Ở đó ông tha hồ vẽ nên chân dung chính trị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo cách nhìn của ông mà người thưởng ngoạn sẽ không đòi hỏi sự rõ ràng về mục đích ( viết để làm gì? có cần phải như thế không?…), sự nhất qúan trong cách nhìn ( trước khen ,sau chê,…?), sự chính xác trong những sự kiện trích dẫn ( chuyện nhạc sĩ Tôn thất Lập, Hoàng Hiệp, chuyện ở Huế, chuyện cấp thẻ thành phần thứ ba,….) và nhất là ông sẽ không phải phơi bày những nhận định cảm tính ,kẻ cả, mang tính kết án (mê gái, xu nịnh,…)như trong một bài viết thiếu sức thuyết phục, gây nên qúa nhiều tranh cãi như vậy.

- 07.04.2009 vào lúc 11:15 am

  • Vĩnh Trường viết:

Tôi cảm nhận một ý quan trọng trong bài của hoạ sĩ TC là trách TCS sau 1975 muốn có tham vọng chính trị (đúng hơn là tham vọng chính trị quyền lực cho cá nhân), điều này tôi không đồng cảm,dù những suy nghĩ của tôi chỉ mang tính chủ quan nhưng tôi tin điều đó bởi lẽ bản chất và nội tâm con người sẽ không dấu được trong những tác phẩm của mình,và chính sự phi vụ lợi chính trị cá nhân đó là một phần tạo nên sự yêu mến của mọi người với âm nhạc TCS.

Về những bài comments của độc giả, tôi không hiểu tại sao người ta cứ buộc TCS phải đứng bên này hay bên kia hẳn hoi trong giai đoạn lịch sử trước 1975? .Đứng phía nào cho đúng trong giai đoạn này?Đó là câu hỏi không dễ cho lớp trí thức trẻ lúc đó trong tình thế đau thương và mịt mù của dân tộc và TCS đã chọn con đường đấu tranh phản chiến,không chống bên này hay bên kia mà chống chiến tranh (và như vậy cũng là làm chính trị rồi-nhưng không có tham vọng chính trị cá nhân), thân phận và âm nhạc TCS cũng là thân phận hàng triệu thanh niên VN lúc bấy giờ; Vì vậy mà những “Ca khúc da vàng”, “Nối vòng tay lớn “… của TCS mới đi vào hàng triệu trái tim thính giả.
Vì vậy không thể nói TCS phi chính trị,nhưng có thể nói chính xác rằng không thể có một TCS có tham vọng chính trị quyền lực cho cá nhân. Qua âm nhạc TCS tôi tin vào điều đó.

- 07.04.2009 vào lúc 11:46 am

  • Taurus viết:

Taurus nghĩ rằng Taurus nên là người cuối cùng comment cho chủ đề này, tại đây. Bởi vì:

* Mục đích của Trịnh Cung cho bài viết của ông, theo ông nói, là để cho sự thật được giải thoát (hình như ông không hẳn là nói vậy, mà là Taurus biên tập lại như vậy).

* Mà đã là những vấn đề liên quan đến sự thật, thì những tranh luận liên quan(/xuất phát) đến(/từ) cảm tính như yêu thương, ghét bỏ vân vân và vân vân dành cho hai nhân vật chính, hoặc quan điểm chính ‘chị’ chính em trước hay sau cột mốc 1975 đều nên được coi như là … không liên quan.

* Vậy thì chỉ còn sự thật (/tưởng là sự thật) mới nên được lên tiếng. Và như vậy, thì đến giờ phút này (ít nhất là đến thời điểm Taurus lên tiếng) chúng ta đã chẳng còn gì để mà lên tiếng nữa cả. Vì sự thật hay không sự thật dường như đã lộ diện đầy đủ cả. Các nhân chứng sống ít ỏi được ông Trịnh Cung chủ quan (chắc nghĩ họ sắp chết) đưa vào bài viết đã trực tiếp hoặc gián tiếp lên tiếng phủ nhận. Những gì tìm được từ Google không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ nhân chứng sống nào KHÔNG phủ nhận những điều ông Trịnh Cung đã nêu ra để minh họa cho ý tưởng của ông cả.

Vì thế, cho nên, có lý do gì chúng ta loay hoay ở đây, mắc kẹt vào bài viết mà tựa đề và nội dung rất là không ăn nhập gì với nhau cả. Chưa kể là kết cấu bài viết rất lộn xộn. Lại còn chưa kể thêm nữa là đầy rẫy những tiểu tiết (theo cái kiểu rất tiểu nhân), hoàn toàn không có chút nào xứng đáng với tầm vóc của một bậc tri thức tài hoa, hào hoa và đào hoa như Trịnh Cung. Trong khi ông Trịnh Cung thì… không biết đi đâu mất rồi !

Tái bút: Taurus thì nghĩ rằng, từ đầu đến cuối bài viết, ông Trịnh Cung chỉ mượn ns Trịnh Công Sơn ra để mà mắng vào mặt… ông Hoàng Hiệp thôi à!

- 07.04.2009 vào lúc 11:47 am

  • lykhách viết:

Cho tôi nói với,

Phật cũng là một con người
Thấy trước và biết tới
Nên Phật xuất gia, vượt kiếp luân hồi
Phật cũng phần nào giúp anh giúp tôi.
Chúa thì từ trời
Lại chịu xuống làm người
Dù đã biết trước hết
Sẽ khổ vì anh khổ vì tôi…
Nhưng cũng mong một ngày anh và tôi sám hối

Trịnh Công Sơn cũng là một con người
Không là Chúa, cũng không là Phật
Chỉ là một nhạc sĩ thôi
Một nhạc sĩ dám hát được nói…tự do một thời
Không bởi vì anh cũng chẳng vì tôi
Cũng chẳng ai dám đòi hỏi
Tính ra như thế cũng đủ rồi.

Ai yêu nhạc Trịnh thì cứ yêu
(chắc cũng có anh, cũng có tôi)
Hát nhạc Trịnh thì cứ hát
(anh có hát không? tôi chỉ biết nghe thôi,
chứ rống lên sợ thiên hạ cười!)
Nhưng tự do có nghĩa là nên được nói,
Chuyện đang xảy ra, chuyện sắp tới, chuyện đã rồi…
Cho biết rõ, chứ không cần định tội
Cũng chẳng cần phải thờ phượng một con người
Rất người, sống rất người, cũng ăn, ngủ, nhậu…
cũng như anh cũng như tôi
Có điều chi tự hào
Có điều chi để thán phục
Khi nói, nhắc về đất nước về đồng bào
Khi sau chiến tranh dân vẫn còn khuất nhục
Anh em vẫn còn… lục đục
Chút chữ nghĩa, chút tài hoa, chút tri thức
Đã giúp gì chưa cho đất nước nhục nhằn:
Một bầy cô gái Việt đứng ngồi la liệt
Cho một tên Tàu, một tên Hàn nhìn, sờ, lựa cho biết
Xem đứa nào đáng giá nghìn Đô
Bao nhiêu người dành giựt đổ xô
Đi kiếm cơm ở bến bờ xa lạ…
Cũng chẳng cần nói đâu xa,
Chính ở tại đất mẹ quê cha,
Mà để tụi ngoại bang nó tát tai, đạp, đá…
Biển mất, đảo mất, tình người nghiêng ngã…
Quê hương còn thế thì có nhằm nhò chi một nhạc sĩ, danh ca
Một triết gia, một ông, một bà…
Nhưng mà có một điều đáng nói
Khi định nghĩa về chữ “sỹ”
Binh sĩ là người dám đánh, dám phiêu bạt
Ca sĩ là người hát hay và thích hát
Nhạc sĩ là người sáng tác
Thi si làm thơ thay nhạc
Họa sĩ vẽ vời hay hơn kẻ khác….
Sĩ nào cũng là sĩ
Đều khác.
Nhưng kẻ sỹ là kẻ có tâm hồn bất bạt
Dám sống, dám nói, dám làm và sống hơn kẻ khác
Ở cái sĩ khí cao hơn, khí phách bàng bạc
Trong đời sống bình thường, chứ chẳng phải riêng trong thơ với nhạc
Tôi thật chẳng dám khoác lác
Nếu chỉ vì một ít bài thơ, bài văn, bài nhạc…
Mà thần tượng tôn thờ sao, hóa ra cũng bạc
Khi Dân trong thơ còn khổ, Nước trong nhạc còn xơ xác
Thì có chi đâu một sĩ ca, sĩ nhạc?
Tôi ưa nhạc, thì lâu lâu cũng hát
Nhưng cũng không có nghĩa là
Ông ta trên hết mọi kẻ khác
Chỉ chỗ này ổng khác:
là nhạc!

Chút góp ý đơn sơ, viết bằng văn vần
cho khang khác!

lykhách

- 07.04.2009 vào lúc 3:45 pm

  • Hoàng Kỳ Nam viết:

Bài viết của TC cũng mang trong nó cả yếu tố tích cực : không nên quá thần tượng, tuyệt đối hóa về một con người.
TC viết về TCS là sự thật hay không, tôi không thể kiểm chứng, nhưng nếu tất cả đều đúng sự thật thì cũng không sao cả vì tôi (mà nhiều người) vẫn yêu quý nhạc Trịnh bây giờ và mãi mãi.

- 07.04.2009 vào lúc 5:01 pm

Em quan niệm rằng. Chẳng có ai trong chúng ta đây là hoàn hảo cả, trong suốt một cuộc đời, hay trong mỗi giai đoạn, hay trong mỗi hoàn cảnh, hoặc cụ thể trong mỗi hành động…chúng ta đều mang trong đó lẫn lộn những sự đúng/sai. Bởi vì đây là vấn đề xã hội, mà vấn đề xã hội nó hoàn toàn khác với các vấn đề khoa học kỹ thuật.
Nếu là vấn đề khoa học kỹ thuật thì dễ, sự đúng sai có thể phân định bằng các công thức, quy trình, quy phạm..v.v. hoàn toàn tâm phục khẩu phục.
Còn đây là vấn đề xã hội, thật sự là rất khó, bởi vì vấn đề nhận thức, quan điểm về đúng/sai trong mỗi con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Quốc gia mà mình đang sống (vị thế quốc gia, thể chế chính trị, nền tảng giáo dục, sự phát triển khoa học kỹ thuật..v.v..), giai đoạn lịch sử mình đang sống (chiến tranh, hòa bình, kinh tế phát triển, khủng hoảng kinh tế..v..v.), môi trường sống trong xã hội (công việc mình làm là gì? Giáo dục, nghiên cứu, kinh doanh, chính trị, làm nông..v.v..), môi trường gia đình (gia giáo, phức tạp…v..v.). Mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau về chuyện đúng sai trong mỗi hành động/ sự việc mà mình gặp trong cuộc sống. Một bản nhạc cũng vậy thôi, có người say ngất ngây, có người không thể nghe hết được một nửa, có người lúc trẻ lại mê ly, khi về già thì lại thấy nhảm nhí.
Như vậy, nếu các Anh/Chị còn tiếp tục tranh cãi nhau… như vậy chắc chắn chúng ta sẽ còn nghe tranh cãi hoài mãi thôi, tranh luận hết ngày này qua tháng khác…..và cũng sẽ không thể phân định được thắng/bại. Có chăng một phe nào đó chán nản quá không thèm comments nữa…và bên kia sẽ ngỡ là mình thắng…thế thôi.
Về bài viết của họa sĩ Trịnh Cung: em cảm giác cái sai của họa sĩ có vẻ nhiều hơn cái đúng.
+ Về mức độ của các “sự thật” trong bài viết: quá mơ hồ. Trích đoạn thư mà họa sĩ đính kèm nó chẳng thể hiện “tham vọng” gì của nhạc sĩ cả…, những dẫn chứng của họa sĩ đã được một số Anh/Chị phát hiện rồi đó…nhầm lẫn hoàn toàn. Đừng trách tại sao không thấy những người trong cuộc lên tiếng. Người Việt mình không thèm biện hộ lại nhau thường vì hai lẽ: một là do nhận thấy mình đã hoàn toàn sai, hai là mình quá xem thường người đó nên không thèm đốp chát lại. Xem cách trả lời của chị Trịnh Vĩnh Trinh với BBC cho em cảm giác như là gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ở tâm trạng của lẽ thứ 2.
+ Về lẽ công bằng của một bài báo phân tích, nhận định: không công bằng. Nhận định về một người khác (đã mất) bằng phương pháp đem người đó so sánh với chính bản thân mình, trong đó ta chỉ lấy những điểm tốt của mình ra, tiếp đó dẫn chứng những điểm không tốt của người kia ra rồi tiến hành phân tích, đưa ra nhận định là chưa ổn.
+ Về tư cách một người bạn, một người đàn ông: Họa sĩ không phải là một người bạn tốt, không phải là một người đàn ông “quân tử”.
Điều tốt nhất mà họa sĩ mang lại không phải là chất lượng “sự thật” trong bài viết mà chính là những dư chấn phía sau nó, nhờ nó mà độc giả của của tạp chí Da Màu được biết thêm khá nhiều thông tin bổ ích về phía sau của những tài năng âm nhạc, và hiểu thêm nhiều về lẽ sống, tình cảm, quan hệ bạn bè.
Về những comments “thuần” chính trị: (đương nhiên em không có quyền, chỉ nói là “mong”) mong các Anh/Chị đừng quên, đúng là chúng ta đang thảo luận về chính trị, nhưng đây không “thuần” chính trị, mà chỉ là “một góc” chính trị trong “ngôi nhà” âm nhạc thôi. Tại sao cứ thấy chỗ nào đông vui ta lại bơi vô quẫy tung cái đuôi chính trị của mình lên? Có nhiều nơi để ta bơi đến vẫy vùng thỏa chí của mình mà, sao không lượn đi chỗ khác cho nước ở đây nó trong?
Về nhạc Trịnh Công Sơn: em cho là rất hay. Nếu nó không hay, nó đã tự đào thải, nếu nó không hay thì không thể có chuyện nhiều bài hát của ông cứ tồn tại mãi theo năm tháng như thế này được. Anh/Chị hãy xem lại những nhạc sĩ Việt Nam mà Anh/Chị biết để xem có bao nhiêu nhạc sĩ đạt được đẳng cấp của ông về mức độ phổ biến, về số lượng bài hát “sống lâu”. Em thấy giới nào hát nhạc Trịnh cũng được cả: ca sĩ chuyên nghiệp, trí thức, công nhân…v…v.. Môi trường nào hát nhạc Trịnh cũng được cả: một sân khấu ca nhạc, hay chỉ cần một cây đàn ghi ta trên bãi cỏ, đôi khi chỉ cần vài đôi đũa gõ leng keng…lách cách trên bàn tiệc…cũng đủ để em cùng bạn bè vui, quên đi những bề bộn lo toan của cuộc sống đời thường…

- 07.04.2009 vào lúc 9:43 pm

  • mùloà viết:

Đọc một số bài Ý kiến ,tôi cảm thấy chúng ta đi lạc đề quá trớn . Vấn đề cần bàn ở đây, Trinh Công Sơn có thực như Trịnh Cung đã viết hay không? Có hoặc không còn tùy thuộc vào phán đoán trải nghiệm của từng người. Trịnh Cung không cần thiết phải lên tiếng để giải thích cho từng nội dung câu chữ. Bài viết như vậy là chấm hết.
Còn nghĩ gì về Trinh Công Son sau khi đọc bài viết này là bản lĩnh riêng của mỗi người. Đừng nói rằng “ông Trịnh đã chết “,,,, nhắc lại chi tội, cũng đừng đưa thành tích trong âm nhạc của Trịnh ra để lấp xoá. Suy nghĩ như vậy đem so với dòng chảy của thế giới hiện nay là rất ấu trĩ. Bởi cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định. Lịch sử phải luôn là sự thật, để làm được điều đó nếu cần thiết người ta vẫn đào mồ người đã chết dù là mười năm hay hai mươi năm hoặc còn hơn thế nữa!
Sống trong Thời Mở Cửa, tôi mong rằng mỗi người Việt chúng ta sẽ trở thành những người Công Dân của THẾ GIỚI với cách nhìn thật sự mới .

- 07.04.2009 vào lúc 10:45 pm

  • Nguyen Nhu Son viết:

Tôi rất ít đọc báo, nghe đài, và đặc biệt, ít thích nghe ca khúc. Thỉnh thoảng tôi nghe nhạc không lời, cổ điển lẫn hiện đại, nhưng phải là loại nhạc có phần hoà âm phong phú. Dù ít đọc báo, nhưng có lần, anh Hồ Công Khanh, bạn tôi, gọi tôi tới nhà, cho xem một bài báo phỏng vấn TCS, hình như đăng ở Thanh Niên thì phải, cách đây khoảng chừng trên 15 năm. Tôi ngạc nhiên khi thấy TCS trả lời phỏng vấn thật khác với những gì tôi đã nghe, qua những đàn anh của tôi, mà vài người trong số họ coi tôi như bạn. Ông TCS, trong bài báo đó (chính mắt tôi thấy), nói với phóng viên rằng từ nhỏ đến lớn ông ta học trường Tây nên nói thạo tiếng Tây hơn tiếng Việt, ông còn nói rằng ông và Khánh Ly học ở Đại học Vạn Hạnh, … nhiều điều trong bài báo đó quá mâu thuẫn với những gì tôi đã nghe về cuộc đời của ông ta. Vào lúc đó, và mãi đến bây giờ, tôi thông cảm với ông ta, bởi vì đã nổi danh, quá sức nổi danh, nên ông cũng như người khác, do chính niềm sợ hãi đời sống mà trong chúng ta ai cũng có, đã phải nói nhiều điều không thật. Ông ta, cũng như nhiều người, sợ hãi vì cái danh (vượt quá cái mà ông ta thực sự có) sẽ tan biến, nên đành phải dối trá.

Dù ít thích nghe ca khúc, nhưng tôi thuộc loại hát nhiều, vì một thời gian dài tôi kiếm sống bằng cách đánh đàn trong các bar ca nhạc, và bạn bè cần tôi trong những lần nhậu nhẹt. Tôi cũng có thích vài bài hát của TCS, khoảng 5 bài trở lại, đó là những bài hát thật hay,đối với tôi.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý quan điểm thần tượng hoá TCS, vì với tôi, một trong các công việc của TCS là viết bài hát (song writer), và bất quá, ông ta chỉ là người thành công trong việc viết bài hát. Ông ta xứng đáng để được báo chí thỉnh thoảng luận bàn đến, như nhiều người viết bài hát khác của VN và thế giới, nhưng tốt hơn, những bậc trí thức đừng hướng dẫn giới trẻ đi vào con đường thần tượng quá đáng, có hại cho trình độ âm nhạc vốn đã quá thấp của quần chúng VN. Tôi tin rằng, những người am hiểu âm nhạc một cách nghiêm túc, sẽ không bao giờ gọi ông ta là nhạc sĩ.

Một người bạn của tôi, trong một lần ngồi bên vỉa hè Sài gòn, nói rằng, “rất nhiều người nổi tiếng, như TCS chẳng hạn, nhưng vấn đề là nổi tiếng với ai. TCS là người nổi tiếng với giới bình dân âm nhạc (một đôi người là Tiến sĩ, nhưng về mặt âm nhạc thì quá nông cạn), trong giới đó, quả thật, ông ta rất nổi tiếng.” Lúc đó, tôi nhìn quanh và lo sợ, ra hiệu bảo bạn tôi im đi, vì sợ ai nghe thấy, sẽ đạp tụi tôi chết mất. Nhưng bạn tôi, dường như cùi không sợ ghẻ, nói tiếp : “Giới bình dân thích nhạc TCS vì nó dễ hát dễ nghe. Hát câu đầu là có thể hình dung câu sau. Ông ta viết bài hát cũng nhằm vào đối tượng đó. Tôi không phục ông ta vì ông ta không bao giờ tìm tòi giai điệu, suốt ngày bằng lòng với những gì mình có. Được xưng tụng là nhạc sĩ, mà suốt đời không tập nỗi một loại nhạc cụ, ghi ta thì chỉ biết vài hợp âm cơ bản. Nếu cắt riêng lời bài hát, lời đó chưa xứng một bài thơ lớn, nó xuất hiện vài câu hay (do ngẫu nhiên), nhưng toàn bài thì bố cục quá tồi, một đôi chỗ ghép chữ gượng ép và tối nghĩa theo kiểu đánh lận con đen (như một vài hoạ sĩ bất tài bày đặt vẽ tranh ấn tượng), một bài thơ như vậy, với ý tưởng vay mượn của hư vô hiện sinh phương Tây (dạo sau này vay mượn của Hư vô Đông phương). Nếu cắt riêng lời bài hát, làm sao sánh nỗi một một Thanh Tâm Tuyền, một Hoài Khanh, v. v… (trong giai đoạn ông ta viết lời bài hát ảnh hưởng Hư vô hiện sinh Tây phương), và làm sao sánh nỗi một Phạm Thiên Thư, một Triều Tâm Ảnh, hay bất cứ một bài thơ nào của một nhà Sư (trong giai đoạn ông TCS bày đặt ỡm ờ ngôn ngữ theo kiểu ta đây quay về với Hư vô uyên mặc Đông Phương). Vậy mà có kẻ tôn xưng ca từ của ông ta lên tận mây xanh.

Còn nếu cắt riêng phần nhạc, thì âm nhạc của TCS có ưu điểm là dễ hát dễ nghe. Ông ta thời trẻ có tập ghita, chơi vào loại tầm thường, biết vài hợp âm, nên hành âm của ông ta cũng đi theo lối dễ dãi đó. Viết quá nhiều bài hát mà nghe điệu nhạc cách cả cây số cũng biết ngay là của TCS. Người đệm đàn không cần tập trước, cứ nhạc TCS, khi đệm, hỏi hợp âm chủ là gì, cứ thế là đệm ngay. Nếu kết hợp cả nhạc lẫn lời, phải thừa nhận có nhiều ca khúc hay. Nhưng đáng buồn là sau 75, ông ta viết nhạc “Cách Mạng”, mà vẫn giữ nguyên giai điệu cũ. Cứ như thay rượu mà chẳng thay bình.”

Bạn tôi lại nói tiếp : “Xem Cung Tiến chẳng hạn, người ta viết ít bài, bài nào ra bài nấy, người ta không viết nhiều vì không muốn dễ dãi với chính mình và thị hiếu của người khác, còn cái ông “nhạc sĩ” TCS này, phải gọi ông ta là người viết “ca khúc chính trị” - như các bề tôi của các chủ nhân ông đất nước này nói, tức là ca khúc sáng tác khoảng 7 đến 10 phút, thì đúng hơn. Cỡ một nhạc sĩ bậc trung, có văn tài và có trình độ âm nhạc, một ngày có thể viết 20 bài kiểu như ca khúc TCS”.

Bạn tôi nói như thế, tôi hoảng hồn đứng dậy cáo từ. Vì tôi biết dân tộc anh hùng của tôi lắm, dân tộc chuyên thần thánh hoá (điều này, vì máu nô lệ quá lâu nên sinh ra bệnh đó). Dân tộc tôi thích thần thánh, mà hễ ai xúc phạm thần thánh của mình thì, eo ôi!

Đối với cá nhân tôi, khi nhận xét về ông TCS, tôi nghĩ, ông ta là nghệ sĩ thành công (nhiều người có tài hơn nhiều, nhưng đã không gặp thời như vậy), và đối với tôi, sự thành công nào cũng do ơn trên phò hộ. TCS là điển hình của một người có nhiều phước đức, có thượng đế hộ trì.

Xét riêng về bài viết của Trịnh Cung, tôi thấy đó là người can đảm. Ở VN, tôi biết, một số người biết quả rõ về TCS, đã từng đồng ý với quan điểm của tôi, nhưng khi thấy TCS nổi tiếng quá thì cũng ăn theo, viết bài ca ngợi. Tôi có nhớ, trước đây, ông Phạm Duy có nói qua phỏng vấn, rằng “anh ta (TCS) thuộc thế hệ những người tôi không quan tâm), thế nhưng, sau này, ông ta ca ngợi, để dọn đường cho chuyến về VN của ông ta.

Tôi cũng mong rằng, sau này, có những nhà nghiên cứu âm nhạc chân chính (chứ không phải những nhà phê bình hiện nay, nói về nhạc sĩ mà chỉ nói về cái lời, không biết về nhạc, và cứ tưởng ca khúc, là toàn bộ âm nhạc thế giới), người đó sẽ vạch ra cho ta thấy điều quá tầm thường trong “âm nhạc” dễ dãi, lặp đi lặp lại của TCS.

- 08.04.2009 vào lúc 12:15 am

  • Anh Tran viết:

“… bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật. Nó có thể sẽ làm tan đi hình ảnh một TCS được tô vẽ…”
Đoạn trich trên nằm trong phần kết luận cua HS Trinh Cung
Tôi rất quý trọng niềm “tin vào điều tốt đẹp của sự thật” của ông. Tuy nhiên, sự thật phải là duy nhất và toàn vẹn! Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì đấy, nhưng một nửa sự thật thì không thể gọi rằng “chưa là sự thật” như ông đã viết mà chỉ là sự giả dối, dốí trá thôi.

- 08.04.2009 vào lúc 1:13 am

  • Nguyễn Quãng viết:

Tôi không tìm thấy trong 600 tờ báo ở đất nước tôi đăng lại toàn bài viết của TC. Chỉ có những bài chỉ trích TC. Vì sao thế?

- 08.04.2009 vào lúc 2:34 am

  • somebody viết:

Tôi thật sự kinh hoàng khi thấy mỗi lần có ai “đụng” đến “tượng đài” TCS là lại phải nghe cả một dàn đồng ca rú lên, gào lên, nức nở rằng “Đừng quên ông ấy là thiên tài âm nhạc, tác phẩm của ông ấy là bất hủ, vĩnh cửu, vv”, và (tái) khẳng định “Ai nói gì thì nói, chỉ khiến tôi càng yêu ông ấy hơn, tôn thờ ông ấy hơn mà thôi.” Lần này cũng vậy. Xin họ hãy đọc lại (và đọc kỹ!) những gì ông TC viết trong bài vừa rồi: Tất cả những lời ca tụng ấy đã được ông (TC) nói lên từ đáy lòng rồi, đâu cần quý vị tín đồ kia phải mất công, mất thì giờ lập lại một cách mê man như vậy làm gì nữa?
Vậy thì, cái còn lại để cho quý vị ấy mở mắt ra mà tập trung vào ở đây không phải là những gì ông TC nói về tài năng của TCS, mà là chuyện khác: Ảo tưởng chính trị của người nhạc sĩ ấy là ngây thơ quá mức cần thiết! Và đây là điều mà tác giả (TC) muốn đưa ra để phản biện lại những luận điểm (cũng của một dàn đồng ca kiểu khác) cho rằng TCS phi chính trị trong quan điểm, có cái “tâm” lớn đến độ “vượt lên trên cả chính trị”. Với luận điểm ấy, ông TC hoàn toàn không có gì sai cả. Mặt khác, về phía những nhân vật đã lên tiếng “phản bác” ông TC, mặc dù đương nhiên họ có cái quyền ấy, tôi vẫn không thấy luận điểm của họ là thuyết phục. Ngoài những bè hợp xướng ra rả ca tụng “tài năng lớn” của nhạc sĩ họ Trịnh, còn om sòm các bè cao bè thấp lên án “nhân cách”, “đạo đức”, thậm chí cả “lập trường”, hay “lý tưởng chính trị” của “kẻ đốt đền (thiêng)”, là ông TC.
Những lối “tranh luận”, “phản biện” như vậy có giá trị gì không? Buồn cười hơn nữa (mà thật ra là cười không nổi!), nhiều kẻ lại sử dụng những diễn đàn trong nước (như báo Thanh Niên), là nơi chỉ chấp nhận những luận điệu một chiều (trong những vụ việc kiểu này), để lên tiếng đả kích ông TC, nghĩa là nếu ông TC có muốn “trả lời”, thậm chí muốn yêu cầu được đăng văn bản gốc (mà từ đó đã gây ra “tranh cãi”), cũng không ai cho phép.
Khi nhiều người “tấn công” một người ở một chỗ mà người (bị tấn công) ấy không có điều kiện để “tự vệ” như thế, thì gọi là gì nhỉ?
Thiển nghĩ, lẽ ra, nơi thích hợp hơn cả để những quý vị kia (bắt đầu từ ông Lê Minh Quốc) công bố các ý kiến phản hồi chỉ có thể là damau.org! Hay là … quý vị đã gửi mà damau.org từ chối không đăng?!

- 08.04.2009 vào lúc 5:48 am

  • Minh Đức viết:

Nguyên do Trịnh Cung viết bài này là để cải chính luận điệu của các ông Hoàng Tá Thích, Bửu Chỉ vì các ông này tán tụng Trịnh Công Sơn một cách sai lạc nào là “phi chính trị”, nào là “không có một toan tính chính trị nào cả”.
Xem ra thì số người xúm vào “đả” Trịnh Cung khá đông. Có người trách Trịnh Cung đợi người chết rồi mới nói. Thế sao chẳng thấy ai trách các ông Hoàng Tá Thích, Bửu Chỉ đợi TCS chết rồi mới viết sách tán phét, bốc thơm lăng nhăng TCS. Trịnh Công Sơn có còn sống đâu mà bào chữa được mình là “phi chính trị”, hay là không “phi chính trị”. Giữa hai bên thì Trịnh Cung là người nói thật hơn, còn các ông kia thì chỉ dùng những chữ hào nhoáng, nghe kêu vang mà bốc phét. Ấy thế mà người nói thật thì lại bị xúm vào đánh. Mà những người tấn công Trịnh Cung thì nào là trách đợi chết rồi mới nói, nào là không tốt với bạn… Nhưng dường như ít ai xét đến việc giữa Trịnh Cung và Hoàng Tá Thích ai là người nói sát sự thực hơn. Xem chừng ra những người đó không ham chuộng sự thật, mà chỉ thích nghe những lời nói dối hoa mỹ. Lão Tử có câu: “Lời thật thì không đẹp, lời đẹp thì không thật”.
Trịnh Cung nói huỵch toẹt cả về TCS. Nói một cách dễ hiểu thì TCS cũng là kẻ háo danh, ham hố như thế nhân chứ chẳng siêu phàm gì. Nói thế thì không đẹp nhưng nó thật. Còn ca tụng TCS nào là “phi chính trị”, nào là “không quan tâm đến chính trị”, nghe thì có vẻ thanh cao đấy. Nhưng toàn là phét lác, rỗng tuyếch cả.
Chỉ thích nghe lời đẹp mà dối, hơn là thích nghe sự thật trần truồng, phũ phàng thì sẽ còn là nạn nhân của những kẻ dối trá dài dài. Nói giản dị là ngu. Trách chi kẻ dối trá? Vì có người thích nghe nói dối nên những kẻ nói dối mới còn đất mà sống mãi.

- 08.04.2009 vào lúc 6:26 am

  • người yêu nhạc Trịnh viết:

Ông Nguyễn Như Sơn thân mến !

Nếu Ông định tham luận thêm về việc đánh giá phần giai điệu của nhạc Trịnh, tôi mong Ông hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu vì sao các Ca sĩ sau đây
- Thanh Thúy hát bài đầu tay của TCS “Ướt mi” với nhiều cảm xúc.
- Khánh Ly đã hát toàn bộ nhạc Trịnh.
- Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Lan Ngọc, Quang Dũng, Elvis Phương, …..đã từng hát nhạc Trịnh.
Tôi có thể kể cho Ông cả rừng Ca sĩ thành danh đấy nhé.

Ngoài ra, TCS có tên trong Bách khoa toàn thư của Pháp, được 1 Tiến sĩ Nhật đưa vào Luận án tại Đại học Soc-bon, được Tiến sĩ Trần Văn Khê, Cố Nhạc sĩ Văn cao ca ngợi, …..còn nhiều lắm.

Vậy giữa những người này và “Ông”, ai là người “không biết gì về Nhạc”

Tôi hy vọng được nghe câu trả lời sớm của Ông !

- 08.04.2009 vào lúc 8:00 am

http://www.phunuonline

Cơ quan ngôn luận của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam

Xin xem trang phụ nữ online, mục Văn hóa-Nghệ thuật, quý báo sẽ đọc được thêm một bài viết về thời sự văn nghệ hiện nay để có cái nhìn khách quan.
http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/20090407155521.aspx

Trân trọng

- 08.04.2009 vào lúc 8:35 am

  • Yến Lê viết:

Cháu đọc ý kiến của Vietnguyen, cháu thấy thế này:
1. Không biết Vietnguyen là ai và đã bao giờ nghe nói đến câu: “văn là người” chưa? Có thể người khác không tin, nhưng cháu thì tin câu đó rất đúng. Khi bài văn cháu viết xong, cô giáo nhận xét, đúng với những gì cháu nghĩ. Người hồn nhiên, trong sáng thì văn cũng có nét hồn nhiên. Người ta phải có chữ Nhân và chữ Tâm thì mới khiến cho bao người khác rung động theo. Cháu nghĩ, nhạc cũng như văn. Cũng như khi 1 ca sĩ hát bằng chính trái tim và 1 ca sĩ phô diễn chất giọng, người nghe nhạc, có lẽ cũng nhận ra. Cho nên, những người lấy dòng nhạc TCS ra để bênh vực TCS và phê phán TC cũng là có cái lý của họ.
2. Vietnguyen nói: “Thật là buồn cười (và buồn muốn khóc) khi mà chỉ một bài viết như thế của TC làm bao nhiêu văn nghệ sỹ (đọc báo TN) nhao cả lên. Trong khi đó biết bao vấn đề lớn lao hơn nhiều (bauxit, hải đảo, biên giới, …) thì chả thấy họ đâu. Im như thóc!”. Cháu thấy Vietnguyen chỉ nghĩ 1 mà không chịu nghĩ hai. Vốn dĩ, những người nghệ sĩ ấy sống bằng gì, đâu là lẽ sống của họ? Cái gì gần gũi nhất với họ? Người ta, trước khi yêu Tổ Quốc, phải biết yêu chính cái gì gần gũi nhất với bản thân mình. Có nhiều người, vì lý tưởng khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, địa vị khác nhau… mà cũng quan tâm đến những vấn đề khác nhau. Ví như giáo viên thì quan tâm đến các chính sách giáo dục, họa sĩ quan tâm nhiều hơn về hội họa thì có gì là lạ đâu khi giới văn nghệ sĩ quan tâm đến 1 thần tượng trong giới của họ? Chẳng nói đâu xa, Vietnguyen đã lên tiếng gì về mấy vụ bauxit, hải đảo, biên giới kia chưa mà lại tích cực lên tiếng trong vụ này vậy?

- 08.04.2009 vào lúc 8:58 am

  • Bức xúc viết:

Cám ơn BBT đã tạo điều kiện cho diễn đàn này diễn ra sôi nổi! Hoàn toàn ủng hộ HS TC về tinh thần dũng cảm trong bài viết của mình, tuy chưa hoàn toàn chuẩn xác và chưa trọn vẹn! Vô cùng cám ơn HS TC và tác giả Nguyen Nhu Son đã cho tôi hiểu rõ hơn (theo cách hiểu của mình) mặt trái của 1 một nhạc sỹ mà nhiều người coi như “thiên tài”! Có như vậy, TCS mới là người, không ông đã là Thánh rồi. Và với tôi, TCS cũng như các nhạc sỹ bình thường khác mà thôi, tôi chỉ yêu thích duy nhất ca khúc “Nối vòng tay lớn”, các ca khúc khác với tôi chỉ là bình thường. Và tôi nghĩ, một nghệ sỹ có 1 tác phẩm hay, xuất sắc để người đời biết đến mình đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhạc sỹ có tham vọng chính trị hay không tôi không quan tâm. Tuy nhiên, việc ông không có lập trường rõ ràng là điều làm tôi thất vọng. Chỉ những người yếu đuối mới vậy. Trong cuộc sống, họ là mẫu người “ba phải” - mẫu người tôi ghét nhất!

* Tôi coi HS TC đã là HS nổi tiếng từ rất lâu rồi. Ngoài 70, ông còn phải PR cho bản thân dù biết trước “lành ít, dữ nhiều”, chỉ có những người nào chẳng biết gì về nghệ thuật mới nói những câu ngớ ngẩn như vậy.
* Nếu diễn đàn có tổ chức bầu chọn comment hay nhất, tôi sẽ lựa chọn comment của tác giả: somebody viết 08.04.2009 vào lúc 5:48 am.

- 08.04.2009 vào lúc 10:55 am

  • Bùi Văn Phú viết:

Bùi Văn Phú viết về Trịnh Công Sơn: http://buivanphu.wordpress.com

- 08.04.2009 vào lúc 11:40 am

  • Tím viết:

Con tên Tím, con đến đây hơi muộn nhưng thấy có nhiều cô chú đi từ chỗ bàn về “Tham vọng chính trị của TCS” qua tới luôn việc mổ xẻ khả năng chuyên môn âm nhạc của TCS nên con xin góp chút ý hèn, nếu được đăng thì con xin đa tạ.

Điều làm con bức xúc là phần phân tích khả năng chuyên môn của TCS trong bài của chú Nguyễn Như Sơn. Chú NNS nói TCS thua kém các nhạc sĩ như Cung Tiến về giai điệu và không thể so sánh với Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư về ca từ. Con thấy so sánh như vậy khập khiễng vì Cung Tiến theo trường phái cổ điển Tây Phương, còn các thi sĩ TTT, PTT thì là nhà thơ chuyên nghiệp. Âm nhạc TCS không nên được/bị xem là dòng nhạc bác học vì nó chỉ là âm nhạc dân gian. Ca từ TCS không nên bị/được xem là dòng thơ uyên bác vì chú TCS phải viết ca từ cho vừa vặn với những âm giai tương đối “dễ dãi” của mình. Nhưng cái hay của dòng nhạc Trịnh là chỗ đó vì ai nghe cũng thấy một phần của mình trong đó, ai cũng có thể ngân nga vài câu, cũng thuộc, cũng trích vài hàng của ngôn ngữ Trịnh. Chú NNS chê bai TCS nhưng hoá ra đã trình bày một cách tuyệt diệu cái độc đáo của nhạc Trịnh. Con cám ơn chú nhiều nhiều.

Còn bây giờ để khỏi lạc đề, con xin quay lại với chuyện TCS và những tham vọng chính trị của ông. Trước hết những chuyện quá xa vời như TCS muốn làm bộ trưởng, tù trưởng gì đó thì con không dám nói tới. Còn những chuyện như trốn lính, mê sắc, mê rượu, yếu đuối và nhất là không có lập trường chính trị thì thật ra con nghĩ đại đa số người Việt đã biết rồi nhưng không nói ra vì ai cũng nghĩ ai cũng biết hết. Mà cũng chính những cái yếu điểm đó đã tạo ra dòng nhạc đa dạng, nhạy cảm của Trịnh. Phải chăng chính cái lối sống có phần hiện sinh và không lập trường chính trị đó đã khiến người ta lao vào đây bào chữa, bênh vực cho TCS đến như vậy? Vì nhiều người Việt đã giao phó cho TCS cái trách nhiệm “hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi”. Còn chuyện tại sao TCS không dám viết bài nào về thảm cảnh người vượt biên thì rất dễ hiểu. Nếu ai không hiểu thì hãy đặt câu hỏi này với những nhạc sĩ cũng còn kẹt lại ở miền Nam lúc ấy sẽ hiểu. Chuyện con người của TCS được phơi bày trong bài viết của bác Trịnh Cung- nếu như bác Cung nói sụ thật, chính là chuyện con người của xã hội VN trong từng thời đại, phải xoay vần để sống sót mà thôi. Điều đáng nói là TCS không hề làm hại người khác để tiến thân sau 1975. Những điều bác Cung viết lên chỉ là những điều mọi người đã biết/ đoán/ tưởng tượng (khoanh tròn những chữ thích hợp) về TCS, chỉ có bác TC là người dám ngồi xuống, đem danh dự, tên tuổi của mình ra để viết về những điều mà bác biết/ đoán/ tưởng tượng về TCS (khoanh tròn những chữ thích hợp). Bởi vậy cũng phải ghi nhận sự cố gắng của bác Cung cho dù bác đã đi sau cả nước trong lãnh vực này. Và ai dám nói bác Cung viết bài ấy vì nhỏ mọn, vì phản bạn? Nếu không thương bạn thì bác đã không lựa ngay ngày giỗ của bạn mình để tung ra bài viết đầy tâm huyết này. Nếu không thương bạn thì bác đã không bay qua Mỹ để làm lễ tưởng niệm TCS để rồi gặp lại các bạn hữu xa xưa thời quân lực VNCH. Phải chăng những kỷ niệm mới hiện ra đã khiến bác Cung quyết định làm một việc mà cả đời bác đã ngại không làm, đó là biết/đoán/ tưởng tượng (khoanh tròn những chữ thích hợp) về TCS?

- 08.04.2009 vào lúc 1:30 pm

  • vietnguyen viết:

Bạn Yến Lê:

1) Nói như bạn thì vì nhạc của Michael Jackson rất thánh thiện (We are the world, Heal the world, …) nên không thể có chuyện ông ấy làm những chuyện đồi bại như hiếp dâm con nít được à? Hoặc có ai đó dùng ngay lập luận của bạn để bảo vệ ông TC rằng những điều ông ấy nói về TCS không thể sai được vì tranh của TC rất đẹp, rất trong sáng, … thì bạn thấy sao nào?

Nói tóm lại muốn phản bác lại TC thì đừng kêu gào rằng vì TCS nhạc hay, thánh thiện, v.v. nên TCS không thể thế này thế nọ, nghe nó buồn cười lắm bạn! Nhất là nhiều người họ còn cho rằng nhiều bài nhạc của TCS ca từ sáo rỗng, tối nghĩa nữa đấy.

2) Thế theo bạn thì những ai phải lên tiếng mạnh mẽ trong vụ bauxit, hải đảo, biên giới …? Người công nhân chăng? Anh lái xe ôm chăng? Hay là chị bán ve chai? Trong khi nhiều văn nghệ sỹ khác (Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Trịnh Cung, Thận Nhiên,…) cất tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề nói trên thì điều đáng buồn là những văn nghệ sỹ trên báo TN lại bâu vào đả kích TC. Nhất là khi tờ báo TN chỉ đăng mỗi bài của LMQ mà thôi.

Tiếc là ở VN không có tờ báo nào chịu mở forum để thảo luận về các vụ bauxit, biên giới, hải đảo để tôi có thể tham gia bạn Yến Lê nhỉ?

- 08.04.2009 vào lúc 3:48 pm

  • Võ Đình Tuyết viết:

Trong một xứ tự do dân chủ, con người thường phải tập nghe những điều ngược lại những ý của mình.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không ai chối cãi những ca từ của ông rất dể đi vào lòng người và của mọi thời đại. Người ta gọi ông là: Âm nhạc phù thủy cũng chẳng sai.
Nhạc sĩ Trịnh Cung có quyền viết ra những ý nghĩ của mình trong đời thường của một nghệ sĩ tài danh dù có thể mang nhiều tai ương. Xin đừng nghĩ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Thánh. Ai yêu thích nhạc Trịnh thì sẽ yêu suốt đời. Bên cạnh tính chất nghệ sĩ tuyệt vời là con người tầm thường của ông. Đã là con người thường thì không tránh được tốt xấu khen chê.
Nhà báo Lê Minh Quốc khai phá màn đấu tố “Ngậm máu” kèm theo biết bao nhiêu người ném đá ào ào theo trên tờ Thanh Niên trong xứ, thì người Việt có thể hiểu người mình thích chơi trò hội đồng một chiều.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.(Điều nầy coi bộ khó)
Tôi yêu nhạc Trịnh.
Tôi cũng chẳng ghét HS Trịnh Cung.
Nhưng tôi thật tình không thích màn đấu tố hội đồng.
Trừ bài của ông Đào Hiếu.

- 08.04.2009 vào lúc 4:40 pm

  • L:ương Duy Cường viết:

KHÔNG CÓ GÌ PHẢI ẦM Ĩ
Nhạc TCS hay nhưng không phải cả thế giới đều thích. Đơn giản vì đó là âm nhạc. Mà âm nhạc thì cũng như tất cả mọi nghệ thuật khác đều không thể là món ăn tinh thần cho tất cả mọi người. Và TCS, dù tên tuồi của anh là tượng đài của nhiều người nhưng chắc chắn cũng có những người không biết anh là ai. Đơn giản vì anh là con người. Mà vì là con người nên trước hết TCS cũng là một người bình thường như tất cả mọi người, cũng ăn cơm uống rượu … và chắc chắn cũng có tham vọng và dục vọng. Vấn đề là, những tham vọng và dục vọng ấy của TCS, trong chừng mực nó có thể đã bộc lộ, thì với người này chỉ là chuyện nhỏ nhưng với người khác thì lại là điều ghê tởm chẳng hạn.
Vì thế, tôi không quan tâm lắm đến chuyện TC kể về những tham vọng của TCS. Đơn giản vì tôi rất thích nhạc TCS nhưng không phải là tất cả nhạc TCS. Nhưng chỉ với vài bài hát của TCS mà tôi thích, cũng đã đủ để TCS trở thành thần tượng trong tôi. Cũng như tôi không muốn ngồi uống rượu với cái ông già điên điên, rách rưới bẩn thỉu như Bùi Giáng kia, nhưng chắc chắn di sản của ông để lại, với tôi luôn một kho báu.
Những điều TC viết về TCS, nếu có thật cũng chẳng sao cả. Nó chỉ giúp tôi biết thêm về TCS với tư cách một con người bình thường. Có chăng là một vài người bị “nóng mặt” vì đã có những đối xử không phải với TCS. Mà có gì đâu phải “nóng mặt”, vì những chuyện ấy đều có lịch sử cội nguồn của nó cả. Sau khi TCS mất, rất nhiều người đi kể lễ về sự quen biết thân mật với TCS để P.R cho bản thân mình, và nay, có lẽ cũng rất nhiều người muốn được thơm lây nên đã “đao to búa lớn” với TC chăng? Nếu không thì việc gì phải ầm ĩ đến thế

- 08.04.2009 vào lúc 6:31 pm

  • Mai Anh Vũ viết:

Ở phương tây, rất nhiều văn nghệ sĩ lớn vào hàng vĩ nhân cũng có khuynh hướng thân cộng, thậm chí là đảng viên đảng CS và tham gia cách mạng như Picasso, Garcia Lorca, Neruda, Hemingway, Albert Camus, J.P.Sartre, R.Rolland, B.Brecht, G.G.Marquez v.v… nhưng khuynh hướng chính trị không hề làm ảnh hưởng đến tầm vóc của họ trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, dù theo chính kiến nào.

Bi kịch của TCS là ở chỗ ĐCSVN đã giành thắng lợi và đã gây ra nhiều hận thù trên quê hương ông. Còn ở đất nước của những tên tuổi vĩ đại kia thì không có chuyện đó. Người dân ở đó có thể không ưa CS nhưng chưa đến mức nợ máu và hận thù sâu sắc.

Nếu TCS muốn có một cuộc sống dễ chịu ở nước ngoài thì đó là điều hoàn toàn không khó đối với ông. Nhưng ông đã ở lại với quê hương. Sống trong một thể chế chính trị như ở VN, một người như TCS làm sao có thể tránh được việc có liên quan ít nhiều với chính quyền và các quan chức.

Để đánh giá TCS cần phải đặt ông trong hoàn cảnh chung.

- 08.04.2009 vào lúc 7:10 pm

  • Nguyễn Hồng Duy viết:

Thưa anh Nguyễn Như Sơn!
Tôi đọc kỹ bài viết của anh và thật sự bất ngờ về những nhận xét của anh - một người tự cho là rất hiểu về âm nhạc-. Tôi xin mạo muội được chia sẻ với anh vài lời.
Thứ nhất: Với tôi, âm nhạc hay bất cứ một hình thức nghệ thuật nào cũng mang cùng tiêu chí là phục vụ cho con người. Khi anh viết một bài hát hay vẽ một bức tranh mà tác phẩm của anh được mọi người trân trọng thì đấy là thành công của anh. Còn nếu nói như anh, anh viết một bản nhạc mà từ lời cho đến nhạc là “bác học” cả thì thú thật với anh anh nên chọn đối tượng phục vụ là những nhà nghiên cứu âm nhạc. TCS đã đi vào lòng bao thế hệ bằng chính cái ca từ mộc mạc ấy, và không phải rằng người thế hệ của TCS mới biết về nhạc của ông, mà rất nhiều người thuộc các thế hệ sau của ông cũng rất yêu mến, trong đó có tôi!. Những người này, nếu nói như anh thì thẩm mỹ âm nhạc của họ đều tầm thường cả! Thưa anh Sơn: Anh nên xem lại như vậy có đúng hay không!
Thứ hai: Anh nói rằng “nhưng tốt hơn, những bậc trí thức đừng hướng dẫn giới trẻ đi vào con đường thần tượng quá đáng, có hại cho trình độ âm nhạc vốn đã quá thấp của quần chúng VN. Tôi tin rằng, những người am hiểu âm nhạc một cách nghiêm túc, sẽ không bao giờ gọi ông ta là nhạc sĩ”.
Tôi xin thưa với anh rằng, ở VN không mấy báo thường viết bài đề cao ca ngợi TCS đâu, mà vì nhiều người yêu nhạc TCS nên ông nổi tiếng, vậy thôi!! Trình độ âm nhạc của VN có thể không bằng các nước, song anh dựa và tiêu chí gì để nói rằng “trình độ âm nhạc vốn đã quá thấp của quần chúng VN”. Anh nên coi lại lời nói của mình! Và nữa, anh nghĩ rằng người am hiểu âm nhạc không ai coi TCS là nhạc sĩ, vấn đề này tôi xin mạn phép nhắc lại rằng: TCS là người có tên trong Bách khoa Toàn thư của Pháp, có bài hát đưa vào giáo trình dạy học ở Nhật, và có bài hát của ông trở thành một hiện tượng âm nhạc của Nhật… Vâng, bao nhiêu đó cũng để anh thấy rằng lời nhận xét của anh rất nông cạn, thiếu chín chắn mặc dù thật sự anh là người hiểu về nhạc!
Thứ ba: Sở dĩ nhạc TCS được mọi người yêu mến vì cái chân thật trong bài hat của ông. Ông viết nhạc không bị chi phối bởi bất cứ trường phái chính trị nào, ông chỉ nói lên những gì xãy ra trước mắt, cái nỗi đau chiến tranh dưới góc nhìn hoàn toàn chân thật. Mà anh biết rồi đó, cái chân thật bao giờ cũng dễ đi vào lòng người mà thôi!
Tôi viết ở đây không nhằm bênh vực hay đề cao ai, mà tôi nói lên quan điểm mà cá nhân tôi cho là đúng, tôi hi vọng anh sẽ đọc được.
Xin cảm ơn anh, cảm ơn diễn đàn!

- 08.04.2009 vào lúc 8:14 pm

  • người yêu nhạc Trịnh viết:

Xin thay mặt cho những người yêu Nhạc Trịnh ! (nếu các Ông không đồng ý về cái cách chúng tôi lấy Âm nhạc Trịnh làm cơ sở để đánh giá Trịnh, thì tôi sẽ đổi câu giới thiệu trên : Xin thay mặt những người yêu Trịnh, Ok)

Chắc Các Ông biết câu nói của Ma-khơ nổi tiếng : Cái đẹp không nằm trên đôi gò má người thiếu nữ mà nằm trong con mắt kẻ si tình chứ !
Vậy “Cô Thiếu nữ” kia có lỗi gì không ? và “Kẻ Si tình” nọ có đáng phê phán không ? Và cuộc đời này sẽ ra sao nếu không có 2 “Người ấy” ?

Ý kiến của Tác giả vietnguyen cũng như bài viết mới nhất của Tác giả Trần Hoài Nam hôm nay có thể tóm lại rằng : Các Ông cho rằng chúng tôi phải chứng minh HS. TC. nói sai hoặc chúng tôi phải phản biện lại cái lời kể TCS bị thất vọng khi không thực hiện được tham vọng chính trị chứ gì ?

Thật vô lý hết sức ! Chuyện này giống như tôi đang sống trong 1 gia đình hạnh phúc, tự dưng có người đến bắt tôi phải phản biện lại “lời mách của họ” rằng Chồng tôi đã ngoại tình.
Nhưng mà vì nghĩ rằng “lời mách” của họ có thiện chí nên tôi phải cố gắng bỏ qua nỗi khó chịu và đi tìm hiểu thì thấy rằng lời mách đó đã bị các đương sự (những người được nêu tên trong lời mách) cho là lời mách sai.
Tôi đành tìm đến Luật sư để được tư vấn. Luật sư nói rằng, theo nguyên tắc luật pháp, người mách phải có bằng chứng, vật chứng cụ thể, chứ Chị (tức là tôi) không cần phải chứng minh. Luật sư khuyên tôi rằng : việc của chị là kiểm tra lại cuộc sống của 2 người, chồng tôi đã biểu hiện tình cảm với tôi như thế nào, chăm sóc con cái ra sao, quan tâm và tôn trọng tôi như thế nào,…

Kình thưa Quý vị !
Tôi xin phép phải mượn sự ví von đời thường như thế vì thật sự âm nhạc của Trịnh đối với tôi là một “Tình” đầu trong cuộc đời tôi với những rung cảm nghệ thuật.
Tôi hãnh diện về “mối tình” đó vì nhiều người đồng điệu với tôi khi nhận xét trước công chúng về “thần tượng” của tôi. Thậm chí có những người mặc cả tang phục, làm bàn thờ để tưởng nhớ chồng tôi (sau khi chồng tôi mất) mặc dầu họ đã có gia đình. Thưa ! được nói rõ hơn đố là những câu chuyện rất cảm động về Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Xin chỉ cần đặt một câu tự vấn : người ta nói “..Trâu chết để da, người ta chết để tiếng (tiếng tăm)….”.

- 08.04.2009 vào lúc 8:25 pm

  • Mỹ Nhân viết:

Người ta đọc bài của Bác Cung, người ta tranh luận đến độ tưởng như vác cả “súng” ra “chiến đấu” như ở Vĩ Tuyến 17 năm nào. Người ta bắn “đòm đòm” cả ngày. Vậy mà “Sự Thật” gây ra cuộc chiến lại biến mất tiêu….Bác Cung ơi….Bác cho chúng em xin Sự Thật….Bác cứ im thế này, chắc “úynh nhau” to …lại khổ.

- 08.04.2009 vào lúc 8:30 pm

  • Hoang Van Xa hoi Chu nghia viết:

Xin hãy dọc những dòng này của Bùi Văn Phú :
“Năm 1979, trước sự việc hằng trăm ngàn người Việt phải đi tù cải tạo sau chiến tranh, ca sĩ Joan Baez cùng với một trăm người khác đã kí tên trong một thư ngỏ, đăng trên các báo lớn ở Mỹ ngày 30.5.1979, kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền. Khi đó phản ứng từ phía Việt Nam đưa ra những bài viết của Nguyễn Khắc Viện (“A Letter to Some American Friends”, Vietnam Courier, 7.79) và Lưu Quý Kỳ (“Ai đạo diễn cho nữ nghệ sĩ Gio-an Ba-ye”, Đại Đoàn Kết, 7.7.1979) để phản bác ca sĩ Baez đã thay đổi lập trường, phản bội lại nhân dân Việt Nam và việc làm của bà đang bị CIA lợi dụng. Trên báo của Việt kiều yêu nước xuất bản ở Canada, Trịnh Công Sơn cũng đã lên tiếng về bức thư ngỏ của Joan Baez như là một việc làm “tiếp tay cho tư bản thọc sâu lưỡi dao vào vết thương của dân tộc Việt Nam chưa được hàn gắn” (Đất Việt, 14.10.1979). Đó cũng là thời gian Trịnh Công Sơn ở Huế và sinh hoạt trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Ngày đó tôi có đặt dấu hỏi rằng tại sao một nhạc sĩ tài ba, rất bén nhậy trước nỗi đau, trước những chia lìa của con người đã viết nhiều ca khúc nói lên nỗi thống khổ của quê hương, vậy mà sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất mà con người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục kinh qua đau khổ, mất mát nhưng ông lại không viết lên được một lời ca nào. Chuyện học tập cải tạo, chuyện vượt biên, vượt biển, những cái chết vì bom mìn mà thanh niên Việt phải tiếp tục hi sinh để làm nghĩa vụ quốc tế ở đất nước láng giềng không làm rung động được con tim của ông như thời chiến tranh nữa sao?”

Thôi, hỡi quý vị đang thần tượng TCS, đang mong muốn đặt ông ta lên ngôi Cha già dân tộc như một người trước đó, hãy đọc những dòng trên.

- 08.04.2009 vào lúc 8:47 pm

  • Trần Dạ Dạ viết:

Tình cờ tôi đọc được bài viết này về ns Trịnh Công Sơn của hs Trịnh Cung, tôi đã bị cuốn vào và đọc hết tất cả những bài góp ý. Tôi, chỉ là một người rất thích ôm đàn guitar nghêu ngao hát nhạc TCS bất kể thể loại nào vào thập niên 70 khi tôi còn là một học trò trung học. Nghĩ lại sao mà thời ấy lòng mình cảm nhận được nhạc TCS một cách tuyệt vời thế, nghĩa là lúc ấy mình thấy nó hay đến thế, chỉ hay và hay thôi, nay thì sự cảm nhận ấy chỉ còn khoảng 30%. Viết vài dòng này tôi không có ý tranh luận hoặc đánh giá gì về bài viết của hs Trịnh Cung mà chỉ xin kể ra đây một chi tiết nhỏ khi tôi đang đọc trang web này, như sau : Khi tôi đọc đến đoạn nhắc tới bài viết phản biện của nhà thơ Lê Minh Quốc đăng trên báo Thanh Niên, tự nhiên tôi link vào và để dành sau khi đọc hết các bài góp ý này thì sẽ đọc sau và cũng tự trong lòng cứ thấp thỏm thắc mắc là tại sao nhà thơ Minh Quốc lại tự nguyện phản biện về bài viết ấy, rồi cứ có suy nghĩ lởn vởn trong đầu là nhà thơ Minh Quốc đáng lẽ ra viết cách khác chứ đâu phải viết phản biện mà lại đăng trên báo Thanh Niên. Một lúc lâu sau, khoảng 20 phút, tôi mới à lên một tiếng, hoá ra là tôi nhầm nhà thơ Lê Minh Quốc với nhà thơ Bùi Minh Quốc, thì ra hai chữ Minh Quốc làm tôi nhầm…. Từ lúc ấy, tôi điềm nhiên đọc tiếp hết mục góp ý bài viết của hs Trịnh Cung mà không còn thắc thỏm nữa thậm chí cái link đến bài phản biện của nhà thơ Lê Minh Quốc đang để dành đó cũng chẳng làm tôi bận tâm nữa. Và lúc này khi đang viết những dòng này thì tôi cũng đã đọc nó rồi vì còn dư một ít thời gian. Xin cảm ơn nếu những dòng lẩm cẩm này đến được với bạn đọc.

- 08.04.2009 vào lúc 9:03 pm

  • manguyet viết:

Tôi là một thanh niên của đất nước Việt Nam. Tôi lớn lên khi đất nước mình không còn chiến tranh nữa.Tôi không được tận mắt nhìn thấy những số phận, những con người trong những năm tháng chiến tranh của đất nước.

Tôi bắt đầu nghe nhạc trịnh khi tôi bước chân vào giảng đường đại học. Tôi cảm nhận nó, hấp thụ nó vào trong tâm hồn mình. Tôi không hề biết TCS là ai, không biết quê ông ở đâu, ông sinh năm mấy. Tôi chỉ biết tôi đang nghe nhạc Trịnh, một loại âm nhạc mà có lẽ rất khác với nhiều dòng nhạc mà giới trẻ hiện nay thường nghe. Dòng nhạc đã cho tôi nhiều lắng đọng, sự thư thái, và cho tôi cả một tấm lòng rộng mở. Nếu không có một tâm hồn trong sáng, một tấm lòng bao dung thì làm sao có thể viết được những tác phẩm như thế chứ. Phải chăng tác giả TC đã không cảm nhận được những gì trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn ?

Còn về chế độ xã hội ư! Đọc những dòng trên và qua tìm hiểu, tôi càng nể phục và yêu quý TCS hơn. Một con người đã không đứng về bất cứ một đảng phái nào, ông chỉ đứng về những số phận đau thương, đứng về phía đồng bào của mình. Có thể đối với một số người xã hội Việt Nam hiện tại không được tốt. Tôi không phủ nhận những gì còn hạn chế của xã hội đương thời, thậm chí cả tác giả TC cũng đã từng tham gia vào. Nhưng hãy nhìn xem sự thanh bình đang hiện diện trên đất nước này. Và hãy nhìn quanh mình xem có mấy đất nước trên hành tinh này được như thế. Tôi không nghiêng về ai, tôi không khen hay chê bai ai tôi chỉ đang nhìn vào sự thật, nhìn vào thực tế.

Tôi cũng đã đọc qua những sự kiện tết mậu thân, những sự đấu đá, âm mưu những năm đất nước chưa hòa bình. Nhưng sự việc của Cao Đài, Hòa Hảo…

Đất nước tôi đang thanh bình, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đang yên nghỉ hãy để cho những điều đó được vĩnh cửu.

- 08.04.2009 vào lúc 10:36 pm

  • Chung Do Quan viết:

TÂM LÝ NGƯỜI VIỆT

Tôi thực sự thấy buồn khi đọc được những giòng tranh luận không hay được các bạn sử dụng để phản bác nhau. Trịnh Công Sơn với những bản nhạc được yêu thích của ông đã được “thần thánh hóa” hoặc được biến thành một “tượng đài” để đến nỗi giờ đây có ai đó lật đổ “tượng đài” ấy thì sẽ nếm mùi bị công kích tập thể như họa sĩ Trịnh Cung. Đó là tâm lý đám đông của người Việt.

Tôi là một người yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn tự đáy lòng, nhưng mấy năm nay tình yêu đó có phần giảm sút vì thấy có quá nhiều người tự nhận là mình “yêu nhạc Trịnh” mà không chắc đã nghe - cảm - sống với nó (và kéo theo là vơ vào Trịnh Công Sơn như một thần tượng). Và ai (biết) nghe nhạc Trịnh được cho là những người “sành điệu”, “biết thưởng thức nghệ thuật”, v…v…Điều này đã trở thành một cái “mode” ở Việt Nam hiện nay mất rồi. Đó cũng là tâm lý đám đông của người Việt. Vì lý do đó, tôi không còn nhận mình là người yêu nhạc Trịnh nữa.

Để bỏ đi cái tâm lý đám đông đó, bài viết của họa sĩ Trịnh Cung cũng là một cách làm tốt (trong rất nhiều cách làm khác).

- 09.04.2009 vào lúc 12:02 am

  • Nhim2002 viết:

Tôi nghe TC viết cũng thú vị vì hiểu hơn về cuộc sống của TCS, nó chẳng làm tôi thất vọng gì về ông. Con người ai cũng phải sống và thương bản thân mình, thương thêm cảnh đời - cảnh người - thời cuộc - như TCS thì càng quí hơn. Dùng xúc tác này làm thành tác phẩm có giá trị nhân văn thì đúng là có tài.

Làm sao để sống, cảm thụ và sáng tác mới là cái mà TCS muốn vươn tới.

- 09.04.2009 vào lúc 12:13 am

  • Minh Đức viết:

Chủ đề chính của bài viết của Trịnh Cung là để chứng minh Trịnh Công Sơn có quan tâm đến chính trị hay không. Ý muốn này của Trịnh Cung được thấy trong phần mở đầu tác giả đã dẫn ra một số câu viết về TCS như “…Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”, “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả”. Thử xét lại lập luận của Trịnh Cung cho rằng TCS quả có dính dáng đến chính trị sau khi đã đọc các bài bàn về bài này của Trịnh Cung xem lập luận của Trịnh Cung có còn được có giá trị nhiều hay ít. Các bài viết của Lê Minh Quốc, Nguyễn Đắc Xuân phủ nhận các dữ kiện mà Trịnh Cung đưa ra có liên quan đến một số nhân vật. Trong nhiều trường hợp Trịnh Cung không thể đưa ra chứng cớ, dù cho Trịnh Cung có mắt thấy tai nghe, hoặc nghe từ một nguồn tin đáng tin cậy. Những việc gặp gỡ thường ngày chẳng mấy ai chụp ảnh, thu băng để làm bằng chứng. Chỉ có cách là hỏi lại một số nhân vật được Trịnh Cung kể tên để kiểm chứng. Nếu các nhân vật đó đã qua đời thì lại càng khó kiểm chứng. Dù cho tất cả các phủ nhận của Lê Minh Quốc đều đúng cả, và có nghĩa là bài của Trịnh Cung viết sai be bét về người thì có một điều mà không ai có thể phủ nhận được là các tập bài hát của TCS mà Trịnh Cung kể ra là Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời là có dính dáng đến chính trị. Ca Khúc Da Vàng mang chủ đề phản chiến, mà ủng hộ hay phản đối chiến tranh, là một thái độ chính trị, là có quan tâm đến chính trị, dù là không ở trong một đảng phái nào hay đứng về phe nào. Còn Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời thì TCS đứng hẳn về phía CS. Thật khó mà cho rằng người viết bài hát có câu “Hỡi ba miền vùng lên cách mạng” (bài Huế Sài Gòn Hà Nội, Ta Phải Thấy Mặt Trời, 1969) là người không hề quan tâm đến chính trị. Mọi người có thể biết thêm về một số lời trong các tập Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời qua trang web dưới đây:

http://www.angelfire.com/zine2/risingsun/Literature/TrinhCongSon_CoPhaiLaNhacSiPhanChien.html

Trang web này được đăng trước khi bài của Trịnh Cung xuất hiện rất lâu. Vì các ông Hoàng Tá Thích, Bửu Chỉ viết theo thể phủ định tuyệt đối là TCS chẳng hề quan tâm đến chính trị nên chỉ cần 1 bằng chứng của Trịnh Cung đứng vững là lập luận “TCS không quan tâm đến chính trị” bị xem là sai. Các tập bài hát Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời là bằng chứng chắc chắn cho thấy TCS có quan tâm đến chính trị mà không một ai có thể phủ nhận được. TCS viết các bài hát này để sử dụng trong phòng trào sinh viên, học sinh biểu tình “chống Mỹ Thiệu”. Như thế có đủ là có quan tâm đến chính trị hay chưa? Còn nói về “tham vọng chính trị” thì khó chứng minh hơn là “quan tâm đến chính trị” vì tham vọng là điều xảy ra ở trong đầu. Nếu điều đó không đem ra thực hiện được thì người ngoài không thể biết. Chỉ có bạn thân với nhau, trong lúc trò chuyện thổ lộ cho nhau mới có thể biết. Nói tóm lại, Trịnh Cung đã thành công trong việc vạch ra rằng các ông Hoàng Tá Thích, Bửu Chỉ đã viết sai. Lên án Trịnh Cung là phản bạn, đặt vấn đề về ý đồ của Trịnh Cung khi viết bài này thì cũng chẳng thể phủ nhận được là TCS không quan tâm đến chính trị. Nếu muốn chứng minh là TCS có tham vọng, toan tính chính trị cho cá nhân thì phải kể ra những chi tiết mà chỉ có bạn bè với nhau đã biết. Kể ra như thế thì bị gọi là phản bạn. Còn nếu không kể ra thì phải im lặng chứng kiến người khác thêu dệt những điều không thật về bạn mình chăng? Còn về ý đồ khi viết bài này thì dù ý đồ đó là gì thì các bằng chứng đưa ra có chứng minh được TCS có quan tâm đến chính trị hay không mới là chính yếu. Bào chữa cho việc TCS đứng về phía bên nay hay bên kia là tốt hay xấu thì hóa ra lại vô tình công nhận là TCS có liên quan đến chính trị, lại là công nhận Trịnh Cung có lý.

- 09.04.2009 vào lúc 12:42 am

  • Người yêu nhạc Trịnh viết:

Xin gửi ban biên tập Da Màu,
Tôi đã dùng bút hiệu “Người yêu nhạc Trịnh” để tham gia ý kiến của mình vào ngày 05.04.2009 vào lúc 9:07 am,
Sau đó có một bút hiệu “người yêu nhạc Trịnh” tham gia vào 08.04.2009 vào lúc 8:00 am và - 08.04.2009 vào lúc 8:25 pm, đây là một người khác, không phải tôi.

Xin cho phép tôi yêu cầu sự sửa bút hiệu và tránh sự nhầm bút hiệu, vì bạn đọc có thể nhầm lẫn, và bị thấy khác ý.
Cám ơn Ban biên tập Da Màu

——-
Mọi người tranh luận vì mục đích gì nhỉ?
Mục đích muốn chứng tỏ Tình yêu của mình cho nhạc Trịnh, và phải gào lên, Tôi yêu Trịnh và không được quyền nói bất gì khác với suy nghĩ của tôi.
Chúng ta, dân Việt thường rất thích bày tỏ quan điểm, yêu cầu người khác nghe và đồng ý quan điểm của mình mà có bao giờ lắng nghe quan điểm của người khác chăng, có bao giờ mang tính xây dựng và trau đổi không.
Hoặc nếu có đọc quan điểm người khác, chỉ là chú ý vào bới lông để tìm vết nhằm phản công lại.
Các bạn đang tự chia nhau làm 2 chiến tuyến, rút cuộc, khi nhắc đến Trịnh chắc sẽ chỉ còn 2 loại thính giả quan tâm, một tôn sùng, và một cực kỳ phản đối, sẽ có những người sẽ tham gia một chiến tuyến của bạn, hoặc họ chán và bỏ đi, không quan tâm Trịnh nữa. Để chi?

Về bài viết của Trịnh Cung, họa sỹ cho chúng ta thêm những đời thường của Trịnh, không phải chúng ta muốn biết thêm thông tin sao?, Nghe bài BBC phỏng vấn Trịnh Cung đi, ông rất trân trọng Trịnh, chỉ buồn cho thân phận Trịnh và trách Trịnh sau năm 75 mà thôi. Ông Trịnh Cung là bạn của Trịnh Công Sơn, chứ không phải là một người lệ thuộc, và ông ta có quyền góp ý cho Trịnh lúc đó, và bây giờ ông ta kể lại.

Về những yêu cầu chứng minh đó là sự thật, ngay cả câu của nhạc sỹ Trịnh nói với nhạc sỹ Hoàng Hiệp, sao mọi người không nghĩ, nếu Trịnh Cung không chứng kiến, thì Trịnh Cung nghe lại lời thuật từ chính Trịnh Công Sơn trong lúc bực bội?? Vì hai người là bạn thân lúc Trịnh Công Sơn còn sống, chắc chắn Trịnh Công Sơn sẽ tâm sự cho Trịnh Cung những sự khó khăn và nổi bực tức của Trịnh Công Sơn. Sẽ có nhiều chi tiết Trịnh Cung có được từ chính Trịnh Công Sơn chứ không ai khác.

Đọc bài của Trịnh Cung, có bao nhiêu người thấy tội nghiệp cho Trịnh, và thấy Trịnh người hơn, thay vì chỉ chăm chăm vào phản đối những điều mình không thích, không muốn nghe về Trịnh. Xong có người lại nhẩy cẩng lên xúc phạm lại Trịnh Cung, cho vừa lòng. Như ông Nguyễn Trọng Tạo hả hê với sự phản đối vô lý và cực kỳ cực đoan của Thuận Nghĩa, và nói đó là hành động cảm động của Thuận Nghĩa và trân trọng đưa vào trang web Hội Ngộ Văn Chương
(Thuận Nghĩa vô tình được tặng một bức tranh mèo trèo cây cau của Trịnh Cung, yêu quý và nâng niu rất nhiều năm từ khi ở VN và khi ra hải ngoại, tuy không phải yêu thích Trịnh Công Sơn, nhưng nghe việc bài viết của Trịnh Cung thì quăng bức họa anh ta yêu thích xuống sông mà còn nhủ thầm không biết bức tranh làm bẩn dòng nước không)

Bạn nhìn bao nhiêu là đủ, có ai nhìn thấy vùng sau ót mình không?, vậy đừng nên cứ cho là mình nhìn trọn vẹn tất cả, hãy lắng nghe và chọn lọc.
Khi bạn nghe thông tin, hãy chắt lọc thông tin cho mình giàu thêm kiến thức, đừng chỉ tìm thông tin nào hùa theo sự biết của mình, khi đó giống như thầy bói mù xem voi.
Chúng ta ở đây, đang tranh luận chuyện chính chúng ta không biết, không thấy trực tiếp. Sao giống những thầy bói mù cãi nhau thế.
Hãy hòa nhã, điềm đạm với bất cứ mọi thông tin, cho dù là thông tin xấu.
Cám ơn các bạn đã đọc ý kiến của mình.

- 09.04.2009 vào lúc 1:45 am

  • đêm thấy ta là thác đổ viết:

Tôi là một sinh viên đại học.tôi đã may mắn hơn những bạn cùng trang lứa một điều đó là tôi đã được nghe nhạc trịnh từ thuở bé. Chính nhờ vậy mà tôi cũng một phần nào cảm nhận được cái hay, cũng như những điều mà nhạc sĩ TCS muốn nói trong những bản nhạc của mình. Nhạc trịnh giúp cho tôi hiểu hơn về những nối thống khổ trong thời chiến ,cũng như đã dạy cho tôi thấy được thế nào là giá trị của một tình yêu đích thực.Tôi đã phần nào hiểu hơn cảm giác “có một dòng sông đã qua đời”cũng như”nhìn những mùa thu đi”. Quả thật cuộc sống của tôi không thể thiếu nhac trịnh, nhất là tôi đang sống và học tập ở xứ sương mù nơi mà cách đây khoảng vài chục năm cũng tại đây nhạc sĩ TCS đã cho ra đời ca khúc “có một dòng sông đã qua đời”.Ca khúc mà tôi rất thích. Có thể nói rằng tôi là một fan của nhac sĩ TCS.Khi đọc bài viết của hoạ sĩ Trịnh Cung dĩ nhiên cảm giác đầu tiên của tôi đó là bất ngờ. Thật sự từ trước đến giờ trong đôi mắt tôi nhạc sĩ TCS là một người lịch lãm đáng để chúng ta nhìn vào, và dĩ nhiên tôi sẽ không tin những điều mà hoạ sĩ Trịnh Cung nói về nhạc sĩ TCS. Tuy nhiên tôi không lấy làm tức giận hay ghét bỏ gì hoạ sĩ Trịnh Cung bởi vì theo tôi nghĩ hoạ sĩ Trịnh Cung viết bài viết đó không phải hoàn toàn ghét bỏ gì TCS.Thậm chí nếu tôi đoán không lầm thì hoạ sĩ Trịnh Cung chỉ dùng bài viết này để nói lên một cái gì đó, có thể đó là một điều mà từ trước đến giờ nhạc sĩ không nói được chỉ khi gần lìa đời hoạ sĩ mới nói,và TCS chỉ là công cụ để hoạ sĩ Trịnh Cung mượn mà nói đến những điều đó.Phải chăng cái mà hoạ sĩ Trịnh Cung muốn nói đến đó là vấn đề về chính trị và những con người đang sống trên đất nước này nhưng chẳng giúp ích được gì cho đất nước , chỉ lo ngồi cho ấm chỗ thôi. Theo tôi chúng ta đừng tranh cãi với nhau gì nhiều mà hãy suy nghĩ những điều hàm ý mà hoạ sĩ Trịnh Cung muốn nói để nhận ra vấn đề một cách rõ ràng hơn.Bạn hãy đặt ra câu hỏi :Hoàng sa và Trường Sa đã mất thì sau đó chúng ta sẽ tiếp tục mất thêm cái gì nữa.Đừng ngồi đó mà tranh cãi nữa hãy động não và nghĩ xem chúng ta sẽ làm gì để không mất thêm một tấc đất nào nữa.Nếu nhà nước làm không được thì chúng ta sẽ làm. Một lần nữa tôi xin cảm ơn tất cả những người đã tranh luận trên diễn đàn này.Hi vọng rằng sẽ có một ngày chúng ta được ngồi cùng nhau và cùng hát vang bài ca”nối vòng tay lớn”.
Xin chào tất cả!

- 09.04.2009 vào lúc 1:50 am

  • Minh Đức viết:

Trích: “một vị cứu tinh kịp xuất hiện, ông Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo công sản cao cấp tiếp quản Sài Gòn lúc bấy giờ. Một cuộc vượt biên nội địa đưa TCS vào lại Sài Gòn … được bí mật tổ chức do ông Kiệt uỷ thác cho nhà văn cộng sản Nguyễn Quang Sáng thực hiện thành công.”
Về vụ này, thì theo bài của Lê Minh Quốc, Ng Quang Sáng phủ nhận là có sự ủy thác của ông Kiệt. Nếu ai còn nhớ thì vào thời gian này, muốn đi từ tỉnh này qua tỉnh kia phải có giấy đi đường. Từ Huế vào Sài Gòn ở luôn thì phải xin được hộ khẩu. Nếu không phải là được thuyên chuyển vì công tác thì không thể xin được hộ khẩu. Điều kiện để có hộ khẩu là phải có giấy chứng nhận của cơ quan tại Sài Gòn là người đó sẽ làm việc tại cơ quan đó. Vì việc đi từ thành phố này đến thành phố kia rất khó khăn nên Trịnh Cung đã dùng chữ “vượt biên nội địa”, có nghĩa là TCS bỏ Huế đi không xin phép tổ chức quản lý TCS tại Huế. Muốn ở lại Sài Gòn thì TCS phải xin được hộ khẩu. Lúc đó TCS không thể xin được hộ khẩu vì chưa có cơ quan nào chính thức cho TCS làm. Ông Võ Văn Kiệt thì dĩ nhiên là có dư quyền lực để cấp hộ khẩu cho TCS rồi bố trí cho làm tại một cơ quan nào đó.
Ng Quang Sáng phủ nhận có sự ủy thác thì Trịnh Cung cũng chẳng thể chứng minh gì được nếu như việc ủy thác này chỉ là lệnh miệng rồi sau đó có thể TCS hay Ng Quang Sáng kể lại với Trịnh Cung, cũng là kể bằng miệng mà không có máy thu băng. Dù chuyện ủy thác không có thì việc Ng Quang Sáng là người đưa TCS đến gặp Võ Văn Kiệt là chuyện có thật và VVK trở thành người “bảo kê” cho TCS cũng là điều có thật. Trịnh Cung chỉ chính thức xác nhận điều mà bấy lâu nay mọi người đã biết.

- 09.04.2009 vào lúc 2:29 am

  • Titi viết:

Thưa các anh chị,
Thật sự cho đến giờ này em vẫn thích 1 số bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cũng có nhiều bài không thích tí nào cả. Và điều này cũng rất là bình thường vì đây thuộc về sở thích. Tụi cháu cũng hay bàn với nhau về cách sống của TCS và nói với nhau rằng: Ai mà yêu cái ông này chắc khổ chết vì ổng sống nhạy cảm và nhậu nhẹt quá. Nhưng trong cuộc sống cũng có nhiều cô gái thương TCS lắm lắm. Đây cũng là cách nghĩ khác nhau trong cuộc sống và không có ai là xấu cả.

Nói như thế, để thấy rằng, chẳng ai nói là HS Trịnh Cung không được quyền viết về cuộc sống hay tham vọng chính trị này nọ của TSC nhưng khi đã nói (nhất là trên diễn đàng báo chí) thì phải thật sắc bén và ĐÚNG SỰ THẬT. Vấn đề ở đây là những chuyện này có đúng sự thật chưa??? Em không cần phải phân tích lại vì những cô chú lớn tuổi cận kề với nhạc sỹ cũng như những sự kiện lịch sử nước nhà phân tích rõ ràng (ngay cả những người không quan tâm lịch sử cũng thấy có cái gì đó không hợp lý). Nói không đúng sự thật trước hết là tổn hại đến đối tượng mà mình đề cập sau nữa là coi thường bản thân mình, mà thiết nghĩ tuổi cao, nhiều kinh nghiệm sống như họa sỹ chắc rằng hiểu được lý lẽ đơn giản này.
Hy vọng là họa sỹ có thể ngủ ngon trong những ngày sắp tới.
Cám ơn BBT đã cho em góp vài dòng nhỏ bé

- 09.04.2009 vào lúc 7:20 am

  • phong quang viết:

Tiên tri Trinh Công Sơn đã nói ra điều nay rồi …nó linh ứng với sự việc đang xảy ra trong bài:

Có nghe ra điều gì
Trịnh Công Sơn, 1973

“Nỗi bất hạnh lớn nhất của chúng ta là luôn luôn có một kẻ thù để chống lại. Trong suốt hành trình của lịch sử, những kẻ thù mang tên khác nhau. Bất hạnh lớn dần để trở thành hiểm họa khi hai kẻ thù nghịch mang cùng một tên chung. “

- 09.04.2009 vào lúc 7:38 am

  • Luat su Tran viết:

Các bác tranh luận sôi nổi vậy nhưng tóm lại các chi tiết trong bài viết đúng hay sai?
Làm ơn dừng các suy nghĩ cảm tính lại. Có ai xác nhận dùm tôi các chi tiết ông Trịnh Cung đưa ra chi tiết nào đúng chi tiết nào sai không?
Theo các bài báo tôi đọc được thì một số ông như HPNTường, NĐXuân, TTLập đã lên tiếng chi tiết lên quan đến họ là không chính xác nhưng chưa thấy ai lên tiếng các chi tiết còn lại chi tiết nào đúng hay sai.
Cứ tranh luận mà không quan tâm đến sự thật vấn đề thì giống như đám đánh bom liều chết bên Arập, chết vì cái gì đó mơ hồ như Thiên Đường và Thánh Allah.
Đề nghị mọi người nhìn vào sự thật và tôn trọng sự thật, tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Dân chủ không có nghĩa là thích làm gì cũng được mà dân chủ phải nằm trong khuôn khổ tôn trọng người khác và tôn trọng pháp luật.

- 09.04.2009 vào lúc 8:01 am

  • Hoang KY Nam viết:

Như tôi đã có một nhận xét ở trên, điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt rõ con người và tác phẩm.
Nhà tôi có mua 1 bộ bàn ghế gỗ rất đẹp, tôi rất thích thú ngắm nhìn mỗi khi đi làm về và vì thế tôi cũng không quá quan tâm đến tư cách, đạo đức, vvv… của một tay thợ nào đó đã làm ra nó! anh ta có thể có tư cách tốt, mà cũng có thể có tư cách tồi! nhưng tôi đánh giá cao những những sản phẩm tốt mà anh ta đã mang lại cho cuộc sống này. Những tác phẩm âm nhạc của TCS đã góp một đóng góp lớn lao đối với công chúng đủ mọi tầng lớp, … như thế nào thì ai cũng biết, tôi không cần nói thêm nhiều!

TC đã viết và có thể sẽ còn viết về TCS không sao cả! điều quan trong không phải chỉ là nội dung các bài viết đó có thật hay không (vì nếu thật thì như bạn Lương Duy Cường viết, nó chỉ khẳng định thêm rằng TCS cũng chỉ là một con người bình thường như chúng ta mà thôi, chứ không phải là thánh thần gì cả!).
chắc chắn là ai viết cái gì ra cũng có mục đích (dù trong sáng hay không trong sáng), mà Điều quan trọng ở đây là TC qua bài viết này muốn gửi gắm 1 thông điệp gì đến với mọi người? Nếu TC vẫn đánh giá cao nhạc TCS và chỉ muốn nói với mọi người rằng trong đời thường, TCS cũng là một người rất bình thường với đầy những khiếm khuyết, lầm lỗi … thì cũng tốt thôi.
Nhưng nếu TC viết ra với mục đích làm cho mọi người xa lánh âm nhạc của TCS thì… cũng chẳng sao! vì điều này thì không thể đạt được! mà như tôi nói ở trên dù anh thợ mộc có tính cách như thế nào thì các bộ bàn ghế chất lượng cao của anh ta vẫn được cuộc sống đón nhận!

- 09.04.2009 vào lúc 9:44 am

  • Sean.P viết:

Tôi không bao giờ có tư tưởng theo cộng sản, và tôi tin là TCS cũng như vậy, không ai lại đi yêu người đã tàn phá quê hương mình năm mậu thân 68 (bài ca trên những xác người là minh chứng cho điều này), thời của tôi, tôi không nghe TCS nhiều, thời sinh viên học sinh chúng tôi chủ yếu nghe Nguyễn Đức Quang là nhiều. Sau này tôi được biết người Việt Nam sau này không được học sử miền Nam (nếu có cũng không đúng sự thật), nên một số thế hệ sau này có cái nhìn sai lệch về giá trị đích thực của lịch sử. Cây cầu Bình Điền đang xây đã sập, báo chí tốn bao giấy mực kể tên nạn nhân; có ai biết CS đã bao lần cho nổ cây cầu này, bao nhiêu chuyến xe cùng với bao nhiêu mạng người dân VN vô tội phải chết oan. Người dân vô tội còn phải chết, huống chi TCS là người đã sống dưới chế độ VNCH, muốn sống thì phải vịn vào phao của Đảng quăng cho chứ!?

- 09.04.2009 vào lúc 9:54 am

  • Vĩnh Trường viết:

Xin các vị phân tích và bình luận thật khách quan, bình tĩnh và đừng từ việc này lại quàng việc khác vào.Thật vô lý khi một số người chụp vào những người không đồng ý với TC cái mũ nào là “thần thánh hoá”, nào là “đánh hội đồng”.., chưa kể một số vị còn xấc xượt phạm thượng khi quy kết các từ trên là bản chất của Người Việt!. Tôi xin hỏi các vị đó là anh ở lỗ nào chui ra vậy?

Sở dĩ người ta có ý kiến là vì diễn đàn cho phép có bài viết,có thể là đồng tình hay phản biện tuỳ nhận thức của mỗi người,không phải cứ không đồng quan điểm với anh là anh cho người ta sai ,ngưòi ta xấu được.

Tôi xin phép có ý kiến này vì thấy nhiều bài viết quy kết và nhận định những người khác quan điểm của mình bằng những nôn từ thiếu thận trọng và khó nghe quá.

Kính mong Ban Biên Tập thông cảm.
——————————————–

Vĩnh Trường viết:
Tôi xin hỏi các vị đó là anh ở lỗ nào chui ra vậy?

Bình luận của BBT Da Màu: Không có gì để bình luận!

- 09.04.2009 vào lúc 11:54 am

  • Nguyễn Ngọc Phát viết:

CHỈ CÓ SỰ THẬT MỚI GIẢI THOÁT CON NGƯỜI

Gửi ông: Trịnh Cung

Đọc bài viết của ông tôi có cảm nhận như thế này: ông muốn bày tỏ cảm xúc của mình, như là một nhiệm vụ phải thực thi, sau bao năm chôn dấu trong tâm khảm, trên cơ sở những sự kiện diễn ra xung quanh cuộc sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thông qua những bài viết phản hồi của vô số đọc giả, tôi nhận thấy:
- Nhiều độc giả hoài nghi về tính chân thật của những thông tin về Trịnh Công Sơn trong bài viết của ông
- Nhiều độc giả không màng về những thông tin ông cung cấp (họ càng yêu quý Trịnh Công Sơn hơn) nhưng quan ngại về thái độ và đánh giá rất thấp về động cơ bài viết của ông.

Và từ đó xảy ra những va chạm tư tưởng rất lớn giữa những người yêu quý nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ông. Và tôi chắc rằng những va chạm này để lại cảm xúc thương tổn cho cả hai bên, và cho Trịnh Công Sơn nữa. Tôi tự hỏi đâu là lối thoát cho tất cả chúng ta?

Người ta thường nói: “Chỉ có SỰ THẬT mới giải thoát được con người”. Câu này đúng cho tất cả mọi người, tất cả mọi thời đại. Và hình như ông cũng đang áp dụng câu này khi muốn cung cấp một số “SỰ THẬT” về Trịnh Công Sơn nhằm giải thoát cho ông, và giải thoát cho mọi người (theo như sứ mệnh mà ông tự đặt ra cho mình), khỏi những suy nghĩ và những cảm nhận đã định hình về Trịnh Công Sơn.

Đúng là chỉ có sự thật mới giải thoát được con người, nhưng với điều kiện sự thật đó phải đến trong ĐỐI THOẠI. Trịnh Công Sơn đã ra đi, Đinh Cường cũng không còn, và do đó hiển nhiên, cái gọi là “sự thật” về Trịnh Công Sơn giờ đây chỉ mình ông ĐỘC THOẠI. Trong sự độc thoại đó ông muốn vẽ sao thì vẽ về người bạn tri kỹ của ông. Có lúc ông vẽ thật trong sáng, mượt mà như cách đây vài năm. Có lúc nét cọ của ông ánh lên sự “sáng tạo”. Ngay trong sự “sáng tạo” đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà có lẽ do quá đam mê với sáng tạo ông lại bỏ qua cơ sở thực tế để một sáng tạo có thể trở thành hiện thực.

Chi tiết mà ông cung cấp về Trịnh Công Sơn bị Tôn Thất Lập đuổi ra khỏi phòng phát thanh ngày 30/04/1975, trong khi vào thời điểm đó Tôn Thất Lập đang ở Pháp mãi đến tháng 08/1975 mới về nước, là một “tai nạn” trong sáng tạo. Một tai nạn của sự khinh suất. Hay ông lại nói rằng Trịnh Công Sơn đã kể lại như vậy?

Tôi không muốn đi dài dòng phân tích vào những chi tiết khác khi mà nguyên tắc nêu trên của sự thật đã bị phá bỏ ngay từ đầu. Tôi tự hỏi sự thật sẽ giải thoát cho ai? Cho Trịnh Công Sơn hay cho chính Trịnh Cung?

Sự thật về Trịnh Công Sơn nằm sâu trong những tác phẩm của ông và chính sự thật, thông qua những tác phẩm đó, đã giải thoát ông khỏi cô đơn và đau khổ. Âm nhạc là cách trải lòng, là lối thoát và là ơn cứu rỗi đối với Trịnh Công Sơn. Nếu có những khoảng khắc xao lòng, ngỗn ngang trong tư tưởng vào một thời điểm nào đó âu cũng là điều tự nhiên của một kiếp người. Tại sao ta lại ca ngợi Trịnh Công Sơn khi ông hát thay cho những đớn đau và mỏi mệt của kiếp người nhưng lại hẹp hòi, thiếu bao dung với ông khi ông sống thực với những cảm xúc đó?

Giờ đây chỉ còn lại Trịnh Cung đối mặt với cái sự thật mà ông cho rằng mình phải có trách nhiệm nói ra sau hàng mấy chục năm âm thầm chôn dấu. Sự thật nằm trong chính lương tâm của Trịnh Cung, nếu lương tâm đó vẫn còn hiện diện nơi ông. Nhưng nếu khi tiếng nói của lương tâm không còn cơ hội cất cao và kẻ trong cuộc không thể cùng đối thoại, thì cái gọi là sự thật về Trịnh Công Sơn lại trở thành sự thật về chính con người Trịnh Cung.

Tôi xin mượn câu của Vương Thảo để kết thúc phần trình bày quan điểm của mình, đó là “qua bài chân dung thấy nhân cách người viết”. Tôi chưa một lần được tiếp xúc với Trịnh Cung nhưng thật cám ơn ông đã cho tôi cơ hội thấy được nhân cách thật của ông.

Nguyễn Ngọc Phát

- 09.04.2009 vào lúc 6:36 pm

  • Vĩnh Hiệp viết:

Nhạc sĩ da vàng
Ôm cây đàn đỏ
Kể từ dạo đó
Nhạc màu da cam….

Không biết mọi người nghe qua bài thơ này chưa nhỉ? Tôi chắc những ai yêu mến và quan tâm đến NS TCS đều biết giai thoại này về tình bạn không mấy suôn sẻ giữa TC và TCS.

Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần bài viết này kể cả phần bình luận. Về nhà tôi nằm suy nghĩ rất nhiều về đề tài này vì tôi vốn dĩ rất yêu nhạc Trịnh. Cuối cùng tôi rút ra rằng bài viết của HS Trịnh Cung thực ra chẳng có gì mới cả,chung quy lại chỉ là chuyện TCS sống theo chiều nào ngả theo chiều ấy (chuyện này ai mà chả biết)chỉ có điều ông thêm vào một số tiểu tiết mà khi đọc trí tò mò làm chúng ta mất tập trung. Nếu để ý chúng ta thấy bài viết chẳng ăn nhập gì với chủ đề của bài viết cả mà bị lạc đề sang thành việc TC cho mình là người cao thượng và phê phán về lối sống của TCS. Rõ ràng là TC mượn cái đề tài là TCS và chính trị nhưng thực chất là ông muốn kể lể cho đỡ tức người bạn thân của mình từ thuở vong niên, nhưng mà sau này nó không thèm “chơi” với mình nữa…
Một chi tiết tôi thấy rất buốn cười không biết mọi người có để ý không là khi TC viết “Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.” Làm gì mà dữ vậy, những điều mà TC viết ra có gì ghê gớm lắm đâu là ông phải quằn quại trong 30 năm trời dữ vậy. Nếu ông nói ra những điều này lúc TCS còn sống thì cũng chả có gì mà ầm ĩ cả. Rõ ràng đây là một CHIÊU mà TC đánh lừa chúng ta thôi. Nếu tôi là TC, chắc giờ này tôi đang nghĩ :”trời ơi, mình xạo chơi vui vậy thôi mà thiên hạ làm rùm beng lên kìa, vui quá…”
Riêng một điều (nhiều người đã nói qua rồi)là TC lấy tư cách gì mà phán xét về lối sống của TCS. Tôi thấy phần này mọi người hơi thiếu khách quan, bản thân tôi đồng ý với TC ở điểm này, chỉ tiếc là ông sử dụng ngôn ngữ hơi nặng nề và do quá đề cao mình (Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, …. )Ai cũng biết TCS qua đời vì bệnh tiểu đường & viêm gan tại lầu 10 Khoa Dịch Vụ BV Chợ Rẫy. Rõ ràng là dù TC hay ai khác nữa nói ra điều này đều đúng cả. Chúng ta không nên noi gương TCS ở điểm này, khi mà suốt ngày ông chỉ biết rượu chè thâu đêm suốt sáng. Tôi còn nhớ rõ trong một bài phỏng vấn TCS trên một tờ báo nọ, PV hỏi tại sao TCS uống nhiều rượu như vậy không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sao, ông trả lời rằng “có người khỏe nhưng không hạnh phúc, có người không khỏe nhưng hạnh phúc. Rượu là hạnh phúc của tôi, là lựa chọn của tôi. Những đêm khuya thức dậy nếu không có rượu, tôi buồn vô cùng, hụt hẫng vô cùng…may mà tôi có những người bạn họ sẵng sàng đến với tôi bất cứ lúc nào. Ông còn cho biết với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, dù đêm hôm khuya khoắc nhưng chỉ cần TCS điện thoại và nói 2 tiếng ” Sơn buồn” là lập tức NQS có mặt ngay.
Mà chúng ta biết rằng TCS có vô số bạn bè, để có thể hình dung trong đời ông đã tiêu thụ bao nhiêu rượu…Nói như vậy để thấy rằng TCS cũng chì là con người, cũng có những thói hư tật xấu. Điều nghịch lý là chính những điều đó đã làm nên một TCS với những bản tình ca bất hủ. Chính vì vậy những ai yêu mến TCS cũng đừng thất vọng. Vì sao vậy? Vì rằng bạn đừng nên lẫn lộn về chữ huyền thoại. Vâng, TCS xứng đáng là một huyền thoại ÂM NHẠC. bạn đừng tách rời hai chữ ÂM NHẠC đề rồi thất vọng về HUYỀN THOẠI của mình. TCS không phải là thánh nhân hay huyền thoại (cũng giống như ta nói MARADONA là huyền thoại bóng đá hay ROGER FEDERER, HUYỀN THOẠI quần vợt vậy…Ai bảo những người này không có cái xấu)
Tôi tóm tắt bài viết của mình, tôi muốn nói rằng, chúng ta không nên bàn nhiều về vấn đề này nữa vì nó chẳng có gì MỚI MẺ…
Riêng vấn đề chính của bài viết là TCS cuối cùng có tham vọng chính trị không? Nếu những ai thật sự quan tâm đúng nghĩa về TCS hãy đọc hết những tài liệu viết về ông . Riêng tôi hầu như không bỏ sót những bài viết nào mà mình có thể tiếp cận. Tôi thấy như vầy : TCS làm gì có tham vọng chính trị, nếu có ông cũng không làm chính trị được đâu. Ông chỉ muốn được YÊN THÂN để còn sống, để yêu đời và yêu người….chính vì vậy, đòi hỏi ông phải dĩ hòa vi quý với cả hai bên - Cái Mà TC gọi ông là sống hai mặt đó thôi.

Nếu ai không tin, hãy thử đọc một câu tự sự của TCS “Nếu bạn đang hát một bản tình ca là bạn đang hát về cuộc tình của bạn. Hãy hát đi đừng e ngại, nếu hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy là một phần máu thịt của bạn rồi….”

Một người tâm hồn như vầy mà làm chính trị cái gì hả trời….?

- 09.04.2009 vào lúc 9:06 pm

  • Người yêu Trịnh viết:

Trước hết thành thật xin lỗi “Người yêu nhạc Trinh” nhé vì tôi đã lấy trùng bút hiệu với Quý Ông/ Bà. Tôi hoàn toàn không có ý gì mà chỉ vô tình. Mong Ông/ Bà thứ lỗi nhé.

Kính thưa Quý vị !
Tôi muốn có thêm vài góp ý cho cuộc thảo luận của chúng ta :

- Nhà Thơ Bô-Đơ-Le của Pháp bị người ta cho rằng : sống rất trụy lạc, dùng rượu, ma túy và gái da màu để sáng tác và lãng quên…
Chính Ông cũng đã tâm sự trong 1 đoạn thơ, tạm dịch như sau
… Đồng hồ báo hiệu nửa đêm
Mỉa mai nhắc nhở nỗi niềm xót xa
Thời gian kết hợp 2 ta
Miệt mài năm tháng trôi qua lạnh lùng…….

Đó, 1 con người nếu xét về quan điểm giáo dục, thì không nên noi gương theo/hoặc dạy dỗ con cái noi theo. Thế nhưng, hỡi ôi, các bạn có biết Người Pháp hãnh diện về Ông ta như thế nào không ? Vì Ông ta là tiếng nói khai màn cho cả 1 trào lưu thơ mới siêu thực (trường phái ánh sáng hương hoa và sắc màu trong thơ hiện đại)

- Ở Việt nam mới đây thôi, trong thế kỷ trước có Trường phái Thơ điên, Thơ loạn, Thơ lõa thể của : Hàn Mặc Tử, Bích Khê,…..Nhưng các bạn có biết rằng đằng sau nhưng cơn say liên miên trong thơ (khó kiểm chứng ngoài đời lắm) của Hàn Mặc Tử, đằng sau những câu thơ dung tục của Bích Khê là 2 chàng trai vô cùng hồn nhiên trong sáng, chỉ từng có bị tình phụ thôi (hi..hi….) chứ chưa từng phụ tình ai bao giờ, sống hết lòng (đồng tiền lương cuối cùng vì bạn bè) , không bao giờ từ chối khi giúp đỡ 1 ai, kể cả lúc sắp lìa trần.

- Đặng Thế Phong, một nhạc sĩ tài hoa vào bậc nhất của thế hệ tiên phong trong nền Tân nhạc Việt nam, đã bỏ học, lang bạt kỳ hồ sang tận Cam-bôt) kiếp sống tha phương, chết vì bệnh lao phổi lúc mới vừa 24 tuổi nhưng mãi mãi bất tử với những bài hát như Vạn cổ sầu (Giọt mưa thu), Con thuyền không bến, Đêm thu,…

Thế thì, tại sao họ không sống như chúng ta cho an bình, cho sức khỏe, cho có của cải tích lũy, tranh thủ PR. cho bản thân khi có thể.Xin thưa vì họ là thiên tài và trên hết họ là người sống thật với lòng mình.

Tôi nói thật nhé. Nếu cho tôi có người bạn lúc nào cũng say sỉn nhưng bản chất là thật lòng và hướng thiện, thì tôi thấy quý hơn là cho tôi 1 người bạn không bao giờ uống rượu, lúc nào cũng giữ kẻ, lúc nào cũng toan tính sự đời thiệt hơn,…

Cố Thi sĩ Nguyễn Bính, Cố Nhạc sĩ Văn Cao, …đều là những đệ tử của Lưu linh đấy các bạn ạ. Nếu Đức Vua Hùng Vương sống lại chắc chắn sẽ trọng thưởng cho những Bậc Công thần đó châu báu, lụa là, gấm vóc vì công lao của họ đối với sự nghiệp văn hóa đất nước.

Còn chúng ta đây, to con mà rẻ tiền chắc phải đuổi đi bớt cho bất động sản hạ giá hơn một chút nhỉ ! Hiii

- 09.04.2009 vào lúc 11:01 pm

  • Mr Cóc viết:

Tui đề nghị BBT Da Mau xì tốp trớt, tui vắt óc ra mấy cái lý do sau đây:
1, Nơi này đã trở thành một cái chợ cảm xúc: quá nhiều người tương một bãi cảm xúc lên Da Màu ngay sau khi đọc xong, trong khi điều cần thiết là phải tương ở nhà mình trước đã chứ lị. Ông Trịnh Cung viết bài này trong sự đắn đo suy tính kỹ (tui tin rứa), thì phép lịch sự của người bình luận cũng nên đắn đo suy tính kỹ rồi hẵng viết. Tranh luận với chính mình rồi hãy tranh luận với người khác, thía có hay hơn chứ nhẩy.
2, Đỡ cho tui ngày nào cũng mò vô đếm số bình luận, rồi tò mò đọc, rồi chưng hửng vì chẳng thấy có gì mới mẻ ráo.
3, Tránh cái việc nói nhiều hóa ra nhảm. Ví dụ như nickname “do trung quan” bình luận số 1 tuy tui không đồng ý nội dung nhưng vẫn rất kết cái cách bình luận rất duyên dáng, nhưng qua các bình luận số 2, 3 của ông í thì tui mất hết hứng.
4, Để những ai có tâm huyết thật sự, muốn đóng góp làm sáng tỏ vấn đề một cách thật sự, sẽ viết một bài phản hồi cho có chất xám hơn.
5, BBT Da Màu dành thời gian làm việc khác tốt hơn là biên tập mấy cái bình luận này.
Thôi rứa.

—————
BBT Da Màu:

Chúng tôi có phần đồng ý với mr. Cóc ở các phần 1, 4, và 5.
Sẽ có thông báo mới của BBT Da Màu vào cuối tuần này.

Trân trọng
BBT Da Màu

- 09.04.2009 vào lúc 11:16 pm

  • duavuithich viết:

Trong bình luận trước tôi đã nêu, việc cung cấp thông tin, cứ liệu để bổ cứu chân dung một con người của công chúng, một danh nhân văn hoá là rất đáng hoan nghênh, nhất là những thông tin có tính thẳm sâu ít người biết đến. Tuy nhiên việc cung cấp thông tin phải trên thái độ khách quan, trách nhiệm, và người cung cấp thông tin phải thật bình tâm, trong sáng, căn cứ trên những dữ liệu đáng tin cậy.
Tôi không phản bác bài viết của HS TC, nhưng tôi không đồng tình với cách viết của tác giả.
Trong bài viết, tác giả có cần thiết phải nêu lên những tiểu tiết linh tinh, cố tình bôi nhọ nhân vật mình viết không nhỉ? Tôi có cảm giác HS TC đã mượn qua bài viết về NS TCS để tự biện minh cho mình, hoặc nhằm giải bày “tình huống dư luận” của bản thân (xin lỗi HS TC, đây là suy nghĩ chủ quan của tôi, nếu không phải vậy thì thật là tốt).
Trong phần đầu của bài “trịnh công sơn & tham vọng chính trị”,tác giả nêu những diễn biến có màu sắc chính trị của cuộc sống NS TCS, đi dần về sau tác giả đã dùng phương pháp đối sánh để đánh giá thái độ chính trị & cuộc sống đời thường của NS TCS. Bài viết đã cố tình sử dụng ngôn từ, mô tả tâm trạng, diễn biến tình huống trong cuộc sống của NS TCS, muốn gây cho người đọc phải nhìn nhận nhân vật được nêu là kẻ không ra gì (xu nịnh, ba phải, hai mặt, tham vọng, sa đoạ, dung tục v.v…) bên cạnh đó là sự xuất hiện của nhân vật tác giả, có hình ảnh hoàn toàn trái ngược (có lập trường quan điểm nhất quán,đứng trên đôi chân liêm sĩ, theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, là người có lòng tự trong, biết vì ban bè v.v…!) Bài viết như thế có được xem là tác giả (người bạn tâm giao, tri kỷ với nhân vật mình viết) với động cơ “ước muốn tạo cơ hội làm sáng tỏ những ngóc ngách trong đời sống của một nghệ sĩ tài hoa”, một cách khách quan, trong sáng hay không? Chính điều này tôi nghĩ, vô hình trung đã gây nên phản cảm không ít bạn đọc, nãy sinh ra suy nghĩ không hay về tác giả: Là người phản bạn, cố tình bôi họ bạn mình, để tự đánh bóng bản thân.
Tôi đồng tình với ý kiến của một số bạn đọc, mong rằng những người liên quan trong bài viết của HS TC cần lên tiếng một cách khách quan, trung thực, để minh chính sự việc cho rõ ràng, giúp cho mọi người có cái nhìn rõ hơn về người nhạc sĩ đã khuất, và có đánh giá chính xác hơn động cơ của tác giả bài viết.
Riêng tôi, đến gìơ thì vẫn đánh giá TCS, một người đã để cho đời những tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn,người biết sẻ chia cho thân phận đồng bào mình,có tình yêu người, yêu đời mãnh liệt,và có nhiều tình bạn trong sáng, nhất thiết phải là người có tâm hồn đẹp.
Về tình bạn, Trịnh Công Sn đã nói “May thay trong đời vừa có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.” (Trịnh Công Sơn)
http://www.tcs-home.org/ban-be/dinh-cuong/TinhBanHoiSinhConHonMe/

- 10.04.2009 vào lúc 1:18 am

  • thương nguyệt viết:

Bạn Nguyễn Ngọc Phát ơi, sao bạn nỡ …khai tử cho Đinh Cường vậy?!!

——
BBT Da màu:

Đúng như BBT Da màu tiên liệu, quý bạn đọc sẽ đính chính giùm độc giả Nguyễn Ngọc Phát sai lầm này. Họa sĩ Đinh Cường hiện sinh sống ở hải ngoại và vẫn mạnh khoẻ.

Cám ơn độc giả Thương Nguyệt.

- 10.04.2009 vào lúc 3:22 am

  • Minh Đức viết:

Ông Vĩnh Hiệp viết: “Một người tâm hồn như vầy mà làm chính trị cái gì hả trời….?”. Tôi cho rằng ông Vĩnh Hiệp nhận xét đúng, nghĩa là Trịnh Công Sơn không có những đức tính cần thiết để làm chính trị. Tuy nhiên tham vọng chính trị và khả năng làm chính trị là hai điều tách biệt. Có những người tuy không có khả năng trở thành chính trị gia giỏi nhưng vẫn nuôi tham vọng hoạt động và muốn thành công trong chính trị. Cũng như có những người tuy không có tài năng thiên phú làm thơ, viết văn nhưng vẫn có tham vọng trở thành nhà văn, nhà thơ được quần chúng hâm mộ. Có những người tuy không có giọng hát thiên phú nhưng vẫn nuôi ước mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng. Rồi khi va chạm thực tế thì cái tham vọng đó không được thỏa mãn, nó có thể nhỏ bé dần đi, hoặc được dấu kín trong tâm tư mà chỉ có bạn thân mới biết được. Nhận xét như ông Vĩnh Hiệp thì cũng chẳng xa nhận xét của Trịnh Cung: “Nếu con đường chính trị đối với TCS là một con đường dẫn anh xuống vực thẳm”. Bàn rộng hơn là TCS tuy không có khả năng thiên phú để trở thành chính trị gia giỏi nhưng cuộc đời TCS luôn luôn có liên quan đến chính trị, và có những toan tính, tham vọng chính trị. Kết quả là về con đường chính trị thì tham vọng chính trị đưa TCS vào con sai lầm do có quá nhiều ảo tưởng nhưng về mặt âm nhạc thì TCS là thiên tài nhờ có rất nhiều ảo tưởng. Trịnh Cung cũng xác nhận điều này qua câu: “vinh quang dành cho di sản ca khúc TCS”. Làm chính trị thì cần lý trí nhiều, tình cảm ít, còn làm nghệ sĩ thì cần tình cảm nhiều, lý trí ít. Thế nhưng cũng có không ít nhà chính trị có tham vọng trở thành nghệ sĩ rồi cuối cùng người đời chỉ biết họ qua vai trò chính trị gia.

- 10.04.2009 vào lúc 7:09 am

  • Hà Sơn viết:

Tôi viết cho tôi…

Mấy ngày vừa rồi tôi theo dõi bài báo của hoạ sỹ Trịnh Cung và những phản hồi của độc giả..Tôi đã thức cùng đêm để đọc comment..tôi không sao dứt được…
Tôi muốn nói với bạn..nếu bạn không xuất phát từ lòng nhiệt thành của chữ Tâm thì bạn không nên bày tỏ quan điểm của mình ở chốn này..Vì ở chốn này hay nơi này thì bạn sẽ thấy mình sai mất rồi…
Bạn biết gì về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bạn biết gì về hoạ sỹ Trịnh Cung. Bạn biết gì về mối quan hệ Trịnh Cung - Trịnh Công Sơn..bạn đang không biết gì cả…
Chỉ có ở suối vàng Trịnh mới hiểu Cung nói gì..chỉ có ở dương gian Cung mới hiểu mình muốn nói gì với Trịnh….chỉ có tri kỷ mới hiểu tri kỷ…ở dây chỉ có ích kỷ và không san sẻ bạn à..!
Chỉ có bạn mới giằng xé lòng mình vì những cái không là của bạn…
Nhà thơ Lê Minh Quốc có hỏi mẹ mình…..ừ thì..ừ thì ngậm máu phun người…ừ thì tôi cũng muốn nói..(dẫn một lời thơ bạn tôi viết cho tôi): …
” Tâm trong sầu khúc buồn thê thảm
Gió cát tài kiêu bước lạnh lùng..”
….vì tôi viết cho tôi…!

- 10.04.2009 vào lúc 8:12 am

  • Người yêu Trịnh viết:

Các Bạn thân mến !

Nếu khẳng định chỉ có Trịnh và Cung mới hiểu nhau thì sao không đợi về nơi suối vàng rồi hẵng sòng phẳng với nhau 1 lần cho hả lòng.

Còn những “người yêu Trịnh” thì bắt buộc phải viết ra những suy nghĩ của mình với tấm chân tình rằng : không bao giờ đả kích ai mà chỉ muốn nhiều người đồng hành với mình trên con đường đi tìm chân lý.

“Người yêu Trịnh” mong các bạn sống theo câu nói của Trịnh : “khi bạn đang hát một bản tình ca là bạn đang hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại, nếu hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy là một phần máu thịt của bạn rồi” Đó, bạn thấy chưa, người ta yêu Trịnh vì người ta thấy mình ở trong các bài hát của Trịnh. Vậy thì nếu các bạn thấy có mình ở trong tác phẩm của Trịnh thì đừng có giận Trịnh nữa mà hãy tiếp tục nối tiếp cái sự nghiệp của Trịnh đi.

Kính thưa Ban Biên tập Da màu, người yêu Trịnh xin góp ý :
Đây là 1 diễn đàn tuyệt với vì từ trước đến nay, chúng tôi ít có cơ hội được nói như thế này lắm, chỉ được nghe nhạc Trịnh thôi. Giới văn nghệ sĩ ở hải ngoại có nhiều điều kiện hơn, còn ở những nước đang phát triển thì khác 1 chút, do hạn chế về khả năng tổ chức diễn đàn. 1 lần nữa xin cám ơn BBT da màu.

Với những ý kiến ủng hộ Trịnh Cung :
Tin chắc các bạn cũng là những người yêu nước, trăn trở trước những vấn đề thời cuộc, thế giới,… nhưng tại sao lại khai thác ở đây vấn đề giữa Trịnh và “Tham vọng chính trị”, giữa Trịnh và “cọng sản”. Nếu có, đó là quyền của Trịnh mà. HIến Pháp đã nói rồi : tạo hóa sinh ra con người người đủ cả 3 quyền mà, Trịnh theo ai là quyền của Ông ta. Vấn đề là Ông ta có khơi dậy cái cảm xúc chân thiện mỹ trong mỗi người hay không thôi. Đó là cái đích cuối cùng của mọi nên giáo dục hiện đại. Vì vậy mà quan điểm của chúng tôi là đi tìm Trịnh qua tác phẩm của Ông và tất cả những gì có liên quan đến Ông.

Thành mến kính chào !

- 10.04.2009 vào lúc 3:41 pm

Thông báo của BBT Da Màu:

Sau khi gia hạn thêm 1 tuần lễ, chúng tôi nhận thấy số lượng bài đóng góp đã trở nên nhiều hơn cần thiết, và ý kiến trùng lập vẫn không tránh khỏi cho dù chúng tôi đã cố gắng sàng lọc. Điều này cho thấy việc tiếp tục phần bình luận không còn cần thiết nữa.
Xin đóng lại phần bình luận bài viết “Trịnh Công Sơn & Tham vọng chính trị” ở đây và cám ơn quý bạn đã nhiệt tình đóng góp

Trân trọng

BBT Da Màu