Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

Nguyễn Thượng Hỷ

CÀ PHÊ QUÁN CÓC VÀ TRANH VAN GOGH


Hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

Xem tranh Van Gogh danh hoạ người Hà Lan vẽ quán cà phê trên vỉa hè đường phố nước Pháp, lòng tôi bỗng xao xuyên trước cảnh tập nập nhưng trật tự và lịch sự đó. Trong không gian se lạnh, một tách cà phê nóng và điếu thuốc lá thơm nhìn ngắm nam nữ dập dìu, ai dám nói rằng quán café vỉa hè không sang trọng… Phải nói rằng chỉ có ở Việt Nam mới tồn tại loại café vỉa hè.

Tôi có dịp ở Nhật 6 tháng, tranh thủ tìm không gian rộn ràng như đi hội để thưởng thức ly café ở đây nhưng không có. Có lẽ không gian café ở Pháp đã du nhập vào nước ta như xem bức tranh của Van Gogh vẽ quán café Tabac thì thấy đó là khung cảnh quán café bên lề đường thường thấy ở Việt Nam.

Trước đây ở Huế có rất nhiều quán café học sinh, sinh viên thầy giáo, công chức đến các anh xích lô, thợ hồ, thợ mộc, người dân lao động tha hồ chọn quán. Đa số các quán mọc bên đường, góc ngã tư, góc ngã ba, người uống café ngồi thường chiếm luôn vỉa hè nhưng ngưòi đi bộ chẳng lấy gì làm phiền hà. Hồi đó từ năm 1965 - 1972, ở Huế quán đứng đầu café Lạc Sơn, café Phấn ở phố Trần Hưng Đạo; xuống một chút là café Thọ ở chân cầu Gia Hội; trong thành nội có quán café Tôn gần cổng Hiển Nhơn của Hoàng thành, sau đó có cafe Bà Dì mà sinh viên trường Nghệ thuật (Âm nhạc - Mỹ thuật) hay uống vì các quán này đều có bán các món điểm tâm như xôi, bún … hợp với túi tiền sinh viên chúng tôi. Ngày trước ở Huế có vài quán café khá dễ thương thu hút nhiều bạn trẻ sinh viên như Da Vàng, Góp Gió ở bên đường Lê Lợi thơ mộng, vào trong Thành Nội có quán Dung, Chiều Tím, Vông Vang, Khánh Quỳnh … Có cả một quán café được nhóm sinh viên lấy tên nhân vật nữ nổi tiếng trong “Tiếu ngạo giang hồ” là Doanh Doanh, một quán lấy tên mỏ dầu ở biển Đông miền Nam “Hoa Hồng Chín”. Sau này nhiều quán được giới trẻ - nhất là các sinh viên từ nam ra, từ bắc vào - rất thích ghé vào như dãy quán ở Đập Đá, dãy quán ở đường Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Huệ.

Ở Đà Nẵng có quán café Xứng, café Thành Long ở chợ và bến xe luôn luôn đông khách dân lao động. Ngoài ra còn café Lộng Gió, Tuổi Ngọc. Vào phố cổ Hội An, tôi lại thích vào quán café Chanh mà hiện nay vẫn còn như linh hồn phố cổ. Lên Đà Lạt thì vào quán của các văn nghệ sĩ là café Tùng, một quán nhỏ nhưng rất ấm cúng, trang trí một số bức tranh của hoạ sĩ Đinh Cường, Nguyên Khai. Quán này đã được nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đưa vào Tiểu thuyết “ Hình như là tình yêu ”, tác phẩm được dân café trẻ ưu ái đón nhận một thời.

Uống café thường đem đến cho ta nhiều cảm giác, nhất là đối với người đi xa khi đến thành phố khác… Vào Sài Gòn trước 75 uống café vỉa hè ở đường Pasteur, đông nhất ở cổng trường Lasan Tabert hay café Duy Tân (tên đã được nhắc đến trong một ca khúc). Sang trọng hơn là vào quán hộp La Pagode, Rex ở đường Tự Do.

Ra Hà Nội năm 1985, ghé quán café Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân là quán nổi tiếng vì treo nhiều tác phẩm của danh hoạ Vịêt Nam từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Xuống Hải Phòng mùa hạ thành phố ngợp hoa phượng đỏ thì nên nhâm nhi ly cà café ở chợ Sắt. Nhưng thú vị nhất, chỉ mới đây thôi qua Phú Yên, xe ngừng chạy đêm, uống ly café ở bến xa thành phố Tuy Hoà, giá chỉ một ngàn rưởi nhưng thật ngon. Hồi chưa có cầu bắc qua, khách ngừng đợi ở Bến Thuỷ, Phà Gianh, uống ly café đen nóng với có một chút bơ ở đầu muỗng và thêm một chút muối cũng gây ấn tượng về khẩu vị riêng. Hình như ở Việt Nam các quán café ở ga tàu, bến xe đều dễ uống, cũng dễ hiễu thôi vì giá rẻ.

Bây giờ thì nhiều quán café quá! Nhất là loại quán café hộp, cafeteria, café Bar, café Vườn. Nhiều người kinh doanh quán café ngày nay, dường như đang rất “hot”, là “mode” thời thượng, sính được mở quán café ở trong khu vườn được cải tạo biến hoá nhờ bàn tay nghệ sĩ, nghệ nhân vốn là những người tạo dáng sinh vật cảnh rất hiệu quả. Những quán này chỉ thu hút khách vào hạng đại gia lui tới thôi.

Tôi có cô bạn người Nhật khi vào quán café vườn thắc mắc hỏi tôi vì sao bây giờ từ Bắc vào Nam thấy quán café nào cũng chơii nghệ thuật sắp đặt? Từ cái lu, vại nước, cối đá đến cái xe nước chạy môtơ điện và dĩ nhiên thêm hòn non bộ, suối chảy, tre chuối trồng ven hồ thì không thể thiếu, vài quán còn dùng tre làm chụp đèn hay mua mấy chục cái đèn lồng tại phố cổ Hội An về trang trí từ ngoài cổng vào đến bên trong quán, ra cả ngoài vườn. Cô ta hỏi tiếp phải chăng đây là “phong cách Việt”? Gần đây mấy đại gia sành điệu mua vài cái nhà rường ở miền Trung - chủ yếu ở Huế, Quảng Nam - về đặt ở trung tâm thành phố mở café để câu khách mang nỗi niềm “thương nhớ quê nhà”. Cô bạn Nhật của tôi là kiến trúc sư rất hiểu về kiến trúc cổ Việt Nam lại cắc cớ chất vấn tôi “Nghe ông nói nhà ba gian với gian giữa linh thiêng thờ cúng, còn hai gian bên chỉ có đàn ông mới được nằm nghỉ nhưng tại sao lại trở thành quán café ầm ĩ quá vậy?”

Tôi lắc đầu chào thua!

NTH, tháng 2.2008.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2008

Cao Huy Khanh

Ngày 8.3

-------------------------------------------

CHIẾC NHẪN CƯỚI CỦA MẸ TÔI

Cao Huy Khanh

Vợ tôi vừa bị mất nhẫn cưới lúc nào không hay, có lẽ do rửa chén loay hoay sao đó xà bông làm chiếc nhẫn trơn tuột rớt xuống lỗ cống luôn. Tôi bèøn tháo chiếc nhẫn của mình đưa cho gọi là đeo “bù” nhưng côâ ấy... không chịu làm như thể sợ tôi được “giải phóng” vậy! Thế là lại phải đeo vào, cả lần tháo ra lẫn đeo vào lại đều khá khó khăn khi đó mới thấy à thì ra ngón tay mình bây giờ nó... mập ra!

Xoay xoay chiếc nhẫn trong ngón tay tôi chợt nhớ mẹ tôi quá, trước đây bà cũng chẳng còn chiếc nhẫn cưới của mình nữa vì đã đem đi bán lấy tiền nuôi anh em tôi trong những ngày khó khăn thời bao cấp xa xưa kia. Hẳn bà đã lặng lẽ khóc khi phải đem bán nó đi, món cuối cùng đáng giá trong nhà được đem bán, hồi đó chiếc nhẫn cưới 5 phân bán cũng được kha khá tiền đóng sổ gạo. Trong chiến tranh đã có biết bao “Bà mẹ VN Anh hùng” thì sau chiến tranh không biết có bao nhiêu bà Mẹ bán chợ trời, đi buôn chuyến đường dài lây lất ngày đêm trên tàu hoả ngược xuôi nuôi chồng học tập, nuôi con mất việc lang thang không hộ khẩu. Đau đớn thay đến thời đổi mới, con cái làm ăn sống được, khá giả lên thì bà chẳng còn nữa bởi tuổi già thân gầy guộc không chịu nổi gánh nặng lao lực bao năm đằng đẳng. Chúng tôi đềøu trở thành những đứa con bất hiếu.

Ngược lại với người không còn nhẫn cưới như mẹ tôi, tôi từng thấy và biết một người chị trên ngón tay ấy đeo tới... 2 nhẫn cưới! Không phải chuyện đùa đââu mà là một chuyện có thật cảm động lắm: Chị có 2 người chồng đều ra đi hy sinh trong thời chiến tranh, sau đó chị cứ ở vậy thờ chồng nên vẫn mang cả 2 chiếc nhẫn để lúc nào cũng tưởng nhớ đến người xưa, người chồng nào với chị cũng đều đáng kính trọng cả. Lạ một điều là cả 2 người chồng đều chỉ mới hứa hôn chưa chung sống với chị ngày nào thì đã vội bỏ mình trong cuộc chiến, một người ngoài chiến trường một người từ nhà tù. Và còn kỳ lạ hơn khi người đầu là sĩ quan quân y chế độ cũ tử trận đã khiến chị chán ghét chiến tranh chuyển qua hoạt động đấu tranh cho hòa bình từ đó mới gặp gỡ người chồng sau vốn là một… cán bộ cách mạng!

Câu chuyện nhẫõn cưới kể trên thật như một hình ảnh tượng trưng cho thân phận người đàn bà – qua đó là thân phận con người và cả dân tộc nữa – trong cuộc chiến tranh chia rẽ đã qua.

Tất cả họ – còn nhiều nhiều người như vậy nữa – đều là những người phụ nữ vô cùng lớn trong sự chịu đựng, thiệt thòi và mất mát đối với bản thân mình.

…………………………………………………………….

Thấy cô vợ vẫn có vẻ tiếc tiếc sao ấy, tôi bảo có gì đâu đi mua cái khác giống hệt vậy mà đeo vào liền được lãnh một cái lườm mắt sắc như dao cạo: “Cái mới nào cũng làm sao bằng được cái cũ!”. Đúng vậy, cho dẫu nhẫn hột xoàn chăng nữa cũng không thể thay thế được nó vì ấy là một món đồ nữ trang chứ đâu phải như “chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Nhẫn hột xoàn do đó có khi đeo khi không chứ nhẫn cưới dẫu có 2-3 phân vẫn luôn luôn nằm thường trực ở ngón tay trái áp út đó của bất cứ người mẹ, người vợ nào.

Cao Huy Khanh

http://vanvietloc.googlepages.com/caohuykhanh3

Cùng một tác giả:

CHIẾC NHẪN CƯỚI CỦA MẸ TÔI

NÓI CHUYỆN GIÁO DỤC, NHỚ THẦY ĐÔNG HỒ

Cao Bá Quát:

NHỮNG CÂU HỎI VỀ CUỘC

THƠ BỆNH BÍCH KHÊ

Nguyễn Khuyến:NGƯỜI ĐAU MẮT

BẢN DANH SÁCH “ĐEN” CỦA TÚ XƯƠNG

SÔNG HƯƠNG LÀM ƯỚT CẢ ĐỜI TÔI