“Khẩu hiệu” của sự khai minh là gì?
Immanuel Kant (1724 – 1804) hô lên bằng… tiếng Latinh: “Sapere aude!”, “Hãy dám
biết!” Phải có gan như thế mới thoát ra được vòng tù hãm của đời thường. Phải
“dám” như thế mới thoát ra khỏi sự không trưởng thành vì lười và nhát. Lười vì
ngại nhức đầu và nhát vì e sợ quyền uy của người khác, của người đi trước. Trẻ
con đương nhiên là chưa trưởng thành, nhưng chính trẻ con là kẻ… dám biết hơn
ai hết!
Trẻ con không ngần ngại hỏi “là gì?” và
“tại sao?” luôn miệng. Chúng muốn đi ra đàng sau sự vật, muốn biết căn nguyên
của mọi sự. Người lớn thường… nhát hơn trẻ con, nhưng, tất nhiên, tinh vi hơn.
Khoa học đi tìm nguyên nhân và định
luật. Nhà khoa học có lẽ chỉ nêu lại những câu hỏi của trẻ con một cách chi
tiết hơn, rắc rối hơn! Triệt để hơn nữa, triết học đặt ra những câu hỏi cơ bản
và đòi hỏi những câu trả lời cơ bản, nghĩa là, có tính nguyên tắc. Theo nghĩa
rộng, tư duy nguyên tắc là tư duy trừu tượng nói chung. Còn theo nghĩa hẹp, nó
là tư duy chuyên tra hỏi về… những nguyên tắc, gồm bốn cấp độ: xác định khái
niệm, tìm bản chất, tìm nguyên nhân, và sau cùng, tìm nguyên tắc, kể cả nguyên
tắc hay căn nguyên tối hậu.
Tư duy bề ngang và tư duy bề dọc
Muốn xác định khái niệm, cần tối thiểu
một năng lực trừu tượng hoá nào đó để từ những cái cá biệt rút ra cái chung,
cái phổ biến. Cái phổ biến buộc lòng phải gạt bỏ nhiều nét phong phú trong sự
vật; nó luôn là sự giản lược, và đó là chỗ yếu của nó. Khái niệm “chó” bao hàm
mọi con chó, mọi loại chó, nhưng không thể cho biết những đặc điểm riêng có của
chú chó cưng của tôi. Nhưng, bù lại, nó giúp người ta đi sâu hơn vào sự vật, vì
sự vật có thể còn là cái gì nhiều hơn vẻ bề ngoài, hay còn là cái gì khác hơn
điều nó bộc lộ ra. Nếu không có sự hoài nghi cơ bản ấy để phân biệt giữa hiện
tượng và bản chất, giữa tồn tại và vẻ ngoài v.v…, ắt sẽ không có triết học và
cả khoa học nữa. Nhưng, có chỗ khác nhau. Triết học phát triển một tư duy
nguyên tắc không chỉ theo bề ngang, theo đường thẳng tuyến tính để đi từ hiện
tượng hay kinh nghiệm đến chỗ phân loại và đề ra quy luật như trong các ngành
khoa học, cũng không chỉ hướng đến một tư duy trừu tượng và hình thức như trong
toán học. Nó làm cách khác: trừu tượng hoá theo bề dọc hay còn gọi là tư duy
“siêu hình học”. Đó là một cách tiếp cận khác với thực tại. Bạn chăm chú đếm
tiền và đã học được vô số cách để quản trị và làm sinh sôi đồng tiền. Triết gia
không mấy quan tâm đến việc ấy mà lại hỏi “cắc cớ”: Tiền là gì? Con số là gì?
Ta say mê bao vẻ đẹp và tạo ra vô số cái đẹp, triết gia đứng nhìn và hỏi: Đẹp
là gì? Thế nào mới là đẹp đích thực? Tất nhiên, triết gia không lẩm cẩm đến độ
chặn một người đang vội vã trên đường lại để thay vì hỏi: “Xin lỗi, mấy giờ
rồi?” lại hỏi: “Thời gian là gì?!” Nhưng, như bạn thấy đó, hai cách hỏi khác
nhau hoàn toàn. Theo thuật ngữ triết học, câu hỏi trước thuộc về phạm vi áp
dụng của một khái niệm, gọi là ngoại diên (extension), câu hỏi sau mới thuộc về
nội dung thực chất của khái niệm, gọi là nội hàm (intension). Hầu hết các “đối
thoại” nổi tiếng của Platon đều vất vả ở chỗ làm cho người đối thoại biết phân
biệt hai điều ấy.
Giữ một khoảng cách với thực tại trực
tiếp với chính mình, trước sau vẫn là đòi hỏi tối thiểu trong tư duy triết
học. Tuy nhiên, nếu không quay lại với khởi điểm, nếu bỏ rơi kinh nghiệm thực
tại, mải mê với “nguyên tắc”, triết học chỉ còn là sự viễn mơ, mất hết sức
sống.
|
Bề dọc cũng có hai chiều!
Bên cạnh việc xác định khái niệm và tìm
bản chất, việc tra hỏi nguyên nhân cũng là đặc trưng của tư duy trừu tượng.
Nhưng, ở đây cũng có… bề ngang và bề dọc. Nhà khoa học hỏi về cái có trước hay
cái đầu tiên, cái khởi động một chuỗi những yếu tố. Từ đó có sự phân biệt
nguyên nhân và kết quả. Nhưng, tuy nguyên nhân sinh ra kết quả (chúng có thể là
trước sau hay đồng thời!) nhưng, về thực chất và về “nguyên tắc”, cả hai đứng
trên cùng một bình diện, đó là bình diện hiện tượng của kinh nghiệm, tức, vẫn
thuộc bề ngang, như con vi trùng là nguyên nhân gây bệnh tuy khó tìm nhưng vẫn
nằm ngay trong cơ thể ta.
Triết học đẩy câu hỏi ấy đến chỗ triệt
để, mở rộng chuỗi nhân quả đến tận cùng để hỏi về nguyên nhân đầu tiên hay tối
hậu, vượt ra khỏi kinh nghiệm và hiện tượng. Nó có thể làm việc ấy bằng hai
cách: đi tìm một nguyên nhân thuộc loại hoàn toàn khác, tức nguyên nhân phi –
thời gian, làm nền móng cho tất cả những gì ở trong thời gian. Nó cũng có thể
đi tìm cái không có nguyên nhân, cái nằm bên ngoài luật nhân quả, thậm chí tra
hỏi về bản thân nguyên tắc nhân quả. Trong trường hợp đó, nó không còn là một
nhận thức về nguyên tắc nữa, nhưng, ý định đi tìm câu hỏi triệt để có tính
nguyên tắc vẫn còn đó. Triết học có thể để mở câu hỏi này, xem đó như là một
thử nghiệm, một giả định của tư duy. Triết học cũng có thể gác lại câu hỏi này,
thậm chí gạt bỏ nó đi vì cho rằng không thể giải đáp được. Nhưng, dù dưới hình
thức nào, câu hỏi triệt để về “căn nguyên tối hậu”, về cái “ontos on” (“thực
tại đích thực”) theo cách nói của người Hy Lạp cổ đại vẫn mãi mãi là một câu
hỏi đeo đẳng, nhức nhối. Đó là chiều đi lên của câu hỏi vượt khỏi kinh nghiệm,
hiện tượng. Triết học gọi lối tư duy bề dọc theo hướng đi lên này là tư duy
siêu việt (transcendent).
Cũng vượt ra khỏi thế giới kinh nghiệm,
hiện tượng, nhưng còn có chiều “đi xuống” nữa, hay đúng hơn, đi lùi lại, giữ
một khoảng cách. Tư duy nguyên tắc có tính triệt để về mặt khách quan như trên
đây cần đi liền với một tư duy cũng triệt để về mặt chủ quan nữa. Đó là câu hỏi
theo tinh thần khai minh (“Protagoras và khai minh Hy Lạp, SGTT, 14.7.2010):
yêu sách triệt để về mặt khách quan như thế có cơ sở không? Đâu là những điều
kiện chủ quan để những nhận thức như thế có thể có được hoặc không thể có được?
Đó là câu hỏi của sự phê phán và tự – phê phán về năng lực nhận thức của con
người. Không ngạc nhiên khi Immanuel Kant, người đề ra khẩu hiệu “Hãy dám
biết!” cũng chính là người dám đặt ra câu hỏi “thụt lùi” ấy! Và ông đặt cho lối
tư duy tự-phê phán ấy một tên gọi, có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ triết
học hiện đại: tư duy siêu nghiệm (transcendental). “Siêu nghiệm” cũng là vượt
ra khỏi kinh nghiệm, nhưng không phải bay bổng theo chiều đi lên như “siêu
việt”, mà là đi xuống, đi lùi lại, tự vấn. Cả hai đều bắt nguồn cùng một từ căn
Latinh: transcendere: vượt ra khỏi.
Quả thật, ta không thể triệt để trong
câu hỏi “khách quan” nếu không đồng thời triệt để trong câu hỏi “chủ quan”. Giữ
một khoảng cách với thực tại trực tiếp và với chính mình, trước sau vẫn là đòi
hỏi tối thiểu trong tư duy triết học. Tuy nhiên, nếu không quay lại với khởi
điểm, nếu bỏ rơi kinh nghiệm về thực tại, mải mê với “nguyên tắc”, triết học sẽ
chỉ còn là sự viễn mơ, mất hết sức sống như chàng dũng sĩ Achilles bị tách khỏi
lòng đất mẹ. “Giữ khoảng cách” không đồng nghĩa với “sống trên trời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét