Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

DƯƠNG ĐÌNH HÙNG

DƯƠNG ĐÌNH HÙNG

Cúi dầu dưới thác đổ.











Thân nõn nà trầm mình bên thác suối

Sao em không?

Đón nước, tự nguồn cao.

Đôi bàn chân, bám chặt cát ứ trào.

Tâm tỉnh lặng, lắng nghe lời nước dội.

Em sẽ thấy áánh dương trời soi rọi.

Nắng rọi rừng, chiếu nóng trái hồng tim।


Con nước dội, động tung đầu đen tối.

Cuốn trôi đi dấu tích kiếp trầm luân.

Rửa sạch hết bụi trần vây tóc rối.

Hai chân em - run rẫy - động rung đời।


Đôi vai gồng, bủa vây cơn nghiệt ngã.

Thân em cong, gánh chịu gió phong ba.

Cơn máu cuộn – cuộn tràn luồn máu lạnh.

Đôi ngực căng tươi lộ dáng xuân nồng.


Em cứ mặc cho dòng đời trôi vô tận.

Cố lắng nghe tiếng vọng ở kiếp này!

Lời thầm thì, gió cây bên thác suối.

Chim kêu vang thanh thót động rừng Tiên.


Dòng thác đổ chứng nghiệm đời bất tận.

Vàn khóc than nổi dậy chốn bể dâu.

Đầu cúi xuống, hồn dìm tâm an lạc.

Bao ưu phiền trôi dạt đáy vực sâu ।/.


Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2007

LÊ SONG PHI TẦN

LÊ SONG PHI TẦN

CHÉN LA CÀ









Hẹn hò theo gió bay vèo

Rong tìm mỏi cẳng nằm queo giữa trời

Gối tay ta ngữa mặt cười

Ha ha mấy tiếng cho đời còn vui

Lưỡi tình đen thủi đen thui

Đãi bôi cho lắm cũng thùi lùi đen

Quét lòng sạch rác tình phiền

Quẳng đi bớt mớ buồn triền miên xa

Trở về ta lại rủ ta

Sáng la chén bạn, chiều cà chén thơ...

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

TRƯƠNG THỊ KIM CHI

TRƯƠNG THỊ KIM CHI

ĐIỀU ẨN LỚN LAO

phụ bản: vũ hà nam

Chiều xuống chậm. Hàng điệp rực rỡ hoa vàng, càng rực rỡ hơn dưới màu ráng đỏ. Đằng kia, loáng thoáng vài bóng người thăm mộ. Mùi nhang toả lan nhè nhẹ đâu đây. Trầm trong bộ áo dài trắng, đang gục đầu trên nấm mộ hãy còn tươi nguyên màu đất mới, thì thầm, giọng sũng nước mắt, những giọt nước mắt tưởng như biến đâu mất từ hôm kia, giờ thi nhau tuôn trào. Mỹ Xuân ơi, tao không đem theo nhang để đốt cho mầy. Mầy nói chuyện với tao đi. Tao vừa đi hội giảng về đây nè. Tao không hề run sợ mầy ạ. Thật kì lạ! Thật khó hiểu! Phải không?

Cơn gió nhẹ thổi qua. Những chiếc lá khô lìa cành. Trầm nấc lên...

***

Lần đầu tiên, Trầm và Mỹ Xuân được cử đi hội giảng cấp Huyện. Hai cô lo lắm. Không lo sao được? Mới ra trường được hơn hai năm, vừa hết hạn tập sự. Hồi nào tới giờ, mỗi lần ở trong trường hội giảng hoặc có người dự giờ, hai cô tái xanh tái xám, mặt cắt không còn hột máu. Huống chi đây lại đem chuông đi đánh xứ người.

“Tổ xã hội của trường, tính đi tính lại vẫn không hơn mười người, trong đó hai chị con mọn, một chị sắp nghỉ hộ sản, ba chị bụng lum lúp và hai cô trên năm mươi. Vậy bây giờ còn ai ngoài hai cô giáo trẻ dạy tốt, năng nổ?”. Cô tổ trưởng vừa động viên, vừa “triệt buộc”. Trầm và Xuân cứng họng. Thầy hiệu trưởng ngồi bên kia bàn, đang cắm cúi viết, ngẩng lên nhìn hai cô qua cặp mắt nhướng hết cỡ ở phía trên đôi kính viễn trễ xuống tận chóp mũi, giọng vui vẻ:

- Không sao cả, cứ yên tâm mà đi, coi như cọ xát cho quen! Tuổi trẻ phải xông xáo, không ngại khó!

Trầm rụt rè nói:

- Dạ chúng em không ngại gì đâu, chúng em chỉ sợ lỡ run quá quên hết trơn, đứng như trời trồng... xấu hổ chết... rồi mang tiếng cho trường...

- Ối dào, đừng lo vớ vẩn. Chị mách cho kế nầy nhé, các em cứ xem thiên hạ ngồi bên dưới như những củ khoai...

Thầy hiệu trưởng bỏ bút xuống bàn, gỡ kính ra cầm tay, ngắt lời cô tổ trưởng, cười cười:

- Cô phải nói rõ thêm, củ khoai gì, khoai lang, khoai mì, hay khoai sọ... nếu là khoai lang thì loại nào, dương ngọc hay bí, mật hay trắng...

Viẽc thay nhau cô tổ trưởng cùng đi bốc thăm bài dạy với Trầm và Mỹ Xuân. Hai cô nhát gan thò tay vào hộp giấy rồi lại thụt ra. Cô tổ trưởng gắt lên, hai cô mới bốc lại. Trầm run run mở mảnh giấy gấp tư. A! Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Xuân cũng hồi hộp không kém: Cô Tô của Nguyễn Tuân.

Ngay chiều hôm đó, Trầm và Xuân lục tung cả thư viện trường lên, tìm sách nghiên cứu. Tuy thư viện nghèo nàn nhưng cuối cùng mỗi cô cũng ôm được một chồng sách cao nghệu. Cô tổ trưởng nhắc nhở, đọc và gắng chắt lọc lại, coi chừng tẩu hỏa nhập ma đó nghen các em!

Kể cũng lạ, Trầm ít nói, chững chạc, sống hướng nội; còn Mỹ Xuân miệng tía lia, nhí nhảnh, vô tư; vậy mà họ chơi với nhau rất thân, quấn quýt nhau từ nhỏ. Cùng lớp hồi tiểu học, trung học, rồi cùng vào cao đẳng. Cứ thấy Mỹ Xuân ở đâu thì y như rằng thấy Trầm ở đó. Tình bạn của họ bén rễ, đâm chồi và nở hoa thơm ngát. Hai gia đình đùa, kiểu nầy chắc mai mốt hai đứa nó cùng yêu, cùng làm đám cưới quá, vì lỡ một đứa có chồng, chắc đứa kia khóc hết nước mắt.

Mấy hôm rày, ngoài giờ lên lớp, hai cô lại miệt mài soạn bài bên nhau. Hôm thì nhà Trầm, hôm thì nhà Xuân. Cảnh hệt như thời đi học, cũng cóc, xoài, me, ổi... kèm theo sách vở. Cũng thỉnh thoảng hai cô gái trẻ lăn ra sàn ôm nhau cười ngặt nghẽo như hai con chó con.

Bài đã soạn xong. Cô tổ trưởng xem rất kỹ, ra vẻ hài lòng. Thế các em đã thuộc giáo án chưa, phải thuộc lòng rồi mới lên dạy thử nhé! Chị mách nè, hai em thay nhau làm học trò, mau thuộc lắm. Làm học trò được một phen Trầm và Mỹ Xuân cười lăn cười lóc. Một trò một thầy, vừa dạy vừa nhai rau ráu những trái ổi trái mận được hái từ ngoài vườn vào. Em Trầm, hãy cho biết tiểu sử của Nguyễn Tuân, sao giọng em rè rè như dây đàn chùng thế, phạt em đứng im năm phút! Mỹ Xuân, em hiểu như thế nào về ý nghĩa của tên gọi bài thơ Mùa xuân nho nhỏ? Kìa, sao em chậm tiêu quá, từ nãy giờ coi như nước đổ lá khoai!... Vui vui vậy mà được việc. Cả hai đều công nhận học giáo án cách nầy rất hiệu quả.

Chỉ còn một ngày nữa Trầm và Mỹ Xuân đi hội giảng. Đã thuộc bài làu làu rồi nhưng hai cô vẫn cứ lo lắng. Sáng nay, hai cô đi cắt tóc. Tiệm làm tóc là một gian nhà nhỏ lụp xụp, mái tôn mục gỉ, thấp tè, nhếch nhác. Trước cửa đặt cái bảng hiệu kẽ chữ xanh đỏ lòe loẹt, nguệch ngoạc, kêu ra phết “Viện uốn tóc Thanh Kim Ngọc”!

Mỹ Xuân chọn kiểu so le bồ câu. Khuôn mặt cô trắng trẻo, bầu bĩnh, đáng yêu thêm. Trầm ngẩn ra ngắm bạn, Xuân dễ thương quá! Trầm vẫn giữ mái tóc ngang dài xõa kín bờ vai nhỏ, chỉ cắt bớt phần đuôi bị chẻ ngọn chừng một phân. Cô thợ ngắm nghía Xuân, em ơi, em nên tỉa bớt lông mày cho gọn, lông mày em mọc lung tung quá. Trầm ủng hộ ý kiến đó. Thế là nét mày Mỹ Xuân được chămsóc khá kĩ, cũng may Trầm chăm chú theo dõi và bảo chị thợ ngừng tay, nếu không, đôi mày Xuân chắc còn bằng sợi chỉ. Chị thợ tiếp tục dụ dỗ hai cô làm những thứ khác như se lông mặt, uốn cong lông mi, sơn móng, nhưng hai cô lắc đầu quầy quậy.

Xinh xắn, nhẹ nhàng với mái tóc mới thơm phức vừa được gội sạch, hai cô cảm thấy hưng phấn hẳn. Mỗi cô một chiếc xe đạp chạy bon bon trên đường nhựa. Giọng Mỹ Xuân reo vui: “ Trầm ơi, ghé ăn chè đậu để ngày mốt đi hội giảng đậu loại giỏi hén!”. “Đồng ý”.

Cả hai dừng lại, đợi qua đường. Bỗng một chiếc xe gắn máy lao tới với tốc độ kinh hồn. Trầm chưa kịp phản ứng thì đã nghe tiếng “rầm”, chỉ kịp thấy Mỹ Xuân bị chiếc xe hai bánh kia lôi theo. Và Trầm cũng chỉ kịp thấy đôi mắt của Xuân trong một thoáng cố quay lại như tìm kiếm Trầm... Ngay lúc ấy, chiếc xe lớn trờ tới... Tất cả xung quanh như sụp đổ!

... Đôi mắt của Mỹ Xuân ngơ ngác cầu cứu tuyệt vọng đớn đau... Đôi mắt ngơ ngác ngạc nhiên lạ lùng... Đôi mắt ngơ ngác khát khao tiếc nuối... Đôi mắt đọng mãi trong đất trời chao đảo... Và máu... máu lênh láng...

***

Người mẹ thét lên ngất xỉu. Trầm dành lấy việc lau người và thay quần áo cho Xuân. Đáng lẽ ra còn phải chải tóc, trang điểm, phần việc quan trọng không thể thiếu. Nhưng!... Đâu rồi mái tóc so le bồ câu mới cắt? Đâu rồi đôi nét mày cong vút mới vừa tỉa tót? Đâu rồi? Đâu rồi?...

Trầm lặng lẽ làm việc, mắt ráo hoảnh vô hồn. Mọi cảm xúc của cô dường như đông cứng lại. Trông cô giống như một pho tượng biết cử động. Xong việc, Trầm cứ ngồi thừ người ra, nắm chặt mãi đôi bàn tay giá lạnh của Xuân. Người ta phải lôi Trầm đi để đưa Xuân vào quan tài. Ai đó đặt cạnh Xuân năm cái chén đựng ngũ cốc. Trầm chợt nghĩ, đáng lẽ cho Mỹ Xuân mang theo sách giáo khoa, giáo án và hộp phấn mới phải.

Mãi đến tối hôm sau, mẹ Trầm mới đưa được cô về nhà. Con ơi, cái số của nó rồi, con đừng thương tiếc quá nó mủi lòng không đi được, cứ vương vấn vất vưởng tội nghiệp nó. À, hình như mai con đi hội giảng phải không?

Hội giảng? Hội giảng gì nhỉ? Tâm trí Trầm như mù sương. Cô cố nhớ một cái gì đó cho việc hội giảng nhưng đành chịu thua. Rồi trong lãng đãng mù sương đó, bỗng hiện lên đôi mắt của Mỹ Xuân. Đôi mắt cứ to dần, rõ dần. Đôi mắt ngơ ngác, đau đớn cùng cực như thể vẫn còn đang cố tìm kiếm, cố níu kéo một cách vô vọng một cái gì quý báu nhất mà người ta vừa giật mất...

Trầm ngả người lên giường, kiệt sức thiếp đi với ý nghĩ chập chờn, sao mình không đặt sách giáo khoa, giáo án và hộp phấn vào quan tài cho nó. Hẳn nó sẽ trách mình.

Trầm thiếp đi không biết được bao lâu, bỗng giật mình vì tiếng kêu rên của chị gái, tiếng lao xao trong nhà. Cô mở mắt. Cả nhà sáng choang!

Phải một lát sau Trầm mới hiểu, chị Hương chuyển bụng sinh! Trầm bật ra khỏi giường. Mẹ bảo, con cứ vào ngủ tiếp để mai còn đi hội giảng, mọi việc để ba mẹ lo. Không, để con đưa chị Hương đi. Mẹ chặc lưỡi quyết định, thôi được, con chở chị Hương, nhớ đi cẩn thận, còn ba mầy lấy xe đạp ra chở mẹ đi theo.

Trầm lái xe thật chậm, chăm chú nhìn xuống đường để tránh những ổ gà. Trời hơi lạnh. Xóm quê vẫn đang say ngủ bình yên dưới ánh sáng mờ nhạt của mảnh trăng gầy, bỗng náo động lên vì tiếng chó sũa vang. Đằng sau, chị Hương vẫn rên rỉ. Tội nghiệp chị, gần tới ngày sinh mà chồng lại đi công tác tận Cà Mau. Chị khóa cửa căn hộ trên tỉnh, về nhà ba mẹ ruột. Mẹ cũng đang tính nay mai mẹ đưa chị lên tỉnh lại, để đẻ ở bệnh viện lớn cho an toàn. Ai ngờ sự thể lại thế nầy.

