Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Hãy mở một đôi mắt khác



Nguyễn Quang Thiều
Hãy mở một đôi mắt khác trong sáng tạo của mình. Đôi mắt ấy sẽ dẫn chúng ta đi qua những con đường mà chính chúng ta đã từng chùn bước vì sợ hãi.
Lúc nào cũng có một lối đi xuyên qua tất cả mọi lối đi. Nó dẫn chúng ta, chỉ trong chớp mắt, đến được nơi chốn mà hầu hết chúng ta không bao giờ đến được bằng những lối đi thông thường và cỏ vẻ an toàn nhất mà chúng ta thường lựa chọn với một khoái cảm ngu ngốc là chúng ta đã khôn hơn những kẻ khác. Nhưng chúng ta không nhận ra lối đi đó. Và nếu có một lần nào đó, chúng ta bất chợt nhìn thấy nó hiện ra trước mắt thì  đôi mắt chúng ta lại chứa đầy sự ngờ vực. Không phải chỉ vì chúng ta thiếu lòng tin mà là chúng ta thật sự không hiểu được nó.
Thuở ấu thơ, tôi sống ở làng quê, nơi có những khu vườn hoang nối nhau từ đầu làng chạy đến cuối làng. Suốt ba năm liền, từ bảy tuổi đến mười tuổi, tôi mắc bệnh mộng du. Đấy là sau này mẹ tôi nói lại với tôi như thế. Suốt ba năm đó, bà nội tôi và mẹ tôi đã lo sợ cho tôi. Cứ đêm xuống, bà và mẹ tôi bắt đầu đóng cửa kỹ lưỡng và canh chừng tôi. Bà tôi để một chiếc thúng đựng đầy tro bếp để tôi đi tiểu vào đó mà không phải ra ngoài. Vì lần nào cũng vậy, hễ tôi ra ngoài đi tiểu là tôi bắt đầu đi xuyên qua khu vườn hoang trong khi mắt tôi vẫn nhắm nghiền. Mẹ tôi bảo lúc đó tôi vẫn đang ngủ.
Trong những khu vườn hoang, cây cối mọc rậm rì. Nhưng chưa một lần nào tôi đâm vào một bụi cây gai hay va vào một thân cây. Thi thoảng, lối đi đó lại chạy sát mép một cái ao hoặc một đầm nước. Tôi đã vừa ngủ vừa đi men theo bờ đầm mà chưa một lần nào rơi xuống nước. Ai đã dắt tôi đi xuyên qua những khu vườn hoang trong đêm tối một cách chính xác như vậy.

Lúc nào cũng có một lối đi xuyên qua tất cả mọi lối đi.
Cuối cùng thì bà và mẹ tôi vẫn tìm thấy tôi đang nấp sau một gốc cây, đang ngủ bên một bụi cây gai hoặc đang nhắm nghiền mắt đứng sát mép đầm nước. Tôi được dắt về nhà và bị đánh mấy roi cho tỉnh lại. Lần nào cũng vậy, sau khi tỉnh dậy, tôi cũng không hề biết chuyện gì đã xẩy ra.
Nhưng một lúc nào đó khi đi qua khu vườn, tôi bất chợt nhìn thấy con đường chạy vòng vèo qua những bụi cây gai và những thân cây. Con đường đó hiện ra rõ nét như tôi đã đi trên con đường đó hàng thế kỷ. Đó chính là con đường tôi vẫn đi trong những đêm tối với một đôi mắt nhắm nghiền.
Tôi không có ý định nhờ các nhà tâm lý học hay các bác sỹ chuyên ngành thần kinh lý giải cho tôi vì sao tôi lại có thể đi trong khi ngủ. Nhưng một hiện thực cho thấy, cho dù khi mộng du, đôi mắt tôi nhắm nghiền thì chắc chắn có một đôi mắt khác mở to và rọi thẳng về phía trước con đường mà những bước chân tôi sẽ tới. Đôi mắt đó có thể là của ký ức. Bởi trước đó, khi thức, tôi đã đi biết bao lần trên lối đi đó và toàn bộ cảnh vật trên lối đi đó đã được ký ức hóa trong tôi. Việc ký ức hóa có phải là sự mã hóa sơ đồ con đường không? Đúng là vậy ở một góc cạnh nào đó. Nhưng nếu chỉ là sự mã hóa sơ đồ con đường một cách máy móc như người ta lập trình cho các máy móc tự động thì tôi sẽ bị rơi xuống hồ nước hoặc đâm vào một bụi cây khi con đường đó thay đổi ở một khúc nào đó và một bụi cây vừa mọc lên.
Thực tế con đường chạy qua khu vườn hoang và men theo bờ đầm nước trong những năm tôi mắc bệnh mộng du đã có những thay đổi. Có một điều kỳ diệu đã hiện ra ở đây. Đó là con mắt của ký ức cũng lại chính là con mắt của tương lai - con mắt của trí tưởng tượng phong phú. Chính cái phần tương lai của con mắt ấy đã chỉ dẫn cho đôi chân của tôi đi qua những thay đổi của con đường.
Và một điều tối quan trọng giúp tôi hay bất cứ ai đó đi qua con đường một cách kỳ diệu khi đôi mắt thông thường của chúng ta vẫn nhắm nghiền. Điều tối quan trọng ấy chính là sự không sợ hãi và thấm đẫm tinh thần lãng mạn của chúng ta.
Khi đôi mắt trần tục của chúng ta mở ra thì có quá nhiều những trần tục cũng ùa vào và nhiều lúc làm chúng ta rối loạn. Những rối loạn này sinh ra trong chúng ta một điều vô cùng tồi tệ. Đó là nỗi sợ hãi. Chúng ta thật dễ dàng đi qua một tấm ván đặt trên mặt đất chỉ vừa hai bàn chân. Nhưng chúng ta lại không thể nào đi qua nổi một tấm ván rộng một mét hoặc rộng hơn nữa bắc qua hai tòa nhà cao tầng. Nỗi sợ hãi bị rơi xuống đã giết chết toàn bộ khả năng và cảm hứng của chúng ta.
Một đứa trẻ chạy vô tư và thích thú dọc mép một ban công trên tòa nhà cao giữa bầu trời rộng lớn đầy gió trong khi chúng ta có thể vỡ tim vì kinh hãi. Bởi đứa trẻ kia không nghĩ tới những nguy hiểm có thể xẩy ra với nó, còn chúng ta ngập tràn những sợ hãi và tính toán.  Và bởi đứa trẻ kia đang tìm thấy niềm hứng khởi và bao điều lạ lùng đang mở ra theo từng bước chạy của nó. Còn chúng ta rúm mình lại bạc nhược và kinh hãi khi nghĩ mình sẽ bị giết chết.
Nỗi đau đớn và trí tưởng tượng càng lớn thì sự sáng tạo của chúng ta càng kỳ diệu trong khi đó nỗi sợ hãi càng lớn thì cái chết của sáng tạo càng đến nhanh.
Và bây giờ, không ít người viết trong chúng ta mang quá nhiều nỗi sợ hãi trong mình. Nỗi sợ hãi ấy làm cho trang viết của chúng ta trở nên tẻ nhạt và xa cách. Ngay cả trong trí tưởng tượng của nhà văn, chúng ta cũng không dám đập cánh một cách quyết liệt và vang dội để bay lên. Bởi chúng ta đang mở quá to, mở đến rách cả khóe mắt đôi mắt trần tục của mình. Chính vì thế, chúng ta nhìn thấy quá nhiều những danh vọng thường ngày, những lợi ích cá nhân, những khó chịu, những ghen ghét, những than thở....Và chính tất cả những điều đó đã làm nên nỗi sợ hãi của chúng ta.
Hãy mở một đôi mắt khác trong sáng tạo của mình. Đôi mắt ấy sẽ dẫn chúng ta đi qua những con đường mà chính chúng ta đã từng chùn bước vì sợ hãi.
Nguyễn Quang Thiều
Theo: VietNamNet