Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

ĐÌNH QUÂN

ĐÌNH QUÂN

ĐÔI MẮT HOÀI












Trên bàn bày ngổn ngang chồng phác thảo chân dung, Trung vẫn chưa tìm được bản vừa ý. Căn phòng chật ví như bình hồ lô trong chuyện thần thoại thâu tóm mọi thứ vào trong. Nếu chẳng phải như thế thì sao lâu nay ý tưởng của Trung không vượt nổi ra ngoài? Hắn đi tới đi lui, nhìn lên ngó xuống... đầu óc lùng bùng. Hắn mải cố và kiên nhẫn, rồi chợt dừng lại một bức. Hắn bốc ra và đặt lên giá vẽ ngắm nhìn. À, đây rồi bức phác thảo chân dung Hoài cách đây mười mấy năm ngày ta mới yêu nhau. Hồi ấy, bút pháp của ta chuyên tả thực, dồn hết tâm sức để lột xác đôi mắt sao cho thật có hồn. Ý định là cho Hoài một bất ngờ nhân ngày sinh của nàng... Nếu không có cái giấy triệu tập của lão Hưng, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật mời đi thực tế sáng tác ở Vũng Tàu thì khoảnh khắc hào hứng ấy mình vẽ “tác phẩm” này xong rồi. Hắn nghĩ vậy. Dường như cái đọng trong mắt hắn còn đến giờ chợt hiện rõ một trời luyến nhớ tiếc thương. Có thể một phút hối hận. Cũng có thể một chút tự ái dội mạnh về... Nhưng vẫn có cái gì đó kìm hắn lại vì hắn nhận ra giờ đây tất cả là của ngày qua. Mọi điều đã khác. Hắn kẹp phác thảo lên cao một tí để quyết định lần cuối. Hắn sở trường là nắm bắt xa gần của sự vật trước màu sắc. Và hắn cũng chính xác khi sử dụng độ nóng lạnh, mà yếu tố này thường gắn liền với cảm giác nặng nhẹ. Nên khi muốn lột tả thì hắn dồn nén cảm xúc lên mức tối đa, làm khô khốc, cạn kiệt mọi đớn đau... Vì thế hắn sẽ mạnh tay các gam màu: tím, đỏ, nâu mà giảm nhẹ lơ, vàng, lục... Hắn tập trung tưởng tượng và hình như hắn đã nắm bắt đúng thần thái bức phác thảo mà hắn sắp mô tả. Hắn biết Nguyễn Du khi muốn tả một không gian đầy chết chóc đe dọa thì cảm giác đầu tiên là thấy mảng đen lớn bao trùm trong chùm trắng nhạt. Thể như một cơn dông đang ập xuống - “Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây”. Không gian nghiêng đảo; tảng nhẹ chìm dưới mà khối nặng đè trên trở nên ma quái và khốc liệt... Nhưng hắn không làm vậy mà cứ mường tượng trong chùm xanh thẳm, mở rộng chiều kích không gian xa vời của câu thơ Lý Bạch trong Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng có xanh không cùng (bích không tận) và chảy ở lưng trời (thiên tế lưu). Hắn nghĩ: nơi vô cùng cao rộng thì cao - xa luôn có sự đồng nhất còn như gần - xa thì có “cỏ non xanh tận chân trời” trong Kiều vậy. Và lẩm bẩm: phải thực hiện ngay tác phẩm này bằng chất liệu sơn dầu. Hắn chọn một khung vải căng sẵn cỡ 80 x 120 cm. Đóng chặt cửa, tắt di động, cắt mọi liên lạc với bên ngoài... Hắn tự nhốt mình trong căn phòng không lấy gì rộng rãi. Miệt mài, ròng rã cả tháng, hắn xem như một hành động sám hối. Hắn tự nhủ: phải hoàn thành tác phẩm dù có mười ông Hưng gọi cũng chịu... Bức họa mỗi ngày dần hiện ra. Chỉ còn khép hai điểm sáng con ngươi đôi mắt nữa thôi thì bức tranh hoàn toàn sống dậy. Hắn mừng quá! Hắn ngây ngất! Chưa có lần nào hắn được vui như thế... Chợt văng vẳng hắn nghe như lời ai quen lắm và đôi mắt nhìn thật dịu dàng trìu mến, khẽ hỏi:

-Anh thương yêu! Sao dạo này trông anh hốc hác thế! Hãy dành chút riêng tư cho chúng mình đi anh?

- Không được! Công việc bù đầu. Còn bao nhiêu là phác thảo.

- Chiều em một lát ven hồ cũng không được à? -Đôi mắt hạ đường mi dò hỏi.

- Bây giờ thì không được.

- Em có đòi hỏi gì cao đâu? -Đôi mắt có vẻ như năn nỉ.

- Râu ria chưa cạo, quần áo dính đầy sơn, người bốc mùi mồ hôi, ... lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ... Thôi, bữa khác!

- Vậy khi nào anh mới sống hết cho em? -Đôi mắt nhìn cương quyết.

- Anh không biết! Nhưng lúc này thì chưa...

Đôi mắt sa sầm. Hốc mắt khô long lanh như giọt cà phê phin bị trít... Bóng chiều đổ xuống thật nhanh hắt lên nền trời màu vàng lợt...

Đôi mắt thiếp đi, trong mơ hồ hắn nghe tiếng nói của Hoài mỗi lúc một yếu ớt và nhỏ dần...

Trung nhớ, ngày đầu mới quen, anh đôi lần ngâm nga câu thơ của Lưu Trọng Lư nhằm tán dương đôi mắt u huyền một trời mộng mị của Hoài: “Mắt em là một dòng sông / thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em”. Có thể Hoài không hiểu hết tầng sâu của câu thơ nhưng cái nhìn chăm chắm của Trung ngày ấy làm cho Hoài rất thích. Đôi mắt có sức hút mãnh liệt muôn đời của thi nhân mà cũng dằn vặt trăn trở của bao họa sĩ phả vào văn, thơ, nhạc, họa... của mình. Sau này dù trở thành họa sĩ hữu danh dường như Trung cũng không bao giờ thỏa mãn trong hành trình kiếm tìm cái đẹp của mình. Trung thường buông: nỗi khổ lớn nhất của mình là chưa có sự bứt phá để lột tả đôi mắt trong các bức chân dung nào có hồn. Nếu không muốn nói là mình thực sự bất lực. Khi ở trường mỹ thuật, ngoài được học sự huyền ảo nụ cười đầy bí ẩn, thầy Hòa còn bình bay bổng đôi mắt của nàng Mona Lisa trong kiệt tác La Joconde của Vinci và tôn đôi mắt ấy đạt đến chỗ hoàn bích. Thầy Hòa đúc kết: “Đôi mắt tự nó hoàn tất thiên sứ...”. Năm cuối khóa, Trung sớm được khen là người có đường cọ sáng tạo. Ra trường, len lỏi trong khắp ngả, đời tình cờ Trung gặp Hoài. Thấy Hoài có một vẻ đẹp thục hiền và Trung mời Hoài nhận làm người mẫu. Nhưng Trung chỉ loáng thoáng tạo nét cọ nhìn từ viễn cảnh chứ chưa lần nào cận cảnh. Đến khi Hoài về làm vợ, sinh bé Nga, Trung chỉ mới kịp ghi vài đường phác thảo. Cuộc sống bon chen, nợ nần chuyện áo cơm không đưa cái “tổ ấm” của Trung vượt qua nổi tháng ngày khốn khó. Gia đình Trung thường xuyên “bụng đói mắt mờ”. Có bữa, anh nhìn trong gương thấy mắt mình in quầng thâm u ám thì cũng chẳng trách vì sao anh vẽ những đôi mắt trong nhiều tác phẩm “lạc thần” vô hồn vô cảm đến vậy. Duy có bức anh vẽ được đôi mắt trừng trừng bật tia máu đỏ đầy căm giận đặt choán giữa căn phòng là anh tâm đắc. Nhìn góc nào, chỗ nào cũng thấy nó gờm gờm khiến Hoài phát khiếp. Trung lý thuyết: độ chênh vênh của cuộc sống đôi lúc mâu thuẫn và tàn nhẫn với chính ta, mà mục đích cái đẹp lại không mang sự hiềm thù. Cực chẳng đã cả thôi! Bức ấy Trung đề tên “ Rõ nhìn tia máu” ... Tác phẩm đã hoài thai nhưng không cứu vãn cái bụng đói cồn cào kiểu bò sữa gặm cỏ cháy, Trung cảm thấy mình chẳng nên cơm cháo gì. Còn Hoài, đêm nào trong giấc ngủ cũng gặp toàn ác mộng. Hoài tự nhủ: hay là tại đôi mắt bức tranh kia nó ám ảnh ta. Nó không buông tha ta. Ta phải hủy đôi mắt ghê sợ kia mới được. Thế là nhân Trung đi vắng, Hoài quệt màu đen vào chiếc cọ lớn xóa sổ vĩnh viễn đôi mắt kia. Trung về phát hiện bức tranh bị bôi thô bạo, hai vợ chồng giận nhau, cãi nhau... Trung còn vung tay làm mặt Hoài bầm tím. Họ không tự chủ và tha thứ, dắt nhau ra tòa rồi ly hôn. Chỉ vì bức tranh, chuyện như truyện ngắn, mà làm gãy đổ cuộc tình...

* * *

Một sáng sớm khác, hắn làm vệ sinh cá nhân, cạo râu, chải đầu, vận bộ cánh tinh tươm, thắt cà vạt, xịt nước hoa thơm phức... chậm rãi đến gần và nhìn sâu vào mắt Hoài:

- Anh bảnh không?

- Chưa nói được!

- Chứ em không muốn anh nổi tiếng à?

- Anh đã muốn rồi còn gì!

- Anh bây giờ tự do muốn gì được nấy.

- Chưa chắc!

- Em có muốn xem phòng tranh của anh không?

- Em không còn trẻ... và mắt anh đã già.

Hắn có biết mình gặp vận may khi hoàn thiện bức tranh hay không nhưng cuộc trở về trong tâm tưởng thoải mái tung hoành đường cọ làm hắn rất hạnh phúc. Hắn thấy từng giọt nước mắt ngày xưa của Hoài trào chảy. Bởi thế trong phút xuất thần hắn mới lướt những đường nét rất tinh tế. Giờ đây bức tranh hoàn toàn sống dậy, có sức lay động hồn người thưởng ngoạn. Chứ chẳng không thì hôm cắt băng triển lãm phòng tranh sao có nhiều người chen nhau hỏi mua bức tranh “Đôi mắt Hoài” đến thế. Lúc đầu, mặc dù người xem thấy góc phải phía dưới bức tranh đề câu “tranh không bán”, nhưng họ cứ nằng nặc đòi mua, ngã giá cao rồi Trung cũng ưng thuận. Hắn tự nhủ: Thôi thì nhận đỡ trăm triệu, mình còn bức phác thảo sẽ thực hiện một dịp khác... Sau cuộc triển lãm phòng tranh nhiều tờ báo lăng xê hắn. Người ta thêu dệt đủ thứ nào ca ngợi đôi mắt Hoài như phiên bản La Joconde v.v... Hắn nổi tiếng và giàu có. Kể từ đó tới tấp nhiều hợp đồng béo bở đến với hắn. Và ý định vẽ lại bức “Đôi mắt Hoài” chẳng bao giờ nghe hắn nhắc đến.

* * *

Tay chống nạnh, giạng chân giữa căn phòng rộng thênh trưng

bày tranh la liệt đủ kích cỡ. Hắn lướt nhanh hàng tranh thì nghìn nghìn ánh mắt lố nhố dòm hắn. Hắn trừng mắt và hất hàm:

- Những đôi mắt cú vọ kia, còn lâu bay mới bằng chị Hoài.

Hàng loạt đôi mắt trong tranh nhếch cười:

- Ông chẳng hơn gì chúng tôi. Cái con mắt mà giương to cỡ đó thì muôn đời ông không bao giờ tái hiện nổi đôi mắt của chị Hoài được đâu!

Xấu hổ, hắn sấn sải bước ra ngoài. Chiếc bóng to bè in trên mặt vệ đường vệt dài ngoẵng. Hắn vội vàng chui tọt trong chiếc Ferrari bóng loáng mở cửa chờ sẵn. Mồ hôi đẫm ướt trên trán hắn nghĩ: càng biết thì mối nghi ngờ càng tăng, đó không chỉ là câu châm ngôn. Mà trong đó hàm chứa một nội dung biện chứng có tính chất thúc đẩy, vận động đúng với chung và riêng; với chiều thực và không thực của con mắt. Sự lạ hóa này ánh chiếu trên vòm kính hiện rõ đôi mắt đen ngòm như hai cột ống khói.

ĐQ.

nguồn @ thời văn số 7

Không có nhận xét nào: