Nguồn: ViệtNamnet
Tôi muốn nghe một câu hỏi thực sự…
Trong buổi thảo luận với phụ huynh tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp tối 15/3, cả hội trường hết sức bất ngờ với cách lập luận dí dỏm của TS. Oscar Brenifier. Ông đã bắt mạch những câu hỏi của các phụ huynh khi các câu hỏi chưa rõ ràng, chưa tách biệt vấn đề khi nói về câu hỏi hay câu trả lời (xem chi tiết ở box cuối bài).
Không khí thảo luận càng sôi nổi hơn với nhiều cánh tay giơ lên.
Người thắc mắc, có nên nói với con rằng “Mẹ rất tiếc không trả lời được câu hỏi của con…”.
Có phụ huynh lại băn khoăn nên dùng ngôn ngữ thế nào để hỏi trẻ nhỏ bởi ngôn ngữ của bố mẹ quá già so với con.
Hoặc làm thế nào khi con không tư duy độc lập dù bố mẹ đã cố gắng hướng dẫn.
Từ trái sang: Ts. Oscar Brenifier , tác giả bộ sách Tư duy cùng bé, TS Lê Phước Hùng, TS Nguyễn Thụy Anh
Tất cả đều mong chờ từ TS. Oscar Brenifier một phương pháp khoa học để áp dụng.
Các phụ huynh Việt lộ rõ vẻ lo lắng. Trong mỗi câu hỏi, họ đều cố gắng giải thích, trình bày hoàn cảnh của việc dạy dỗ con cái trong gia đình mình thật cụ thể.
Tuy nhiên, cách diễn đạt câu hỏi lòng vòng của nhiều phụ huynh khiến Oscar Brenifier liên tục phải điều chỉnh và hỏi lại cho rõ ràng:
“Tôi muốn nghe một câu hỏi thực sự, và nó phải rõ ràng và chính xác. Những câu hỏi đó tốt nhất không nên quá 10 từ.”
Ông nói: Kỹ năng đặt câu hỏi từ phía bố mẹ mới là điều đáng phải thay đổi, vì chính bố mẹ chưa biết đặt một câu hỏi đúng và cụ thể như các con bé xíu.
Nhà triết học thực hành nổi tiếng kêu lên: “Các bạn đang ngộ nhận khi dạy trẻ tư duy! Nếu muốn trả lời những câu hỏi này, tôi phải có cả một công trình nghiên cứu khoa học!”
Hội trường ngỡ ngàng khi TS. Oscar Brenifier nói:
“Khi hỏi con, mục đích của bạn là gì? Điều đó sẽ quyết định đến cách mà bạn hỏi con, chứ không phải ngôn ngữ bạn dùng. Và trẻ con bao giờ cũng biết bạn hỏi để chúng được bày tỏ suy nghĩ tự do hay chờ từ chúng một câu trả lời mà bạn mong muốn.
Nếu câu trả lời không như bạn mong muốn thì sao? Sẽ ngay lập tức, bạn có yêu cầu con trả lời lại? Phải chăng như thế thì con mới là giỏi? Nếu thế, các con sẽ đi tìm câu trả lời bạn muốn để được khen chứ không thể hiện tư duy của bé!".
Ông nói tiếp: "Cách mà trẻ tư duy khác với điều mà trẻ biết về vấn đề đó! Và chúng ta đang dạy các con biết tư duy độc lập, tự lựa chọn câu trả lời chứ không phải truyền cho các con kiến thức từ sách vở".
“Hãy xác định lại xem, mục đích của các bạn khi đặt câu hỏi với trẻ là gì? Đối với tôi, một câu hỏi tốt vẫn có thể trả lời có/không, đúng/sai và đây là cơ hội để trẻ bày tỏ: Vì sao lại thế?".
Ông kết luận: Câu hỏi để tư duy là câu hỏi sẽ làm cho trẻ kích thích suy nghĩ, gợi lên trong đầu các con một điều gì đó và trả lời theo ý các con chứ không phải là hỏi để có câu trả lời mà chúng ta mong muốn.
Truyện cười là phản biện tốt nhất
Tư duy phản biện cho bé và cho chính mình là một chủ đề được phụ huynh quan tâm. Ai cũng mong muốn nhận dược hướng dẫn từ các diễn giả một phương pháp để học cách phản biện.
Một khán giả đã hỏi cuốn sách nào có thể dạy tư duy phản biện.
Câu trả lời khá bất ngờ khi TS Oscar Brenifier chia sẻ:
Đến đất nước nào, ông cũng luôn cố gắng tìm kiếm cái gì đó “có thể như kinh thánh của một đất nước”. Và theo ông, truyện cười dân gian Việt Nam có thể chính là cuốn kinh thánh đó.
“Truyện cười dân gian Việt Nam có thể là cuốn sách dạy tư duy phản biện tốt nhất cho bạn! Nếu ai đó đọc cuốn sách này và trả lời được cho từng câu chuyện rằng “Tại sao nó lại là truyện cười?” thì tôi sẽ cấp một chứng chỉ tư duy phản biện cho người đó!” – ông hóm hỉnh đáp lời khán giả.
Đoạn đối thoại lắt léo
Một phụ huynh: Khi đọc sách, tôi ấn tượng với cách mà TS đặt câu hỏi gợi mở. Nhưng trong quá trình thực hành tôi thấy khó. Vậy TS có thể giải thích cho tôi cách sử dụng bộ sách này sao cho hiệu quả? Cách đối thoại với trẻ như thế nào? Hướng dẫn phương pháp tư duy qua các cách đặt câu hỏi cho trẻ? Phương pháp giáo dục tư duy của tiến sỹ thông qua việc đối thoại với trẻ? Làm thế nào để đặt những câu hỏi tốt mà trẻ sẽ không thể chỉ trả lời rằng có hoặc không?
TS. Oscar Brefinier: Bạn hãy hỏi tôi một câu hỏi rõ ràng và thật ngắn gọn. Bạn cần hỏi tôi về cách sử dụng cuốn sách hay cách đặt câu hỏi và đối thoại với trẻ?
Phụ huynh (PH): Tôi muốn hỏi về phương pháp tư duy qua cách đặt câu hỏi với trẻ?
TS (hỏi lại): Vậy bạn thấy đâu là đặc thù của việc đặt câu hỏi trong cuốn sách này?
Phụ huynh: Luôn đặt vấn đề ngược lại câu hỏi.
TS : Ngược lại câu hỏi hay câu trả lời?
PH: Cả câu hỏi và câu trả lời.
TS: Ồ không! Bạn chỉ được chọn một thôi, hoặc là câu hỏi, hoặc là câu trả lời. Hãy tách biệt vấn đề một cách rõ ràng là bạn đang nói về câu hỏi hay câu trả lời.Vậy theo bạn, làm thế nào để biến một câu hỏi thành câu hỏi mở?
PH: Không đặt câu hỏi để trẻ có thể trả lời có hoặc không.
TS: Vậy những câu hỏi của tôi: “Chúng ta có giỏi tất cả mọi thứ được không?
Chúng ta có buộc những người giàu phải chia sẻ cho những người nghèo được không?
Theo bạn, những câu hỏi này có trả lời có hoặc không được không?
PH: Có
TS: Đối với bạn, những câu hỏi tốt là những câu hỏi không thể trả lời có hoặc không. Vậy những câu hỏi này có tốt không? Có thể hỏi con bạn được không?
PH: Có
Ts: Vậy là bạn đã đổi ý rồi sao?
Cả hội trường hết sức bất ngờ với cách lập luận dí dỏm của TS. Oscar Brenifier. Ông nói: Điều tôi muốn là bạn hãy tư duy về chính câu hỏi của bạn.
Nguyễn Hường