Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2007

lê ngọc thuận




LÊ NGỌC THUẬN

RƯỢU QUI-I

Đôi môi đỏ không rõ-ràng lý-lịch

Nên nỗi buồn đôi lúc cũng man-khai

Và từ đó tóc dài bay quỉ-quyệt

Em nhe răng - hôn - khủng - bố đời anh.

MẮT - THÁNG – GIÊNG

Thiên – an - mắt mặn Quan – âm

Sài – gòn mắt lại phù - vân bão – bùng

mắt Nam-giao mộng thâm-cung

mắt thư –quán đọng tơ rung tỳ-bà

mắt tôi - mắt quỉ mắt ma

nửa non âm - phủ nửa già yêu-tinh

Vương - phi - đôi - mắt Thánh – Kinh

Còn đôi mắt khế phụ - tình tôi – đâu?

Tháng Giêng rượu đớn ly đau

Tóc tôi khổ-hạnh bạc đầu nhớ em




hoàng thị thiều anh




HOÀNG THỊ THIỀU ANH

CƠN MƯA CHIỀU MÙA HẠ

Chiều nay trời bỗng đổ mưa. Những cơn mưa đầu mùa thường làm cho không khí trở nên dịu mát êm ái. Cơn mưa chiều nay cũng vậy, ban đầu là những cơn gió heo heo mang theo hơi nước mát lạnh rồi mặt trời gay gắt thừơng ngày u uẩn nhường chỗ cho những đám mây đen kĩu kịt hạ xuống thấp dần thấp dần và những giọt mưa bắt đầu tung hoành ngang dọc trời đất. Những giọt nước ban sơ còn sợ sệt từ tốn nhẹ nhàng, mỗi lúc mỗi nặng hạt hơn mạnh bạo hơn rồi ào đến cùng gió cùng mây cùng nước ào ào tuôn xối xả. Mưa đánh ầm ầm, rào rào trên những ngọn lá chuối, lộp độp trên mảnh tồn trước sân… nghe rất vui tai. May mắn nhà tôi vẫn còn một khoảng lợp tôn và xây cạnh một khu vườn xum xuê cây trái nên còn nghe đươc âm thanh này chứ nhà mái bằng bê tông hóa thì còn đâu mà nghe được cơ chứ… Từng giọt từng giọt cứ thế nhảy nhót vi vút trong không gian, lắm lúc lại liếc mắt lúng la lúng liếng đưa tình với nàng gió chảnh chọe. Âm thanh mỗi lúc mỗi trong thanh và thú vị hơn với nhiều tạp âm. Tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió chao chát mong manh, tiếng người xa xăm văng vẳng,…âm điệu của cơn mưa chiều nay thật lạ lùng, kì quặc.

Những ngày trời mưa là những ngày mà tôi thường có tâm trạng buồn buồn. Tất nhiên là những nỗi buồn vô cớ, chẳng đâu vào đâu cứ bấu víu lây tâm can mà dằn xé. Khi tôi còn là một cô bé chưa biết nghĩ ngợi chưa biết mộng mơ tôi thích nhất là được đội mưa long nhong ngoài phố. Đi như thế cho đến khi nào cảm nhận được cái lạnh từ từ thấm vào từng thớ thịt thì mới tìm đên quán mình yêu thích nhất để nghe cái lạnh thấm đẫm vào tâm can…thú vị vô cùng. Tôi sẽ ngồi như thế và nhâm nhi một cốc chanh rum đường thơm phức. Đợi tới khi nào khô hết áo quần vẫn chưa ngớt mưa thì đi tiếp còn không thì…về nhà. Con đường gắn với những thú vui ngông cuồng ấy của tôi là con đường Lê Lợi. Tôi thích đi trên con đường này bởi vì vào những ngày trời mưa con đường thơm ngát mùi hoa long não. Dẫu cái mùi đôi khi buốt tận óc vẫn mê…và góc quán tôi vẫn thường ngồi là café Thảo Nguyên, cạnh cầu Mới…

Chiều nay, tôi không lang thang như những năm về trước nữa. Tôi lặng im mở đĩa nhạc Trịnh nghe Khánh Ly ru những nỗi niềm vô cớ của mình vào cõi lặng. Cái cõi mà tận đáy hồn vẫn nhừa nhựa một nỗi buồn không phai và nó cứ thường trực như thể thiếu nó tôi không thể sống và tồn tại được vậy. Nó kí sinh trên trái tim côi cút của tôi kể từ khi tôi cất tiếng khóc chào đời và thế là 30 năm trôi qua nó vẫn không hề rỉ rét mà vẫn… “chạy tốt”. Mà tôi yếu đuối thật đấy! Nhiều lúc tưởng chẳng có gì cũng làm tôi mủi lòng mà khóc ngon lành như đứa trẻ bị mạ đánh oan. Nhìn những mảnh đời trắc ẩn tôi không khỏi xót xa. Và ngày ngày nhìn dòng đời tấp nập ngược xuôi, một hình ảnh của cánh chim lạc bầy cũng làm tôi đau đáu những thương cảm. Chiều muộn trầm rơi nhẹ nhàng cùng cơn mưa. Tiếng hát vẫn văng vẳng bên tai những giai khúc rợn hồn. Tôi nằm ngửa trên sàn nhà trơn mát liu riu thả suy tư trôi theo vũ điệu mưa chiều. Quá khứ lẫn kí ức nhàu nhò dần ùa về ầm ào như cơn say rượu dữ dằn. Nó gột dần, mài mòn dần những hứng khởi khơi nguồn đã từng chất chứa trong tim. Một thằng con trai tay cầm đóa hoa hồng 11h đêm giữa cơn mưa vần vũ vẫn đứng như trời trồng trươc nhà con bạn nó lỡ yêu và bị từ chối tình yêu vừa đẹp vừa thánh thiện vô cùng… một thằng con trai lặn lội từ Đà Nẵng ra găp để nói lời xin lỗi nhưng đã muộn màng vì người con gái kia lạnh lùng không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào dẫu lỗi không thuộc về người con trai ấy…và biêt bao nhiêu cuộc tình đi qua đỗ lại trước cuôc đời tôi mà không hằn những vết thương sâu khoắm loang lổ. Cứ thế, tất cả trôi đi trong chiều muộn để lại trong tôi vô vạn niềm đau cố tình chôn giấu cùng với những cơn mưa chiều hoang dại…

Mưa ơi! Hãy đưa tôi đến thế giới không lo toan lo lắng! Hãy gột rửa dùm tôi những ảo giác tầm thường! Hãy kể tôi nghe những những mảnh đời hoang phế! Và cùng tôi mang hơi ấm tình yêu gieo rắc vào những trái tim đen tối chực nuốt chửng thế giới vốn xinh xắn này! Có được không nhỉ? Và âm nhạc ơi! Hãy thổi bùng ngọn lửa khao khát yêu thương! Hãy mang giai điệu trầm ấm ru cuộc đời những con người thiệt thòi! Và cùng tôi len lõi vào những ngóc ngách sâu thẳm ấy nhiệt huyết trẻ trai một đời vẫy vùng ngang dọc. Có được không nhỉ?...

Thế đấy! ôi cơn mưa chiều! tôi lại nhìn thấy tôi của 10 năm về trước: ngốc nghếch bé dại hay u sầu hờn dỗi. Bất giác tôi mỉm cười…Có ai giống như tôi chiều nay không? Lại mưa…lại rả rích…lại lộp độp…lại ầm ầm…bài hát tôi yêu thích lại vang lên : “bốn mùa như gió, bốn mùa như mây, những dòng sông nối đôi tay liền vối biển khơi…để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười…” bốn mùa thay lá… như cơn mưa chiều đi qua rồi trở lại vào ngày mai với một cảm nhận khác. Có gì chăng sau những giấc mơ u uẩn màu men rượu thần thánh…đó là một tình yêu đích thực đượm buồn như cơn mưa chiều nay…

Chiều mưa buồn,5/07

hoàng thị thiều anh

dương đình hùng




Thơ lá ngọc 1

DƯƠNG ĐÌNH HÙNG

Nxb THANH NIÊN ấn hành tháng 08.2007

Chịu trách nhiệm xuất bản:

MAI THỜI CHÍNH

Biên tập:

NGUYỄN TRƯỜNG – NGÔ THỊ HẠNH

Bìa và trình bày: VĂN VIẾT LỘC

Bloc tho văn hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc & bằng hữu

& xin phép tác giả đươc trích đăng bài:

Lớp học tàn

Kính viếng những linh hồn

trong chiến trận Bình Long.

Vòng chiến địa

lún dần ngôi trường nhỏ.

Bom đạn bay

sơn dấu vết tường loang.

Viên phấn trắng,

vô tình lăn mắt trẻ.

Mái đầu xanh,

cặm cụi chép ”o”…tròn.

Em cứ tìm

nơi nào không dấu đạn ?

Rừng cây xanh

trụi lá gãy nhìn đời.

Khung cửa sổ buông mình trên chiến lộ.

Ngàn chim kêu

gọi cứu bay về ngàn.

Trời ửng sáng – nắng vàng trùm sương lạnh.

Đón vào trường

đôi guốc nhẹ vang vang.

Chiếc nón lá – nổ rền không trăng trối.

Em lìa xa

nhuộm đỏ áo dài xanh.

Đám con gái

cúi đầu từ cô giáo.

Đưa cô về

tử địa chóng hồi sinh.

Góc phố buồn

không tiếng kèn đưa tiễn.

Tiếng qụa kêu

vượn hú nát bình minh.

Dốc hoàng hôn,

tím buồn quanh phố lạnh.

Xác thân người

tung tóe tiếng bom vang.

Máu đỏ thắm

tràn đầy khăn sô trắng.

Lớp học tàn

dắt díu dưới trời hoang .

Thân Chúa sập

nhìn mái trường, lớp học.

Phật cúi đầu

ngấn lệ chúng sinh đau.

Trên dốc đỏ

trăm thây chung tử huyệt.

Dìu nhau về

tắm máu suối ngàn sâu...




xem gio

Hanoi

xem

cao huy khanh



CAO HUY KHANH


THƠ BỆNH BÍCH KHÊ

Thơ Bích Khê tràn ngập mùi hương, có thể nói đó là một thế giới toàn hương từ cảnh vật chung quanh lan tỏa ra :

Đây bát ngát và thơm như sữa lúa

Nhựa đương lên, sức mạnh của lòng thương

Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa

Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương

Đây bát ngát và thơm như sữa lúa

Hồn xạ hương phơ phất ở trong sương…

(Mộng cầm ca)

đến cả châu thân nhà thơ cũng quyện với thơ làm một :

Chàng ơi đêm nín thở

Để hồn biến ra hương

(Ngũ hành sơn 1)

Hương hòa nhập vào tất cả, đồng hoà với tất cả sự vật . Như trăng cũng là hương :

Nàng bước tới như sông trăng chảy nhạc

Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương

(Nàng bước tới)

Lời nói cũng là hương :

Lời nức ra hơi hương

Dìu dịu tỏa trong buồng

(Hàn Mặc Tử)

Thậm chí âm nhạc trong đó cũng được ướp hương phảng phất dìu dặt :

Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ

Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc , lan man

(Đồ mi hoa)

Tất cả các loại hương ấy được nhà thơ tiếp nhận, tinh lọc, thăng hoa qua một khiếu thẩm định cực kỳ nhạy bén, tinh tế dường như đến tậïn cùng tế bào hương, từng chiều sâu thẳm của hương. Đến độ chừng như có thể vật chất hóa nó , cân đo đong đếm nó được :

Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nắng lặng

Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.

(Mộng cầm ca )

Hay :

Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy

Khóm lan thơ nặng khí ưu phiền

(Làng em)

Vì thế mà nhà thơ có thể lắng nghe được cả âm thanh của hương nữa :

Phăng mạch đêm, hương ứa vỡ ngầm tinh.

(Mộng cầm ca)

Và đóan chừng bóng dáng của hương thấp thoáng đâu đây, khi xa khi gần, truy tìm nó để chộp lấy nó :

Đâu đây lãng đãng bầu hương nhạc

Phát phất gần như phất phất xa.

(Tinh chất ngàn xuân)

Đến cả không gian cũng được nhuộm một mùi không định nghĩa được mà chỉ có nhà thơ mới phát hiện ra :

Gió về mang cả mùi lăng tẩm

Buồn cất lênh đênh những miếng đen….

(Dặm mòn)

Không chỉ say đắm với những loại hương cụ thể, Bích Khê còn mơ thấy, tưởng tượng thấy những mùi thơm ảo giác qua mối ám ảnh về nhục cảm ái ân vốn là một nét độc đáo táo bạo trong thơ ông :

Này, muôn ngọc nữ ngớp y thường

Tóc quyện hay mùi tô hợp hương…

(Nghê thường)

Từ mùi tóc đến hương thơm da thịt hiện về trong mộng :

Gió thiệt đa tình hôn mặt hoa

Thơm tho mùi thịt bắt say ngà…

(Hiện hình)

Đó hoàn toàn là những mùi hương không có thật từ những con người không có thật mà kinh nghiệm chung đụng của nhà thơ trong đời sống riêng lúc đó chắc không nhiều :

Nàng Vệ Nữ theo nàng Vệ Nữ

Áo âm dương gió tóc thơm rừng…

(Lên Kim Tinh)

Từ kinh nghiệm thẩm định hương thơ của Bích Khê cho thấy vai trò của khứu giác trong nghệ thuật sáng tạo của ông rất đặc biệt . Mà điều này thì lệ thuộc nhiều vào hoạt động của bộ phổi : hít , thở, hít vào, thở ra . Đó là hoạt động đã được tượng hình , thể hiện qua những hình ảnh mô tả mối quan hệ giao tiếp giữa tác giả và các loại mùi hương :

Ô nàng tiên nương!Hớp nhạc đầy hương

(Nhạc)

Hoặc :

Ngừng hơi thở ta nép trong bóng lá

Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên…

(Đồ mi hoa)

Tiếng thở, hơi thở ở đây là một yếu tố gắn liền với cơ thể sinh lý của nhà thơ :

Những dáng hình, thanh khí …Giữa mông mênh

Dường nhiếp ảnh sắc khua màu – Tiếng thở

(Duy tân)

Hay nó xuất phát từ sự vật vốn đã được tác giả nhân cách hóa theo mình :

Âm thanh gì sắp sửa … Ngọc Kiều ơi!

Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng

(Mộng cầm ca)

Năng khiếu khứu giác (ngửi) vô cùng phong phú , tinh vi của Bích Khê sở dĩ có được , đậm đặc ở đây phầøn nào bắt nguồn từ chính căn bệnh của ông : Bệnh lao đến chết. Những bệnh nhân lao thường đều có một cảm quan khứu giác cực nhạy, tinh tế hơn hẳn người thường do sự hoạt động bất bình thường của hai lá phổi . Trong giai đọan sáng tác đầu khi ông chưa mắc bệnh (tập Mấy dòng thơ cũ) không hề thấy xuất hiện năng khiếu khứu giác đặc biệt kể trên, điều trái ngược hẳn với giai đọan sau đã mang dấu án của bệnh lao:

Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ

Lấy môi, lấy má, lấy ngây thơ

Để anh nút ớn mùi hương ấm…

(Ảnh ấy)

Và :

Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương

… đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ…”

(Nhạc)

Nếu thơ Bích Khê còn giàu chất nhạc là do ông rát sành về nhạc (theo Chế Lan Viên), thơ Hàn Mặc Tử rên xiết đau nhức vì bệnh phong (với vai trò của xúc giác tối thượng) thì bệnh lao đã góp phần làm nên những bài thơ kỳ lạ của Bích Khê . Đó là dòng thơ bệnh – cái giá sinh mạng mà nhà thơ phải trả tuy thơ bệnh của Bích Khê rõ ràng thanh khiết, sạch sẽ , êm ái hơn thơ bệnh của Hàn Mặc Tử do cơ chế bêïnh gây nên.

Khó ai quên được mùi hương hoàng lan kỳ diệu khó tả của Thạch Lam – một người cũng đã chết vì bệnh lao . Khó ai không bồi hồi khi đọc lại những lời trăn trối đẫm đầy mùi hương của Bích Khê – không phải là hương thơm tưởng tượng nữa mà là mùi của cái chết đang dần dần đến :

Những tờ thơ nát đầy hơi hám

Tay khách đa tình sẽ chuyển trao…….

CAO HUY KHANH

3/1997


châu thu hà



CHÂU THU HÀ

TUYÊN NGÔN TÌNH YÊU

đừng làm em mềm nhũn ra

bởi vòng tay anh rắn chắc

này con tim đóng băng

mạng em Thiên thượng hỏa

băng tan

thế giới lõa thể

tình yêu tìm nơi bấu víu

nỗi xấu hổ chiếc áo choàng mỏng

trước khi phủ phục em

mê đắm mảng ngực trần

dịu êm bàn tay chúa

tuyên ngôn tình yêu chưa kịp thốt lên

sóng đã ầm ào thốt lên lần nữa

bắt đền anh thôi!

PHỤC SINH

nhựa úa từ vết cắt của cây

bao quanh tấm thân hao gầy

phủ dụ anh hồn nhiên

cánh én nhỏ

bay vào lòng em mùa xuân

phiêu du giữa trời mây đôi ta làm cánh diều

rong chơi quên ngày tháng

làm con ong suốt một đời cần mẫn

rồi em hôn anh như thác cuốn gềnh đá ngầm

quyến rũ anh bằng trinh tiết Eva

rồi những đứa trẻ được sinh ra

bắt đầu ngày mới....

cth.


thuý hồng


minh hoạ: v ũ hà nam


THUÝ HỒNG


VỚI “NGUYỆT ĐỘNG”


đêm nguyệt động xin anh đừng gợi lại

để lòng em thương nhớ đến trăm chiều

ngỡ xa cách một mối tình lẩn khuất

có ai ngờ biển dậy sóng miên man...

xin đừng hái màu xanh nơi khóe mắt

để em mơ...khao khác đến nao lòng

xin đừng hái nửa đời đau lầm lỡ

nghĩa địa buồn có lúc cũng thiêu thân!

thôi anh nhé, mùa sau mùa trái ngọt

vườn địa đàng đón đợi dấu tay tiên.

NGÃ BA

Chiều xa rồi ngã ba ơi

Anh về để nắng vàng rơi tội tình

Em đi, đi với riêng mình

Anh quay quay với bóng hình trói chân

Đêm ngày chưa hết bâng khuâng

Một làn môi đỏ mấy lần nhớ anh

Hoàng hôn rơi rớt bên thềm

Mới hay chiều của ngọt mềm đã qua

Tàu qua rồi mấy ngã ba

Xa anh để ráng chiều pha một đời

Chia tay sao chẳng thành lời

Mà trong đáy mắt rã rời ngã ba.

LƯU LUYẾN

Bàn tay lưu luyến bàn tay

Khoảng không vừa đủ nhớ ngày xa anh

Tàu rời bến đẩm sương đêm

Một bàn tay lạnh như thêm nỗi buồn



văn viết l ộc


VĂN VIẾT LỘC

NGUYỆT ĐỘNG

anh xin hái,

nụ tầm xuân xanh biếc.

để lòng em,

tha thiết nhớ thương ai.

chiều đã xanh chưa!

xin một chút mơ phai.

vàng nắng lụa

cho lòng anh ấm lại.

chiều đã xanh chưa,

cho mắt em ngây dại.

một chút thôi,

một chút nắng trong đời.

* *

*

anh xin hái,

nguyệt xanh trên khóe mắt.

để lòng em, òa vỡ một đêm trăng.

anh không thể đi,

khi đôi tay còn muốn hái.

trái đắng trên cành,

tê lưỡi một đời nhau.

anh không thể đi,

khi nguyệt động bờ môi.

lời ẩn dụ,

không còn linh thiêng nữa.

anh không thể đi,

tất nhiên anh sẽ hái.

cuộc đời em,

bằng những ngón tay thần.

vvl