Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2007

cao huy khanh



CAO HUY KHANH


THƠ BỆNH BÍCH KHÊ

Thơ Bích Khê tràn ngập mùi hương, có thể nói đó là một thế giới toàn hương từ cảnh vật chung quanh lan tỏa ra :

Đây bát ngát và thơm như sữa lúa

Nhựa đương lên, sức mạnh của lòng thương

Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa

Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương

Đây bát ngát và thơm như sữa lúa

Hồn xạ hương phơ phất ở trong sương…

(Mộng cầm ca)

đến cả châu thân nhà thơ cũng quyện với thơ làm một :

Chàng ơi đêm nín thở

Để hồn biến ra hương

(Ngũ hành sơn 1)

Hương hòa nhập vào tất cả, đồng hoà với tất cả sự vật . Như trăng cũng là hương :

Nàng bước tới như sông trăng chảy nhạc

Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương

(Nàng bước tới)

Lời nói cũng là hương :

Lời nức ra hơi hương

Dìu dịu tỏa trong buồng

(Hàn Mặc Tử)

Thậm chí âm nhạc trong đó cũng được ướp hương phảng phất dìu dặt :

Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ

Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc , lan man

(Đồ mi hoa)

Tất cả các loại hương ấy được nhà thơ tiếp nhận, tinh lọc, thăng hoa qua một khiếu thẩm định cực kỳ nhạy bén, tinh tế dường như đến tậïn cùng tế bào hương, từng chiều sâu thẳm của hương. Đến độ chừng như có thể vật chất hóa nó , cân đo đong đếm nó được :

Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nắng lặng

Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.

(Mộng cầm ca )

Hay :

Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy

Khóm lan thơ nặng khí ưu phiền

(Làng em)

Vì thế mà nhà thơ có thể lắng nghe được cả âm thanh của hương nữa :

Phăng mạch đêm, hương ứa vỡ ngầm tinh.

(Mộng cầm ca)

Và đóan chừng bóng dáng của hương thấp thoáng đâu đây, khi xa khi gần, truy tìm nó để chộp lấy nó :

Đâu đây lãng đãng bầu hương nhạc

Phát phất gần như phất phất xa.

(Tinh chất ngàn xuân)

Đến cả không gian cũng được nhuộm một mùi không định nghĩa được mà chỉ có nhà thơ mới phát hiện ra :

Gió về mang cả mùi lăng tẩm

Buồn cất lênh đênh những miếng đen….

(Dặm mòn)

Không chỉ say đắm với những loại hương cụ thể, Bích Khê còn mơ thấy, tưởng tượng thấy những mùi thơm ảo giác qua mối ám ảnh về nhục cảm ái ân vốn là một nét độc đáo táo bạo trong thơ ông :

Này, muôn ngọc nữ ngớp y thường

Tóc quyện hay mùi tô hợp hương…

(Nghê thường)

Từ mùi tóc đến hương thơm da thịt hiện về trong mộng :

Gió thiệt đa tình hôn mặt hoa

Thơm tho mùi thịt bắt say ngà…

(Hiện hình)

Đó hoàn toàn là những mùi hương không có thật từ những con người không có thật mà kinh nghiệm chung đụng của nhà thơ trong đời sống riêng lúc đó chắc không nhiều :

Nàng Vệ Nữ theo nàng Vệ Nữ

Áo âm dương gió tóc thơm rừng…

(Lên Kim Tinh)

Từ kinh nghiệm thẩm định hương thơ của Bích Khê cho thấy vai trò của khứu giác trong nghệ thuật sáng tạo của ông rất đặc biệt . Mà điều này thì lệ thuộc nhiều vào hoạt động của bộ phổi : hít , thở, hít vào, thở ra . Đó là hoạt động đã được tượng hình , thể hiện qua những hình ảnh mô tả mối quan hệ giao tiếp giữa tác giả và các loại mùi hương :

Ô nàng tiên nương!Hớp nhạc đầy hương

(Nhạc)

Hoặc :

Ngừng hơi thở ta nép trong bóng lá

Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên…

(Đồ mi hoa)

Tiếng thở, hơi thở ở đây là một yếu tố gắn liền với cơ thể sinh lý của nhà thơ :

Những dáng hình, thanh khí …Giữa mông mênh

Dường nhiếp ảnh sắc khua màu – Tiếng thở

(Duy tân)

Hay nó xuất phát từ sự vật vốn đã được tác giả nhân cách hóa theo mình :

Âm thanh gì sắp sửa … Ngọc Kiều ơi!

Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng

(Mộng cầm ca)

Năng khiếu khứu giác (ngửi) vô cùng phong phú , tinh vi của Bích Khê sở dĩ có được , đậm đặc ở đây phầøn nào bắt nguồn từ chính căn bệnh của ông : Bệnh lao đến chết. Những bệnh nhân lao thường đều có một cảm quan khứu giác cực nhạy, tinh tế hơn hẳn người thường do sự hoạt động bất bình thường của hai lá phổi . Trong giai đọan sáng tác đầu khi ông chưa mắc bệnh (tập Mấy dòng thơ cũ) không hề thấy xuất hiện năng khiếu khứu giác đặc biệt kể trên, điều trái ngược hẳn với giai đọan sau đã mang dấu án của bệnh lao:

Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ

Lấy môi, lấy má, lấy ngây thơ

Để anh nút ớn mùi hương ấm…

(Ảnh ấy)

Và :

Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương

… đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ…”

(Nhạc)

Nếu thơ Bích Khê còn giàu chất nhạc là do ông rát sành về nhạc (theo Chế Lan Viên), thơ Hàn Mặc Tử rên xiết đau nhức vì bệnh phong (với vai trò của xúc giác tối thượng) thì bệnh lao đã góp phần làm nên những bài thơ kỳ lạ của Bích Khê . Đó là dòng thơ bệnh – cái giá sinh mạng mà nhà thơ phải trả tuy thơ bệnh của Bích Khê rõ ràng thanh khiết, sạch sẽ , êm ái hơn thơ bệnh của Hàn Mặc Tử do cơ chế bêïnh gây nên.

Khó ai quên được mùi hương hoàng lan kỳ diệu khó tả của Thạch Lam – một người cũng đã chết vì bệnh lao . Khó ai không bồi hồi khi đọc lại những lời trăn trối đẫm đầy mùi hương của Bích Khê – không phải là hương thơm tưởng tượng nữa mà là mùi của cái chết đang dần dần đến :

Những tờ thơ nát đầy hơi hám

Tay khách đa tình sẽ chuyển trao…….

CAO HUY KHANH

3/1997


Không có nhận xét nào: