Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

TRƯƠNG THỊ KIM CHI

TRƯƠNG THỊ KIM CHI

ĐIỀU ẨN LỚN LAO

phụ bản: vũ hà nam

Chiều xuống chậm. Hàng điệp rực rỡ hoa vàng, càng rực rỡ hơn dưới màu ráng đỏ. Đằng kia, loáng thoáng vài bóng người thăm mộ. Mùi nhang toả lan nhè nhẹ đâu đây. Trầm trong bộ áo dài trắng, đang gục đầu trên nấm mộ hãy còn tươi nguyên màu đất mới, thì thầm, giọng sũng nước mắt, những giọt nước mắt tưởng như biến đâu mất từ hôm kia, giờ thi nhau tuôn trào. Mỹ Xuân ơi, tao không đem theo nhang để đốt cho mầy. Mầy nói chuyện với tao đi. Tao vừa đi hội giảng về đây nè. Tao không hề run sợ mầy ạ. Thật kì lạ! Thật khó hiểu! Phải không?

Cơn gió nhẹ thổi qua. Những chiếc lá khô lìa cành. Trầm nấc lên...

***

Lần đầu tiên, Trầm và Mỹ Xuân được cử đi hội giảng cấp Huyện. Hai cô lo lắm. Không lo sao được? Mới ra trường được hơn hai năm, vừa hết hạn tập sự. Hồi nào tới giờ, mỗi lần ở trong trường hội giảng hoặc có người dự giờ, hai cô tái xanh tái xám, mặt cắt không còn hột máu. Huống chi đây lại đem chuông đi đánh xứ người.

“Tổ xã hội của trường, tính đi tính lại vẫn không hơn mười người, trong đó hai chị con mọn, một chị sắp nghỉ hộ sản, ba chị bụng lum lúp và hai cô trên năm mươi. Vậy bây giờ còn ai ngoài hai cô giáo trẻ dạy tốt, năng nổ?”. Cô tổ trưởng vừa động viên, vừa “triệt buộc”. Trầm và Xuân cứng họng. Thầy hiệu trưởng ngồi bên kia bàn, đang cắm cúi viết, ngẩng lên nhìn hai cô qua cặp mắt nhướng hết cỡ ở phía trên đôi kính viễn trễ xuống tận chóp mũi, giọng vui vẻ:

- Không sao cả, cứ yên tâm mà đi, coi như cọ xát cho quen! Tuổi trẻ phải xông xáo, không ngại khó!

Trầm rụt rè nói:

- Dạ chúng em không ngại gì đâu, chúng em chỉ sợ lỡ run quá quên hết trơn, đứng như trời trồng... xấu hổ chết... rồi mang tiếng cho trường...

- Ối dào, đừng lo vớ vẩn. Chị mách cho kế nầy nhé, các em cứ xem thiên hạ ngồi bên dưới như những củ khoai...

Thầy hiệu trưởng bỏ bút xuống bàn, gỡ kính ra cầm tay, ngắt lời cô tổ trưởng, cười cười:

- Cô phải nói rõ thêm, củ khoai gì, khoai lang, khoai mì, hay khoai sọ... nếu là khoai lang thì loại nào, dương ngọc hay bí, mật hay trắng...

Viẽc thay nhau cô tổ trưởng cùng đi bốc thăm bài dạy với Trầm và Mỹ Xuân. Hai cô nhát gan thò tay vào hộp giấy rồi lại thụt ra. Cô tổ trưởng gắt lên, hai cô mới bốc lại. Trầm run run mở mảnh giấy gấp tư. A! Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Xuân cũng hồi hộp không kém: Cô Tô của Nguyễn Tuân.

Ngay chiều hôm đó, Trầm và Xuân lục tung cả thư viện trường lên, tìm sách nghiên cứu. Tuy thư viện nghèo nàn nhưng cuối cùng mỗi cô cũng ôm được một chồng sách cao nghệu. Cô tổ trưởng nhắc nhở, đọc và gắng chắt lọc lại, coi chừng tẩu hỏa nhập ma đó nghen các em!

Kể cũng lạ, Trầm ít nói, chững chạc, sống hướng nội; còn Mỹ Xuân miệng tía lia, nhí nhảnh, vô tư; vậy mà họ chơi với nhau rất thân, quấn quýt nhau từ nhỏ. Cùng lớp hồi tiểu học, trung học, rồi cùng vào cao đẳng. Cứ thấy Mỹ Xuân ở đâu thì y như rằng thấy Trầm ở đó. Tình bạn của họ bén rễ, đâm chồi và nở hoa thơm ngát. Hai gia đình đùa, kiểu nầy chắc mai mốt hai đứa nó cùng yêu, cùng làm đám cưới quá, vì lỡ một đứa có chồng, chắc đứa kia khóc hết nước mắt.

Mấy hôm rày, ngoài giờ lên lớp, hai cô lại miệt mài soạn bài bên nhau. Hôm thì nhà Trầm, hôm thì nhà Xuân. Cảnh hệt như thời đi học, cũng cóc, xoài, me, ổi... kèm theo sách vở. Cũng thỉnh thoảng hai cô gái trẻ lăn ra sàn ôm nhau cười ngặt nghẽo như hai con chó con.

Bài đã soạn xong. Cô tổ trưởng xem rất kỹ, ra vẻ hài lòng. Thế các em đã thuộc giáo án chưa, phải thuộc lòng rồi mới lên dạy thử nhé! Chị mách nè, hai em thay nhau làm học trò, mau thuộc lắm. Làm học trò được một phen Trầm và Mỹ Xuân cười lăn cười lóc. Một trò một thầy, vừa dạy vừa nhai rau ráu những trái ổi trái mận được hái từ ngoài vườn vào. Em Trầm, hãy cho biết tiểu sử của Nguyễn Tuân, sao giọng em rè rè như dây đàn chùng thế, phạt em đứng im năm phút! Mỹ Xuân, em hiểu như thế nào về ý nghĩa của tên gọi bài thơ Mùa xuân nho nhỏ? Kìa, sao em chậm tiêu quá, từ nãy giờ coi như nước đổ lá khoai!... Vui vui vậy mà được việc. Cả hai đều công nhận học giáo án cách nầy rất hiệu quả.

Chỉ còn một ngày nữa Trầm và Mỹ Xuân đi hội giảng. Đã thuộc bài làu làu rồi nhưng hai cô vẫn cứ lo lắng. Sáng nay, hai cô đi cắt tóc. Tiệm làm tóc là một gian nhà nhỏ lụp xụp, mái tôn mục gỉ, thấp tè, nhếch nhác. Trước cửa đặt cái bảng hiệu kẽ chữ xanh đỏ lòe loẹt, nguệch ngoạc, kêu ra phết “Viện uốn tóc Thanh Kim Ngọc”!

Mỹ Xuân chọn kiểu so le bồ câu. Khuôn mặt cô trắng trẻo, bầu bĩnh, đáng yêu thêm. Trầm ngẩn ra ngắm bạn, Xuân dễ thương quá! Trầm vẫn giữ mái tóc ngang dài xõa kín bờ vai nhỏ, chỉ cắt bớt phần đuôi bị chẻ ngọn chừng một phân. Cô thợ ngắm nghía Xuân, em ơi, em nên tỉa bớt lông mày cho gọn, lông mày em mọc lung tung quá. Trầm ủng hộ ý kiến đó. Thế là nét mày Mỹ Xuân được chămsóc khá kĩ, cũng may Trầm chăm chú theo dõi và bảo chị thợ ngừng tay, nếu không, đôi mày Xuân chắc còn bằng sợi chỉ. Chị thợ tiếp tục dụ dỗ hai cô làm những thứ khác như se lông mặt, uốn cong lông mi, sơn móng, nhưng hai cô lắc đầu quầy quậy.

Xinh xắn, nhẹ nhàng với mái tóc mới thơm phức vừa được gội sạch, hai cô cảm thấy hưng phấn hẳn. Mỗi cô một chiếc xe đạp chạy bon bon trên đường nhựa. Giọng Mỹ Xuân reo vui: “ Trầm ơi, ghé ăn chè đậu để ngày mốt đi hội giảng đậu loại giỏi hén!”. “Đồng ý”.

Cả hai dừng lại, đợi qua đường. Bỗng một chiếc xe gắn máy lao tới với tốc độ kinh hồn. Trầm chưa kịp phản ứng thì đã nghe tiếng “rầm”, chỉ kịp thấy Mỹ Xuân bị chiếc xe hai bánh kia lôi theo. Và Trầm cũng chỉ kịp thấy đôi mắt của Xuân trong một thoáng cố quay lại như tìm kiếm Trầm... Ngay lúc ấy, chiếc xe lớn trờ tới... Tất cả xung quanh như sụp đổ!

... Đôi mắt của Mỹ Xuân ngơ ngác cầu cứu tuyệt vọng đớn đau... Đôi mắt ngơ ngác ngạc nhiên lạ lùng... Đôi mắt ngơ ngác khát khao tiếc nuối... Đôi mắt đọng mãi trong đất trời chao đảo... Và máu... máu lênh láng...

***

Người mẹ thét lên ngất xỉu. Trầm dành lấy việc lau người và thay quần áo cho Xuân. Đáng lẽ ra còn phải chải tóc, trang điểm, phần việc quan trọng không thể thiếu. Nhưng!... Đâu rồi mái tóc so le bồ câu mới cắt? Đâu rồi đôi nét mày cong vút mới vừa tỉa tót? Đâu rồi? Đâu rồi?...

Trầm lặng lẽ làm việc, mắt ráo hoảnh vô hồn. Mọi cảm xúc của cô dường như đông cứng lại. Trông cô giống như một pho tượng biết cử động. Xong việc, Trầm cứ ngồi thừ người ra, nắm chặt mãi đôi bàn tay giá lạnh của Xuân. Người ta phải lôi Trầm đi để đưa Xuân vào quan tài. Ai đó đặt cạnh Xuân năm cái chén đựng ngũ cốc. Trầm chợt nghĩ, đáng lẽ cho Mỹ Xuân mang theo sách giáo khoa, giáo án và hộp phấn mới phải.

Mãi đến tối hôm sau, mẹ Trầm mới đưa được cô về nhà. Con ơi, cái số của nó rồi, con đừng thương tiếc quá nó mủi lòng không đi được, cứ vương vấn vất vưởng tội nghiệp nó. À, hình như mai con đi hội giảng phải không?

Hội giảng? Hội giảng gì nhỉ? Tâm trí Trầm như mù sương. Cô cố nhớ một cái gì đó cho việc hội giảng nhưng đành chịu thua. Rồi trong lãng đãng mù sương đó, bỗng hiện lên đôi mắt của Mỹ Xuân. Đôi mắt cứ to dần, rõ dần. Đôi mắt ngơ ngác, đau đớn cùng cực như thể vẫn còn đang cố tìm kiếm, cố níu kéo một cách vô vọng một cái gì quý báu nhất mà người ta vừa giật mất...

Trầm ngả người lên giường, kiệt sức thiếp đi với ý nghĩ chập chờn, sao mình không đặt sách giáo khoa, giáo án và hộp phấn vào quan tài cho nó. Hẳn nó sẽ trách mình.

Trầm thiếp đi không biết được bao lâu, bỗng giật mình vì tiếng kêu rên của chị gái, tiếng lao xao trong nhà. Cô mở mắt. Cả nhà sáng choang!

Phải một lát sau Trầm mới hiểu, chị Hương chuyển bụng sinh! Trầm bật ra khỏi giường. Mẹ bảo, con cứ vào ngủ tiếp để mai còn đi hội giảng, mọi việc để ba mẹ lo. Không, để con đưa chị Hương đi. Mẹ chặc lưỡi quyết định, thôi được, con chở chị Hương, nhớ đi cẩn thận, còn ba mầy lấy xe đạp ra chở mẹ đi theo.

Trầm lái xe thật chậm, chăm chú nhìn xuống đường để tránh những ổ gà. Trời hơi lạnh. Xóm quê vẫn đang say ngủ bình yên dưới ánh sáng mờ nhạt của mảnh trăng gầy, bỗng náo động lên vì tiếng chó sũa vang. Đằng sau, chị Hương vẫn rên rỉ. Tội nghiệp chị, gần tới ngày sinh mà chồng lại đi công tác tận Cà Mau. Chị khóa cửa căn hộ trên tỉnh, về nhà ba mẹ ruột. Mẹ cũng đang tính nay mai mẹ đưa chị lên tỉnh lại, để đẻ ở bệnh viện lớn cho an toàn. Ai ngờ sự thể lại thế nầy.

Cĩ y tá khám cho chị Hương, nói thai thuận, rất tốt, có lẽ khoảng vài ba tiếng nữa chị ấy mới sinh. Trầm đưa tay xem đồng hồ, đã hai giờ sáng. Ngồi được một lát, chị Hương bỗng lên cơn đau dữ dội, chị la hét inh ỏi. Lúc thì chị bò lăn lộn dưới nền, rũ rượi. Lúc chị ngồi lên giường, hai tay ghì cứng mép giuờng, răng nghiến chặt, mặt trắng bệt méo mó nhễ nhại mồ hôi. Lúc chị ôm bụng đi tới đi lui, rên hừ hừ. Trầm và mẹ thay phiên dìu chị. Có lúc chị bíu chặt làm Trầm đau điếng. Có lúc chị lại hất ra. Cả người chị thấm đẫm mồ hôi, lấm lem lấm luốt.

Rồi đến lúc chị được đưa lên bàn sinh. Mẹ và Trầm đứng hai bên đỡ chân chị. Trầm nắm chặt bàn tay chị, bàn tay ướt mồ hôi. Chị oằn oại, thở hổn hển hơn lúc nào hết. Mẹ cầm khăn, vừa lau mặt cho chị, vừa âu yếm dỗ dành. Cô y tá luôn miệng: “Cố lên! Cố lên!”. Bỗng chị hét một tiếng kinh hoàng. Rồi tiếp ngay sau đó là tiếng khóc oe oe vỡ òa. Trầm nhìn thấy rõ ràng một đứa bé, một con người ra đời. Chị Hương đã nằm im, bụng xẹp lép, đôi tay buông lỏng. Dưới mông chị, mảng máu đỏ thắm. Khuôn mặt tái xanh của chị giãn ra, nhẹ nhõm, thuần khiết. Đôi mắt chị mỏi mệt nhưng lấp lánh một thứ ánh sáng rất lạ, sung sướng nhìn con người bé xíu vẫn tiếp tục oe oe dữ dội, đang được cô y tá tắm rửa. Đôi môi nhợt nhạt của chị hé mở nụ cười tỏa rạng hào quang hạnh phúc.

Tiếng cô y tá vui vẻ, chà, con gái được hơn ba kí đấy! Ô lạ chưa? Cái con bé nầy mới lọt lòng mà cặp mắt cứ mở to, ngó bộ biết nhìn rồi, coi khôn dễ sợ luôn! Trầm tò mò chạy ra dòm: Con người bé xíu đã sạch sẽ, được quấn tròn trong chiếc khăn bông màu xanh, chỉ chừa mỗi cái đầu .Và đúng như lời cô y tá nói, đôi mắt nó đang tròn xoe nhìn, như lạ lẫm, như háo hức đón chào cuộc sống!

Sáu giờ rưỡi! Trầm chợt thảng thốt khi nhớ tới Mỹ Xuân. Chỉ còn mười lăm phút nữa Xuân sẽ được đưa ra nghĩa địa. Trầm chạy như bay ra ngoài, rồ ga. Từ xa, cô nghe văng vẳng tiếng lệnh: “Xoèng! Xoèng! Xoèng!...”. Và tiếng kèn trống... Và tiếng khóc thê thảm bi ai kéo theo. Trầm dựng vội xe, không kịp rút chìa khóa, bổ vào dòng người đưa tang. Có lẽ cả trường đều có mặt. Tiếng ai đó, ủa, cô Trầm ở đâu mà giờ nầy mới ra, chà, chiều nay cổ có đi hội giảng nổi không đây. Trầm len dần lên. Hình như người ta đẩy xe hơi nhanh. Trầm cố níu cho xe chậm lại.

Mỹ Xuân được đưa xuống lòng đất. Trầm bỗng tự hỏi, không biết cái huyệt có sâu đủ ba thước? Mẹ của Xuân lại ngất. Học trò khóc nức nở. Trầm thả xuống cho bạn thân một nhánh huệ trắng và nắm đất còn nóng ấm. Cô nghe trái tim mình vỡ nát, nhức nhối tột độ nhưng mắt vẫn cứ ráo hoảnh.

***

Trầm bình thản đứng chỗ bàn giáo viên. Khuôn mặt cô hốc hác buồn rầu và mỏi mệt nhưng đôi mắt sáng rực, điềm tĩnh và quả quyết. Giám khảo và nhiều thầy cô dự giờ đi vào. Học sinh đứng dậy, vỗ tay chào mừng. Trầm thong thả lấy dụng cụ ra: Giáo án, sách giáo khoa... Cô chững chạc bước ra trước bảng đen. Rành rọt. Bình tĩnh. Tự tin.

Trầm bình tĩnh một cách lạ lùng. Đến nỗi chính cô cũng phải hết sức kinh ngạc về bản thân mình. Cô cảm thấy rất rõ rệt điều bí ẩn lớn lao đang diễn ra trong tâm hồn cô mà cô không biết gọi tên. Chưa bao giờ cô có được tâm trạng như bây giờ khi đứng trước lớp có nhiều người dự, lại là một cuộc thi!

Tiếng trống báo hiệu hết giờ. Bài dạy của Trầm cũng vừa hoàn tất với lời phát biểu của một em học sinh: “Thưa cô, nhà thơ muốn nhắn nhủ mỗi người hãy luôn là một mùa xuân nho nhỏ để góp phần làm nên mùa xuân lớn của cuộc đời”. Trầm mỉm cười hiền hậu, giọng tâm tình êm ái lắng sâu: “Phải, chúng ta hãy sống đẹp, bởi chúng ta chỉ có một lần được sống...”.

Thầy Phiên, một giáo viên lão thành tuổi đời cũng như tuổi nghề, nhíu mày, nói nhỏ với người đi bên cạnh: “Cô giáo nầy thật lạ, hãy còn trẻ lắm mà lại có phong thái của một nhà hiền triết!”.

Lòng nóng ran như lửa đốt nhưng Trầm vẫn lễ phép ngồi im lắng nghe những lời góp ý của ban giám khảo. Nói chung, chủ yếu là khen.

Vừa xong, Trầm phóng xe tới nghĩa địa. Rồi cứ gục đầu trên mộ bạn mà khóc.

- Trầm ơi, về đi thôi, sắp tối rồi!

Giọng nói dịu dàng của Mỹ Xuân thoảng qua như gần như xa. Trầm càng khóc to hơn, thảm thiết. Khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Nghĩa địa vắng tanh, lạnh lẽo âm khí mà sao Trầm chẳng thấy sợ! Lạ lùng thật! Trầm vốn chẳng bạo gan gì!

Điều bí ẩn lớn lao kia lại tràn ngập tâm hồn cô. Cô lắng lòng cố gắng tìm kiếm nó nhưng nó vẫn chưa chịu lộ diện. Như thể ánh mai đã ửng hồng ở đằng đông mà mặt trời hãy còn ẩn mình đâu đó.

-Trầm! Về mau kẻo tối! Mầy không nghe, tao giận đấy!”.

Trầm đứng lên, khuôn mặt nhòe nhoẹt đầm đìa nước mắt, bộ áo dài lấm lem. Nắng đã tắt từ lâu. Bầu trời mênh mông sẫm màu lác đác mấy ngôi sao xa xăm, vĩnh hằng và huyền bí. “Ừ thì tao về. Ngủ ngon nghen Mỹ Xuân!”.

@ nguồn thời văn số 8

Không có nhận xét nào: