Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Nhật ký Giacomo Casanova


Thứ Hai, 05 tháng 12 2011


Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, viết tắt BnF) đang cho triển lãm (từ 15/11/2011 đến 19/12/2012) nhật ký Giacomo Casanova, viết bằng tiếng Pháp. Một tác phẩm đồ sộ, 3,700 trang  giấy viết tay, chữ xiêng, dễ đọc dù đưọc viết từ trên hai trăm năm trước, có tựa là Chuyện Đời Tôi – Histoire de ma vie. Thư viện, theo tiết lộ của giám đốc Bruno Racine, đã tốn nhiều thì giờ (ba năm, kể từ khi bắt đầu cuộc  điều đình với người sở hữu cùng việc vận động các Mạnh thường quân) và tiền bạc (giá trên 7,000,000 Euros) mới mang được 11 thùng sách về đến nơi đến chốn. Và bây giờ bày ra cho công chúng thưởng lãm.
Vậy, trước hết, Casanova là ai? Ai hoàn toàn không có chút ý kiến nào thì khỏi nói nhưng đa số người có biết đến danh tính một ông Casanova, hoặc đã tình cờ xem phim ảnh (vô số, của, xưa nhất, Alexander Volokoff, René Barberis, Jean Boyer, McLeod, Mario Monicelli, Federico Fellini.. và gần đây, 2005, của Lasse Hallström với Heath Ledger, Sienne Miller trong hai vai chính, Casanova và Francesca) những cuốn phim kể về cuộc đời (hay một đoạn đời) Casanova thường mang ông ta đến gần với Don Juan, hoặc đơn giản hơn nữa là gần với nhân vật Sở Khanh trong Kiều. Nhưng Giacomo Casanova không đáng bị giản lược cỡ đó (yêu một phụ nữ, dù vẽ vời đến đâu, rốt cuộc vẫn chỉ là lôi nhau vào chăn chiếu; nhưng lôi như thế nào, nghe ngóng gì cảm nhận gì mới là điều đáng kể - “ta thấy gì đâu sau nhan sắc yêu kiều”…). Nếu cuốn tự thuật của ông – mà ông đã bỏ ra 13 năm để viết, những năm cuối cùng của đời ông khi ông làm quản thủ thư viện cho một nhà quí tộc ở Dux– chỉ là những trang giấy kể chuyện chinh phục phụ nữ thì hẳn thư viện quốc gia Pháp đã không chịu tốn công tốn của để làm công việc như thế. Trước khi chết ông đã dành lại cho người cháu toàn bộ cuốn tự thuật viết bằng tiếng Pháp này. Năm 1821, người cháu đã nhượng lại cho gia đình một nhà xuất bản ở Leipzig, nhà Blockhaus. Đến thời chiến tranh thứ hai chấm dứt thì một thành viên của gia đình này đã thoát sang Tây Đức, mang theo bản thảo, nhờ vậy những trang giấy ấy đã khỏi chịu nạn phần thư. Thập niên 60, Blockhaus cùng với nhà xuất bản Plon của Pháp cho ra mắt một phần nhỏ cho tới nay. Nghe nói sau cuộc triển lãm người ta sẽ cho xuất bản toàn bộ dưới sự chăm sóc của nhà Pléiade, chuyên in những tác phẩm quan trọng vừa đồ sộ vừa có giá trị, hoặc toàn bộ tác phẩm của một tác giả như trường hợp Marguerite Duras và Milan Kundera trong năm nay. Vào năm 2007 giám đốc BnF, Bruno Racine, qua trung gian vị đại sứ Pháp ở Berlin, ông Claude Martin, đã bắt liên lạc và điều đình mua toàn bộ tác phẩm; cuộc thương lượng kéo dài ba năm nhờ một Mạnh thường quân ẩn danh, BnF mới chính thức làm chủ 10 tập sách (10 tomes) sau khi chi ra trên bảy triệu Euros! Nhờ vậy khách viếng triển lãm sẽ được dẫn đưa phỏng theo  nội dung tác phẩm, bắt đầu từ Venise, sinh quán của chàng lãng tử qua mười gian phòng bày biện theo tinh thần của mười tập sách, từ tuổi thiếu niên ở Venise sang giai đoạn tu hành rồi quân ngũ… Tranh, tượng, y phục, phông màn vẽ về tuồng hát và lễ lạc cùng những đoạn phim như những phụ tùng thuyết minh cho toàn bộ cuộc đời của con người Casanova muôn mặt và đa tài. Nên biết rằng trước khi làm công việc trước tác về cuộc đời riêng, Casanova đã, với ngòi bút, phiêu lưu trên nhiều lãnh vực từ triết lý đến kinh tế, sang y học, toán học và ngay cả sáng tác – ông đã viết một bộ tiểu thuyết giả tưởng đồ sộ theo khuynh hướng Jules Verne. Về già (ông chết khi đã 73 tuổi) ông bất đắc dĩ nhận lời làm quản thủ thư viện cho công tước Waldstein trong lâu đài ông này ở Dux thuộc vùng Bohême. Những năm này ông để ra 13 giờ mỗi ngày để viết hồi ký. Đồng tình với ý tưởng Proust, ông cho rằng ngoài thú vui hiện thực còn có niềm hạnh phúc của hồi ức –reminiscence. Hãy bỏ ngoài chi tiết của một nhân vật ngoại hạng từ vóc dáng (người thì bảo ông cao 1m87 nhưng kẻ khác ghi ông đạt đến 1m90) đến hành vi (những cuộc ngao du qua các thành phố Âu châu trong đời ông tổng cộng 67,000 cây số dong ruỗi, cùng chuỗi chinh phục 122 người tình, và hành đủ mọi nghề: nhà tu, sĩ quan, nhà ngoại giao, nhà văn, cố vấn luật pháp – ông đỗ tiến sĩ luật, lường gạt, bài bạc và …vào tù lúc ba mươi tuổi rồi vượt ngục năm sau; từng giao du với những khuôn mặt lớn đương thời, chẳng hạn Voltaire và Jean-Jacques Rousseau của Pháp, ngay cả  nữ hoàng Catherine II của Nga, được sự che chở của những kẻ có chức quyền như ông cố đạo Bernis khi còn là  đại sứ (và …chia sẻ với ông này tình yêu của hai vị nữ tu) và sau này lên chức thượng thư của triều đình Pháp.
Có thể, trên căn bản đức lý, người ta không châm chước cho vô số cuộc tình của Casanova –chính chỗ này khiến có người liên tưởng tới Don Juan, nhưng Don Juan có quan niệm sống khác trong khi Casanova luôn có cách xử sự đầy tôn trọng và yêu chiều phụ nữ. Hơn nữa, ông có tài năng, sự thông minh và tâm hồn của người nghệ sĩ. Ông giám đốc thư viện quốc gia Bruno Racine đã lên tiếng ca ngợi tác phẩm Chuyện Đời Tôi như những trang viết đẹp đẽ mang trong nó chất nồng nàn nhục cảm của người Ý và vẻ đài các của Pháp văn (une sensualité italienne et l’élégance de la langue française) khi đáp lời phỏng vấn của nàng kiều nữ Laurence Piquet trên kênh truyền hình của đài 5 Pháp dành riêng cho việc giới thiệu cuộc triển lãm về cuộc đời nhân vật phi thường Giacomo Casanova.
122 người tình, quả thật là có hơi nhiều, nhưng với cuộc sống của một kẻ xuất chúng cỡ đó, nghĩ  lại, cũng chẳng phải là chuyện lạ. Cuộc đời Casanova là một chuyến đi dài; nên nhớ rằng ở thế kỷ 18 việc chuyển dịch khó khăn, một lần đi thì phần quay lại nghe chừng không chắc; không chắc quay về thì làm sao giữ được mối tình đang có? Vả chăng, duy trì tình yêu là điều bất khả. Người ta chỉ có thể duy trì bằng cách đánh mất nó, đó là cách duy trì hữu hiệu hơn hết. Casanova là kẻ liên tục đánh mất tình yêu và vì vậy ông mãi mãi là người tình mơ ước của những giai nhân bị ông chinh phục cùng những người khác đã thành công chiếm trái tim ông.
Hạnh phúc, rốt lại chỉ còn trong hồi ức khi ta cầm chiếc bánh madeleine của Proust![ĐĐT]

Ðường dẫn liên hệ


Không có nhận xét nào: