TRẦN HỮU DŨNG
XUNG QUANH BÀI THƠ “GIANG HỒ”
CỦA NHÀ THƠ PHẠM HỮU QUANG
Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình
Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một góc si
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường
Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
5.1991
Tôi gặp PHẠM HỮU QUANG khoảng năm 1979 khi anh lên Sài Gòn lo in ấn tờ Văn Nghệ An Giang. Lúc đó anh chuyển từ nghề dạy học về công tác Hội Văn nghệ An Giang, chọn công việc đi in báo là để có nhiều dịp giao tiếp, thù tạc với giới văn nghệ cũ mới mà anh thân quen. Biết nhau qua những bài thơ đăng báo nên chúng tôi nhanh chóng là bạn “chí cốt”.
Phạm Hữu Quang sinh năm 1952, quê ở Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ từng học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau anh chuyển về Đại học Cần Thơ, ra trường dạy học một thời gian, trước khi trở thành hội viên Hội Văn nghệ An Giang.
Cha mất sớm, còn mẹ và chị. Lúc chị đi lấy chồng, anh sống thui thủi bên mẹ. Có lẽ hoàn cảnh gia đình côi cút sớm tạo nên tâm trạng u uẩn, day dứt và lạc lõng khôn nguôi trong lòng Quang:
Em suốt đời chẳng hiểu được mình
Vẫn như bé khi về bên chị
Cây gáo chẳng hóa thành cây thị
Nhưng chị em vẫn mãi nàng tiên*
Những năm đi học, Quang tham gia nhóm thơ Về Nguồn ở Cần Thơ, ra tập thơ đầu tay in ronéo Người tình quê hương. Kế tiếp là tập thơ thiếu nhi Đàn gà con – Văn nghệ An Giang xuất bản năm 1980. Tập thơ cuối cùng do bạn hữu gom lại in cho anh là Ngẫu hứng chiều sông Hậu – Văn nghệ An Giang năm 2000. Đấy là “đứa con tinh thần” mà anh chưa nhìn thấy mặt, đã lặng lẽ đi xa.
Quang viết ít, chậm rãi, nghiền ngẫm đến nát nhàu tứ thơ, câu chữ mới viết ra. Bản thảo anh còn nhiều bài thơ dở dang, anh chần chừ, chờ đợi một chữ, một tứ thật “đắc”, giống hệt như đọc thơ bạn anh cũng khó tính như thế. Có lần anh nhắc đến bài thơ tôi viết, sau cơn mưa đồng bằng, nắng cứ trải dài miên man không dứt, vô tận, anh bảo rằng nhà văn Sơn Nam rất mê, chép lại đi, tôi thật tình quên mất. Anh trách tôi: “Sao mày vô tình quá, chưa “sống chết với thơ”!”.
Vốn to con, tướng Quang thấp đậm, tóc, râu xù xì, trông hơi “ngầu” nhưng lại lành tính. Bạn bè vẫn gọi đùa anh là “con gấu ngủ đông” chưa chịu thức giấc. Trong bàn nhậu Quang ít nói, cứ lầm lì uống, không bao giờ bỏ bạn, tới khi nào tiệc tàn, lừ đừ đứng dậy ra về, lúc đó trông anh thật cô đơn, xiêu đảo.
Lên Sài Gòn, Quang thường ghé báo Văn Nghệ Thành Phố kiếm tôi, Bùi Chí Vinh, Vũ Ngọc Giao, anh Joseph Huỳnh Văn... để bù khú. Với cái bị vắt vai, áo jean bạc màu, anh lặng lẽ ngồi hút thuốc. Tôi nhớ nhất lần anh lãnh tiền đi dự trại viết văn ở Hà Nội, cứ lần chần mãi ở thành phố, mấy lần tôi đưa ra ga xe lửa, anh lại lộn trở lại nhà tôi, đập cửa đòi ngủ nhờ.
Bữa đó nhậu tại quán Trống Đồng có Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quốc Chánh và nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, người mà anh rất ngưỡng mộ, từ Blao xuống. Anh rủ cả nhóm về nhà anh ở Long Xuyên chơi. Rỗng túi, chúng tôi chạy về nhà chị Ý Nhi kế xưởng nhựa Bình Minh quận 6, gửi xe, mượn tiền, mướn nguyên chiếc xe hơi thẳng xuống nhà anh. Những cuộc nhậu liên miên với chuột đồng khìa, cá rô chiên xù do Quang đích thân đi chợ, làm bếp, mua rượu đãi bạn. Anh trò chuyện rôm rả, thú vị với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn – ăn chay, không uống rượu - mang ra khoe tập thơ Những bài thơ tình đầu của anh Sơn mà Quang cất giữ hơn 20 năm.
Hiếm hoi lắm, tôi mới thấy Quang vui, mở lòng ra hết cỡ, thoát khỏi cái bóng khật khừ ma ám của mình.
Ta vô cớ cười rung như tiếng lạc
Ta về, ừ nhỉ ta về thôi
Ô hay bến thuyền kèo cột gãy
Qua mùa hoạn lộ chẳng còn vui*
Suốt đời Quang là những dự tính dở dang, những bài thơ chưa thành hình, những chuyến đi giang hồ vặt các tỉnh, thành phố nào Cần Thơ, Bạc Liêu, Châu Đốc, nào Sài Gòn, Đà Lạt, Hà Nội... nhất thiết phải lên đường về một nơi chốn nào đó. Có lần anh nhảy lên Phương Bối – ngủ một đêm với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, tâm sự vơi đầy rồi lộn về.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín kể: “Bữa nhậu ở Hà Nội có Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, bỗng Nguyễn Đình Chính đọc lại hai câu thơ:
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà
Rồi hỏi:
- Biết thơ ai không?
- Không.
- Của Phạm Hữu Quang. Mọi người hãy uống gởi cho Quang một ly đi”.
Sau tai biến mạch máu não lần thứ nhất, Quang gượng dậy, dù liệt nửa thân, anh gắng gượng tập đi tập viết lại. Những bức thư ngắn Quang gửi nhờ tôi lãnh giùm nhuận bút báo Công An Thành Phố, chữ rất khó đọc. Tôi mừng thầm vì bạn đã phục hồi phần nào. Thế mà cơn tai biến mạch máu não lần thứ hai lại đến, Quang mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 28/4/2000 ở tuổi 49!
Rất nhiều người thuộc bài Giang hồ mà không hề biết tác giả là ai. Có lần người bạn tôi ở Huế vào chơi, hứng lên ngâm:
Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
....
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng
...
Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng*
Trời ơi, cái giọng Huế buồn đẫm, quán vắng chiều mưa lai rai không dứt, sao mà buồn, mà nhớ bạn tôi Phạm Hữu Quang quá thể!
Con Quang nay đã lớn, vào làm phóng viên báo An Giang, chị Phạm Thị Thà – vợ anh vẫn làm ở Công đoàn tỉnh An Giang, nơi anh định cư, chọn làm quê hương thứ hai sau Bắc Đuông. Có lần anh Lê Hoàng – NXB Trẻ - dự định in một tập thơ tuyển cho Phạm Hữu Quang, do họa sĩ Việt Hải trình bày, Việt Hải mất đột ngột vì tai nạn giao thông, vẫn chưa thấy tập thơ ra mắt bạn đọc...
Phạm Hữu Quang đi xa 6 năm rồi, thơ anh vẫn còn có người nhớ, vẫn đọng lại ít nhiều trong lòng bạn đọc, thơ anh giống như dòng sông Hậu quê nhà: “Sông cứ chảy. Ừ, sông cứ chảy!”.
* thơ Phạm Hữu Quang.
@ nguồn thời văn số 8