Cĩ y tá khám cho chị Hương, nói thai thuận, rất tốt, có lẽ khoảng vài ba tiếng nữa chị ấy mới sinh. Trầm đưa tay xem đồng hồ, đã hai giờ sáng. Ngồi được một lát, chị Hương bỗng lên cơn đau dữ dội, chị la hét inh ỏi. Lúc thì chị bò lăn lộn dưới nền, rũ rượi. Lúc chị ngồi lên giường, hai tay ghì cứng mép giuờng, răng nghiến chặt, mặt trắng bệt méo mó nhễ nhại mồ hôi. Lúc chị ôm bụng đi tới đi lui, rên hừ hừ. Trầm và mẹ thay phiên dìu chị. Có lúc chị bíu chặt làm Trầm đau điếng. Có lúc chị lại hất ra. Cả người chị thấm đẫm mồ hôi, lấm lem lấm luốt.

Rồi đến lúc chị được đưa lên bàn sinh. Mẹ và Trầm đứng hai bên đỡ chân chị. Trầm nắm chặt bàn tay chị, bàn tay ướt mồ hôi. Chị oằn oại, thở hổn hển hơn lúc nào hết. Mẹ cầm khăn, vừa lau mặt cho chị, vừa âu yếm dỗ dành. Cô y tá luôn miệng: “Cố lên! Cố lên!”. Bỗng chị hét một tiếng kinh hoàng. Rồi tiếp ngay sau đó là tiếng khóc oe oe vỡ òa. Trầm nhìn thấy rõ ràng một đứa bé, một con người ra đời. Chị Hương đã nằm im, bụng xẹp lép, đôi tay buông lỏng. Dưới mông chị, mảng máu đỏ thắm. Khuôn mặt tái xanh của chị giãn ra, nhẹ nhõm, thuần khiết. Đôi mắt chị mỏi mệt nhưng lấp lánh một thứ ánh sáng rất lạ, sung sướng nhìn con người bé xíu vẫn tiếp tục oe oe dữ dội, đang được cô y tá tắm rửa. Đôi môi nhợt nhạt của chị hé mở nụ cười tỏa rạng hào quang hạnh phúc.

Tiếng cô y tá vui vẻ, chà, con gái được hơn ba kí đấy! Ô lạ chưa? Cái con bé nầy mới lọt lòng mà cặp mắt cứ mở to, ngó bộ biết nhìn rồi, coi khôn dễ sợ luôn! Trầm tò mò chạy ra dòm: Con người bé xíu đã sạch sẽ, được quấn tròn trong chiếc khăn bông màu xanh, chỉ chừa mỗi cái đầu .Và đúng như lời cô y tá nói, đôi mắt nó đang tròn xoe nhìn, như lạ lẫm, như háo hức đón chào cuộc sống!

Sáu giờ rưỡi! Trầm chợt thảng thốt khi nhớ tới Mỹ Xuân. Chỉ còn mười lăm phút nữa Xuân sẽ được đưa ra nghĩa địa. Trầm chạy như bay ra ngoài, rồ ga. Từ xa, cô nghe văng vẳng tiếng lệnh: “Xoèng! Xoèng! Xoèng!...”. Và tiếng kèn trống... Và tiếng khóc thê thảm bi ai kéo theo. Trầm dựng vội xe, không kịp rút chìa khóa, bổ vào dòng người đưa tang. Có lẽ cả trường đều có mặt. Tiếng ai đó, ủa, cô Trầm ở đâu mà giờ nầy mới ra, chà, chiều nay cổ có đi hội giảng nổi không đây. Trầm len dần lên. Hình như người ta đẩy xe hơi nhanh. Trầm cố níu cho xe chậm lại.

Mỹ Xuân được đưa xuống lòng đất. Trầm bỗng tự hỏi, không biết cái huyệt có sâu đủ ba thước? Mẹ của Xuân lại ngất. Học trò khóc nức nở. Trầm thả xuống cho bạn thân một nhánh huệ trắng và nắm đất còn nóng ấm. Cô nghe trái tim mình vỡ nát, nhức nhối tột độ nhưng mắt vẫn cứ ráo hoảnh.

***

Trầm bình thản đứng chỗ bàn giáo viên. Khuôn mặt cô hốc hác buồn rầu và mỏi mệt nhưng đôi mắt sáng rực, điềm tĩnh và quả quyết. Giám khảo và nhiều thầy cô dự giờ đi vào. Học sinh đứng dậy, vỗ tay chào mừng. Trầm thong thả lấy dụng cụ ra: Giáo án, sách giáo khoa... Cô chững chạc bước ra trước bảng đen. Rành rọt. Bình tĩnh. Tự tin.

Trầm bình tĩnh một cách lạ lùng. Đến nỗi chính cô cũng phải hết sức kinh ngạc về bản thân mình. Cô cảm thấy rất rõ rệt điều bí ẩn lớn lao đang diễn ra trong tâm hồn cô mà cô không biết gọi tên. Chưa bao giờ cô có được tâm trạng như bây giờ khi đứng trước lớp có nhiều người dự, lại là một cuộc thi!

Tiếng trống báo hiệu hết giờ. Bài dạy của Trầm cũng vừa hoàn tất với lời phát biểu của một em học sinh: “Thưa cô, nhà thơ muốn nhắn nhủ mỗi người hãy luôn là một mùa xuân nho nhỏ để góp phần làm nên mùa xuân lớn của cuộc đời”. Trầm mỉm cười hiền hậu, giọng tâm tình êm ái lắng sâu: “Phải, chúng ta hãy sống đẹp, bởi chúng ta chỉ có một lần được sống...”.

Thầy Phiên, một giáo viên lão thành tuổi đời cũng như tuổi nghề, nhíu mày, nói nhỏ với người đi bên cạnh: “Cô giáo nầy thật lạ, hãy còn trẻ lắm mà lại có phong thái của một nhà hiền triết!”.

Lòng nóng ran như lửa đốt nhưng Trầm vẫn lễ phép ngồi im lắng nghe những lời góp ý của ban giám khảo. Nói chung, chủ yếu là khen.

Vừa xong, Trầm phóng xe tới nghĩa địa. Rồi cứ gục đầu trên mộ bạn mà khóc.

- Trầm ơi, về đi thôi, sắp tối rồi!

Giọng nói dịu dàng của Mỹ Xuân thoảng qua như gần như xa. Trầm càng khóc to hơn, thảm thiết. Khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Nghĩa địa vắng tanh, lạnh lẽo âm khí mà sao Trầm chẳng thấy sợ! Lạ lùng thật! Trầm vốn chẳng bạo gan gì!

Điều bí ẩn lớn lao kia lại tràn ngập tâm hồn cô. Cô lắng lòng cố gắng tìm kiếm nó nhưng nó vẫn chưa chịu lộ diện. Như thể ánh mai đã ửng hồng ở đằng đông mà mặt trời hãy còn ẩn mình đâu đó.

-Trầm! Về mau kẻo tối! Mầy không nghe, tao giận đấy!”.

Trầm đứng lên, khuôn mặt nhòe nhoẹt đầm đìa nước mắt, bộ áo dài lấm lem. Nắng đã tắt từ lâu. Bầu trời mênh mông sẫm màu lác đác mấy ngôi sao xa xăm, vĩnh hằng và huyền bí. “Ừ thì tao về. Ngủ ngon nghen Mỹ Xuân!”.

@ nguồn thời văn số 8

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

TRẦN HỮU DŨNG

TRẦN HỮU DŨNG

XUNG QUANH BÀI THƠ “GIANG HỒ”

CỦA NHÀ THƠ PHẠM HỮU QUANG












Tàu đi qua phố, tàu qua phố

Phố lạ mà quen, ta giang hồ

Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ

Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ


Giang hồ đâu bận lo tiền túi

Ngày đi ta chỉ có tay không

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

Mây trắng trời xa trắng cả lòng


Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng

Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình


Giang hồ có bữa ta ngồi quán

Quán vắng mà ta chửa chịu về

Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống

Đếm thấy thừa ra một góc si


Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều

Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách

Sá gì chải lược với soi gương


Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc

Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng


Chân sẵn dép giày trời sẵn gió

Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta mới khóc hôm qua


Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

5.1991

Tôi gặp PHẠM HỮU QUANG khoảng năm 1979 khi anh lên Sài Gòn lo in ấn tờ Văn Nghệ An Giang. Lúc đó anh chuyển từ nghề dạy học về công tác Hội Văn nghệ An Giang, chọn công việc đi in báo là để có nhiều dịp giao tiếp, thù tạc với giới văn nghệ cũ mới mà anh thân quen. Biết nhau qua những bài thơ đăng báo nên chúng tôi nhanh chóng là bạn “chí cốt”.

Phạm Hữu Quang sinh năm 1952, quê ở Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ từng học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau anh chuyển về Đại học Cần Thơ, ra trường dạy học một thời gian, trước khi trở thành hội viên Hội Văn nghệ An Giang.

Cha mất sớm, còn mẹ và chị. Lúc chị đi lấy chồng, anh sống thui thủi bên mẹ. Có lẽ hoàn cảnh gia đình côi cút sớm tạo nên tâm trạng u uẩn, day dứt và lạc lõng khôn nguôi trong lòng Quang:

Em suốt đời chẳng hiểu được mình

Vẫn như bé khi về bên chị

Cây gáo chẳng hóa thành cây thị

Nhưng chị em vẫn mãi nàng tiên*

Những năm đi học, Quang tham gia nhóm thơ Về Nguồn ở Cần Thơ, ra tập thơ đầu tay in ronéo Người tình quê hương. Kế tiếp là tập thơ thiếu nhi Đàn gà con – Văn nghệ An Giang xuất bản năm 1980. Tập thơ cuối cùng do bạn hữu gom lại in cho anh là Ngẫu hứng chiều sông Hậu – Văn nghệ An Giang năm 2000. Đấy là “đứa con tinh thần” mà anh chưa nhìn thấy mặt, đã lặng lẽ đi xa.

Quang viết ít, chậm rãi, nghiền ngẫm đến nát nhàu tứ thơ, câu chữ mới viết ra. Bản thảo anh còn nhiều bài thơ dở dang, anh chần chừ, chờ đợi một chữ, một tứ thật “đắc”, giống hệt như đọc thơ bạn anh cũng khó tính như thế. Có lần anh nhắc đến bài thơ tôi viết, sau cơn mưa đồng bằng, nắng cứ trải dài miên man không dứt, vô tận, anh bảo rằng nhà văn Sơn Nam rất mê, chép lại đi, tôi thật tình quên mất. Anh trách tôi: “Sao mày vô tình quá, chưa “sống chết với thơ”!”.

Vốn to con, tướng Quang thấp đậm, tóc, râu xù xì, trông hơi “ngầu” nhưng lại lành tính. Bạn bè vẫn gọi đùa anh là “con gấu ngủ đông” chưa chịu thức giấc. Trong bàn nhậu Quang ít nói, cứ lầm lì uống, không bao giờ bỏ bạn, tới khi nào tiệc tàn, lừ đừ đứng dậy ra về, lúc đó trông anh thật cô đơn, xiêu đảo.

Lên Sài Gòn, Quang thường ghé báo Văn Nghệ Thành Phố kiếm tôi, Bùi Chí Vinh, Vũ Ngọc Giao, anh Joseph Huỳnh Văn... để bù khú. Với cái bị vắt vai, áo jean bạc màu, anh lặng lẽ ngồi hút thuốc. Tôi nhớ nhất lần anh lãnh tiền đi dự trại viết văn ở Hà Nội, cứ lần chần mãi ở thành phố, mấy lần tôi đưa ra ga xe lửa, anh lại lộn trở lại nhà tôi, đập cửa đòi ngủ nhờ.

Bữa đó nhậu tại quán Trống Đồng có Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quốc Chánh và nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, người mà anh rất ngưỡng mộ, từ Blao xuống. Anh rủ cả nhóm về nhà anh ở Long Xuyên chơi. Rỗng túi, chúng tôi chạy về nhà chị Ý Nhi kế xưởng nhựa Bình Minh quận 6, gửi xe, mượn tiền, mướn nguyên chiếc xe hơi thẳng xuống nhà anh. Những cuộc nhậu liên miên với chuột đồng khìa, cá rô chiên xù do Quang đích thân đi chợ, làm bếp, mua rượu đãi bạn. Anh trò chuyện rôm rả, thú vị với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn – ăn chay, không uống rượu - mang ra khoe tập thơ Những bài thơ tình đầu của anh Sơn mà Quang cất giữ hơn 20 năm.

Hiếm hoi lắm, tôi mới thấy Quang vui, mở lòng ra hết cỡ, thoát khỏi cái bóng khật khừ ma ám của mình.

Ta vô cớ cười rung như tiếng lạc

Ta về, ừ nhỉ ta về thôi

Ô hay bến thuyền kèo cột gãy

Qua mùa hoạn lộ chẳng còn vui*

Suốt đời Quang là những dự tính dở dang, những bài thơ chưa thành hình, những chuyến đi giang hồ vặt các tỉnh, thành phố nào Cần Thơ, Bạc Liêu, Châu Đốc, nào Sài Gòn, Đà Lạt, Hà Nội... nhất thiết phải lên đường về một nơi chốn nào đó. Có lần anh nhảy lên Phương Bối – ngủ một đêm với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, tâm sự vơi đầy rồi lộn về.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín kể: “Bữa nhậu ở Hà Nội có Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, bỗng Nguyễn Đình Chính đọc lại hai câu thơ:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

Rồi hỏi:

- Biết thơ ai không?

- Không.

- Của Phạm Hữu Quang. Mọi người hãy uống gởi cho Quang một ly đi”.

Sau tai biến mạch máu não lần thứ nhất, Quang gượng dậy, dù liệt nửa thân, anh gắng gượng tập đi tập viết lại. Những bức thư ngắn Quang gửi nhờ tôi lãnh giùm nhuận bút báo Công An Thành Phố, chữ rất khó đọc. Tôi mừng thầm vì bạn đã phục hồi phần nào. Thế mà cơn tai biến mạch máu não lần thứ hai lại đến, Quang mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 28/4/2000 ở tuổi 49!

Rất nhiều người thuộc bài Giang hồ mà không hề biết tác giả là ai. Có lần người bạn tôi ở Huế vào chơi, hứng lên ngâm:

Tàu đi qua phố, tàu qua phố

Phố lạ mà quen, ta giang hồ

....

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

Mây trắng trời xa trắng cả lòng

...

Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng*

Trời ơi, cái giọng Huế buồn đẫm, quán vắng chiều mưa lai rai không dứt, sao mà buồn, mà nhớ bạn tôi Phạm Hữu Quang quá thể!

Con Quang nay đã lớn, vào làm phóng viên báo An Giang, chị Phạm Thị Thà – vợ anh vẫn làm ở Công đoàn tỉnh An Giang, nơi anh định cư, chọn làm quê hương thứ hai sau Bắc Đuông. Có lần anh Lê Hoàng – NXB Trẻ - dự định in một tập thơ tuyển cho Phạm Hữu Quang, do họa sĩ Việt Hải trình bày, Việt Hải mất đột ngột vì tai nạn giao thông, vẫn chưa thấy tập thơ ra mắt bạn đọc...

Phạm Hữu Quang đi xa 6 năm rồi, thơ anh vẫn còn có người nhớ, vẫn đọng lại ít nhiều trong lòng bạn đọc, thơ anh giống như dòng sông Hậu quê nhà: “Sông cứ chảy. Ừ, sông cứ chảy!”.

* thơ Phạm Hữu Quang.

@ nguồn thời văn số 8

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2007

CAO TẦN

CAO TẦN

8. Mai mốt anh trở về


Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm
Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít
Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm

Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Tháng 3-77

14. Gửi Xuân Hiến


Đốt thế giới văn chương hào sảng ấy
Gửi cho ông làm bạn cõi thiên đường
Tôi chỉ giữ bên mình thanh kiếm gẫy
Lên núi ngồi vạch đất vẽ quê hương.

Tháng 10–82

18. Cảm khái


Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
Tên chụp hình làm ta xấu như ma
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai...

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
Chợt nhớ câu thơ: “Gẫy cánh Đại Bàng...”
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang

Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời.

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ

Tháng 6–77

Nguồn: Bản đăng trên talawas thực hiện vào tháng 7.2006, do tác giả hiệu đính, bổ sung và bớt một số bài từ các lần in đầu tiên năm 1978 (Tạp chí Bút Lửa và Nhà xuất bản Người Việt của Trần Đình Long, California), tái bản lần thứ nhất năm 1984 (Nhà xuất bản Tin Yêu của nhóm Thanh Nam, Seattle), và tái bản lần thứ hai năm 1987 (Nhà xuất bản Văn Nghệ, California).

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2007

HẠNH VÂN

HẠNH VÂN






Quán vô thường

Em nhưlà con sóng

sẽ tan vào đại dương

em như là mùi hương

thoáng quanh đời ảo mộng

em là cơn gió lộng

chan hoà giữa hư không

vũng tàu 9 – 2006

đá xanh

cho tôi tìm lại mùa xuân

trên tầng bia đá ghi phần mộ anh

cho tôi thắp ngọn điêu tàn

đốt lên tưởng niệm tuổi vàng đã bay

xin trời một chút tơ mây

giăng xanh hồn mộng riêng tay ngậm ngùi

huế - 1968

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2007

LÃNG HIỄN XUAN


LÃNG HIỄN XUAN






Non Bộ

Tặng: hoạ sĩ Nguyễn Phước

Đá nép mình cho đời rêu che phủ

Cây lặng thinh đợi gió cất lời

Ta trải mình chờ em về lối cũ

Nhành thơ buồn bỗng rủ xuống vườn thu।


Không Đề

Tặng: Huỳnh Lâm

Gối đầu lên Sông Hoa

Lãng mình trong cõi mộng

Về sông ngắm trời rộng

Lên bờ thấy đất sâu.

Lều sen thơ, 6/2006

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

HOÀNG DIỆP LẠC

HOÀNG DIỆP LẠC





Đêm

thức giấc cùng gối chăn

trời khóc

phố ướt đẫm

hiện hình những nét cong

vọng âm núi đồi

chạm thần kinh xanh

đêm

canh đầu tiên của ngày

tôi xa lạ vừa mới sinh ra

trời đất bao la

từ rất xa em hiện về

thơ ngây

như ngày đầu của sự sống

em khóc

dòng sông chảy ngược

phố trở mình

cô độc

chạy tìm em

đêm

nghe canh hai chuyển mình

bước chân cuốn con đường

giẫm bóng liêu xiêu

tôi nghe điều lạ xa

như kẻ thoát ra từ viện tâm thần

ngẩn ngơ

ôm tuổi thơ muộn màng

rao bán giữa khuya

đêm

tiếng chuông canh ba

vào ra hơi thở

ngờ ngợ tỉnh cơn mê

nghe lời em thầm thì bùa chú

thổi mù trăng

những điều răn

lốp đốp

vỡ

trên mái nhà

tôi ngã vào thẳm sâu

đêm

chập chờn canh tư

mắt chối từ giấc ngủ

dậy một bàn chân

mặt đất không hò hẹn phố

rỗng tuếch ánh đèn

khuất vào con hẽm tối

tôi thèm đếm mưa

đêm

canh năm lành lạnh gáy

ngón tay gầy đếm đốt mong em

đêm bạc tình

mộng mị cũng ra đi

chiếu chăn vô tình

rủ nhau cuộn lại

và chỗ nằm

vắng một xác thân

đêm

năm canh

dằng dặc...

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2007

VŨ HY TRIỆU

VŨ HY TRIỆU


Trích từ tập thơ: NHÀ CÓ MẢNG TƯỜNG HOA

Nxb: Văn nghệ sắp xuất bản

thơ

TƯỞNG CHỪNG CA DAO


yêu nhau đã mấy mùa thu

thôi đừng như lá cuốn mù mịt xa

yêu nhau đã mấy mùa hoa

tàn hương một đóa xót xa cũng đành

thà rằng như con chim xanh

hót mây hót gió trên cành hư không

yêu nhau đã mấy mùa đông

tình như sương khói chạnh lòng không em?

gió đưa lá rụng bên thềm

tiếc chi một thuở còn mềm môi nhau।


NGÀY CÓ CON TRÊN ĐỜI

Cho con gái Nhật Hạ

mẹ sinh con một ngày đầu hạ

con có mặt trên đời làm ấm dịu lòng ba

ba chẳng có gì cho con - mừng tiếng khóc oa oa

và vòng tay ngày đầu tiên đón con vào cuộc sống

mẹ sẽ cho con ngọt ngào dòng sữa nóng

êm mát lời ru chảy suốt tuổi thơ con

ấm áp tình thương chiu chắt tháng năm tròn

cùng khát vọng - niềm tin nuôi con khôn lớn

ba muốn con hãy là chồi non mơn mởn

sống thật hồn nhiên giữa đất rộng trời cao

và mỗi khi đất trời nổi cơn giông bão

cũng đừng lo - ba mẹ là bóng cả chở che

ba muốn con như vầng trăng sáng đêm hè

trong trẻo giữa trời xanh đầy gió lộng

ba tin con giữa bộn bề cuộc sưëng

sẽ thật thà không gian dối tính toan

ba muốn con là ngọn gió hiền ngoan

thổi mát đời ba - vuốt ve đời mẹ

và những tháng năm một thời con thơ trẻ

đầy ấp tiếng cười và tràn ngập niềm vui।


GIỌT BUỒN


em đi

từ độ đông tàn

từ trăng chếch bóng

từ ngàn tịch liêu

từ trong

sâu thẳm một chiều

ngẩn ngơ

từng giọt

buồn-thiu-thắt-buồn।


NÓI VỚI VỢ HIỀN

Em – vầng trăng của riêng anh

giữa trời đêm sáng long lanh - ấm lòng

những ngày hương lửa mặn nồng

cảm ơn em rạng tấm lòng sắt son

yêu chồng - đau đáu thương con

gió lay mặc gió - đầu non xanh ngời।


VỐN LÀ HỒN NHIÊN

Tặng anh Nguyễn Bắc Sơn


ta nói rằng ta anh hùng

sao mi lại bảo ta khùng ta điên

thưa rằng trong cõi vô biên

mắc gì ta phải hồn nhiên, vốn là...

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2007

NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH


NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH

chỉ để nhắc em chơi



Nhiều khi thèm nghe cái tiếng lá quen

Vui vui dốc mòn xưa ta sánh bước

Tiếng lá bây giờ không như thuở trước

Dẫu đêm ngày vẫn loáng thoáng bên tai

Dốc cũ ngày đêm tôi vẫn miệt mài

Bước tới bước lui hỏi từng viên sỏi

Vì lẽ gì không dưng em bỏ lại

Mối tình đầu trầm quế ấy mà đi

Vội vàng chi em chẳng nói năng gì

Để bao năm tôi nằm bên giấc ngủ

Ngong ngóng mãi một trái tình cuối vụ

Sưởi thầm đời qua ngày hạ tháng đông

Gom hết yêu thương thả xuống dòng sông

Một ngày kia hóa thân vừng mây lạ

Bay khắp bầu trời làm cơn mưa đá

Rắc đẫm quanh em nỗi nhớ run người

Chẳng làm gì chỉ để nhắc em chơi

Rằng chốn quê nhà hãy còn gã ngốc

Vẫn chăm chỉ gùi nỗi đau ngược dốc

Lưng muốn còng mà hồn vẫn xanh thơ...


điển tích cây si



Tôi lễnh mễnh theo em từng buổi chợ

Nắng xuân vàng phơi lụa quãng đường quê

Quai nón tím dịu dàng trêu nghịch gió

Mắc mớ gì mà em cứ vân vê?

Mới lần đầu cùng con trai chung lối

Em bước dài bước ngắn thấy mà thương

Và phía sau tôi gượm hoài câu hỏi

Nhỏ gì ơi nhà nhỏ có xa không?...

Đơn giản thế mà mở mồm không được

Đôi ba lần đánh bạo cũng chào thua

Kinh tỏ tình ngàn câu tôi tụng thuộc

Đến khi cần gọi mãi chẳng buồn thưa!

Đường dẫu xa đi hoài rồi cũng hết

Em lẹ làng lách cổng biến vào sân

Tôi quay gót cõng nỗi buồn da diết

Nghe chân mình mỗi bước nặng ngàn cân!

Thất thểu đón bao ngày sau buổi chợ

Em không về có nghĩa đã không đi

Bên vệ đường sớm chiều tôi xớ rớ

Hạt tình thầm rụng xuống mọc cây si!...


đòi lại cuộc tình


Xa nhau nửa đời gặp lại

Về nhà tôi lén soi gương

Đâu rồi thằng Trình dại gái

Thầm mê nhỏ bạn cùng trường

Tôi khác tôi ngày xưa lắm

Râu ria sợi trắng đã nhiều

Không như hồi năm mười tám

Theo sau ai tập tò yêu

Không ngờ em còn xinh quá

Tóc nào vẫn nửa lưng buông

Một hai tôi đòi em trả

Cuộc tình giấu phía sau gương...

ndt

*hành hương về phía nhớ*